Bài của một học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 22-08-2017] Với những người Trung Quốc bình thường, trại giam nghe có vẻ xa lạ. Vì chính quyền giám sát chặt chẽ nên người ngoài biết rất ít về những cơ sở được sử dụng để tạm giam người bị tình nghi trước khi họ bị kết án hoặc được trả tự do tại phiên xử.

Nhiều người bị giam không muốn nhớ lại hoặc hiếm khi đề cập tới những gì họ đã trải qua, khiến công chúng càng khó biết điều đã xảy ra ở các trại tạm giam trên cả nước.

Chính quyền Trung Cộng đã sử dụng triệt để các trại tạm giam trong chiến dịch chống Pháp Luân Công trên toàn quốc bắt đầu từ năm 1999. Nhiều học viên bị tạm giữ ở các trại tạm giam trước khi họ bị kết tội và bị tống vào các trại lao động hoặc nhà tù. Nhiều người bị tàn phế hoặc thậm chí bị tra tấn đến chết vì từ chối từ bỏ đức tin của họ.

Dưới đây là thông tin cụ thể về việc các trại tạm giam ngược đãi những người bị tạm giữ, trong đó có các học viên.

Tra tấn và đánh đập

Những phương pháp này thường được cảnh sát sử dụng khi có người bị buộc tội nhưng từ chối nhận tội. Chúng trở thành hình thức điển hình để ngược đãi học viên. Cảnh sát cũng được thưởng nhờ ép các học viên từ bỏ đức tin của họ.

Cảnh sát treo các học viên nữ lên bằng còng tay và sốc điện họ bằng dùi cui điện. Chỉ những ai đã từng trải qua mới hiểu thế nào là địa ngục trần gian.

Các học viên tiếp tục phơi bày cuộc bức hại qua nhiều năm nên hầu hết không thấy được các trường hợp bị đánh đập và sốc điện như vậy một cách công khai. Song, các nhà chức trách tiếp tục sử dụng các tù nhân khác để ngược đãi các học viên.

Kiểm soát nghiêm ngặt bằng hệ thống nhiều cấp

Cảnh sát phụ trách mấy phòng giam nhưng thường không vào trong đó mà chọn một tù nhân ở mỗi phòng làm trưởng buồng. Những tù nhân này thường là khá giả và hay quà cáp cho cán bộ, hoặc người nhà họ có quan hệ với cảnh sát. Hầu hết họ dính líu tới buôn lậu ma túy hoặc cho vay nặng lãi. Họ thường vào ra trại tạm giam nên đã quen thuộc hệ thống này.

Các nhà chức trách hoàn toàn kiểm soát được những trưởng buồng này bằng cách cho họ đặc quyền. Họ phân công công việc cho những ai phải lao động khổ sai nhưng chính họ thì không lao động. Họ còn quy định cả việc sinh hoạt hàng ngày cho những người trong buồng giam của họ, kể cả vệ sinh cá nhân, chi phí, và tài chính.

Hệ thống kiểm soát nghiêm khắc biểu hiện rõ trong các bữa ăn, trong ba “máng ăn” – một thuật ngữ dùng để coi tù nhân như động vật.

Máng ăn thứ nhất có từ ba tới bốn người, gồm cả trưởng buồng và những ai có tiền hoặc quan hệ với cảnh sát. Một, hai người sẽ được phân công phục vụ. Ngoài việc dùng tiền riêng để mua dầu và đồ ăn khác, những người ở máng thứ nhất có thể tiêu tiền của những người khác cho việc riêng của bản thân, vì họ được cảnh sát hậu thuẫn. Ai phản đối sẽ bị trưởng buồng làm cho họ khổ sở cả trong lao động lẫn sinh hoạt hàng ngày.

Máng ăn thứ hai có bốn đến năm người. Họ thường được phân công phục vụ trưởng buồng và những người trong máng ăn thứ nhất. Họ cũng có thể có quan hệ nào đó với cảnh sát hoặc làm côn đồ cho trưởng buồng. Những tù nhân này có phần thiệt thòi hơn chút khi chia đồ ăn và có thể không có đủ đồ ăn. Một số từng ở trại giam lâu đã quen những người khác nên có thể ăn riêng hoặc ăn chung với một, hai người khác.

Máng ăn thứ ba và thấp kém nhất, gồm những người mới đến và người không có tiền hay gia đình, cũng như các học viên Pháp Luân Công. Họ được cho rất ít đồ ăn – quanh năm chỉ có một miếng bánh ngô và một ít súp bắp cải, chút ít cải bẹ xanh cho bữa sáng. Những ai có thể chịu đựng được thì không được tự ý mua đồ ăn mà phải nhờ trưởng buồng mua cho. Vậy nên, họ bị những người khác lấy mất đồ ăn.

Còn có một quy định là tù nhân không được cho nhau đồ ăn; chỉ có trưởng buồng mới được mua và phân phát đồ ăn. Họ giải thích là trại giam chỉ phân phối cho mỗi người một miếng bánh ngô thôi, nó rất thiếu thốn, cho nên ai cũng bị đói, trong khi đó, phần bánh ngô thừa lại bị đổ đi.

Trưởng buồng dùng bánh ngô hoặc đồ ăn thừa từ máng thứ nhất để khống chế lòng trung thành của những người ở máng thứ hai và coi đó như thù lao cho họ vì lao động thêm hay vì họ chăm sóc những người ở máng thứ nhất.

Công việc ở nhà giam cũng được sắp xếp theo máng ăn. Máng ăn thứ nhất có người phục vụ và không phải làm vệ sinh hoặc thay ca. Họ cũng lấy giường của người mới tới. Những người ở máng ăn thứ hai phải làm việc thay ca nhưng không phải làm vệ sinh.

Ngủ cũng có xếp hạng. Trưởng buồng lấy tấm nệm dày nhất, chỗ ngủ rộng bằng cho hai người. Những người khác trong hai máng đầu tiên cũng có đệm dày và chỗ ngủ đủ cho một người. Trong máng thứ ba, hai người phải nằm lựa trong chỗ ngủ dành cho một người và đắp chung một tấm chăn mỏng.

Khi bị mất tự do ngoài xã hội thì những người trưởng buồng này được cho nhiều đặc quyền, khuyến khích họ làm việc cho nhà chức trách. Họ cũng được thưởng với những điều kiện sống tiện nghi hơn vì đánh đập và chửi mắng những tù nhân khác và nhục mạ các học viên Pháp Luân Công.

Lao động cưỡng bức

Theo tôi hiểu thì việc dùng hình thức lao động cưỡng bức ở các trại giam bắt đầu từ khi xảy ra cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999 và đến nay vẫn tiếp diễn. Ngoại trừ trưởng buồng, thì tất cả các tù nhân, bất kể là có bệnh hay tuổi tác thế nào, cũng đều phải lao động nặng nhọc mỗi ngày và phải đạt chỉ tiêu sản xuất.

Nếu không đạt chỉ tiêu, họ có thể bị đánh hoặc chửi. Hàng ngày, họ đều sống như trong một cuộc đua với thời gian để có thể hoàn thành công việc sau khi thức dậy vào 6h sáng.

Tù nhân không được trả xu nào cho công việc họ làm. Tôi biết là một số doanh nhân trả tiền thuê trại giam với giá thấp hơn mà lại nhận được nhiều sản phẩm hơn. Vì tù nhân kiếm tiền cho cảnh sát, nên cảnh sát rất chú trọng tới số lượng sản phẩm.

Hệ thống đó khiến một số tù nhân tìm cách nô dịch hóa những người khác sau khi họ được thả, như để đền bù sự ngược đãi của chính họ khi bị giam. Bằng cách làm như vậy, những tù nhân này sẽ phạm tội.

Thức ăn khủng khiếp và thiếu dinh dưỡng

Đồ ăn ở trại giam vô cùng khó nuốt. Khẩu phần ăn sáng hàng ngày có dưa, cải bẹ xanh, một bát cháo to, và một miếng bánh ngô để các tù nhân khỏi bị đói. Bữa trưa và bữa tối có một miếng bánh ngô và một bát súp bắp cải nhỏ.

Hiếm khi lắm mới được đổi món. Một đến hai lần một tuần mới được ăn bánh bao, một tuần mới có một lần được ăn một quả trứng, một ít thịt mỡ trong súp rau một lần một tuần. Tuy nhiên, không ai dám ăn thịt mỡ, vì có thể bị tiêu chảy sau một thời gian lâu không ăn dầu.

Mắc tiêu chảy sẽ gây nhiều phiền toái vì mỗi ngày tù nhân chỉ được đi đại tiện một lần; thêm lần nào là phải xin phép lần ấy. Kể cả được cho phép rồi thì tù nhân vẫn bị trưởng buồng chửi bới.

Với kiểu ăn uống và làm việc quá giờ liên tục như thế này, tù nhân bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng.

Hàng hóa giá cao

Để bổ sung cho bữa ăn nghèo nàn, tù nhân không có lựa chọn nào khác mà đành phải mua đồ ăn giá cao ở trại giam.

Một gói mỳ ăn liền bán ở quầy tạp hóa địa phương là 1 tệ mà ở trại giam bán những 1.6 tệ. Mỗi buồng giam, bất kể là có bao nhiêu người, cũng chỉ được mua hai thùng mỳ ăn liền – việc này cũng tạm chấp nhận được. Như vậy, nếu một buồng giam có hơn 15 người thì sẽ không có đủ mỳ cho tất cả mọi người nên họ phải mua đồ ăn khác với giá rất đắt.

Có thể so sánh thế này, một cái bánh bao bên ngoài giá 1 tệ thì ở trại giam là 3 tệ. Một tệ cũng mua được ba miếng dưa ở quầy tạp hóa nhưng chỉ mua được một miếng ở trại giam.

Kết luận

Khi các học viên không ở trại giam vài tháng trước khi bị giam tại trại lao động hoặc nhà tù, họ dần quên mất sự ngược đãi ở trại giam. Tuy nhiên, cơ chế ở trại giam vẫn gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và cuộc sống của học viên.

Tôi hy vọng rằng các học viên có thể tiếp tục phơi bày sự sách nhiễu mang tính hệ thống ở các trại giam nhằm ngăn cảnh sát, lính canh, và các tù nhân ở đó khỏi phạm tội thêm nữa.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/8/22/352781.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/9/9/165345.html

Đăng ngày 3-11-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share