Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 09-10-2020] Một gia đình ba người đã bị bắt vào năm 2019 vì đức tin vào Pháp Luân Công. Trong khi vợ và con gái sau đó đã được trả tự do, người chồng vẫn bị giam giữ và trải qua hai phiên tòa xét xử. Công an đã bắt người vợ và con gái vài ngày sau phiên xét xử đầu tiên của ông. Người vợ hiện vẫn bị giam giữ và cô con gái bị từ chối tham dự phiên xét xử thứ hai của cha mình.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Ông Đỗ Cảnh Nghĩa là một luật sư ở độ tuổi 60 ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996 và cho biết rằng việc tu luyện đã chữa khỏi nhiều căn bệnh của ông.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 9 tháng 9 năm 2019, hai chiếc xe công an xuất hiện bên ngoài tòa nhà căn hộ của ông Đỗ. Công an đã bắt ông Đỗ khi ông ra ngoài mua hàng tạp hóa vào khoảng 6 giờ sáng. Sau đó họ đã lấy chìa khóa và lục soát nhà của ông. Hơn 300 cuốn sách Pháp Luân Công, ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và hơn 100.000 nhân dân tệ tiền mặt đã bị tịch thu (trong đó 50.000 nhân dân tệ tiền mặt đã được trả lại theo yêu cầu của gia đình). Vợ của ông Đỗ, bà Thôi Ngọc Thu và con gái của họ, cô Đỗ Tân cũng bị bắt.

Mặc dù vợ và con gái của ông Đỗ đã được thả vào khoảng 11 giờ tối ngày hôm đó, nhưng ông đã bị giữ tại Đồn công an Nghĩa Hòa Lộ qua đêm và chuyển đến Trại tạm giam số 2 thành phố Trường Xuân vào ngày hôm sau. Ông từng phải nhập viện vì bị ghẻ do điều kiện vệ sinh trong phòng giam không đảm bảo.

Khi luật sư của ông Đỗ gặp ông vào ngày 10 tháng 12 năm 2019, ông Đỗ nói với luật sư rằng ông đã bị truy tố và công tố viên đã đệ trình vụ việc của ông lên Tòa án quận Triều Dương.

Ông Đỗ có mặt tại phiên xét xử đầu tiên vào ngày 13 tháng 7 năm 2020 thông qua buổi xét xử trực tuyến. Thẩm phán Khương Huy, đã hoãn phiên tòa khi biết rằng luật sư không có thư giới thiệu từ văn phòng tư pháp địa phương, tuy nhiên điều này không được quy định trong luật. Thẩm phán Khương yêu cầu luật sư cung cấp thư giới thiệu trong phiên xét xử tiếp theo để có thể được biện hộ cho ông Đỗ.

Trước yêu cầu trái pháp luật của thẩm phán, gia đình ông Đỗ đã quyết định để ông tự biện hộ cho mình.

Hai ngày sau phiên xét xử của ông Đỗ, công an đã ập vào nhà và bắt vợ và con gái ông. Trong khi cô Đỗ được thả sau 13 ngày bị giam giữ, thì bà Thôi vẫn bị giam giữ tại trại tạm giam số 4 thành phố Trường Xuân.

Phiên xét xử thứ hai của ông Đỗ diễn ra vào ngày 28 tháng 9. Trương Đan, một thẩm phán khác đã cấm con gái ông tham dự phiên tòa với lý do cô được liệt vào là nhân chứng cho vụ án của ông. Khi cô Đỗ đi ra ngoài để tìm một thành viên trong gia đình khác tham gia phiên xử giúp cô, thẩm phán đã bắt đầu tiến hành thủ tục và từ chối cho người thân của ông Đỗ vào phòng xử án.

Sau phiên xét xử, gia đình ông Đỗ đã yêu cầu được gặp chủ tọa phiên tòa Vương Á Nam, nhưng bị từ chối. Họ được biết từ một nhân viên tòa án rằng phiên xét xử thứ hai được tiến hành thông qua hình thức trực tuyến và ông Đỗ đã không được tự biện hộ cho mình.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/9/413565.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/13/187801.html

Đăng ngày 17-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share