Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-08-2020] Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Kể từ khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc bắt đầu cuộc bức hại vào tháng 7 năm 1999, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù và tra tấn vì không chịu từ bỏ đức tin của mình.

Báo cáo này tập trung vào cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công diễn ra từ tháng 3 năm 2018 đến cuối năm 2019 tại Nhà tù nữ tỉnh Cát Lâm, thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc.

Ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ

Vào tháng 3 năm 2018, nhà tù bắt đầu ép những học viên không chịu từ bỏ đức tin của mình ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ và không được cử động trong nhiều giờ. Trong khi phương pháp tra tấn này đã được áp dụng trong nhà tù trước đây, lần này các lính canh đã kéo dài thời gian tra tấn, để tăng thêm sự đau đớn cho các học viên.

Các học viên bị buộc phải ngồi trên ghế đẩu với tư thế hai chân ép vào nhau và tay đặt lên đầu gối. Họ phải ngồi trong 18 giờ, từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm và chỉ được phép sử dụng nhà vệ sinh bốn lần một ngày. Họ không được phép tắm rửa, giặt giũ hay thay quần áo. Họ cũng không được quyền gọi điện hay nhận sự thăm hỏi từ phía gia đình.

Lính canh Cao Dương yêu cầu các tù nhân mỗi ngày chỉ cấp hai cốc nước và một ít cơm và rau cho những học viên từ chối chuyển hóa. Lính canh Cao ra lệnh đổ thức ăn còn lại xuống bồn cầu, thay vì đưa cho những học viên. Điều này khiến các đường ống bị tắc và nhà tù phải sửa chữa. Các học viên cũng không được phép mua bất cứ thứ gì để ăn, điều này khiến sức khỏe của họ trở nên rất yếu.

Vì các học viên không được phép tắm rửa hay giặt quần áo nên cơ thể họ bắt đầu bốc mùi do thời tiết nóng bức và các tù nhân khác thường chửi rủa họ vì vấn đề này.

Cô Phó Tuấn Thu ở thành phố Cát Lâm đã bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ suốt 18 giờ mỗi ngày khi cô không chịu từ bỏ đức tin của mình, khiến sức khỏe cô trở nên rất yếu. Cô bị huyết áp cao và hạ đường huyết. Cô đau đớn và thường xuyên bị tỉnh giấc sau những cơn ác mộng. Cô bị chứng mất ngủ và chỉ ngủ được khoảng 2-3 tiếng mỗi ngày. Cô cũng bị bệnh tim nặng. Cô yếu đến mức cần mọi người hỗ trợ khi đi bộ.

Cô Phó cũng không được phép tắm hoặc giặt giũ. Người tù nhân đang theo dõi cô đã nhục mạ cô vì mùi cơ thể. Người này cũng ép cô phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công.

Cô Vương Quyên ở huyện Nông An, thành phố Trường Xuân, bị bắt ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ khi đến nhà tù vào tháng 9 năm 2018. Khi cô từ chối, lính canh Cao đã ra lệnh cho bốn tù nhân đè cô Vương xuống và xịt nước ớt vào mặt cô.

Vào ngày 8 tháng 5 năm 2019, sau khi cô Dương Hồng Nhạn ở thành phố Cát Lâm từ chối ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ, một số tù nhân đã bị lính canh Cao sai khiến lật ngược ghế, nhấc cô Dương lên và quăng người cô lên các chân của ghế đẩu.

Sau vài cú quăng như vậy, cô Dương đau nhức khắp người và đổ gục xuống đất. Sau đó, Cao ra lệnh cho các tù nhân khiêng cô Dương vào giường và còng tay trái và chân phải của cô vào giường, khiến cô không thể cử động được. Cao cũng chỉ thị các tù nhân không được cung cấp thức ăn cho cô Dương.

Đêm đó, các tù nhân giám sát cô Dương và phải dọn dẹp cho cô nếu cô cần đi tiểu. Tuy nhiên, trong khi một tù nhân mắng chửi cô Dương thì một tù nhân khác dọa sẽ dùng chính quần áo của cô để lau nước tiểu.

Vào ngày hôm sau, Cao ép cô Dương ngồi trên chiếc ghế đẩu nhỏ sau khi mở khóa còng.

Vào mùa xuân năm 2018, mẹ của cô Dương bị ốm nặng và muốn gặp cô lần cuối nhưng đã bị nhà tù từ chối với lý do rằng cô Dương đã không ký vào các giấy tờ bảo lãnh. Tình trạng tinh thần suy sụp khiến cô Dương gặp nhiều vấn đề về tim mạch và đau tức ngực.

Đánh đập và bắt đứng

Đánh đập và bắt các học viên chịu đứng trong một thời gian dài là một phương pháp khác được nhà tù sử dụng trong nỗ lực buộc các học viên từ bỏ đức tin của mình.

Bà Hình Thục Hoa, ở độ tuổi 60, đã bị một tù nhân kéo vào nhà vệ sinh nhiều lần và bị đánh đập vì từ chối chuyển hóa.

Cao buộc cô Liên Kim Hoa phải đứng 18 giờ mỗi ngày khi cô từ chối học thuộc các nội quy nhà tù. Sau khi đứng hơn 10 ngày, chân của cô Liên đã trở nên sưng phồng đến mức nó trông sáng bóng. Cao sai khiến tù nhân Vương Lệ Na bức hại cô Liên, người này lấy nhiều lý do khác nhau để sỉ nhục và chửi rủa cô.

Cô Liên sau đó được chuyển đến một phòng giam khác chung với một tên tội phạm trước đó đã đánh đập các học viên là cô Kim Quế Chi, cô Trâu Thục Diễm và cô Kim Yến Đẳng khi họ từ chối chuyển hóa. Tên tội phạm đã đánh đập, chửi bới cô Liên và không cho cô ngủ, khiến sức khỏe của cô ngày càng giảm sút.

Khi cô Lưu Kiến Anh ở thành phố Ngọc Thụ đến nhà tù vào tháng 3 năm 2019, cô đã có biểu hiện rối loạn tâm thần do bị bức hại trong một trại tạm giam. Vì lý do sức khỏe nên cô Lưu từ chối ăn, nên các tù nhân khác thường đánh đập và chửi bới cô vào nửa đêm, đánh thức những người khác trong phòng giam. Môi trường này khiến chứng rối loạn tâm thần của cô Lưu ngày càng trầm trọng hơn.

Cô Lưu sau đó được chuyển đến bệnh viện của nhà tù và 4 tù nhân được chỉ định giám sát cô. Tại bệnh viện, hai tù nhân thường xuyên đánh đập và chửi bới cô Lưu. Một người trong số họ đã cào vào mặt cô Lưu, khiến cô chảy máu. Tuy nhiên, khi các tù nhân khác hỏi chuyện gì đã xảy ra, tù nhân này nói rằng cô Lưu đã tự cào vào mặt mình.

Các học viên khác cũng bị bức hại trong nhà tù bao gồm:

Trương Quốc Trân, Vương Thục Diễm, Hứa Tĩnh Ba, Vương Diễm Hân, Thôi Minh Thục, Ngưu Á Phân, Khương Nguyệt Thục, Diêm Thục Phân, Triệu Vũ Tĩnh, Trần Nghĩa Hồng, Lưu Thục Trân, Lưu Hương Trác, Dương Kim Ngọc, Trì Tố Cần, Trì Tố Linh, Phí Di, Lí Á Trân, Lí Quế Anh, Chu Nghiệp Linh, Vu Văn Ngạn, Trịnh Xuân Linh, Trương Quế Hà.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/8/27/411002.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/9/1/186588.html

Đăng ngày 10-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share