Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-07-2020] Bảy học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông đã bị bắt vào ngày 9 tháng 6 năm 2020 ở gần một tòa án khi họ đến đó để ủng hộ hai học viên khác bị đưa ra xét xử theo dự kiến vì tu luyện Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Trong số bảy học viên, bà Hàn Phượng Nhiên và bà Tống Thành Khuê là hai cư dân thành phố Trâu Thành, tỉnh Sơn Đông. Bà Trâu, ông Kỳ Dũng và ba học viên khác (chưa rõ tên), quê gốc ở thành phố Tế Ninh, tỉnh Sơn Đông, đã ngoài 60 hoặc ngoài 70 tuổi.

Hai học viên bị đưa ra xét xử tại Tòa án Quận Nhâm Thành là bà Vương Tú Cần và bà Tạ Ngọc Hà. Họ đã bị bắt vào ngày 13 tháng 12 năm 2019, vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công.

Cảnh sát mặc thường phục đã khám người bà Hàn và bà Tống, tịch thu điện thoại di động, ví tiền, thẻ căn cước công dân và thẻ xe buýt. Chỉ sau khi các học viên liên tục hỏi họ là ai, thì những cảnh sát này mới xuất trình thẻ cảnh sát của họ một cách miễn cưỡng.

Sau khi bà Hàn và bà Tống bị đưa tới trại tạm giam địa phương, họ bị giam trong tầng hầm và bị thẩm vấn tại các phòng riêng trong hơn ba giờ đồng hồ. Cảnh sát khám người các học viên một lần nữa, thậm chí khám cả tất của họ.

Đồng thời, cảnh sát cũng lục soát nhà của họ và tịch thu các sách Pháp Luân Công, một tấm ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công, các máy tính xách tay và máy in của họ.

Cả hai học viên đều bị giam hơn 30 tiếng và sau đó được thả vào ngày hôm sau theo diện bảo lãnh tại ngoại. Vài ngày sau, cảnh sát ở Tế Ninh triệu tập hai học viên trở lại đồn, song các học viên đã từ chối.

Hiện vẫn chưa có thông tin về tình huống hiện tại của năm học viên bị bắt ở Tế Ninh.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/2/408461.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/10/185828.html

Đăng ngày 20-07-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share