[MINH HUỆ 20-10-2010] Ba người là Bùi Kham, Vương Kính Bá, Lương Phương kết bạn để siêu thoát thế tục. Những năm Đại Nghiệp đời Tùy Dạng Đế, ba người bạn này cùng nhau vào núi Bạch Lộc học Đạo. Tuy họ trải qua tu luyện nội công, hái Tiên dược hơn chục năm, trải qua rất nhiều gian nan khổ cực, nhưng vẫn chưa đắc được bất cứ thứ gì.

Sau này Lương Phương chết, Vương Kính Bá nói với Bùi Kham rằng: “Chúng ta rời xa quê cha đất tổ, vứt bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý thế gian, vào núi sâu rừng già như thế này, không được nghe âm nhạc mỹ diệu, không được ăn uống sơn hào hải vị, không được thấy nữ sắc mỹ miều. Rời khỏi phủ đệ hoa mỹ vào ở lều tranh, coi hưởng lạc là sỉ nhục, tự cam chịu cảnh tịch mịnh sống cuộc sống thanh khổ thế này. Tất cả những điều này đều là vì để có thể đắc được Đạo, thành Tiên, mong mỏi một ngày có thể cưỡi hạc cưỡi mây đến cung Tiên Bồng Lai sống cuộc sống của Thần Tiên. Dẫu không thành Tiên thì cũng hy vọng có thể trường sinh bất lão, thọ cùng trời đất. Nhưng đến nay, cõi Tiên chẳng biết ở nơi nào, trường sinh cũng không có hy vọng, nếu chúng ta tiếp tục ở đây chịu khổ, chỉ có thể chết trong núi này mà thôi. Tôi dự tính lập tức xuất sơn trở về với cuộc sống hào hoa, cưỡi ngựa béo, mặc áo da nhẹ, thưởng thức âm nhạc, gần gũi mỹ nữ. Ngao du khắp những thắng cảnh kinh thành, chơi đủ rồi thì kiếm chức quan cầu công danh, những mong dương danh hiển thân chốn thế gian. Dù không được yến tiệc ở Dao Trì ở Thiên Cung, không được cưỡi thiên mã Thần long nghe phượng ca loan múa, không được ngày ngày bầu bạn với các Thần Tiên, nhưng làm quan to ở thế gian, mình mặc áo bào tía, lưng thắt đai vàng, ngày ngày ở cùng với các cao quan hiển đạt, còn có thể khiến tranh chân dung của mình được treo ở Lăng Vân Các mà thiên tử xây dựng ghi công các công thần, thật vinh diệu lắm thay. Sao chúng ta không trở về? Việc gì phải chết vô ích trong núi hoang vắng này.”

Bùi Kham nói: “Tôi đã nhìn thấu vinh hoa phú quý chốn nhân gian như khói mây qua trước mắt. Người tỉnh dậy sau giấc mộng thì sao có thể lại trở về trong mộng nữa?”

Vương Kính Bá mặc kệ Bùi Kham cố gắng lưu giữ thế nào cũng không nghe, một mình ra khỏi núi.

Lúc đó là năm Trinh Quán thứ nhất đời Đường Thái Tông. Vương Kính Bá không những khôi phục được chức quan cũ, hơn nữa từ cấp bậc của chức vụ cũ lại được thăng làm Tả vũ vệ kỵ Tào tham quân. Đại tướng quân Triệu Phỉ còn gả con gái cho Vương. Vỏn vẹn vài năm, Vương lại được thăng làm Đình bình của Đại Lý Tự, được mặc áo bào đỏ.

Một lần Vương phụng mệnh đi sứ Hoài Nam, ngồi thuyền đi đến Cao Bưu. Khi đó đội thuyền của Vương bày nghi trượng uy nghiêm, vô cùng oai phong, những thuyền dân trên sông đều lẩn tránh không dám tiến. Lúc này trời đổ mưa nhẹ, bỗng nhiên có một chiếc thuyền chài nhỏ xuất hiện trước đội thuyền của quan gia, trên thuyền là một ngư phủ đầu đội nón là, thân khoác áo tơi, chèo thuyền rất nhanh vượt qua đội thuyền quan gia, giống như một cơn gió mạnh. Nhìn kỹ, ngư phủ đó lại là Bùi Kham, người năm xưa cùng tu Đạo ở trong núi với ông.

Thế là Vương vội vàng sai thuyền đuổi theo. Sau khi đuổi kịp Bùi Kham, Vương Kính Bá lệnh thuộc hạ buộc thuyền chài của Bùi Kham ở sau thuyền lớn của ông, rồi mời Bùi Kham lên thuyền lớn, vào trong khoang ngồi, bắt tay Bùi Kham và nói: “Lão huynh năm xưa kiên trì không xuống núi cùng đệ, vứt bỏ công danh lợi lộc trên đời, một mực tu Đạo. Nhưng đến nay, huynh đã đắc được những gì? Chẳng phải vẫn là một ngư phủ trên sông đó sao? Do đó đệ thấy chuyện tu Đạo như là bắt gió bắt bóng vậy. Cổ nhân còn hiểu được đời người khổ cực, ngắn ngủi nên cần hưởng lạc gấp, thậm chí còn thắp đèn đuốc không để đêm trôi đi uổng phí nữa là tuổi thanh xuân lại vứt bỏ tháng năm đi vô ích sao? Sau khi đệ xuất sơn, chỉ vài năm là đã làm đến Đình úy Bình sự. Do đệ xử án công bằng nghiêm chính, được triều đình tán thưởng, thiên tử còn ban riêng cho đệ được mặc áo bào đỏ, thắt đai lưng vàng. Gần đây vùng Hoài Nam có một nghi án, mãi vẫn chưa phân định được, đệ được chọn đi, do đó mới có chuyến đi Hoài Nam lần này. Hiện nay đệ tuy vẫn chưa được coi là như diều gặp gió, nhưng so với ông già trong núi thì cũng tốt hơn nhiều rồi. Bùi huynh vẫn giống như xưa kia, cam lòng ở trong núi chôn vùi bản thân, đệ thật không thể nào hiểu nổi! Không biết Bùi huynh cần thứ gì đệ nhất định sẽ đáp ứng yêu cầu của huynh.”

Bùi Kham nói: “Tôi tuy là một bình dân ở trong núi, nhưng từ lâu đã gửi tâm vào hạc tiên và mây trời, tôi giống con cá bơi dưới sông, việc gì ông phải khoe khoang danh lợi phù du nhỏ mọn đó với tôi? Những thứ mà trong nhân thế cần thì tôi đều đầy đủ, ông có thể tặng tôi cái gì đây? Tôi cùng bằng hữu trong núi đến Quảng Lăng bán thuốc, cũng có chỗ nghỉ ngơi. Ở phía đông của Thanh Viên Lâu có một vườn hoa anh đào rộng vài dặm, phía bắc vườn hoa có một cổng có thể đi xe được, đó là nhà của tôi. Sau khi xử lý công vụ, nếu ông có thời gian rảnh rỗi, có thể đến đó tìm tôi.” Bùi Kham nói xong liền phóng khoáng ra đi.

Hơn chục ngày sau khi đến Quảng Lăng, Vương Kính Bá nhớ tới lời của Bùi Kham liền đi tìm ông ta. Tìm đến vườn anh đào, quả nhiên có một cổng xe đi được, hỏi thăm thì quả nhiên là nhà Bùi Kham. Người gác cổng dẫn Vương Kính Bá vào trong. Ban đầu, bốn bề xung quanh rất hoang dã thê lương, nhưng càng đi thì cảnh sắc càng đẹp. Sau khi đi mấy trăm bước, lại vào một cánh cổng lớn, phía trong là lầu các trùng trùng, hoa cỏ tươi tốt, dường như không phải là nơi người phàm trú ngụ. Khói sương bao phủ, cảnh sắc vô cùng tú lệ, không thể nào diễn tả nổi, từng làn hương thơm theo gió thổi tới khiến người ta tỉnh táo sảng khoái, phiêu diêu như thân đang trên mây vậy.

Vương Kính Bá ở lại nơi này một đêm, thưởng thức tất cả những gì mà chốn phàm trần không hề có. Khi trời sáng, Bùi Kham an ủi Vương Kính Bá rằng: “Ông là bằng hữu trong núi của tôi, do ý chí tu Đạo không kiên định, làm quan thời gian dài ở chốn nhân gian, trong tâm toàn là tham dục và tư tâm, giống như cõng một cái bao nặng khiến ông cất bước khó khăn. Bị vinh hoa thế gian mê mẩn tâm trí, khiến bản thân cam tâm tình nguyện đi trên nước sôi lửa bỏng, thông minh lại bị chính thông minh dẫn dắt sai đường, giỏi mưu tính trái lại hại bản thân, từ đó nổi trôi trong biển khổ của sinh sinh tử tử, nhìn không thấy bờ bên kia. Do đó tôi mới cố ý mời ông đến đây, muốn để ông tỉnh ngộ. Ông đang thi hành công vụ mà thân trú ở đây một đêm, thuộc hạ và quan viên trong quận kinh hoàng vì không tìm thấy ông. Ông hãy về dịch quán của ông trước đi. Trước khi ông trở về kinh phục mệnh thì vẫn có thể lại đến đây thăm tôi, đường trần dài dằng dặc. Con người trên thế gian thường có muôn vạn sầu lo, mong ông hãy trân trọng.”

Vương Kính Bá bái tạ từ biệt Bùi Kham, năm ngày sau, Vương Kính Bá giải quyết xong công vụ, sắp trở về kinh nên đi tìm Bùi Kham, muốn từ biệt. Nhưng đến vườn anh đào, trong cánh cổng không thấy phủ đệ hoa lệ sang trọng của Bùi Kham đâu nữa, chỉ là một mảnh đất hoang đầy cỏ dại. Ông vô cùng rầu rĩ trở về, lúc này ông mới biết ý chí tu luyện của mình không kiên định, đã rơi rớt trong chốn hồng trần rồi.

Tu luyện là nghiêm túc, chỉ có ý chí tu luyện kiên định, không dao động bởi danh, lợi, tình, thì mới có thể cuối cùng tu thành chính quả, nếu không ắt sẽ bị hủy bởi danh lợi tình, khi tỉnh ngộ hối hận thì cũng đã muộn rồi.

(Nguồn tư liệu: Thái Bình quảng ký)


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2010/10/20/231221.html

Đăng ngày 29-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share