Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 08-09-2019] Cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vốn dựa trên tuyên truyền và lừa dối kể từ khi nó bắt đầu vào năm 1999. Để phơi bày những thông tin sai sự thật về đức tin của mình, nhiều học viên Pháp Luân Đại Pháp, kể cả các học viên đang bị giam giữ, đã tận dụng mọi cơ hội có thể để nâng cao nhận thức cho mọi người về cuộc bức hại này, vốn là cuộc bức hại không ​hề có cơ sở pháp lý.

Tôi đã từng bị bắt giữ nhiều lần vì không chịu từ bỏ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Bất luận là tôi bị giam giữ ở đâu, ở trại giam hay trại lao động, tôi đều trò chuyện với các lính canh và tù nhân về môn tu luyện của mình. Nhiều người trong số họ đã nhìn thấu tuyên tuyền phỉ báng của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Đại Pháp, và thậm chí còn trân trọng sự tốt đẹp của Đại Pháp và sự tốt bụng của các học viên Đại Pháp.

Ba câu chuyện trong bài viết này trình bày một vài trường hợp như vậy.

(Tiếp theo phần 2)

Năm 2002, tôi lại bị bắt và bị giam trong một nhà tù. Tôi đã tuyệt thực mấy lần để phản đối việc bị giam giữ bất hợp pháp.

Tôi từ chối mặc áo tù nhân, vì tôi biết mình không phạm tội và không nên bị đối xử như tù nhân. Giám đốc nhà tù tìm cách ép tôi mặc, còn phó giám đốc ra lệnh trói chân tay tôi vào bốn góc giường.

Tôi bắt đầu tuyệt thực vì tôi chỉ còn cách để phản đối.

Vào ngày thứ năm tôi tuyệt thực, lính canh đã đưa bác sỹ và y tá đến bức thực tôi. Tôi đã từ chối bức thực. Họ ghì chặt tôi xuống, rồi cạy miệng há to ra đến nỗi họ gần như làm vỡ hàm của tôi. Trong quá trình đó, họ đánh gãy răng cửa của tôi, và khiến miệng tôi bị chảy máu.

Hôm sau, tôi được chuyển sang một phòng giam khác vì vẫn không chịu ăn. Lính canh bảo các tù nhân rằng nhiệm vụ của họ là mặc áo tù nhân cho tôi và họ sẽ bị trừng phạt nếu tôi không mặc.

Tù nhân trưởng phòng giam: “Các học viên Pháp Luân Đại Pháp là đồng tu của tôi!”

Để buộc tôi phải nhượng bộ, các tù nhân đã đặt một tấm ván gỗ lên người tôi, rồi bốn người họ ngồi lên tấm ván. Hơn một giờ sau, tù nhân trưởng phòng giam bước vào, hỏi chuyện gì đang xảy ra.

Họ trả lời: “Sếp bảo chúng tôi phải bắt anh này mặc áo tù nhân.”

Trưởng buồng giam đấm vào mặt hai tù nhân ngồi trên tấm ván gỗ, hai người còn lại bỏ chạy. Anh mắng họ: “Anh muốn làm theo lệnh của ai? Anh không biết tất cả các học viên Pháp Luân Đại Pháp là đồng tu của tôi sao! Sao anh dám đối xử với một học viên như thế này!”

Rồi anh ngồi thụp xuống, hỏi han tôi. Tôi không trả lời vì tưởng đó là màn dàn dựng của lính canh. Tuy nhiên, khi tôi ngước lên, tôi thấy một thanh niên đẹp trai đang nhìn tôi, đôi mắt đẫm lệ.

Anh nói: “Tôi nghe nói có người vừa được chuyển đến phòng giam của tôi, mà tôi không biết đó là anh! Anh phải chịu đựng nhiều quá.”

“Chúng ta đã gặp nhau chưa?”, tôi hỏi.

Anh nói: “Anh không nhớ sao? Dịp Tết Nguyên đán, tôi đã chuyển một bản kinh văn mới của Sư phụ Lý cho anh. Anh đã giơ ngón tay cái mà bảo tôi là một người có đạo đức.”

Tôi nhớ anh rồi.

Anh ấy tiếp tục: “Tôi đã gặp mấy học viên Pháp Luân Đại Pháp ở đây, họ đã cho tôi biết sự thật về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại. Mặc dù tôi chưa bắt đầu nhưng tôi thực sự sẽ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong tương lai!”

“Tôi không như anh, tôi không phải là người tốt. Tôi đã làm quá nhiều điều xấu và đã tích nhiều nghiệp lực. Thật tốt khi anh ở đây. Bây giờ tôi có một học viên ở cùng với tôi. Anh không nên mặc áo tù nhân hay học thuộc quy tắc của trại giam vì anh không phải là tù nhân. Mà anh nên đọc các bài giảng của Sư phụ. Nếu muốn tuyệt thực thì anh cứ làm đi, vì nếu anh có thể rời đi sớm thì sẽ tốt hơn. Còn nếu anh muốn ăn gì đó thì cứ bảo tôi, tôi có thể mang cho anh. Anh sẽ ăn với tôi. Trước đây, tôi cũng đối xử với các học viên khác như thế.”

Tù nhân trưởng phòng giam được ra ngoài mỗi ngày vì anh ấy biết nhiều người trong trại giam. Anh đã giúp đưa các bài giảng của Sư phụ cho các đồng tu của chúng tôi. Anh cũng giúp giấu tất cả các bài giảng trong phòng giám đốc khi có người bên ngoài đến kiểm tra phòng giam của chúng tôi, xong lại trả lại cho chúng tôi sau khi những người đó rời đi.

Tù nhân hứng thú với các câu chuyện về Pháp Luân Đại Pháp

Phòng giam của chúng tôi được coi là phòng giam “văn minh”, nên tù nhân được xem TV. Hễ có người bị kết án hoặc sắp bị chuyển đi là mọi người lại rầu rầu, vì vậy tù nhân trưởng phòng giam nói: “Tối nay chúng ta sẽ không xem TV. Chúng ta hãy nói anh em Pháp Luân Đại Pháp kể cho chúng ta một câu chuyện về Pháp Luân Đại Pháp.”

Tôi luôn tranh thủ những cơ hội này để nói với họ chân tướng và lợi ích của Pháp Luân Đại Pháp; họ rất thích những câu chuyện của tôi.

Có lần, một tù nhân bị bác đơn kháng cáo và bị giữ nguyên bản án 15 năm, anh ấy đã nổi cáu và tức giận. Nghĩ về vợ, đứa con trai 10 tuổi và bố mẹ, anh cảm thấy rất tệ.

Trưởng phòng giam bảo mọi người: “Tối nay người bạn của chúng ta cảm thấy không tốt, vì vậy thay vì xem TV, chúng ta hãy nghe một câu chuyện về Pháp Luân Đại Pháp.”

Tôi kể cho họ nghe về những trải nghiệm tu luyện của tôi, những câu chuyện về tái sinh, cũng như những câu chuyện tái sinh của Milarepa và Thích Ca Mâu Ni.

Trưởng phòng giam nhận xét: “Chúng ta có thể không được chứng kiến ​​nhiều điều trong lịch sử, nhưng chúng ta đã thấy người học viên này bị kết án 10 năm chỉ vì anh ấy muốn đi theo đức tin của mình để trở thành một người tốt, thế nhưng anh vẫn rất lạc quan. Còn chúng ta đây, đúng là ai cũng đã làm điều xấu, nên chúng ta phải trả nghiệp của mình. Nếu tất cả chúng ta học Pháp Luân Đại Pháp và coi trại giam này là nơi để tu luyện thì đó sẽ là hảo sự.”

Đề cao “Nhẫn”

Có lần, trưởng phòng giam đánh đập hai tù nhân đang tranh giành thức ăn. Anh ấy mất kiểm soát và không chịu nghe tôi khi tôi cố ngăn anh lại. Sau đó, anh ấy cảm thấy rất hối tiếc và hỏi tôi: “Tôi gọi anh là đồng tu là vì tôi thực sự muốn tu luyện, nhưng tôi không sao nhẫn được. Một người như tôi có thể tu luyện Pháp Luân Đại Pháp không? Tôi nói: “Mặc dù anh có mong muốn tu luyện, nếu anh không đọc các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp thì anh không có uy lực của Pháp để kiềm chế bản thân. Nếu ngày nào cũng đọc các bài giảng thi anh sẽ sinh tâm dung nhẫn.”

Đêm đó, anh thông báo rằng chúng tôi sẽ không xem TV. Anh ấy yêu cầu tôi giải thích tại sao tôi không bao giờ có mâu thuẫn với bất cứ ai. Tôi kể cho họ nghe một vài câu chuyện về tu nhẫn.

Tôi nói với họ rằng tôi từng là một quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và đã bị tẩy não bằng triết lý đấu tranh của ĐCSTQ. Do đó, tôi rất thích tranh đấu với những người khác.

Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, nhân sinh quan và thế giới quan của tôi đã thay đổi. Tôi trở nên ân cần hơn. Tôi liên tục nhắc nhở bản thân không được làm gì có hại cho người khác, rằng nếu tôi bị đối xử tệ thì đó là cơ hội để tôi đề cao tâm tính của mình. Tôi đã phải rất nỗ lực để đề cao “Nhẫn”.

Sư phụ Lý dạy chúng tôi thế này:

“Chúng ta nói rằng khi gặp mâu thuẫn trước mặt, lùi một bước biển rộng trời cao, đảm bảo sẽ là một cảnh tượng khác. (Bài giáng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Nếu ai đó có ác cảm với tôi, tôi không trách anh ta. Thay vào đó, tôi hướng nội, tìm lỗi ở bản thân, xem mình có làm gì sai ảnh hưởng đến người này không, sau đó, tôi sẽ đối xử với anh ta bằng thiện tâm. Nếu tôi thực sự nhìn thấy thiếu sót của anh ấy, tôi sẽ chỉ nó ra bởi vì tôi chân thành muốn người đó tốt lên. Cuối cùng, thường thì chúng tôi sẽ trở thành bạn bè. Tâm thiện của tôi đề cao lên như thế đó.

Trưởng phòng giam nhận xét: “Tôi đã gặp một số học viên Pháp Luân Đại Pháp, mà không ai trong họ từng xảy ra mâu thuẫn cả. Các học viên Pháp Luân Đại Pháp quả là khác những người như chúng tôi.”

Sư phụ nói mới được tính

Sau khi tôi bị đưa vào một nhà tù, tôi bắt đầu tuyệt thực vì các lính canh cấm tôi luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công.

Ba ngày sau, nhà tù yêu cầu tôi phải kiểm tra sức khỏe. Các bác sỹ bảo gan của tôi có vấn đề, vì thế, họ đã đưa tôi trở lại trại giam.

Trưởng phòng giam nói với tôi: “Họ đáng lẽ phải cho anh tại ngoại để điều trị, nhưng họ sẽ không cho anh về nhà dễ dàng trừ khi anh tuyệt thực hoặc bị bệnh nặng.”

Nghe như điểm hóa của Sư phụ đối với tôi. Vì vậy, tôi đã yêu cầu trại giam thả tôi vì lý do y tế. Họ trả lời rằng họ sẽ phải báo cáo tình hình của tôi cho các bộ phận liên quan.

Mấy ngày trôi qua, không ai theo dõi tôi, các lính canh và các bác sỹ cũng tránh tôi. Thế là tôi bắt đầu tuyệt thực. Hàng ngày, trưởng phòng giam báo cáo với các bác sỹ rằng tôi không ăn, nhưng dường như vẫn không có ai chú ý đến tôi.

Trưởng phòng giam kể với tôi, có hôm, anh ấy trình bày với ban giám đốc và họ bảo anh ấy rằng họ biết rõ tình hình của tôi, nhưng họ không thể thả tôi vì một số học viên Pháp Luân Đại Pháp đã rời khỏi Trung Quốc và tổ chức họp báo về tình cảnh của họ trong tù sau khi được trả tự do. Họ không muốn tôi phơi bày cuộc bức hại ra thế giới bên ngoài.

Tôi nói với trưởng phòng giam: “Những gì họ nói không được tính bởi vì Sư phụ nói mới được.” Anh nhắc lại: “Đúng, Sư phụ nói mới được tính!”

Một hôm, trưởng phòng giam bảo tôi: “Mặc dù về thể chất, anh hơi yếu, nhưng nhìn vào mắt anh, tôi có thể nói rằng anh rất khỏe mạnh. Nếu họ đến để kiểm tra lại cho anh thì đừng mở mắt ra, mà cũng đừng nói gì. Chúng tôi sẽ trả lời câu hỏi của họ cho anh.”

Khi phó giám đốc trại giam, bác sỹ và lính canh đến kiểm tra và bức thực tôi, trưởng phòng giam nói: “Anh ấy yếu lắm, ý thức cũng không tỉnh táo. Các anh mầ bức thực anh ta thì anh ta không sống nổi đâu. Rủi ro lắm!”

Sau đó, bác sỹ yêu cầu y tá cho tôi uống sữa. Cô ấy đổ đến thìa thứ ba vào miệng tôi thì tôi nhổ ra.

Bác sỹ nói: “Anh không thấy anh ta cứ cố tình nhổ sữa ra sao? Trưởng phòng giam trả lời: “Không hẳn thế. Chẳng qua anh ta không ăn được nữa. Tôi mà lâu lâu chưa ăn gì thì tôi sẽ uống hết cả ly chứ chẳng nhổ ra.” Họ nhìn nhau rồi bỏ đi.

Sau đó, trại giam bắt đầu truyền tĩnh mạch bằng thuốc không rõ tên cho tôi. Tôi biết rằng tôi không bị bệnh gì, vì vậy mỗi lần bác sỹ rời đi, tôi lại rút kim ra và đổ dịch trong chai dịch vào một chai nước.

Trưởng phòng giam nói: “Tôi hiểu tại sao anh làm thế và tôi cũng biết trại giam không thực sự muốn điều trị gì cho anh. Ngoài ra, chúng ta cũng không biết chai đó có gì. Nhưng nếu họ phát hiện anh đổ ra thì họ sẽ trói anh vào giường.”

Anh yêu cầu một tù nhân khác bí mật lau dọn chỗ dịch đó. Anh cảnh báo: “Anh biết đồng tu của tôi là người tốt. Chúng ta muốn giúp anh ấy ra ngoài sớm, vì vậy không ai được nói cho người khác biết điều này!”

Bác sỹ tăng liều từ một chai lên ba chai mỗi ngày, nhưng mỗi lần bác sỹ đến kiểm tra tôi, anh lại lắc đầu.

Trưởng phòng giam hỏi bác sỹ: “Tại sao anh không cho anh ta một loại thuốc tốt hơn? Có vẻ như anh càng cho anh ta nhiều, anh ta càng tệ.”

Trại giam bắt đầu theo dõi tình hình của tôi và họ đã kiểm tra tôi mấy lần một đêm.

Một hôm, cửa mở ra thì một người dáng vẻ như cán bộ bước vào: “Ai là học viên Pháp Luân Đại Pháp?” trưởng phòng giam chỉ vào tôi.

Người này nói: “Bỏ chăn ra để tôi nhìn anh ta. Một tù nhân đã làm theo yêu cầu của anh ta. Người đó nhìn tôi, rồi lập tức chạy ra khỏi phòng giam. Trưởng phòng giam thì thầm với tôi: “Anh sẽ sớm được tự do thôi. Họ sợ anh có thể chết ở đây.”

Trước khi tôi được thả ra, trưởng phòng giam nói: “Cuối cùng, anh cũng được tự do! Đừng quên tôi! Khi tôi về nhà, tôi phải tìm anh để tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Anh phải dạy tôi đấy nhé!” Tôi mở mắt, nhìn anh ấy, và gật đầu. Tôi lại thấy anh ấy nước mắt lưng tròng.

Chàng trai này thực sự đã được phúc báo vì đã đối xử tốt với các học viên Pháp Luân Đại Pháp. Sau khi tôi được thả ra, anh cũng được giảm án, và được thả ra sớm.

(Hết)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/9/8/黑窝里的明白人(3)-392317.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/11/14/180723.html

Đăng ngày 08-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share