Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tỉnh Thiểm Tây

[MINH HUỆ 24-11-2019] Ông Xà Trình Bang, nguyên giáo viên trung học ở huyện Hán Âm, tỉnh Thiểm Tây, đã phải thụ án ba năm tại một trại lao động cưỡng bức và bảy năm tù chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã qua đời vào tháng 3 năm 2019 sau ba năm được thả.

Ông Xà, 53 tuổi, ra đi để lại người mẹ già đã ngoài tuổi bát tuần cùng vợ (cũng nhiều lần bị bắt giữ vì tu luyện Pháp Luân Công) và đứa con trai mới bắt đầu học trung học. Trước khi ông Xà qua đời, cha ông đã qua đời vào tháng 4 năm 2018 sau nhiều lần bị cảnh sát và các quan chức chính quyền sách nhiễu.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, đã và đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ tháng 7 năm 1999.

Bị đá vào ngực và bị đấm vào thận

Ông Xà, giáo viên ngôn ngữ dạy lớp cuối cấp tại trường Trung học huyện Hán Âm, thành phố An Khang, rất được kính trọng vì những thành tựu trong công việc giảng dạy. Những cống hiến của ông cùng thành tựu xuất sắc trong công việc và những nhận xét tích cực từ phía học sinh đã mang lại cho ông danh hiệu “Giáo viên của năm”. Bên cạnh việc giảng dạy, ông còn tình nguyện làm người điều phối chính của các điểm luyện công tại huyện Hán Âm trước khi cuộc bức hại xảy ra.

Năm 2000, ông Xà và một số học viên địa phương đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Họ đã bị bắt và bị đưa trở về huyện Hán Âm. Ông Xà bị kết án ba năm tại Trại lao động Táo Tử Hà.

Các lính canh của trại lao động này đã tra tấn ông Xà nhằm nỗ lực ép buộc ông từ bỏ đức tin của mình. Có lần họ đã đá mạnh vào ngực và đấm vào thận của ông. Một lần khác, họ còng tay ông ra sau lưng rồi từ chỗ còng tay treo ông lên các ống sưởi và các ngón chân ông hầu như không chạm đất. Hình thức tra tấn này kéo dài 27 ngày, khiến ông Xà đã bị thương tổn nghiêm trọng và chấn động tinh thần.

1ede505823f9f38726402767b19f0969.jpg

Minh họa cảnh tra tấn: đá vào ngực

551f7ce75031a61420e10abd0840b617.jpg

Minh họa cảnh tra tấn: bị còng tay sau lưng và treo lên cao

Sau khi được thả khỏi trại lao động, ông Xà đã bị cách chức khỏi vị trí giảng dạy của mình và bị giao làm những công việc lặt vặt ở trường. Vì thu nhập bị cắt giảm, gia đình ông đã phải vật lộn để kiếm sống.

Cả hai vợ chồng bị cầm tù

Ngày 8 tháng 4 năm 2009, nhiều học viên ở thành phố An Khang đã bị bắt giữ. Trong số đó có hơn 10 học viên ở huyện Hán Âm, trong đó có ông Xà và bà Bành Hà, vợ ông. Đứa con hai tuổi của họ đã bị bỏ lại ở nhà cùng với cha mẹ của ông Xà đã ngoài 70 tuổi. Ông bà và cháu phải sống trong cảnh khốn khó khi không có thu nhập.

Trong phiên tòa bí mật tại Tòa án Hán Âm vào ngày 24 tháng 12 năm 2009, ông Xà đã bị kết án bảy năm tù tại Nhà tù Vị Nam. Bà Bành cũng bị kết án phi pháp vì đức tin của mình. Bà bị kết án tù treo, nhưng Trần Dũng, khi đó là Bí thư Đảng ủy của Sở cảnh sát thành phố An Khang, đã từ chối thả bà.

Lính canh nhà tù đã ra lệnh cho các tù nhân theo dõi chặt chẽ ông Xà. Ông sẽ bị chửi mắng ngay cả khi chỉ vừa mới lướt nhìn các học viên Pháp Luân Công khác. Tương tự như những gì ông đã chịu đựng trong trại lao động, lần này ông lại tiếp tục bị ngược đãi thể xác ở trong tù.

Sau khi được thả ra khỏi nhà tù Vị Nam vào tháng 4 năm 2016, ông Xà bị giao làm nhân viên tạm thời tại phòng tập thể dục của trường. Sức khỏe của ông tiếp tục xấu đi do những hậu quả từ việc bị ngược đãi trong tù.

Vào một đêm năm 2017, ông bị ngã từ trên giường xuống và không thể cử động được. Dù tình trạng của ông đã được cải thiện sau khi đọc sách và luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, nhưng sau đó lại trở nên xấu đi. Cuối cùng, ông chỉ có thể nằm trên giường và không thể ăn trong những năm cuối đời. Ông Xà đã qua đời vào tháng 3 năm 2019.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/11/24/396174.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/11/26/180862.html

Đăng ngày 04-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share