Bài viết của ông Vương Vĩnh Hàng ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 10-7-2018] (Tiếp theo Phần I)

Ông Vương Vĩnh Hàng là một luật sư nhân quyền đã biện hộ cho các học viên Pháp Luân Công kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc bức hại pháp môn vào năm 1999. Cũng như luật sư Cao Trí Thịnh và nhiều luật sư khác ủng hộ học viên Pháp Luân Công, ông Vương cũng bị chính quyền trừng phạt tàn khốc, bị kết án bảy năm tù giam phi pháp và tra tấn tàn bạo.

Ông Vương hiểu rằng công chúng sẽ không bao giờ biết về những trải nghiệm của ông và nhiều học viên Pháp Luân Công khác nếu họ không kể lại câu chuyện của mình. Dưới đây là trải nghiệm của chính ông Vương về những vi phạm pháp luật của chính quyền cộng sản khi bức hại các học viên Pháp Luân Công.

Xét xử và kết án phi pháp

Khi giữ một tù nhân ở bệnh viện, thường là có một công an ở trại tạm giam và hai cảnh sát vũ trang túc trực để canh chừng tù nhân đó. Vì lo ngại ảnh hưởng của trường hợp của tôi, chính quyền đã cử thêm hai công an, mỗi ngày lại bố trí một công an từ 13 đồn công an thay phiên nhau, do Phòng Công an Sa Hà Khẩu ở Đại Liên giám sát.

Một cảnh sát trẻ tuổi canh chừng tôi đã thuật lại những hành động của phòng công an này vào hôm họ bắt tôi. Anh ấy kể lại một số thông tin từ thời điểm tôi rời khỏi nhà. Tuy nhiên, nếu công an không theo dõi tôi vào sáng hôm đó, họ đã không biết nhiều chi tiết như vậy. Sau đó, tôi nhận ra dù vụ bắt giữ ngày hôm đó là nhắm vào tôi, nhưng các học viên khác cũng bị liên đới.

Hồi cuối năm 2009, tôi có để ý học viên Pháp Luân Công, tên là Phùng Cương, người đã bị bắt trong thời gian tôi bị giám sát, đã qua đời. Sau khi được trả tự do, tôi đọc trên Minh Huệ Net mới biết ông Phùng bị tra tấn ngay sau khi bị bắt.

Tòa án Quận Sa Hà Khẩu đã mở phiên điều trần vào ngày 14 tháng 9 năm 2009. Họ không thông báo cho gia đình hay luật sư của tôi, cũng không thông báo cho tôi trước ba ngày theo quy định pháp luật.

Sau phiên xử, thẩm phán Lý Biên Giang ra chỗ tôi, hỏi thăm về chỗ thương ở mắt cá chân. Tôi đáp lại: “Thưa thẩm phán Lý, xin ông hãy nhận định đúng đắn về vấn đề Pháp Luân Công.”

Thẩm phán trả lời: “Tôi đã đọc các bài viết của anh, cũng được dùng làm bằng chứng [trong hồ sơ của anh]. Anh thật có tài. Tuy nhiên, anh không nên chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).“

Tôi trả lời: “Là một thẩm phán, ông nên tập trung vào các vấn đề pháp lý, chứ không phải là ai chống lại ai.”

Ở Trung Quốc, các nhà chức trách và tay sai của họ thường quy kết tội danh “chống lại Đảng” đối với những ai chống đối và tấn công họ về mặt chính trị.

Ngày 27 tháng 11 năm 2009, Tòa án Quận Sa Hà Khẩu đã kết án tôi bảy năm tù. Tôi đã tuyệt thực để phản đối việc kết án phi pháp. Trại tạm giam đã bức thực và còng tay tôi ra sau lưng hơn 30 tiếng đồng hồ.

Sau đó, tôi mới biết có hai luật sư ở Bắc Kinh – luật sư Lan và luật sư Trương – đã đến Đại Liên sáu lần để gặp tôi. Tuy nhiên, trại tạm giam Đại Liên đã không cho họ gặp tôi. Nhưng đến lần thứ sáu, họ được thông báo là Tòa án Trung thẩm Đại Liên cần họ hỏi xem tôi có kháng cáo hay không. Đó là lần duy nhất luật sư được gặp tôi trong bảy năm tù.

Tra tấn ở trong tù

Ngày 2 tháng 4 năm 2010, tôi bị đưa đến Nhà tù Liêu Nam Tân. Khi tôi từ chối mặc đồng phục của nhà tù, các tù nhân đã đánh tôi và lột quần áo của tôi ra, rồi mặc đồng phục nhà tù cho tôi.

Tiếp đó, ngày 22 tháng 4 năm 2010, tôi bị đưa đến Nhà tù Thẩm Dương Số 1 Tỉnh Liêu Ninh. Chỉ trong vòng hai tuần, tôi đã bị mấy tù nhân đánh tàn bạo tới hai lần. Tôi đã báo việc này cho lính canh trực ban là Trương Hiệu Quân, nhưng ông ta thờ ơ nói: “Anh có bị thương không? Nếu có thì đến bệnh viện để họ kiểm tra chấn thương cho.”

Các tù nhân tiếp tục đánh tôi vào tối ngày 11 tháng 10 và sáng hôm sau.

Lính canh Thường Hồng và Lưu Sảng giam tôi ở khu quản lý đặc biệt. Cháo ngô là đồ ăn duy nhất tôi được ăn trong hai tuần liền.

Tôi từ chối đeo thẻ tù nhân. Đội trưởng khu 18, là Lý Thế Nghiễm, không cho tôi mua vật dụng trong chín tháng. Vì thế, tôi không có giấy vệ sinh, bột giặt, bàn chải đánh răng, kem đánh răng. Có thời gian dài, tôi phải nhặt tuýp kem đánh răng đã hết mà người ta vứt đi, cố bóp ra chỗ còn sót lại để dùng.

Ngày 1 tháng 6 năm 2011, sau khi học viên Hầu Ngạn Song ở Khu số 2 qua đời, nhà tù chuyển tôi từ Khu số 18 tới Khu số 2 để cân bằng số học viên Pháp Luân Công ở đây.

Đội phó Khu số 2 là Trần Đông, tuyên bố ông ta là người phụ trách tôi. Ông ta nghĩ ra mấy chiêu để khiến tôi “lao động tượng trưng”, như là làm sổ sách. Nhưng tôi từ chối, ông ta hét lên với tôi: “Ở trong tù, lính canh và tù nhân nào cũng phải làm việc. Tại sao anh không làm phần việc của anh?”

Tôi nói: “Công an phải hoàn thành phần việc được giao phó, tù nhân làm việc để đáp ứng yêu cầu cải tạo bằng lao động. Tôi không phải công an, cũng không phải tù nhân nên tôi không có nghĩa vụ phải lao động.”

Đội phó Trần đã nhốt tôi trong nhà ăn và không cho tôi tiếp xúc với ai. Ông ta còn cử một tù nhân giám sát tôi.

Đến tháng 2 năm 2012, nhà tù phát động chiến dịch “tiêu diệt tín ngưỡng Pháp Luân Công”. Lính canh Vương Bân và đội phó Lưu Thế Cương là hai người chỉ đạo chiến dịch này. Họ cho học viên hai lựa chọn: “Chết hoặc ‘bị chuyển hóa’”. Cách thực hiện chính yếu là cấm ngủ, hạn chế nước và đồ ăn.

Tôi bị cấm ngủ 13 ngày liền từ ngày 8 đến 21 tháng 5 năm 2012. Tôi được chẩn đoán bị viêm màng phổi và ứ dịch gần xương sườn thứ hai.

Khi vợ tôi đến thăm vào tháng 6 năm 2012, cô ấy thấy tôi phải có người khiêng ra nên hỏi lính canh đã xảy ra sự tình gì. Trần Đông đã trả lời: “Thì cũng như mẹ phạt con thôi.”

Có lần Trần Đông bảo tôi: “Anh phải biết giữ lời chứ. Anh đã đồng ý “chuyển hóa” rồi thì phải giữ lời chứ. Tại sao anh không tôn trọng cam kết thế?”

Khi tôi từ chối trả lời cuộc khảo sát những học viên “đã chuyển hóa” của ông ta, Đội phó Trần nói: “Nếu anh không trả lời, chúng tôi sẽ không thả anh, kể cả đến khi mãn hạn tù. Chúng tôi sẽ giam anh 20 năm luôn.”

Một hôm khác, đội phó Trần cho mang vào chiếc ghế sắt để tra tấn tôi. Một tù nhân bảo tôi sau khi ông Trần bỏ đi: “Khi ĐCSTQ làm thế này với người như anh, nghĩa là họ đã bất lực.”

Sau đó, họ đưa tôi đến Nhà tù Thiết Lĩnh, ở đó có cơ sở cách ly bệnh nhân bị bệnh lao.

Bị chuyển lại để tra tấn

Vào tháng 3 năm 2013, Nhà tù Thẩm Dương Số 1 đã cử mấy người đến Nhà tù Thiết Lĩnh để xem tôi đã “chuyển hóa” chưa. Tôi bảo họ là tôi vẫn giữ vững đức tin của mình và lên án việc cưỡng chế “chuyển hóa” của họ.

Tôi đã viết thư gửi Nhà tù Thiết Lĩnh để phơi bày những tra tấn mà tôi phải chịu ở Nhà tù Thẩm Dương Số 1. Ngày 25 tháng 6 năm 2013, Nhà tù Thẩm Dương Số 1 đã đưa tôi về, giam tôi ở Khu 19, và dùng ghế hổ tra tấn tôi trong ba ngày.

Tôi chỉ được cho ăn cháo ngô trong 15 ngày. Tôi bị đau ở ngực và ở lưng nên đã tới phòng khám để kiểm tra. Kết quả chụp X quang cho thấy tôi có triệu chứng của viêm màng phổi và bệnh lao.

Tôi bị giám sát đặc biệt trong hai tháng, đến ngày 23 tháng 8. Lúc đó là mùa hè, mà tôi không được tắm rửa, giặt quần áo, rửa mặt mũi, tay chân hay dùng giấy vệ sinh. Ngoài ra, tôi bị ép ngồi trên ghế gỗ từ 6 giờ sáng tới 10 giờ đêm mỗi ngày, đêm thì không được vào phòng tắm.

Tôi quay lại Khu số 2 sau khi hết triệu chứng viêm màng phổi vào ngày 23 tháng 1 năm 2013.

Tôi ở lại bệnh viện ngày 16 tháng 4 năm 2013 vì chấn thương mắt cá chân. Tôi được khám ở Bệnh viện Số 1 và Bệnh viện Đại học Y khoa Trung Quốc Số 4 và Bệnh viện Chỉnh hình Thẩm Dương. Họ chẩn đoán tôi bị viêm xương sau phẫu thuật.

Được thả nhưng vẫn bị giám sát

Ngày 3 tháng 7 năm 2016, tôi mãn hạn tù. Một lính canh phụ trách các học viên Pháp Luân Công đã đưa tôi ra ngoài và nói: “Đừng làm như vậy nữa. Anh không thấy trong những năm qua, những lúc nguy kịch, anh chỉ có thể nương tựa vào gia đình thôi sao?”

Tôi hiểu anh ta muốn nói gì. Tôi trả lời: “Nếu không phải nhờ những nỗ lực không ngừng của các học viên Pháp Luân Công và người dân hải ngoại thì tình huống của chúng tôi ở đây còn khổ sở hơn gấp nhiều lần!”

Anh ta im lặng.

Thực ra, nếu không liên tục có những đợt cảnh báo và thỉnh nguyện, có lẽ tôi đã không còn sống nữa.

Đầu tiên, nhà tù không trả tự do cho tôi, nói rằng họ đang đợi lệnh của chính quyền địa phương. Mãi đến khi mấy người ở ủy ban dân phố của tôi đến, họ mới thả tôi.

Để giám sát tôi, ủy ban khu dân phố và đồn công an địa phương đã lắp một camera ở nhà tôi và một cái nữa trên nóc tòa nhà đối diện ban công nhà tôi. Một cái hướng vào cửa ra vào nhà tôi, còn cái kia thì chiếu vào hai phòng ngủ của tôi. Cả hai đều là camera hồng ngoại.

Nhân chứng cho các vụ giết người

Dưới đây là những trường hợp các học viên Pháp Luân Công tử vong mà tôi đã trực tiếp chứng kiến hoặc gián tiếp biết được:

  1. Học viên Phùng Cương ở Đại Liên qua đời trong tình huống đáng ngờ.
  2. Học viên Hầu Ngạn Song ở Lăng Nguyên qua đời ở Nhà tù Thẩm Dương Số 1
  3. Học viên Bành Canh ở Sở Công an tỉnh Liêu Ninh qua đời trong lúc tuyệt thực hoặc bị bệnh lao ở Nhà tù Thiết Lĩnh.
  4. Học viên Lý Thượng Thi ở Bàn Cẩm qua đời tại Nhà tù Thẩm Dương Số 1
  5. Học viên Lưu Chiêm Hải ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang qua đời tại Nhà tù Thẩm Dương Số 1
  6. Học viên Quách Xuân Chiêm ở Hồ Lô Đảo chết vì nội tạng bị hoại sau khi được thả khỏi Nhà tù Thẩm Dương Số 1
  7. Học viên Hồ Quốc Hạm ở Phủ Thuận qua đời ở Nhà tù Bổn Khê, tỉnh Liêu Ninh

Những vụ sách nhiễu khác

Vợ tôi hai lần bị bắt khi tôi ở trong tù. Cô ấy bị giam năm ngày ở trại tạm giam. Sau đó, họ đưa cô ấy tới Trại tẩy não Phủ Thuận trong 30 ngày.

Tôi đã đến Cục xuất nhập cảnh Đại Liên để nộp hộ chiếu thương mại vào tháng 4 năm 2017. Tuy nhiên, tôi được thông báo rằng công an Quách không cho tôi lấy hộ chiếu.

Gần đây, khi tôi đi tàu cao tốc, công an ngồi đợi ở ghế của tôi. Họ đã chụp hình và khám xét cặp của tôi.

Bối cảnhÔng Vương Vĩnh Hàng, học viên Pháp Luân Công, là luật sư của Văn phòng Luật Càn Quân ở tỉnh Liêu Ninh. Ông đã tư vấn, đại diện và biện hộ cho nhiều học viên Pháp Luân Công từ năm 2007.

Ông đã đăng bảy bài viết trên trang web Epoch Times (tiếng Trung), cùng một thư ngỏ gửi đến văn phòng tư pháp tối cao ở Trung Quốc. Trong bức thư ngỏ với tiêu đề: “Những sai lầm trong quá khứ cần được nhanh chóng khắc phục ngay hôm nay”, ông Vương đã chỉ ra rằng, ĐCSTQ kiểm soát cả hệ thống hành pháp lẫn tư pháp mà không có sự kiểm tra, cân đối, đồng thời lại sử dụng các hệ thống này để bức hại các học viên Pháp Luân Công dưới chiêu bài pháp luật.

Chính vì lá thư này, và dưới áp lực lớn của chính quyền, công ty luật nơi ông làm việc đã chấm dứt hợp đồng với ông. Chính quyền còn tịch thu và giữ giấy phép hành nghề luật sư của ông.

Ông Vương bị bắt vào tháng 7 năm 2009 và bị kết án bảy năm tù giam. Vụ việc của ông đã được đề cập trong báo cáo năm 2010 của Liên Hợp Quốc về tra tấn và các hình thức tàn bạo, vô nhân đạo, ngược đãi hoặc trừng phạt khác.

(Hết)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/7/10/370826.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/9/20/171971.html

Đăng ngày 03-10-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

 

Share