Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 12-11-2017] Xin kính chào Sư phụ từ bi vĩ đại! Chào các bạn đồng tu!
Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1998. 19 năm qua là quãng thời gian khó quên nhất trong đời tôi. Tôi vô cùng may mắn vì được trở thành một đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp.
Tôi cũng từng phải chịu đựng nhiều khổ nạn trước đây chưa từng trải qua. Dưới sự bảo hộ của Sư phụ, tôi đã vượt qua tất cả những khổ nạn này, và ngày càng trưởng thành hơn. Không lời nào có thể diễn tả lòng biết ơn sâu sắc của tôi đối với Sư phụ. Tất cả những gì tôi có thể làm là tu luyện tinh tấn và kiên định.
Học cách học Pháp và tu luyện tinh tấn
Ban đầu, động cơ khiến tôi học Đại Pháp là để chữa bệnh và cải thiện sức khỏe. Sau khi luyện công được một tháng, tôi cảm thấy mình tràn đầy năng lượng. Nhưng lúc đó, tôi không thật sự hiểu tu luyện là thế nào. Tôi giống như kiểu người mà Sư phụ từng giảng là lớp học khí công nào cũng đến tham dự. Tôi đã tiêu rất nhiều tiền cho những khóa học này mà không biết chúng thực sự có tốt hay không.
Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 6 tháng, tôi tự nhủ: “Pháp Luân Công đã chữa lành bệnh cho mình, và mình đã có những gì mình mong muốn, vậy cuối năm nay mình sẽ không cần luyện công nữa.”
Đến tháng 4 năm 1999, tôi thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công kích Đại Pháp trên truyền hình. Tôi đã tự nhủ rằng: “Nếu như ĐCSTQ nói Pháp Luân Công là không tốt, thì chắc hẳn Pháp Luân Công sẽ rất tuyệt vời, vì vậy tôi quyết định tiếp tục tu luyện. Những gì ĐCSTQ nói thì luôn đi ngược lại với sự thật.” Tôi đã quay lại điểm luyện công.
Do lý giải Pháp không sâu và tu luyện không vững chắc nên năm 2000, tôi đã bị bắt. Trong trại lao động cưỡng bức, tôi đã ký bản tuyên bố từ bỏ tu luyện Đại Pháp mà nhẽ ra tôi không nên ký. Đó là một vết nhơ trên con đường tu luyện của tôi. Tôi đã phản bội Sư phụ và Đại Pháp.
Sau khi được thả ra khỏi trại lao động cưỡng bức, tôi gặp phải một khổ nạn khác: chồng tôi qua đời; con trai thi trượt đại học; cha già 80 tuổi bị mù; mẹ chồng tôi bị đột quỵ, còn tôi thì bị đơn vị công tác sa thải. Tôi không thể cáng đáng hết mọi việc nên chỉ biết khóc và khóc thôi.
Hồi đó, tôi không biết tu luyện như thế nào. Tôi đã học Pháp và làm theo những lời dạy của Sư phụ. Sư phụ đã nói chúng ta cần giảng rõ chân tướng, và thế là tôi đã thực hiện. Tôi cũng ra ngoài phân phát các tài liệu giảng chân tướng.
Năm 2004, cuốn sách Cửu Bình (Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc) được xuất bản. Tôi rất mừng: “Tuyệt vời! Cuối cùng thì đã có người đứng lên vạch trần bộ mặt xấu xa của Đảng.” Tôi đã phân phát cuốn sách này cho những người mà tôi quen biết.
Trong thâm tâm mình, tôi luôn có những suy nghĩ không tốt về ĐCSTQ. Năm 1988, lãnh đạo nơi tôi làm việc ghi nhận những thành tích công tác của tôi và đề nghị tôi nộp đơn xin gia nhập Đảng, xem như đó là phần thưởng danh dự cho một cá nhân, nhưng tôi đã từ chối. Tôi nói với ông ấy rằng: “18 năm qua, tôi đã nhận ra một điều: Nếu đi theo Đảng, ông sẽ gặp tai họa.”
Sau khi Sư phụ công bố việc Ngài thoái Đoàn Thanh niên Cộng sản, một tổ chức liên đới của ĐCSTQ, tôi bắt đầu nói với mọi người về việc thoái Đảng. Hầu hết họ đều làm theo. Đối với những người từ chối, hàng ngày tôi phát chính niệm thanh trừ các nhân tố tà ác thao khống họ để cho họ sẽ có một tương lai tươi sáng. Một số người đã thoái ĐCSTQ sau khi tôi phát chính niệm trong vòng một tháng, một số người thì sau 6 tháng, và một số người khác thì sau một năm.
Một đồng tu hỏi tôi nên làm thế nào khi chồng cô từ chối thoái Đảng. Tôi khuyên cô ấy phát chính niệm. Sau một thời gian, cô ấy nói với tôi rằng chồng cô ấy đã thoái Đảng.
Đến cuối năm 2005, trong vòng 6 tháng, tôi đã thuyết phục được hơn 500 người thoái xuất khỏi ĐCSTQ.
Mặc dù thực thi được nhiều sự việc nhưng tôi lại không tu luyện tâm tính, và tôi vẫn không hiểu được thế nào là chân tu. Khi học Pháp, tôi chỉ lĩnh hội được ý nghĩa của Pháp ở tầng bề mặt. Tôi không hiểu được nội dung của những bài chia sẻ của các bạn đồng tu. Tôi nói với họ: “Tôi vẫn chưa ngộ được. Các bạn hãy chia sẻ thể ngộ của các bạn, và tôi sẽ làm theo những gì các bạn bảo tôi cần làm.”
Năm 2009, một đồng tu bảo tôi: “Chị à, chị nên học Pháp một cách có hệ thống. Ngoài đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân, chị nên học các kinh sách khác của Sư phụ. Đọc theo trình tự thời gian, bắt đầu từ Chuyển Pháp Luân cho đến những kinh sách khác.”
Do vậy tôi đã làm theo và đã đạt được những thể ngộ sâu sắc hơn về Đại Pháp. Trong khi chứng thực Pháp, tôi cũng bắt đầu tu luyện tâm tính. Sau đó, tôi đã hiểu được vì sao Sư phụ luôn yêu cầu chúng ta phải học Pháp và học Pháp thật tốt. Đó là vì chúng ta sẽ có Pháp để chỉ đạo cho việc tu luyện của mình, cũng như chính lại bản thân. Tôi cũng nhận ra rằng, chúng ta cần có Pháp để chỉ đạo trong mọi việc. Chúng ta bắt đầu bước trên con đường tu luyện từ một người thường, và mục tiêu của chúng ta là trở thành Thần. Đây là một việc hết sức vĩ đại, thiên cổ chưa từng có. Làm sao chúng ta có thể đạt đến viên mãn mà không có Pháp chỉ đạo chúng ta?
Trở thành một đệ tử Đại Pháp quả là một vinh diệu lớn lao! Tôi không thể diễn tả được lòng biết ơn của mình đối với Sư phụ. Kể từ đó, tôi đã chân chính thực tu.
Trừ bỏ chấp trước phân định ai đúng ai sai
Cách đây vài ngày, một học viên khác đã chỉ ra một chấp trước rất lớn của tôi: tâm phàn nàn về người khác.
Tôi là một người nhiệt tình và luôn muốn giúp đỡ người khác. Tôi đã sắp xếp để hơn 70 đồng tu có thể ở lại nhà tôi khi họ không tìm được nơi ở do bị bức hại. Nhưng xung đột giữa chúng tôi đã nảy sinh. Một trong số những đồng tu này đã nói xấu sau lưng tôi. Tôi rất buồn vì điều đó. Chuyện đã xảy ra mấy năm rồi, nhưng mỗi lần nhớ đến là tôi lại thấy bực.
Hôm đó, khi người học viên ấy chỉ ra cho tôi những chấp trước của mình, tôi đã không vui và nghĩ rằng: “Chị không có ở đó. Nó cũng không gây ảnh hưởng gì cho chị. Tất nhiên chị sẽ không có phàn nàn gì rồi.” Người học viên đó nói: “Em ơi, sao em không thử nghĩ vì sao chuyện đó lại xảy ra? Đây chắc hẳn là một vấn đề trong tu luyện của chúng ta. Bằng việc kiên trì tu luyện, em có thể trừ bỏ được chấp trước này.”
Mặc dù lúc đó, tôi không đồng ý với chị ấy, nhưng tôi có thể nói rằng, chị ấy chỉ mong những gì tốt đẹp nhất cho tôi, vì vậy tôi đã trả lời chị: “Vâng, để em suy nghĩ về điều đó.”
Sáng hôm sau, chúng tôi lại trò chuyện. Tôi chia sẻ: “Thực sự việc đó đã làm em bị tổn thương. Em luôn là một người tốt và giúp đỡ rất nhiều người. Em cũng không mong được báo đáp. Nếu cô ấy nói thẳng với em những điều ấy, em sẽ không buồn như thế. Nhưng đằng này lại nói sau lưng em? Em thực sự đã rất tức giận. Em không nhìn ra được chấp trước này của mình bởi vì em chỉ nghĩ đến những gì mình đã làm được tốt. Em cần phải loại bỏ chấp trước này. Chị đừng lo. Em sẽ nghiêm túc hướng nội.”
Tôi mất một tuần để suy nghĩ về vấn đề của mình và nghĩ rằng cuối cùng tôi đã tìm ra nguyên nhân vì sao mình hay gặp phải những sự việc như vậy. Tôi tìm ra được 4 nguyên nhân: Thứ nhất là có liên quan tới các mối nhân duyên tiền kiếp của tôi; thứ hai là khó nạn của chính bản thân tôi; thứ ba là có sự hiểu lầm giữa tôi và những người khác; và thứ tư là đôi khi tôi đã không tu tốt. Dù là vấn đề gì đi nữa thì chỉ có một giải pháp duy nhất, đó là: Hướng nội vô điều kiện để tìm ra thiếu sót của mình.
Sư phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân:
“Tu luyện chân chính, cần phải hướng tâm mà tu, hướng nội mà tu, hướng nội mà tìm, chứ không hướng ngoại mà tìm.”
Nhưng tôi luôn tranh luận về việc ai đúng ai sai. Tôi đã dùng quan niệm người thường để nhìn nhận sự việc này mà không hướng nội. Đó là lý do vì sao tôi thường gặp những rắc rối kiểu đó.
Sư phụ giảng:
“Có người vẫn luôn cứ nhấn mạnh rằng mình là đúng; chư vị đúng, chư vị không sai, vậy thì sao? Là đề cao trong Pháp chăng? Dùng nhân tâm để nhấn mạnh đúng-sai, bản thân đó đã là sai rồi; bởi vì chư vị dùng cái Lý của người thường để đo lường bản thân chư vị, chư vị dùng cái Lý của người thường để yêu cầu người khác.”
(Giảng Pháp tại Manhattan [2006], Giảng Pháp tại các nơi X)
Đúng vậy, tôi đã dùng nhân tâm để nhấn mạnh vào việc ai đúng ai sai, thế nên tôi mới tức giận. Tôi ngộ ra rằng Sư phụ đã thông qua người học viên này để điểm hóa cho tôi thấy chấp trước của mình. Vào giai đoạn cuối cùng của Chính Pháp, chúng ta cần trừ bỏ mọi dục vọng và tâm chấp trước. Sư phụ đang lo lắng cho chúng ta. Sư phụ, con đã nhìn thấy được chấp trước của mình rồi, và con nhất định sẽ loại bỏ nó.
Chị tôi tỏ ra ngại nói chuyện với tôi. Mấy hôm trước, chị đến thăm tôi. Từ đáy lòng mình, tôi đã nói với chị rằng: “Em sai rồi. Em sẽ không bao giờ nói với chị bằng thái độ như vậy nữa.” Chị mỉm cười, còn tôi thì thấy rất hạnh phúc.
Tôi thấy chúng ta có thể thực sự đề cao nếu có thể buông bỏ và không chú ý đến lỗi lầm của người khác. Buông bỏ tâm phán xét ai đúng ai sai – đó là chân chính tu luyện. Tôi thực sự cảm nhận được niềm hạnh phúc khi buông bỏ được chấp trước này. Sư phụ, con xin cảm tạ Ngài. Xin cảm ơn các bạn đồng tu.
Trở thành một sinh mệnh vô tư vô ngã
Năm 2000, khi tôi đang bị giam trong tù, một tù nhân hỏi tôi, Pháp Luân Công thực ra là gì. Tôi nói: “Tôi không phải là một tấm gương tu luyện tốt, nhưng tôi sẽ cố gắng. Pháp Luân Công dạy Chân – Thiện – Nhẫn.” Tôi giải thích cho cô ấy ý nghĩa của ba từ này: “Một người tu luyện cần phải sống theo những nguyên lý này và cuối cùng trở thành một bậc giác giả vĩ đại vô tư vô ngã và luôn vì người khác trước.”
Cô ấy đã giơ tay lên và hô to: “Pháp Luân Công hảo! Pháp Luân Công hảo!”
“Tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã”
(“Phật tính vô lậu”, Tinh tấn Yếu chỉ)
Những lời giảng này của Sư phụ đã khắc sâu trong tâm tôi từ khi mới bắt đầu tu luyện. Tôi mong muốn trở thành một sinh mệnh như thế.
Năm 2013, nhiều đồng tu trong khu vực của tôi đã bị bắt giữ. Trong đó có một đồng tu gặp khổ nạn trong gia đình. Mẹ cô ấy bị ung thư và không có ai chăm sóc bà ấy nên một trong những đồng tu đã đến giúp.
Người đồng tu này sau đó hỏi tôi liệu chúng tôi có thể đề nghị cảnh sát thả người học viên kia ra không vì mẹ của cô ấy đang rất cần cô ấy. Tôi đồng ý rằng chúng tôi nên phối hợp với nhau để gắng hết sức giải cứu đồng tu. Chúng tôi đã tới đồn cảnh sát, Cục An ninh Quốc gia, Viện Kiểm sát và các cơ quan chức năng khác. Những học viên khác phát chính niệm hỗ trợ chúng tôi. Ngày nào chúng tôi cũng đến những cơ quan này. Khi mọi việc diễn ra không thuận lợi, chúng tôi hướng nội để tìm ra chấp trước của mình. Khi khắc phục được chúng, hôm sau chúng tôi lại tới tìm gặp các quan chức.
Một ngày nọ, cuối cùng tôi cũng có cơ hội nói chuyện với Giám đốc Cục An ninh Quốc gia. Tôi đã giảng rõ chân tướng cho ông ấy. Ông ấy nói: “Tôi sẽ xem xét trường hợp này, và cô ấy sẽ sớm được thả ra. Chị không cần phải trả bất cứ khoản tiền nào hết. Đây là một ca khó.” Tôi đã chân thành cảm ơn ông ấy.
Tôi biết rằng đó là Sư phụ đã giúp đỡ và khích lệ chúng tôi.
Trong thời gian đó, một học viên thường nói với tôi rằng: “Dì đừng cố nữa. Đã có nhiều học viên tìm cách giải cứu các đồng tu bị bắt giữ.” Tôi trả lời cô ấy: “Đừng lo lắng. Chúng ta có Sư phụ và có Pháp ở đây. Sẽ không có gì xảy ra với dì đâu. Dì tin rằng việc giải cứu đồng tu là trách nhiệm của dì.”
Sư phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân:
“[Khi] tạo thành một cá nhân, một sinh mệnh, [thì] tại [mức] cực vi quan đã tạo nên thành phần sinh mệnh đặc định của nó, bản chất của nó.”
Sư phụ đã ban cho tôi năng lực nên Ngài hẳn phải kỳ vọng nhiều vào tôi. Tôi không biết trong lịch sử tôi đã ký thệ ước gì với Sư phụ, và tôi cũng không biết mình đã hoàn thành thành thệ ước đó hay chưa. Trong xã hội nhân loại này, tôi là người có năng lực nên tôi tin mình cần phải làm những việc mà người khác không làm được hoặc không muốn làm, chẳng hạn như việc giải cứu đồng tu khỏi bị giam cầm. Vì vậy, nói chuyện với các luật sư và giải cứu đồng tu đã trở thành công việc chính của tôi trong những năm qua.
Năm 2014, một học viên ở tỉnh khác đã bị bắt giữ trong khu vực của tôi. Cô ấy đã thuê một luật sư đến từ Bắc Kinh. Sau cuộc gặp gỡ với người học viên này trong trại giam, luật sư bảo tôi rằng: “Đồng tu của chị nhờ tôi nói với chị rằng chị hãy cẩn trọng. Cục An ninh Quốc gia đã biết thông tin về chị rồi.”
Chiều hôm đó, tôi đã đi cùng một học viên khác đến nói chuyện với thẩm phán xét xử vụ án này. Trước khi rời khỏi nhà, tôi nói với Sư phụ trước chân dung của Ngài rằng: “Thưa Sư phụ, Ngài đã giảng rằng, tà ác không dám bức hại chúng con nếu chúng con giảng rõ chân tướng và cứu chúng sinh. Điều quan trọng là tâm con phải bất động. Bây giờ, con sẽ đi giảng chân tướng cho thẩm phán. Xin Ngài hãy bảo hộ con. Họ sẽ không dám bức hại con.”
Ngày hôm đó, chúng tôi đã giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho thẩm phán mà chẳng có chuyện gì xảy ra.
Một lần khác, khi một học viên bị bắt giữ, ông ấy nhờ tôi nói gia đình ông ấy tìm luật sư cho ông. Tôi không làm sao liên lạc được với gia đình ông ấy trong hai ngày liền.
Con trai của học viên này ra mở cửa và tôi đã chuyển cho cậu ta lời nhắn của cha mình. Cậu ấy đã đẩy tôi ra và nói: “Không phải là việc của tôi. Đừng có làm phiền tôi.” Tôi hỏi: “Còn mẹ cậu thì sao?” Cậu ta trả lời: “Mẹ tôi cũng bị bắt rồi. Tôi cũng vậy, và tôi vừa mới được thả ra. Đừng quay lại đây nữa. Nếu bà còn quay lại, tôi sẽ báo cảnh sát đấy.” Tôi buộc phải rời đi.
Tôi không còn cách nào khác ngoài việc phải tự làm mọi thứ. Tôi đã nói chuyện với luật sư đến từ Bắc Kinh đã gặp trước đây, và ông ấy đã đồng ý giúp đỡ. Cuối cùng, tôi đã tìm luật sư cho người học viên này.
Vài ngày sau đó, vị luật sư Bắc Kinh đó tình cờ gặp tôi. Ông ấy hỏi liệu tôi có còn tìm cách giải cứu đồng tu hay không. Tôi trả lời: “Có chứ, tôi không sợ hãi.” Ông ấy nói: “Bà có trái tim thật nhân từ. Bà làm mọi việc đều là vì người khác. Không ai dám động đến dù một ngón tay của bà.”
Bất cứ khi nào có học viên ở khu vực của tôi bị bắt giữ, tôi đều đến ngay đồn cảnh sát và gia đình học viên đó để thu thập thông tin. Một học viên từng hỏi tôi: “Làm thế nào mà chị có thể đi khắp nơi và không màng đến nguy hiểm? Sao không chuyện gì xảy ra với chị nhỉ?” Tôi nói với cô ấy: “Tà ác sẽ không dám bức hại một sinh mệnh vô ngã, vị tha.”
Sư phụ luôn mong muốn chúng ta thông qua tu luyện trừ bỏ tâm ích kỷ và trở thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã.
Trên con đường tu luyện của mình, tôi thấy ngày càng hạnh phúc hơn. Tôi không thể diễn tả bằng lời những gì mà Sư phụ đã ban cho tôi. Tất cả những gì tôi có thể làm để báo đáp công ơn của Sư phụ là vững bước tu luyện tinh tấn và kiên định.
Con xin cảm tạ Sư tôn từ bi vĩ đại!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/11/12/356175.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/11/13/166384.html
Đăng ngày 28-11-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.