Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-1-2016] Gần đây trong quá trình chỉnh lý một số bài nghiêm chính thanh minh của các đồng tu Trung Quốc, tôi phát hiện thấy có một số đồng tu viết Nghiêm chính thanh minh quá đơn giản.

Sau đây là một thí dụ: “Sau khi nộp đơn kiện Giang Trạch Dân vì tội ác chống lại loài người của ông ta, tôi đã làm một số điều không phù hợp với Đại Pháp. Tôi xin tuyên bố tất cả những điều tôi đã nói với cảnh sát và tất cả những điều tôi đã ký tại sở cảnh sát đều không có giá trị. Tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn để bù đắp lại những tổn thất mà tôi đã gây ra.”

Đồng tu này đã không đề cập đến thời gian và diễn biến của sự việc khi cảnh sát tới, cũng không nêu cụ thể anh ấy đã nói và viết những gì không phù hợp với Đại Pháp. Theo tôi, Nghiêm chính thanh minh như vậy, tuy là không có vấn đề gì lớn, nhưng khiến cho mọi người có cảm giác đồng tu đó không xem trọng, không thành khẩn, và không có quyết tâm.

Nghiêm chính thanh minh là Sư phụ cấp cho những học viên chưa làm được tốt một cơ hội để bù đắp lại những sai lầm của mình, và làm tốt hơn trong tương lai. Đối diện với sự từ bi và uy nghiêm hồng đại của Sư phụ, Nghiêm chính thanh minh cần phải có thái độ thành khẩn và quyết tâm kiên định. Đó không phải là một lời hứa đơn giản trong thế giới con người, mà là một thệ ước nghiêm chính của một sinh mệnh đang đi trên con đường thành Thần trước toàn vũ trụ, là nghiêm túc như thế!

Tại sao một số bài Nghiêm chính thanh minh lại thiếu sự nghiêm túc cần thiết? Bởi vì đằng sau sự không nghiêm túc có lẽ là tư tâm muốn bảo vệ bản thân hoặc là tâm lý muốn lau sạch vết nhơ [trong tu luyện].

Nói cách khác, những học viên này dùng Nghiêm chính thanh minh như là một phương tiện thuận tiện và nhanh chóng để tẩy rửa bản thân khỏi những việc làm không đúng trên con đường tiến đến viên mãn của họ. Họ không coi Nghiêm chính thanh minh là một thệ ước nghiêm túc.

Có một số đồng tu cho rằng khi đã làm sai điều gì, viết Nghiêm chính thanh minh là có thể bù đắp được rồi. Tuy nhiên, nếu sau đó chúng ta không đề cao và không làm tốt hơn, thế thì chẳng phải chúng ta đã lừa dối Thần, và lừa dối Sư phụ? Chẳng phải là tội đã quá lớn hay sao?

Sư phụ giảng:

“Chư vị thật sự làm được thế, không phải trên miệng nói thế mà là ở hành vi là làm được thế, thì Sư phụ nhất định sẽ làm chủ cho chư vị.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây ở Mỹ quốc vào tiết Nguyên Tiêu năm 2003)

Nghiêm chính thanh minh mới chỉ là bước thứ nhất để sửa lại lỗi lầm của chúng ta. Điều quan trọng nhất là chúng ta, từ tận đáy lòng mình, có thể chân chính nhận thức được các thiếu sót của bản thân, để rồi cải chính một cách nghiêm túc và triệt để hành vi của mình. Như thế mới có thể xứng đáng với tầm quan trọng của Nghiêm chính thanh minh. Hãy nhớ rằng danh hiệu “đệ tử Đại Pháp” không phải là điều chúng ta tự nhận mà có được. Chúng ta phải thực sự phù hợp với tiêu chuẩn của đệ tử Đại Pháp thì mới xứng đáng với danh hiệu cao quý này.

Sư phụ giảng:

“Rốt cuộc có thể bao nhiêu người bước qua được, có bao nhiêu người thật sự có thể đạt tiêu chuẩn viên mãn của đệ tử Đại Pháp? Có những lúc Sư phụ quả thực không lạc quan lắm. Chính Pháp tất thành, đó là nhất định. Đệ tử Đại Pháp tu luyện viên mãn, đó cũng là nhất định, nhưng là bao nhiêu người? Hiện giờ tôi quả thực không lạc quan lắm.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc 2015)

Sau khi đọc đoạn Pháp này của Sư phụ, tôi thực sự chấn động và cũng vô cùng hổ thẹn. Tôi đã tu luyện nhiều năm, từ trước đến giờ đều luôn tự coi mình là đệ tử Đại Pháp, trong tiềm ý thức luôn có suy nghĩ tự đắc rằng mình sẽ viên mãn, đặc biệt là bởi vì tôi đã dành rất nhiều thời gian và năng lượng cho các hạng mục Đại Pháp.

Tuy nhiên, khi nhìn sâu hơn, tôi nhận ra rằng hầu như mọi việc tôi làm cho Đại Pháp đều có tâm vị tư. Tôi đã luôn luôn đo lường các việc bằng bao nhiêu uy đức mà tôi có thể tích được sau khi hoàn thành công việc.

Vì vậy, thay vì đạt được cảnh giới vị tha của một đệ tử chân tu thì tôi lại bị thúc đẩy “tích đức”, tôi đã luôn truy cầu uy đức.

Thậm chí sau khi đã làm điều gì đó không đúng, tôi viết Nghiêm chính thanh minh cũng chỉ vì lợi ích của chính mình. Tôi muốn tạo ấn tượng với các sinh mệnh ở cao tầng rằng tôi đã không để lại vết nhơ nào trên con đường tu luyện của tôi. Điều này sai biệt quá lớn so với yêu cầu “tiên tha hậu ngã”, “vô tư vô ngã” của Sư phụ, và cũng sai lệch nghiêm trọng so với các tiêu chuẩn của đệ tử Đại Pháp.

Sư phụ giảng:

“[Ai] có thể làm được vô cùng tốt một mạch vượt qua, so với [ai] không ngừng vòng qua vòng lại, hôm nay viết tờ [cam kết] nào đó, ngày mai lại thanh minh, cuối cùng thì rốt cuộc cũng vượt qua, thì tầng thứ là có khác biệt. Hiện nay [với ai] vẫn còn lý trí không thanh [tỉnh], và hôm nay chư vị thật sự minh bạch ra, chư vị chạy tới, đuổi theo, thật sự làm được tốt, thì có thể đi về viên mãn, nhưng cũng không theo kịp [những ai] phía trước nữa đâu. Tu luyện là có cảnh giới. Sư phụ sốt ruột trong tâm, càng tới lúc đó Sư phụ càng thấy gấp.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc 2015)

Tôi cứ suy nghĩ tại sao một số học viên lại “không ngừng vòng qua vòng lại”? Ở cuối bài Nghiêm chính thanh minh, phần lớn chúng ta đều viết: “Từ giờ trở đi tôi sẽ làm tốt hơn để bù đắp cho những tổn thất mà tôi đã gây ra.”

Quay đầu nhìn lại, có bao nhiêu người trong số những người viết Nghiêm chính thanh minh đã thực sự “làm tốt hơn”, đã thực sự “bù đắp lại những tổn thất”? Nếu không coi trọng lời hứa của chính mình thì chúng ta sẽ “không ngừng vòng qua vòng lại”.

Chúng ta ký kết với tà ác đã là sai lầm quá to lớn; sau này chúng ta viết Nghiêm chính thanh minh rồi lại không thực hiện lời hứa một cách nghiêm túc; thế thì đó không còn là một vấn đề nhỏ nữa rồi. Nếu chúng ta không biến lời hứa thành hành động, thì chúng ta chỉ là đang lừa gạt chính mình thôi.

Chính Pháp đã đi đến tối hậu của tối hậu. Chúng ta cần phải đặt yêu cầu nghiêm khắc hơn nữa đối với bản thân, và có trách nhiệm với hết thảy chúng sinh. Chúng ta cũng phải nhận thức được tính nghiêm túc của việc Nghiêm chính thanh minh. Một khi chúng ta để lỡ cơ duyên đã chờ đợi từ hàng ngàn hàng vạn năm, thì khi hối tiếc là đã quá trễ rồi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/1/9/321988.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/1/21/154893.html

Đăng ngày 10-02-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share