Bài viết của Tiên Ngọc, một đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-11-2012] Khi cháu trai của tôi được hai tuổi, con dâu tôi nói muốn tìm một công việc toàn thời gian, và muốn hai vợ chồng tôi chăm sóc cháu trai. Bằng từ bi và uy nghiêm, tôi đã nói với con dâu: “Mẹ là người tu luyện. Chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh là trọng yếu nhất đối với mẹ. Mẹ sẽ tiếp tục không ngừng giảng chân tướng. Mẹ phải có nửa ngày để làm mọi việc của mẹ.” (Theo tác giả)

Tôi là một học viên Đại Pháp, một phụ nữ 59 tuổi sống ở vùng phía Bắc Trung Quốc. Tôi đắc Pháp vào năm 1997. Sau khi trải qua hơn một thập kỷ thăng trầm trên con đường tu luyện, rất nhiều học viên đã trở thành người cao tuổi, và nhiều học viên nữ bắt đầu phải đối diện với một vấn đề chung: “trông cháu”. Trong khu vực chúng tôi, một số học viên đã trải qua bức hại nghiêm trọng và đã kiên định vượt qua, nhưng lại bị vướng vào khảo nghiệm về tình thân quyến: bắt đầu từ việc “không thể bước ra, và chỉ học Pháp, luyện công ở nhà” cho đến việc dần dần rơi vào trạng thái không kiên trì học Pháp luyện công nữa. Một số học viên cá biệt có chấp trước mạnh mẽ vào tình thân thậm chí còn đi đến các đền chùa để xin “nước thánh” và nhờ thầy cúng làm lễ cầu bình an cho con cháu của họ, và làm những việc vi phạm nghiêm trọng những nguyên tắc tu luyện Đại Pháp. Hậu quả là một số học viên cao tuổi không còn làm ba việc được tốt nữa, một số thì xuất hiện các biểu hiện nghiệp bệnh nặng nề, thậm chí một số còn bị cựu thế lực lấy đi tính mạng.

Phần tiếp theo tôi sẽ chia sẻ về việc bản thân mình đã vượt qua khảo nghiệm về tình thân quyến và kiên định trên con đường chính Pháp như thế nào.

I. Hiểu rõ Pháp lý và hòa tan từng ý niệm trong Pháp

Nhiều học viên nữ cao tuổi có học vấn thấp, một số quanh năm chủ yếu ở nhà làm nội trợ, và công việc chính trong cuộc sống của họ là chăm nom nhà cửa. Trong cõi mê của người thường, họ có xu hướng bị ảnh hưởng và gặp rắc rối trong chuyện tình cảm với thân nhân. Do đó, học Pháp tốt là nền tảng của họ, và cũng là chìa khóa cho họ.

Sư phụ đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta học Pháp cho tốt. Sư phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân:

“Tu luyện cần phải tu luyện trong ma nạn, [để] xem [đối với] thất tình lục dục chư vị có thể dứt bỏ hay không, có thể coi nhẹ hay không. Chư vị chấp trước chính vào những thứ ấy, thì chư vị không tu xuất lai được”. (Đề cao tâm tính – Bài giảng thứ Tư – Chuyển Pháp Luân).

“Người ta nếu nhảy ra khỏi cái ‘tình’ này, thì không ai động đến chư vị được, tâm người thường không động đến chư vị được; thay vào đó là ‘từ bi’, vốn là điều cao thượng hơn”. (Đề cao tâm tính – Bài giảng thứ Tư – Chuyển Pháp Luân).

“Chư vị trong lục đạo luân hồi, mẹ của chư vị là người, không là người, [số ấy] không đếm được. Con cái của bao đời chư vị hỏi có bao nhiêu; cũng không đếm được. Ai là mẹ chư vị, ai là con chư vị, một khi hai mắt kia khép lại [tạ thế] thì ai còn nhận ra ai nữa; nghiệp mà chư vị nợ vẫn theo đó mà hoàn trả. Nhân tại mê trung, không vứt bỏ được những thứ này”. (Tự tâm sinh ma – Bài giảng thứ Sáu – Chuyển Pháp Luân)

Sư phụ cũng giảng cho chúng ta:

“Chấp trước vào tình thân quyến, ắt sẽ vì thế mà luỵ, mà dày vò, mà ma, tơ vương tình cảm mà nhiễu cả một đời, tuổi đời qua đi, thì hối hận đã muộn rồi”. (Người tu cần tránh – Tinh tấn yếu chỉ)

Pháp môn của chúng ta không xa rời thế tục mà tu luyện theo phương thức Đại đạo vô hình, do đó chúng ta tu luyện có tinh tấn hay không, tất cả đều phụ thuộc vào một niệm. Hoặc là đặt tâm trong Pháp, phóng hạ chấp trước, dũng mãnh tinh tấn hoặc là mê lạc trong trần thế, bị tình cảm thân quyến níu kéo, điều khiển và sẽ bị trộn lẫn với người thường và cuối cùng cay đắng bỏ lỡ cơ duyên tu luyện.

II. Từ bỏ chấp trước vào tình cảm thân quyến, đặt chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh lên hàng đầu

Tôi hiểu rằng, là một đệ tử Đại Pháp thời kỳ chính Pháp, tôi cần phải theo kịp tiến trình chính Pháp, tôi không thể bị cản trở bởi suy nghĩ trở thành người tốt giữa những người thường và sau đó bị giới hạn trong tu luyện cá nhân; thay vào đó, tôi nên đặt chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh lên hàng đầu. Làm được như thế, tôi sẽ có thể nhìn thấu mọi giả tượng, loại bỏ can nhiễu trên mọi phương diện.

Những năm gần đây, tôi sống cùng với con cháu. Gia đình tôi có sáu người và sống trong một ngôi nhà rộng 70m2. Tôi ngủ cùng với cháu gái 06 tuổi trên tầng trên của một chiếc giường tầng. Khi cháu trai và cháu gái tôi chơi đùa, chúng thường làm ồn, tiếng ồn đó gây can nhiễu đến môi trường tu luyện, học Pháp và luyện công của tôi.

Khi cháu trai của tôi được một tuổi, con dâu tôi nói muốn tìm một công việc toàn thời gian ở chỗ bạn của mình, và muốn hai vợ chồng tôi chăm sóc cháu trai. Tôi đã từ chối đề nghị này và nói rằng tôi phải có nửa ngày để làm việc của mình (Tôi thường đi ra ngoài để phát tài liệu giảng chân tướng trực tiếp cho từng người và thuyết phục họ thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên đới của nó). Kết quả là, con dâu tôi đã khóc lóc và không ngừng tranh cãi với tôi. Do việc nhà bận rộn, mâu thuẫn giữa hai mẹ con ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Vì con dâu tôi không ngừng than phiền, tranh cãi, tôi đã nảy sinh các chấp trước vào thiếu kiên nhẫn và oán giận. Từ Pháp lý, tôi hiểu rằng chính Pháp yêu cầu tôi kiên định trong việc tu luyện bản thân, và đồng thời không được lơ là làm tốt ba việc. Tôi nên thường xuyên hướng nội và cân bằng tốt các mối quan hệ trên mọi phương diện. Tôi liên tục nhẩm lại kinh văn “Thế nào là Nhẫn” (Tinh tấn yếu chỉ ) của Sư phụ, đồng hóa bản thân với Pháp, loại bỏ những suy nghĩ xấu và bất thiện, và nói với con dâu một cách từ tốn: “Sức khỏe ông nội các cháu không tốt, chúng ta không nên tạo thêm gánh nặng cho cuộc sống của ông. Ba, mẹ và con cần phải chăm sóc lũ trẻ, cả ba người chăm chúng đã thấy mệt rồi. Nếu bây giờ con lại phó thác hoàn toàn cho ba mẹ, hai vợ chồng già, chăm sóc con trai con thì chẳng phải sẽ là quá tải cho chúng ta sao?” Sau khi nghe lời giải thích hợp tình hợp lý này, con dâu tôi không còn tranh luận nữa.

Khi cháu trai tôi được hai tuổi, con dâu tôi lại nài nỉ để quay trở lại với công việc toàn thời gian. Tôi đã đề xuất là gửi cháu trai đi nhà trẻ. Con dâu tôi không bằng lòng vì cháu còn quá nhỏ để đi nhà trẻ. Tôi lại đề xuất rằng có thể thuê ai đó trông cháu nửa ngày. Con dâu cho rằng như vậy sẽ quá tốn kém. Tôi nói rằng tôi sẽ trang trải số tiền trông trẻ, và con dâu tôi sẽ không phải trả tiền. Tuy nhiên con dâu tôi vẫn từ chối, vì không yên tâm để người lạ trông cháu. Tôi hiểu rằng chính là cựu thế lực đang lợi dụng con dâu tôi, sử dụng tình thân quyến để can nhiễu tới nhiệm vụ quan trọng của tôi là trợ Sư chính Pháp cứu độ chúng sinh. Tôi đã phát chính niệm thanh trừ đám hắc thủ lạn quỷ đang điều khiển cháu ở không gian khác. Sau đó, bằng từ bi và uy nghiêm, tôi đã nói với con dâu: “Mẹ là người tu luyện. Chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh là trọng yếu nhất đối với mẹ. Mẹ sẽ tiếp tục không ngừng giảng chân tướng. Mẹ phải có nửa ngày để làm mọi việc của mẹ”. Đồng thời tôi cũng kể cho con dâu về việc các học viên Đại Pháp trên toàn thế giới đang thực thi những việc hết sức quan trọng trong giảng thanh chân tướng và cứu độ chúng sinh. Cuối cùng, chồng tôi đã đồng ý trông cháu trai vào buổi sáng, và tôi chỉ phải trông cháu khi chồng tôi ngủ trưa. Và thế là mỗi sáng, tôi lại tiếp tục ra ngoài giảng chân tướng trực tiếp cho mọi người, thuyết phục họ thoái ĐCSTQ và những tổ chức liên đới của nó, và hoàn thành thệ nguyện của một đệ tử Đại Pháp thời kỳ chính Pháp.

Một hôm, khi con trai tôi đi làm về, cháu trông không vui. Cháu hỏi tôi: “Mẹ lại gây chuyện ở ngoài à? Thậm chí đến lãnh đạo ở nhà máy của con cũng nhận được thông báo về chuyện đó”. Tôi ngay lập tức trả lời: “Không, không phải vậy”. Cháu tiếp tục nói với giọng không vui: “Mẹ vẫn còn chối à! Các lãnh đạo ở nhà máy của con đã nói chuyện với con. Con đang thất vọng đây! Con có thể sẽ mất việc! Nếu vậy thì nhà mình sẽ ra sao đây? Lương hưu của mẹ liệu có đủ ăn cho cả nhà không?” Tôi nhận ra rằng nỗi sợ hãi đã điều khiển con trai mình, khiến cháu trở nên mất lý trí, không ngừng than vãn, kêu ca và nói những lời không tốt. Chồng và con dâu tôi cũng bắt đầu phàn nàn về tôi. Dường như cả bầu trời đang sập xuống. Tôi đã tĩnh tâm lại và biết rằng tất cả những việc này là do cựu thế lực an bài, mọi thứ đều là can nhiễu, đều là giả tưởng. Khi con trai tôi nhận thấy rằng cưỡng chế không thay đổi được lòng người, cháu đã xoay sang biện pháp mềm dẻo. Con trai tôi nói: “Mẹ hãy nghỉ vài hôm ở nhà đi. Mẹ đừng đi ra ngoài nữa. Con xin mẹ không đi ra ngoài lần này thôi”. Tôi im lặng, nhưng trong thâm tâm nghĩ rằng: “Tôi phủ định tất cả an bài của cựu thế lực và tôi sẽ bước đi trên con đường Sư phụ an bài”. Cùng lúc đó, tôi nhẹ nhàng nói với chồng: “Có thể là nhà máy của con đã nhận được yêu cầu điều tra gia cảnh, đây chỉ là vấn đề giấy tờ thủ tục thôi”. Chồng tôi cũng bình tĩnh lại. Ông đã gọi điện cho lãnh đạo nhà máy nơi con trai tôi làm việc. Thực tế đúng như tôi mong đợi. Những phàn nàn và oán trách đã biến mất. Sáng hôm sau, tôi lại ra khỏi nhà với những tài liệu giảng chân tướng và lên đường cứu độ chúng sinh.

Sư phụ giảng cho chúng ta trong Chuyển Pháp Luân:

“Thông thường chúng ta xuất hiện công năng phần nhiều ở hai đầu: trẻ con và người cao tuổi. Đặc biệt là các cụ bà cao tuổi; thông thường các cụ bà giữ vững tâm tính, ở nơi người thường không có tâm chấp trước”.

Tôi ngộ ra rằng đối với những phụ nữ cao tuổi, chúng tôi không bị chấp trước vào danh vọng, tiền bạc, hay ham muốn. Tuy nhiên, chúng tôi có xu hướng chấp trước vào tình thân quyến với thân nhân. Chúng tôi dễ dàng bị can nhiễu và điều khiển bởi tình cảm đối với con cháu. Tôi muốn ghi lại những trải nghiệm này của bản thân để chia sẻ với các học viên khác có cùng hoàn cảnh. Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp với Pháp lý.

Cảm tạ Sư phụ từ bi vĩ đại!

Cảm ơn các đồng tu trong và ngoài Trung Quốc.

 


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/11/14/明慧法会–放下亲情执著-救度众生-264809.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/11/16/136343.html
Đăng ngày: 29-11-2012. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản

Share