Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Phần Lan

[MINH HUỆ 03-02-2025] Vào ngày 27 tháng 1 năm 2025, tờ Helsingin Uutiset (Tin tức Helsinki) đã đăng bài viết có tiêu đề: “Người Trung Quốc tấn công những người kháng nghị trong công viên du lịch nổi tiếng“. Bài viết cũng được đăng lại trên tờ Vantaan Sanomat vào ngày 30 tháng 1 và hiển thị trên màn hình điện tử trên các xe buýt ở Helsinki và Vantaa.

e5925f76242a73b4ecd4dd9fae737c83.jpg

Tờ Helsingin Uutiset đăng bài viết về cuộc tấn công các học viên Pháp Luân Công vào ngày 27 tháng 1 năm 2025. (Ảnh chụp màn hình do Helsingin Uutiset cung cấp)

Vụ tấn công xảy ra vào ngày 16 tháng 1, khi ông Niu Guangfa, một học viên Pháp Luân Công Phần Lan, bị hai thanh niên Trung Quốc quấy rối và lăng mạ tại công viên du lịch nổi tiếng Sibelius. Hai thanh niên này còn cố giật điện thoại của ông Niu. Ông Niu đã gọi cho cảnh sát và họ nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Sau đó, ông Niu đến đồn cảnh sát để tường trình về vụ việc và nộp các bằng chứng như hình ảnh, bản ghi âm, và video ghi tại hiện trường.

Báo chí đưa tin

Tờ Helsingin Uutiset đưa tin rằng ban biên tập đã xem kỹ video và hình ảnh, cho thấy hai người đàn ông nói tiếng Trung Quốc đang tranh cãi với ông Niu, một học viên Pháp Luân Công, và cố gắng giật điện thoại của ông khi ông đang ghi hình lại vụ việc.

Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp) chú trọng việc tu dưỡng đạo đức, bao gồm các bài công pháp nhẹ nhàng và thiền định. Các học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại ở Trung Quốc từ năm 1999, khi Đảng Công sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp môn tu luyện.

Ông Ilmari Nevasmaa thuộc Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Phần Lan cho biết ngày nào các học viên Pháp Luân Công cũng luyện công tại công viên Sibelius và phổ biến cho mọi người về cuộc bức hại ở Trung Quốc.

Ông Ilmari Nevasmaa cho hay trong năm vừa qua, các học viên Pháp Luân Công không chỉ bị tấn công và đe dọa tại các công viên ở Helsinki, mà biểu ngữ của họ cũng bị những người Trung Quốc xé bỏ. Ông Nevasmaa tin rằng những vụ gây rối gần đây ở Phần Lan có thể là một phần trong cuộc chiến tranh không biên giới của ĐCSTQ.

Tờ Tin tức Helsinki đã phỏng vấn thanh tra cảnh sát trưởng Helsinki, ông Jarmo Heinonen, và được biết cảnh sát đã nhận được các báo cáo liên quan đến vụ quấy rối. Thanh tra cảnh sát trưởng Heinonen cho hay: “Theo tôi được biết, Pháp Luân Công bị cấm tập ở Trung Quốc. Một số người Trung Quốc đến đây đã thể hiện sự bất mãn của họ đối với các hoạt động của học viên Pháp Luân Công.” Ông Heinonen cho biết thêm rằng cuộc kháng nghị của các học viên là “ôn hòa”. Họ vạch trần cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công, và các học viên hy vọng nói cho du khách Trung Quốc biết sự thật.”

Các học viên cũng thu thập chữ ký kêu gọi Bộ Ngoại giao Phần Lan và Nhóm G7 hành động để chấm dứt nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Trung Quốc. Vào năm 2019, một tòa án độc lập ở Anh đã phán quyết rằng ĐCSTQ đã và đang cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân. Nghị viện Châu Âu cũng tin rằng các báo cáo về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng là đáng tin cậy.

Bình luận và quan ngại của công chúng

Bài báo trên kênh truyền thông Phần Lan đã thu thút sự chú ý và bình luận của công chúng.

Cư dân mạng Cru51 viết: “Vì sao chúng ta lại gặp chuyện đặc vụ do chính phủ Trung Quốc kiểm soát quấy rối mọi người trong công viên? Thực ra, đây không phải là tin tức tương tự đầu tiên ở Châu Âu. Họ đã làm điều này ở nhiều nơi khác rồi. Còn ở Trung Quốc, tình trạng này hết sức phổ biến. Ví dụ, khi các nhà báo nước ngoài đến một số nơi mà họ không được phép xuất hiện, thường sẽ có một số người trông có vẻ bình thường đột nhiên xuất hiện và ngăn họ chụp ảnh”. Cru51 cũng viết: “Đúng là như thế đấy, thật kỳ lạ, nhưng rõ ràng là ảnh hưởng của Trung Quốc đã len lỏi vào rất sâu rồi.”

Cư dân mạng Elukka viết: “Đây không phải là hiện tượng mới ở phương Tây. Trong nhiều năm qua, các “đồn cảnh sát” của Trung Quốc đã tồn tại ở Châu Âu, “hợp tác” với cảnh sát địa phương, để bức hại những người bất đồng chính kiến chẳng hạn.”

Cư dân mạng Finnish_Nationalist viết: “Sự kháng nghị này nhằm phản đối cuộc bức hại của Trung Quốc đối với Pháp Luân Công. Mục đích của các học viên là truyền sự thật về cuộc bức hại cho các du khách Trung Quốc. Song, đây không phải là lần đầu tiên tình huống như vậy xảy ra ở Châu Âu- nhân viên lãnh sự quán Trung Quốc đích thân đến để đàn áp các học viên. Dù sao thì hành động này cũng không thể chấp nhận được.”

Cư dân mạng MaterialCattle viết: “Trong một xã hội tự do, chúng ta có quyền giữ quan điểm khác nhau, đó cũng là một phần của quyền tự do. Nếu quốc gia bắt đầu cấm những quan điểm khác nhau, chúng ta sẽ theo con đường tương tự như Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đã tiến hành kiểm duyệt trong đất nước chúng ta rồi, điều này thật tồi tệ.”

Vụ việc

Ngày nào ông Niu Guangfa cùng một học viên Pháp Luân Công khác cũng đến đài tưởng niệm Sibelius để phát tờ thông tin. Mỗi ngày có ít nhất hai xe buýt chở khách du lịch Trung Quốc đến đó. Các học viên cũng treo biểu ngữ lớn có thông tin về cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công và thu thập chữ ký để chấm dứt hành vi vi phạm nhân quyền này.

220133d484f8ea2b0e962d124e5db648.jpg

Ông Niu luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công trong công viên Sibelius.

Vào lúc 1 giờ chiều ngày 16 tháng 1 năm 2025, khi ông Niu đang một mình tại điểm giảng chân tướng trong công viên thì phát hiện hai thanh niên người Trung Quốc đang nấp sau một cái cây để quay phim ông. Ông Niu lập tức dùng điện thoại của mình quay lại những gì họ đang làm. Hai thanh niên này đột nhiên chạy về phía ông Niu, và một trong số họ bắt đầu tấn công ông, chửi bới ông và dùng điện thoại để ghi hình. Sau đó, người thanh niên còn lại lấy điện thoại ra để ghi hình cuộc tấn công. Ông Niu Guangfa cũng dùng điện thoại để quay lại hiện trường, đồng thời dùng một chiếc điện thoại khác để gọi con trai ông và nhờ con trai gọi cho cảnh sát.

33af01eaf1dc2d5c2ba1a92fa5b7c328.jpg

Những kẻ tấn công ông Niu. Thanh niên bên phải đã chửi bới ông Niu.

Nhìn thấy ông đang quay phim mình, thanh niên này đã giật điện thoại của ông Niu. Ông Niu cho biết: “Người thanh niên này liên tục cố giật điện thoại của tôi. Cậu ta đẩy tôi lùi hơn hơn mười mét và cuối cùng đẩy tôi vào tảng đá cạnh bức tượng đầu người Sibelius.”

Cảnh sát đã sớm có mặt tại hiện trường. Với sự giúp đỡ của các học viên Pháp Luân Công khác, ông Niu tường trình vụ việc cho cảnh sát và cung cấp các bằng chứng, bao gồm bản ghi âm, video và ảnh. Trong bản ghi âm bằng điện thoại của ông Niu, một thanh niên đã nói với thanh niên còn lại sau khi nghe ông Niu cảnh báo sẽ gọi cảnh sát: “Kệ ông ấy, sợ gì. Chúng ta đã báo cáo ông ấy với Đại sứ quán Trung Quốc rồi mà.”

Ngày 21 tháng 9 năm 2024, hai học viên nữ địa phương cũng bị hai thanh niên người Trung Quốc quấy nhiễu trong công viên. Hai thanh niên này tiếp cận họ, xô đổ biểu ngữ của họ và đe dọa họ: “Nếu muốn an toàn ở Phần Lan, hãy biết điều chút đi!” Sau đó hai thanh niên này rời đi.

c315a5b55dbc5ec98e4d2cfb091346b5.jpg

Hai thanh niên người Trung Quốc xô đổ biểu ngữ của các học viên tại công viên Sibelius.

Ngay sau đó, hai kẻ này quay lại, chụp hình biểu ngữ nằm trên mặt đất rồi rời đi. Không ngờ, chúng lại quay lại lần nữa và chụp hình bà Tiền Hiểu Linh và một học viên khác, còn nói chúng sẽ giao những bức hình này cho Đại sứ quán Trung Quốc.

Các học viên lập tức báo cáo vụ việc cho cảnh sát Phần Lan.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/2/3/490338.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/2/5/225340.html

Đăng ngày 09-02-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share