Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Ấn Độ
[MINH HUỆ 18-11-2023] Từ ngày 9 – 11 tháng 11 năm 2023, các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Mumbai đã lập một quầy tại Triển lãm Nghệ thuật HAAT để trưng bày các bức tranh trong bộ sưu tập Nghệ thuật Zhen-Shan-Ren (Chân-Thiện-Nhẫn). Các học viên đã phổ biến cho khách tham quan về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với môn tu luyện.
Triển lãm Nghệ thuật HAAT diễn ra tại Trung tâm NESCO ở Mumbai là điểm dừng chân đầu tiên trong chuỗi bốn cuộc triển lãm nhằm mang những tác phẩm nghệ thuật đến với các trung tâm văn hóa lớn nhất của Ấn Độ, với cuộc triển lãm cuối cùng ở Dubai. Nhìn chung, hàng năm mỗi cuộc triển lãm này thu hút hơn 10.000 khách tham dự, trong đó có những người nổi tiếng đến từ các lĩnh vực khác nhau trong xã hội Ấn Độ.
Gian trưng bày của các học viên tại Triển lãm Nghệ thuật HAAT.
Các học viên Pháp Luân Đại Pháp, còn được gọi là Pháp Luân Công, đã trưng bày 13 bức tranh trong quầy triển lãm của họ cho khách tham quan thưởng thức. Mỗi tác phẩm nghệ thuật đều do chính các học viên tài năng sáng tác nhằm miêu tả vẻ đẹp của việc sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp, cũng như nghị lực và sự bền bỉ của các học viên trong việc phản bức hại ở Trung Quốc trong suốt 24 năm qua.
Nhiều khách tham quan đã nán lại gian trưng bày của các học viên để thưởng thức các bức họa và nghe các học viên giải thích về những câu chuyện đằng sau mỗi bức tranh. Các vị khách chia sẻ rằng rằng họ cảm động trước tinh thần kiên cường của các học viên ở Trung Quốc, họ cũng ấn tượng bởi chất lượng của các tác phẩm nghệ thuật cũng như thông điệp về niềm hy vọng khi đối mặt với nghịch cảnh.
Một học viên thuyết minh cho một vị khách về các tác phẩm nghệ thuật và kể câu chuyện đằng sau mỗi bức tranh.
Họa sỹ đoạt giải: “Cảm ơn những nghệ sĩ này vì những việc làm tốt đẹp của họ cho xã hội”
Tên của triển lãm “HAAT” dường như là một cách chơi chữ bởi trong tiếng Hindi ‘Haat’ có nghĩa là ‘Chợ’ và được phát âm tương tự như từ “trái tim” trong tiếng Anh. Trong suốt thời gian diễn ra triển lãm, nhiều khách tham quan đã chia sẻ về những cảm xúc mà họ thực sự cảm nhận được đằng sau các bức tranh này.
Ông Premjit Baria, họa sỹ được chính phủ Ấn Độ trao giải Padma Shri vì những đóng góp đáng ghi nhận của ông cho nghệ thuật, cũng tham gia triển lãm này. Ông đến gian trưng bày của các học viên để xem tranh và đã đặc biệt bị thu hút bởi chủ đề tâm linh của các tác phẩm. Ông cho biết: “Tôi rất ấn tượng với các tác phẩm nghệ thuật này bởi cách chúng kết nối chúng ta với Thần. Mỗi bức tranh đều kể một câu chuyện có thật và dễ dàng truyền đạt ý nghĩa bên trong của chúng”.
Họa sỹ Premjit Baria, người đoạt giải Padma Shri, tại gian triển lãm của các học viên.
Họa sỹ Premjit Baria đã bày tỏ lòng kính trọng của mình đối với những nghệ sỹ, những học viên Pháp Luân Công, đã sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật này: “Tôi rất cảm ơn các học viên và các nghệ sỹ vì những việc làm tốt đẹp của họ cho xã hội. Tôi thật sự biết ơn vì điều này”.
Ông Mohanish Rao, một vị khách khác tới gian trưng bày, đã ca ngợi sự cống hiến của các họa sỹ trong việc kể những câu chuyện về các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc. Ông cho biết: “Điều này cho thấy nghệ thuật là không có giới hạn”.
Ông cũng cảm ơn các họa sỹ vì đã kể một câu chuyện quan trọng như vậy thông qua các bức tranh của họ. Ông Rao cho hay: “Tôi muốn bày tỏ lòng cảm ân của mình và chúc mừng các tác giả của các bức tranh này. Các bạn đang thay đổi thế giới”.
Bà Marukh Godha là vị khách đã cảm nhận được mối liên hệ giữa các họa tiết Trung Quốc được thể hiện trong nhiều bức tranh. Trước đây, bà đã từng đến thăm Trung Quốc nên bà hiểu bản chất của sự áp bức của chính quyền Trung Quốc đối với chính người dân của nó.
Xúc động trước các tác phẩm nghệ thuật, bà cho hay: “Thật đau lòng khi các học viên Pháp Luân Đại Pháp đang bị bức hại. Xin Chúa chỉ lối cho những kẻ bức hại, ban cho họ sự sáng suốt và lòng nhân ái để họ đối xử với đồng bào của họ một cách nhân đạo hơn. Tôi rất cảm động.”
Ông Vinod Kumar, một vị khách đến từ Luchnow, đã rơi lệ khi thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật. Ông xúc động sâu sắc trước nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn cũng như sự đau khổ của các học viên trong cuộc bức hại đang diễn ra. Ông nói rằng ông có thể cảm nhận được sự chân thành trong các bức tranh và trong ánh mắt của các học viên tại triển lãm. Ông cảm nhận được mối liên hệ với các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp và đã mua một số sách Đại Pháp tại gian triển lãm để mang về nhà đọc.
Bà Madhuri Yadav, một trong những người tổ chức triển lãm nghệ thuật này, đã nán lại để nói những lời khích lệ dành cho cho các học viên. Bà nói: “Hãy tiếp tục bày tỏ suy nghĩ của các bạn. Chúng tôi ở bên các bạn. Thế giới cần phải biết về điều này”.
Một du khách viết cảm nhận trong sổ lưu bút.
Triển lãm khiến các em học sinh xúc động
Gian trưng bày của các học viên đã thu hút khách tham quan ở mọi lứa tuổi, trong đó có bé gái Rudraa Shukla, một họa sỹ nhí 9 tuổi. Em bị cuốn hút bởi chiều sâu của các bức tranh cũng những câu chuyện mà các học viên kể.
Em Rudraa (ở giữa) tại gian triển lãm của các học viên.
Em Rudraa (bên phải) cùng với mẹ Hemanli (ở giữa) vào ngày thứ hai của sự kiện.
Ngay ngày hôm sau, em cũng dẫn mẹ Hemanli của mình đến để thưởng thức các bức tranh. Sau khi hiểu được tình hình ở Trung Quốc mà các bức tranh miêu tả, cô Hemanli đồng cảm với các học viên và cho biết cô đã hiểu tại sao mà con gái của cô lại xúc động đến vậy.
Các học sinh của Trường Thánh Tâm (Sacred Heart) chụp ảnh lưu niệm tại gian triển lãm Pháp Luân Đại Pháp.
Một giáo viên mỹ thuật của Trường Thánh Tâm ở Mumbai đã đưa các học sinh của cô đến thăm quan gian trưng bày của Pháp Luân Đại Pháp. Cả lớp rất cảm ơn các học viên vì đã phổ biến cho các em về Pháp Luân Đại Pháp cũng như cuộc bức hại ở Trung Quốc. Các em đã cùng nhau niệm “Chân-Thiện-Nhẫn hảo”.
Superstar 24, một kênh tin tức địa phương, đã đưa tin về sự kiện này và có một phóng sự đặc biệt về gian triển lãm Nghệ thuật Chân-Thiện-Nhẫn.
Một học viên chia sẻ thông tin về Nghệ thuật Chân-Thiện-Nhẫn với kênh tin tức địa phương.
Nhiều nhân vật nổi tiếng Ấn Độ đến thăm gian triển lãm của các học viên
Một trong những điểm nổi bật của triển lãm nghệ thuật này là thu hút được rất nhiều nhân vật nổi tiếng Ấn Độ, theo trang web chính thức của triển lãm, có hơn 100 nhân vật nổi tiếng Ấn Độ đã đến tham quan triển lãm.
Đối tác phụ trách giám sát của triển lãm năm nay là ông Vindu Dara Singh, một diễn viên kiêm nhân vật truyền hình. Ông đã đến thăm gian trưng bày của các học viên Pháp Luân Đại Pháp cùng với nam diễn viên gạo cội Ranjeet Bedi và tìm hiểu về cuộc bức hại đang diễn ra ở Trung Quốc.
Ông cho rằng các học viên đã rất dũng cảm trong việc nâng cao nhận thức về tình hình thực sự đang diễn ra ở Trung Quốc.
Diễn viên truyền hình và nhân vật nổi tiếng Vindu Dara Singh (ở giữa).
Ông Vindu Dara Singh nán lại gian triển lãm Nghệ thuật Chân-Thiện-Nhẫn.
Nam diễn viên gạo cội Ranjeet Bedi (ở giữa) nhận tờ thông tin từ một học viên.
Bà Falguni Pathak, một ca sỹ nổi tiếng, đã lắng nghe một học viên giới thiệu về Pháp Luân Đại Pháp và lấy một số tài liệu thông tin.
Ca sỹ Falguni Pathak (bên trái) nhận tài liệu về Pháp Luân Đại Pháp và Nghệ thuật Chân-Thiện-Nhẫn.
Ông Rajkumar Kanojia, một diễn viên hài nổi tiếng Ấn Độ, đã thưởng thức các tác phẩm với sự hướng dẫn của một học viên. Ông chăm chú lắng nghe câu chuyện đằng sau mỗi bức tranh.
Ông Rajkumar Kanojia (bên phải) tại gian trưng bày của các học viên.
Những người nổi tiếng Ấn Độ khác đã lắng nghe lời giải thích của các học viên bao gồm nam diễn viên Sunil Shetty và nam diễn viên kiêm vận động viên thể hình Thakur Anoop Singh. Cả hai đều nhận tài liệu thông tin về Pháp Luân Đại Pháp trước khi rời đi.
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/11/18/468357.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/21/213021.html
Đăng ngày 24-11-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.