Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-09-2023] Kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 7 năm 1999, một cựu công nhân của một trạm trộn bê tông ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, đã bị giam giữ 4 lần.

Bà Tống Lê Hà (61 tuổi) là một học viên Pháp Luân Công kiên định. Bởi không từ bỏ tu luyện bất chấp cuộc bức hại tàn bạo, bà đã bị chính quyền giam giữ 2 năm 3 tháng trong trại cưỡng bức lao động và 3 lần kết án tù với tổng cộng 15 năm tù.

Trong thời gian ngồi tù, bà Tống bị đuổi việc và tước quyền được nhận tiền lương hưu. Chồng bà đã ly dị bà vì không chịu nổi áp lực của cuộc bức hại. Tháng 12 năm 2022, sau khi bà được thả vì mãn hạn án tù gần đây nhất, cảnh sát và nhân viên cục tư pháp địa phương vẫn tiếp tục sách nhiễu bà. Bà rất khó kiếm được việc làm và phải sống trong cảnh túng thiếu.

Được thụ ích từ việc tu luyện Pháp Luân Công

Hồi nhỏ, bà Tống thường xuyên bị tiêu chảy. Sau khi lớn lên, bà bị viêm túi mật, sỏi mật, thiếu máu và thường bị ngất xỉu. Chồng bà quanh năm làm việc ở xa nhà và bà vừa phải một tay chăm sóc con, vừa phải đi làm. Chồng bà ngoại tình khi con của họ được 6 tuổi và bà đã cố gắng hết sức để duy trì cuộc hôn nhân vì đứa con.

Bà Tống bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996 và nhanh chóng khỏi mọi bệnh tật. Bà cảm thấy tràn đầy hy vọng vào cuộc sống và buông bỏ tâm oán hận đối với chồng. Ông ấy cảm động và hứa rằng từ đó về sau họ sẽ cùng nhau sống một cuộc đời tốt đẹp.

Siêu thị nơi bà Tống làm nhân viên thu ngân thỉnh thoảng nhận phải tiền giả từ khách hàng. Thông thường, nhân viên thu ngân sẽ báo cáo với người quản lý để tìm cách đưa số tiền đó lưu thông trở lại. Sau khi bà Tống tu luyện Pháp Luân Công, bà không làm như vậy nữa mà xé tiền giả mình nhận được, sau đó dùng tiền túi của mình để bù vào khoản tiền bị thiếu đó.

Đôi khi vào cuối ngày, cửa hàng phát hiện lượng hàng đã bán không khớp với số tiền thu được. Các nhân viên nghi ngờ đồng nghiệp của mình lấy trộm tiền. Khi sự việc đó xảy ra, bà Tống thường đề nghị mọi người bình tĩnh và kiểm tra liệu máy đếm tiền có hư hỏng hay không. Có vài lần họ phát hiện tiền bị kẹt trong máy khiến máy đếm sai. Nhờ giảm thiểu mâu thuẫn và nuôi dưỡng lòng tin giữa các đồng nghiệp, bà đã góp phần xây dựng một môi trường làm việc vui vẻ và hài hòa.

Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, bà Tống trở thành mục tiêu bức hại vì không từ bỏ đức tin. Kết quả là, bà bị giáng chức xuống làm việc tại trạm trộn bê tông. Công việc này vô cùng nặng nhọc và phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Bà không bao giờ than phiền và tiếp tục làm việc chăm chỉ. Điều này đã giúp bà giành được sự tôn trọng từ các đồng nghiệp.

Lần thứ nhất ở trong trại lao động cưỡng bức

Ngày 9 tháng 11 năm 2001, bà Tống bị bắt vì phát tài liệu Pháp Luân Công. Bà bị kết án 2 năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Tỉnh Vân Nam. Ngoài việc bị cưỡng chế tham gia lớp tẩy não, bà còn phải làm việc chân tay nặng nhọc mà không được trả công, bao gồm cày đất, vận chuyển phân bón và trồng rau.

Một hôm, bà cố gắng ngăn cản một tù nhân đánh đập một học viên Pháp Luân Công khác. Để trả đũa, lãnh đạo nhà tù đã kéo dài thời gian thụ án của bà thêm 3 tháng. Bà được thả vào tháng 2 năm 2004.

Bị kết án 4 năm tù và bị sa thải

Ngày 7 tháng 7 năm 2004, trong vòng 6 tháng sau khi được thả, bà Tống lại bị cảnh sát thuộc Đồn Công an Thị trấn Lạc Dương bắt giữ sau khi bị tố giác phân phát tài liệu Pháp Luân Công ở một thôn làng.

Mặc dù bà đã sớm được thả, nhưng 1 tuần sau cảnh sát đến nơi làm việc của bà và bắt giữ bà một lần nữa. Bà bị giam trong trại tạm giam Huyện Trình Cống. Ngày 31 tháng 12, Tòa án Huyện Trình Cống đã kết án bà 4 năm tù.

Không lâu sau khi bà Tống bị chuyển đến Nhà tù Nữ Số 2 Tỉnh Vân Nam vào tháng 2 năm 2005, một nhân viên trong công ty của bà đến và thông báo rằng bà đã bị sa thải. Đó là nơi bà đã làm việc từ năm 1984, tính đến thời điểm đó là 21 năm. Người đó cũng nói bà không đủ tiêu chuẩn để được nhận lương hưu.

Vì bà Tống không từ bỏ Pháp Luân Công, bà bị biệt giam 6 tháng và phải ngồi trên ghế cả ngày. Lính canh dùng dùi cui đánh đập bà cho đến khi bà bê bết máu và bất tỉnh. Bà được thả ra vào ngày 30 tháng 8 năm 2008.

Án tù thứ 2 (5 năm) và bị chồng ly hôn

Ngày 22 tháng 1 năm 2009, bà Tống và một học viên khác là bà Nghê Mỹ Trân đi tới thành phố Bảo Sơn để phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công, nhưng bị bắt giữ và giam trong trại tạm giam Huyện Xương Ninh. Sau đó, Tòa án Huyện Xương Ninh đã kết án bà Tống 5 năm tù và bà Nghê 3 năm tù.

Tại Nhà tù Nữ Số 2 Tỉnh Vân Nam, bà Tống bị ép ngồi bất động trên một cái ghế nhỏ trong nhiều tiếng đồng hồ. Việc tra tấn này làm tổn thương vùng thắt lưng, mông và đùi của bà Tống. Lính canh biệt giam bà 6 tháng, và ép bà phải đan các chuỗi hạt nhỏ và may váy mà không được trả công.

Đầu hàng trước áp lực của chính quyền, chồng bà đệ đơn ly hôn vào năm 2010 khi bà đang bị giam, và lấy đi hầu hết tài sản của họ.

Khi bà được thả vào ngày 22 tháng 1 năm 2014, bà bị mất trí nhớ, đau vùng thắt lưng và phản ứng chậm chạp.

Không nhận được câu trả lời rõ ràng khi cố gắng khôi phục lương hưu

Ngay sau khi được thả, bà Tống đến Văn phòng Kháng cáo Thành phố Côn Minh để yêu cầu khôi phục lương hưu của mình. Nhân viên tiếp tân nói rằng bà phải đóng bổ sung cho khoản đóng góp còn thiếu từ năm 2004 đến năm 2014 (khoảng thời gian bà ở trong tù), thì bà mới đủ tiêu chuẩn nhận lương hưu khi đến tuổi 55 (tuổi nghỉ hưu theo pháp luật ở Trung Quốc).

Bà Tống giải thích rằng việc đơn vị công tác sa thải bà chỉ vì đức tin của bà vốn đã sai ngay từ ban đầu. Bà nói thêm rằng không có cơ sở pháp lý cho việc chính quyền yêu cầu bà nộp khoản đóng góp [vào tài khoản hưu trí] 10 năm khi bà đang bị cầm tù. Nhân viên lễ tân không giải thích chi tiết, mà chỉ nói đó là chính sách của nhà nước.

Tháng 3 năm 2015, bà Tống tham vấn một luật sư thuộc Văn phòng Luật của Liên đoàn Lao động Tỉnh Vân Nam. Luật sư cũng nói không thể giúp được gì và bà phải nộp bổ sung cho khoản đóng góp bị thiếu. Sau đó, bà tìm đến chủ tịch liên đoàn lao động của công ty và hỏi anh ta cơ sở pháp lý cho việc sa thải bà. Chủ tịch dẫn bà đến chỗ bí thư, người này sau đó yêu cầu trưởng phòng nhân sự gọi điện cho Cục An sinh Xã hội, tuy nhiên vẫn không có kết quả.

Sau đó, bà Tống trực tiếp đi tới cục an sinh xã hội địa phương. Tuy nhiên, nhân viên tiếp tân vẫn yêu cầu bà phải nộp bù khoản đóng góp còn thiếu trước khi bà có thể nhận lương hưu.

Án tù thứ 3 (6 năm)

Hai năm sau khi ra tù, bà Tống bị hai cảnh sát mặc thường phục bắt giữ vào ngày 17 tháng 12 năm 2016, trong khi phát tài liệu Pháp Luân Công ở trên phố.

Ở trong trại tạm giam, bà bị biệt giam 1 tuần vì từ chối lao động khổ sai hoặc tuân theo lệnh của lính canh khi bị phạt ngồi xổm, điểm danh hoặc cởi quần áo để khám xét cơ thể.

Bà bị đưa đến Tòa án Quận Quan Độ để xét xử vào ngày 19 tháng 5 năm 2017 mà không hề được báo trước. Bà từ chối chấp nhận luật sư do thẩm phán chỉ định bởi người này được chỉ thị nhận tội thay bà. Khi bà tự bào chữa vô tội cho mình, thẩm phán liên tục ngắt lời bà và hoãn phiên tòa chỉ sau 10 phút xét xử.

Thẩm phán kết án bà Tống 6 năm tù giam với khoản tiền phạt 20.000 Nhân dân tệ vào ngày 25 tháng 5. Bà đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Côn Minh, nhưng nhận được phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu vào ngày 4 tháng 8. Bà bị chuyển đến Nhà tù Nữ Số 2 Tỉnh Vân Nam vào ngày 17 tháng 9.

Bị tra tấn 6 năm ở trong tù

Khi đến nhà tù, bà Tống không có nhu yếu phẩm hàng ngày. Vì mỗi tháng chỉ có thể mua nhu yếu phẩm 1 lần, 2 tù nhân đã cho bà mượn một ít bột giặt và những thứ cần thiết khác. Bà Tống nghĩ họ đối xử tử tế với mình. Nhưng đến kỳ mua nhu yếu phẩm tiếp theo, một tù nhân ra lệnh cho bà viết vào dòng đầu tiên trong đơn mua hàng những tội mà bà phạm phải. Tù nhân yêu cầu bà phải trả lại những món đồ mà bà đã mượn khi mới đến đây và cách duy nhất để trả lại chúng là điền vào đơn đăng ký mua hàng. Sau đó, 1 lính canh nói với bà rằng việc trả lại những món đồ đã mượn sẽ giúp bà được yên ổn hơn trong tù. Bà không còn lựa chọn nào khác ngoài việc viết đã phạm tội tu luyện Pháp Luân Công, để mua nhu yếu phẩm.

Hàng ngày, bà Tống bị buộc phải đọc sách tâm lý vào buổi sáng và xâu những hạt cườm nhỏ vào một sợi dây nilon dài 10m vào buổi chiều. Bà phải viết báo cáo tư tưởng hàng tuần và các tù nhân không ngừng cố gây áp lực buộc bà phải từ bỏ đức tin.

Các học viên Pháp Luân Công chỉ được phép sử dụng nhà vệ sinh vào những khung giờ nhất định, và cũng phải được sự cho phép của tù nhân giám sát. Thỉnh thoảng những tù nhân la mắng các học viên khi họ đang sử dụng nhà vệ sinh, khiến họ lo lắng và căng thẳng.

Tháng 7 năm 2019, nhà tù thiết lập 2 buồng giam ở khu 9 chuyên để tra tấn các học viên không từ bỏ Pháp Luân Công. Các bức tường được sơn sọc màu xanh và trắng, khiến mọi người thấy hoa mắt sau khi nhìn một lúc. Sàn được chia thành ba khu vực: kiểm điểm, học tập và ngủ.

Các học viên bị tra tấn trong nhà tù vào khoảng năm 2020 bao gồm: Bà Tiêu Ngọc Hà, bà Triệu Phi Quỳnh, bà Vương Mỹ Linh, bà Lương Vân, bà Vu Lan Như, bà Đặng Thúy Bình, bà Hà Lị Xuân, bà Triệu Thần Vũ, bà Quách Quỳnh, bà Từ Á Mai, bà Trần Sỹ Mai, bà Vương Tiến Tiên, bà Tất Kim Mai, bà Phổ Bảo Ngọc và bà La Bạch Tú.

Tháng 2 năm 2022, nhà tù tiến hành nghiêm quản tất cả các học viên kiên định. Họ bị cưỡng bức lao động khổ sai vào ban ngày. Nếu không hoàn thành khối lượng công việc trong ngày, họ sẽ bị phạt bằng các bài huấn luyện quân đội. Khi trở về buồng giam vào ban đêm, họ phải ngồi yên trên những chiếc ghế nhỏ cho đến 10 giờ đêm, trước khi được phép đi ngủ. Vào Chủ Nhật, trong khi các tù nhân khác được nghỉ, các học viên phải thức dậy lúc 6 giờ sáng và ngồi yên trên chiếc ghế nhỏ cho đến 10 giờ đêm, với chỉ 4 lần đi vệ sinh.

Khi bị nghiêm quản, mỗi học viên chỉ được mua nhu yếu phẩm với tổng giá trị 50 Nhân dân tệ mỗi tháng và họ phải điền tên mình vào đơn đăng ký mua hàng với danh nghĩa tù nhân để được chấp thuận. Các học viên chỉ được tắm một lần mỗi tuần với hai xô nước và giặt đồ hai tuần một lần. Nếu một học viên muốn giặt ga trải giường thì phải viết đơn. Vì bà Tống không nhận mình là tù nhân nên bà không được giặt ga trải giường trong hơn 9 tháng. Bà cũng bị từ chối thăm thân, viết thư hoặc gọi điện cho người nhà.

Sức khỏe của bà Tống ngày càng xấu đi vì bị tra tấn. Một số răng của bà bị rụng, và bà hầu như không thể nhai thức ăn, cũng như khẩu phần có rất ít rau và giờ ăn bị giới hạn. Vì phải ngồi nhiều tiếng, và hạn chế sử dụng nhà vệ sinh, bà bị táo bón, đầy hơi, đau bụng và các vấn đề về tiêu hóa khác. Một lần, bà cần đi vệ sinh gấp nhưng các tù nhân không cho phép. Bà bất chấp chạy vào nhà vệ sinh, nhưng bị trượt ngã và bất tỉnh.

Trước khi bà được thả, lính canh xét nghiệm máu cho bà mà không đưa ra lý do hay thông báo kết quả với bà. Vào ngày bà rời nhà tù vào ngày 6 tháng 12 năm 2022, một lính canh xúi giục một tù nhân xé tất cả các tài liệu tòa án và bản án của bà, nói rằng các học viên Pháp Luân Công không cần chúng.

Khi đoàn tụ với gia đình, người nhà nói rằng bà trông hốc hác và già đi ít nhất 10 tuổi so với tuổi thực. Bà bị đau lưng và cảm thấy rất yếu nhược. Bà không thể nâng vật nặng và bị đau ngực và khó thở.

Sách nhiễu triền miên

Tháng 1 năm 2023, ngay sau khi bà Tống được thả, cảnh sát địa phương và nhân viên cộng đồng đã viện lý do đến thăm bà để sách nhiễu bà tại nhà. Tháng 4 năm 2023, cảnh sát từ Đồn Công an Phúc Đức lại đến và hỏi liệu bà còn liên lạc với các học viên Pháp Luân Công khác không. Họ cảnh cáo bà không được đi ra ngoài nói với người dân về Pháp Luân Công và cuộc bức hại. Đến tháng 7, 4 công an lại sách nhiễu bà và vẫn hỏi liệu bà có liên lạc với các học viên địa phương không.

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/9/3/464878.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/9/20/211403.html

Đăng ngày 29-09-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share