Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hồ Bắc

[MINH HUỆ 3-10-2015] Theo tin tức tổng hợp từ trang Minh Huệ, kể từ cuối tháng 5, tại thành phố Hoàng Thạch, tỉnh Hồ Bắc, đã có 261 học viên Pháp Luân Công đệ đơn kiện Giang Trạch Dân.

Các học viên kiện cựu lãnh đạo độc tài của Trung Quốc vì đã phát động cuộc bức hại tàn bạo đối với Pháp Luân Công và yêu cầu ông ta phải chịu trách nhiệm cho những tổn thất to lớn mà cuộc bức hại này đã gây ra cho họ. Các đơn kiện này được gửi tới Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao bằng đường bưu điện.

Nhiều học viên đã kể lại việc Pháp Luân Công đã giúp họ hồi phục sức khỏe và cho họ một thế giới quan mới về cuộc sống như thế nào. Tuy nhiên, mong ước được sống một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn của họ đã tan vỡ khi vào năm 1999, Giang Trạch Dân phát động một chiến dịch trên toàn quốc nhằm xóa bỏ môn tu luyện này.

Chỉ vì từ chối từ bỏ đức tin của mình, họ đã bị bắt, giam giữ, tra tấn, bị lục soát nhà, bị chính quyền tịch thu tài sản cá nhân. Người thân của họ cũng bị liên lụy, một số người thậm chí bị buộc phải trả một khoản tiền phạt lớn.

Một số đơn kiện Giang Trạch Dân ở thành phố Hoàng Thạch đã được gia đình của các học viên đệ trình vì những học viên này hoặc đã bị tra tấn đến chết hoặc vẫn còn đang ở trong tù.

Sau đây, chúng tôi dẫn ra trường hợp của một vài học viên.

Bị tra tấn đến chết và mổ cướp nội tạng

Ông Tống Vạn Học từng làm việc tại Nhà máy Mỏ đồng Phong Sơn. Ông đã hai lần tới Bắc Kinh để kiến nghị chính phủ trung ương chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công. Khi ông trở về sau chuyến đi Bắc Kinh lần thứ hai, cảnh sát và bảo vệ ở nơi ông làm việc đã bắt giữ ông vào ngày 20 tháng 1 băn 2001. Chính quyền nói với gia đình ông rằng họ sẽ nhận được bình đựng tro cốt của ông.

Ba ngày sau khi bị bắt giữ, ông Tống đã qua đời ở tuổi 45 vì bị tra tấn. Tim, gan và thận của ông đã bị lấy đi. Các quan chức tuyên bố rằng họ đã gửi các cơ quan nội tạng của ông tới Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc để tiến hành khám nghiệm. Gia đình ông đã yêu cầu trả lại các bộ phận cơ thể của ông Tống, nhưng không bao giờ nhận được hồi âm.

Cảnh sát không cho phép vợ của ông được nhìn ông lần cuối trước khi hỏa táng. Vào tháng 8 năm 2015, vợ của ông Tống đã thay mặt chồng mình đệ đơn kiện Giang Trạch Dân.

Bị chấn thương nghiêm trọng trong trại giam

Ông Lạc Văn, 47 tuổi, làm việc ở Cục Đường sắt Hoàng Thạch. Ông đã bị bắt, bị giam giữ và bị kết án nhiều lần vì tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát đã đột nhập vào nhà ông và tịch thu tài sản cá nhân của ông khi không có ai ở nhà.

Trong trại tạm giam, ông Lạc Văn đã bị tra tấn tàn bạo khiến ông mất đi thính lực và không thể dựng thẳng lưng. Tám chiếc răng của ông đã bị gãy.

Suốt một thời gian, ông đã buộc phải chuyển tới một thành phố khác để tránh bị bức hại. Cảnh sát đã tìm ra ông, bắt giữ ông một lần nữa và đưa ông trở lại thành phố Hoàng Thạch vào tháng 7 năm 2001. Một phiên tòa bí mật kết án ông bảy năm tù mà không hề thông báo với gia đình ông về quyết định này.

Khi gia đình ông Lạc Văn biết mức án này, họ đã yêu cầu luật sư kháng án lên tòa án trung gian, nhưng tòa án này đã bác đơn của họ. Ông Lạc tiếp tục bị giam giữ tại Nhà tù Sa Dương. Vợ của ông đã thay mặt chồng mình đệ trình đơn kiện hình sự chống lại Giang Trạch Dân.

Các trường hợp bị bạo hành khác

Bà Thái Quế Hương, 53 tuổi, bị giam trong một trại lao động cưỡng bức trong hai năm. Bà đã bị cấm ngủ và bị phạm nhân nghiện ma túy giám sát chặt chẽ 24/24. Bà không được phép nói chuyện với người khác, bị cưỡng bức lao động nặng nhọc, bị tra tấn thân thể và bị bắt nộp phạt nhiều lần. Bà đã sút hơn 18kg trong hai năm bị giam giữ. Tóc bà gần như bạc trắng.

Ông Đỗ Đại Hưng, 80 tuổi, kỹ sư về hưu ở thành phố Hoàng Thạch, đã bị bắt giữ ba lần. Sau lần bị bắt giữ đầu tiên, hơn 20 sỹ quan cảnh sát đã thay phiên nhau thẩm vấn ông. Khi bị bắt lần thứ hai, ông bị giam trong một tháng và bị buộc phải nộp phí giam giữ. Khi bị bắt lần thứ ba, ông bị đưa tới một trung tâm tẩy não.

Bà Lưu Hiểu Liên, 69 tuổi, công nhân đã nghỉ hưu, bị còng tay ra đằng sau và bị trói trong 45 ngày vào mùa hè dưới cái nóng 45 độ C. Da thịt của bà đã bị bỏng ở những chỗ tiếp xúc với cái cùm kim loại. Sau khi được tháo cùm, bà đã hoàn toàn mất cảm giác ở bàn tay và bàn chân trong nhiều ngày. “Bàn tay tôi phồng lên như chiếc bánh bao hấp, còn cánh tay thì sưng phù lên bằng chỗ bắp chân.” Tới tận bây giờ vẫn có thể nhìn thấy những vết sẹo ở cổ tay bà.

Ngoài những học viên kể trên, những học viên sau đây cũng đã đệ đơn kiện:

Ông Đổng Tương Bình (董相平), 72 tuổi, nông dân

Bà Phùng Nguyên Quế (冯元桂), 51 tuổi

Ông Quế Lập Tân (桂立新), bác sĩ xoa bóp bấm huyệt

Ông Dụ Cúc Anh (喻菊英), 74 tuổi

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là lãnh đạo ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ khác của Bộ Chính trị, đã phát động cuộc đàn áp bạo lực đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi đức tin của mình và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc bức hại tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo của cá nhân Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/10/3/316982.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/10/11/153183.html

Đăng ngày 6-11-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share