Bài viết của Vương Anh, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 16-08-2020] Các kênh truyền thông ở Trung Quốc đều bị kiểm duyệt, tuy nhiên người ta vẫn có thể phần nào hiểu được sự tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) qua các báo cáo được lọc ra cho phù hợp với những thêu dệt của Đảng này.

Một phụ nữ Trung Quốc sống tại Nhật Bản đã bay về Trung Quốc để cấy ghép tim. Trong vòng 10 ngày, cô đã được cung cấp lần lượt bốn trái tim. Khi tin tức này được truyền rộng ở Trung Quốc như một sự hãnh diện về nguồn cung nội tạng dồi dào, các chuyên gia y tế bắt đầu nghi vấn về nguồn gốc của những nội tạng này, như trong một bài báo của National Review đăng ngày 13 tháng 8 với tiêu đề: “Thêm bằng chứng về hệ thống ‘Nội tạng theo yêu cầu’ ở Trung Quốc”.

Ông Wesley J. Smith viết trong bài báo: “Có những cáo buộc liên tục và đáng tin cậy về việc Trung Quốc thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân chính trị khác, thường là cho thị trường chợ đen, nơi những người cần ghép tạng giàu có du lịch đến để mua mạng sống của họ với cái giá là mạng sống của người khác. Đó là hành vi buôn bán tà ác, là điều mà cộng đồng quốc tế cần lên án Trung Quốc.”

Trích dẫn bài báo đăng trên The Epoch Times ngày 11 tháng 8 với tiêu đề: “Bốn trái tim trong 10 ngày: Ngân hàng nội tạng ‘theo yêu cầu’ của Trung Quốc làm gia tăng mối quan ngại về nạn thu hoạch cưỡng bức“, bài báo trên National Review coi việc cung cấp nội tạng theo yêu cầu của người phụ nữ nói trên như một bằng chứng mới của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Ông Torsten Trey, Giám đốc điều hành của Tổ chức các Bác sỹ Chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng (DAFOH) cho biết các bệnh nhân ở Hoa Kỳ thường phải đợi khoảng 6 đến 9 tháng để có một trái tim phù hợp. Điều này có nghĩa là cần mất hơn hai năm để tìm được bốn trái tim cho một người ở Hoa Kỳ.

Nhưng đó chưa phải là toàn bộ câu chuyện. Bài báo của The Epoch Times lưu ý rằng một nửa dân số Hoa Kỳ, hay trên 156 triệu người trưởng thành, đã đồng ý hiến tạng. Nhưng ở Trung Quốc, thông thường người dân không muốn hiến tạng vì lý do văn hóa, và hệ thống hiến tạng tự nguyện hầu như không hoạt động ở nước này.

Ông Trey giải thích, việc dễ dàng có đến bốn trái tim cho một bệnh nhân trong thời gian ngắn cho thấy nội tạng đã được cung cấp thông qua “hệ thống theo yêu cầu”. Điều này còn được hỗ trợ bởi các ca cấy ghép hai lá phổi đã được truyền thông Trung Quốc đưa tin rộng rãi. Ông Ethan Gutmann, một nhà phân tích Trung Quốc trong lĩnh vực này, cho biết thông điệp từ các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc là: “Chúng tôi có nội tạng. Điều này an toàn. Các bạn cứ đến đi. Trung Quốc chào đón các bạn.”

Trong cuốn sách Đại Thảm sát (The Slaughter) năm 2014 của mình, ông Gutmann đã ghi lại lời chứng của các quan chức cảnh sát cấp cao và các bác sỹ Trung Quốc, những người đã xác nhận hoặc tham gia vào tội ác thu hoạch nội tạng. Trong một cuộc phỏng vấn với DAFOH, ông cho hay nhiều người đã hỏi tại sao ĐCSTQ lại thực hiện những hành vi tàn bạo đến thế. Để trả lời câu hỏi đó, ông Gutmann đã tiến hành phân tích kỹ lưỡng và ghi lại những phát hiện của mình trong cuốn sách.

Ông nói trong cuộc phỏng vấn: “Những câu hỏi như vậy không có gì ngớ ngẩn cả; thực ra, đó là vấn đề trọng tâm mà cuốn sách của tôi nghiên cứu. Sáu trong số mười chương của cuốn sách viết về cách thức và lý do tại sao cuộc đàn áp Pháp Luân Công vượt ngoài tầm kiểm soát.”

Tương tự, ông Smith cũng tin rằng đạo đức đóng một vai trò quan trọng. Trong bài báo trên National Review,ông viết: “Các nhà lãnh đạo của một chế độ chuyên chế, những người làm ngơ trước sự thiêng liêng của cuộc sống, sử dụng lao động cưỡng bức/khổ sai để vận hành sản xuất công nghiệp của họ, và đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số, đối với họ mà nói, họ sẽ không quan tâm đến các giới hạn nhỏ nhặt như đạo đức và phép tắc cơ bản của con người.”

Ông kết luận: “Đó là vấn đề của họ. Còn vấn đề của chúng ta là đã để cho họ tự tung tự tác với tội ác này.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/8/16/410541.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/8/23/186469.html

Đăng ngày 25-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share