Bài viết của Trí Chân

[MINH HUỆ 02-12-2010] Trong sách cổ Trung Quốc có rất nhiều nội dung nhấn mạnh về vận mệnh và nhân quả báo ứng, làm việc thiện cứu người đắc thiện báo, làm việc ác hại người bị ác báo, chỉ dẫn con người tuân theo thiên lý, làm nhiều việc thiện thì mới gặp được nhiều cơ hội tốt. Bởi vì trên đầu ba thước có Thần linh, con người nếu làm việc tốt thì không phải hỏi chuyện tương lai, người có thiện nguyện thì ông Trời nhất định bảo hộ. Trong sử sách có rất nhiều câu chuyện như vậy, bên dưới xin đưa ra mấy ví dụ về thiện ác báo ứng.

Kính Phật hành thiện, Thần minh bảo hộ

Vào thời Bắc Tống, Hàn Kỳ từ nhỏ đã thích làm việc thiện và cứu giúp người khác, thành kính tín Phật, lời nói chính trực ngay thẳng, không giỏi nói đùa, tính tình thuần phác. Ông đảm nhiệm chức quan can gián trong ba năm, dám mạo phạm để khuyên răn nhà vua. Phàm là việc không thích đáng và không cần thiết thì ông sẽ không nói, mỗi lần nói ông đều phân rõ thị phi thành bại, làm ngay chính lại pháp luật, trung thành và chính trực, tránh xa những kẻ tiểu nhân nịnh nọt. Ông làm quan đến hơn 70 tuổi, xử lý sự vụ trước sau một cách cẩn trọng không chút sơ sót.

Năm Bảo Nguyên thứ 2, vùng Tứ Xuyên xảy ra hạn hán nghiêm trọng, số người chết đói tăng cao, Hàn Kỳ được bổ nhiệm chức quan giám ti. Sau khi đến Tứ Xuyên, đầu tiên ông cho miễn giảm thu thuế, truy bắt tham quan không làm tròn chức trách, bãi bỏ hơn trăm chức quan dư thừa, sau đó ra lệnh lấy toàn bộ lương thực trong kho của quan phủ địa phương phân phát cho bách tính đang gặp khó khăn, ở các nơi đều nấu cháo đặc cứu đói cho hơn 1,9 triệu người dân. Người dân cảm kích nói rằng: “Sứ giả đã đến, chúng ta lại được cứu sống rồi.”

Về sau, ông được điều đi nhậm chức ở Trung Sơn, vào lúc băng qua sông Sa, người dẫn đường quay về hồi báo mực nước sông phía trước đột nhiên dâng cao. Hàn Kỳ nhanh chóng ra lệnh chuẩn bị tàu thuyền để vượt sông, quả nhiên thế nước xung mãnh, sóng nước cao như núi, khiến cho tàu thuyền sắp sửa bị nhấn chìm. Những người đi theo ai nấy đều thấy kinh sợ. Lúc này đột nhiên có một con Thần long chắn ngang dòng nước lớn ở thượng lưu con sông nên nước sông lập tức yên ả trở lại, đợi cho đến khi Hàn Kỳ và những người đi cùng an toàn qua khỏi con sông thì dòng nước trở lại dữ dội như trước. Ai nấy đều nói là do Hàn Kỳ thường ngày hay làm việc thiện nên được đắc cứu.

Tâm tồn thiện niệm nhất định sẽ có thiện quả

Thời nhà Minh, ở Phụng Dương tỉnh An Huy có một người tên là Trịnh Chiếu. Ông ngưỡng mộ các bậc thánh hiền và tự mình thực hành theo Đạo của bậc thánh hiền. Mỗi ngày đều tận lực hành thiện giúp người, cứu tế người khác trong hoạn nạn, không từ chối việc thành tựu điều tốt cho người khác, hơn chục năm qua ông vẫn kiên trì làm như thế. Vì vậy, mọi người gọi ông ấy là người đại thiện. Ông ấy tự yêu cầu nghiêm khắc với bản thân mình. Ông không dám tùy tiện với những điều bản thân nghe thấy, nhìn thấy cùng với lời nói và hành động của mình. Ở nơi không có người nhìn thấy, ông vẫn bảo trì trạng thái cẩn trọng.

Một hôm, tối đến ông nằm mộng thấy mình đến thiên cung và nhìn thấy thiên thần đã sắp sẵn một chỗ ngồi cho ông, họ nói rằng: “Ông vốn có vận mệnh bần hàn, nhưng vì làm việc thiện nên lệnh cho hai thần phúc và lộc đi theo ông, sau này ông sẽ ngồi vào chỗ này.” Kể từ đó, Trịnh Chiếu đi đến đâu cũng đều có phúc lộc theo đó, con cháu được vinh hoa phú quý, rạng rỡ quan trường, cuối đời cũng như thế. Trịnh Chiếu kiên trì tấm lòng hướng thiện, hằng tâm kiên trì đến cùng nên về sau đã chứng đắc quả vị Tịnh dục chân nhân. Đây chính là đạo lý những điều tốt đẹp và cát tường thuận theo thiện tâm mà đến.

Tích thiện cải biến vận mệnh, phúc trạch tròn đầy

Thời nhà Thanh, ở huyện Thuận Đức tỉnh Quảng Đông có một người tên là Ôn Nhữ Thích thi đỗ tiến sĩ vào năm Càn Long thứ 49. Có một thầy tướng số xem tướng mặt cho ông và nói rằng đời này ông ấy chỉ có thể làm đến chức quan tứ phẩm. Năm Càn Long thứ 59, con đê lớn nhất ở Quảng Đông bị vỡ. Ôn Nhữ Thích trở về quê nhà làm tang sự cho cha mẹ và tận mắt nhìn thấy tình cảnh bách tính trôi dạt khắp nơi. Ông đã lấy toàn bộ gia sản và tổ chức quyên góp tài nguyên để xây lại con đê. Ngoài ra, ông còn lập ra lớp học miễn phí truyền giảng về kinh sách Nho gia v.v, làm việc thiện và khuyến thiện.

Về sau, ông trở lại kinh thành, thầy tướng số ngày trước nhìn thấy tướng mạo của ông liền kinh ngạc thốt lên: “Ông về quê nhất định đã gieo rất nhiều phúc đức, nếu không thì tướng mặt và cốt cách của ông làm sao mà có nhiều cải biến đến vậy? Ông có thể thăng quan lên nhị phẩm.” Ôn Nhữ Thích kể lại những việc mình đã làm, nghe xong chuyện thầy tướng số cười và nói: “Tướng do tâm sinh, tương lai phía trước của ông có hy vọng vô cùng!” Sau này, ông ấy làm chủ khảo vùng Quảng Tây, Tứ Xuyên và Sơn Đông, được thăng chức đến Binh bộ thị lang. Con trai của ông là Ôn Thừa Đễ thi đỗ tiến sĩ vào năm Đạo Quang thứ 6, vào làm trong Viện hàn lâm với chức quan Hình bộ chủ sự. Người ta đều nói chuyện này là do nhà họ Ôn lấy thiện để cứu giúp thế nhân mà có được.

Xem mạng người như cỏ rác nên tổn thọ và mất đi phúc lộc

Thượng thư Tô Đĩnh thời nhà Đường lúc còn trẻ có người xem tướng cho ông ta nói: “Ông có thể làm quan đến chức Thượng thư, có thể làm đến quan nhị phẩm.” Về sau, ông ta làm quan tam phẩm đến chức Thượng thư thì mắc trọng bệnh. Ông tìm đến thầy tướng số xem cho. Thầy tướng số nói: “Thọ mệnh của ông đã tận rồi, không có cách nào để kéo dài thêm.” Tô Đĩnh kể lại chuyện đã từng có người xem tướng cho ông trước đây. Thầy tướng số nói: “Lúc ban đầu xác thực là như vậy, nhưng do lúc làm quan ở Quế Châu, ông đã xử chết hai người. Bây giờ hai người đó đang kháng cáo ông dưới địa phủ, quan sai đã giảm thọ mệnh của ông hai năm, chính vì vậy nên ông không thể làm đến quan nhị phẩm.” Vốn là khi Tô Đĩnh còn làm quan ở Quế Châu, có hai tiểu quan sai kháng cáo huyện lệnh, nhưng Tô Đĩnh vì bao che cho huyện lệnh mà xử chết hai tiểu quan sai. Tô Đĩnh nhớ lại sự việc lúc đó chỉ còn biết thở dài rồi qua đời.

Phạm pháp nhận của đút lót liên lụy đến đời sau

Thời nhà Đường ở vùng Giao Chỉ có một người tên là Tá Phiền Quang. Một hôm vào buổi trưa, ông ấy đang làm việc ở quan phủ thì đột nhiên gió giật sấm chớp nổi lên, Phiền Quang và con trai cùng với con chó vàng mà họ nuôi đều bị sét đánh chết. Vào lúc sét đánh, thê tử của Phiền Quang đột nhiên nhìn thấy một vị Đạo sĩ nâng cô lên và quăng cô đến một địa phương khác, nhờ vậy nên cô thoát chết. Có người hỏi cô ấy: “Chuyện này nguyên nhân là vì sao?” Thê tử của Phiền Quang nói: “Trước đây có hai người dân đến cáo tụng nhưng Phiền Quang đã bắt họ nhốt vào trong ngục. Sau đó, người không biết đạo lý đã đút lót cho Phiền Quang nên anh ấy đã thả họ ra. Còn người có lý thì bị đánh đập và bị ép buộc nhận tội, đồ ăn thức uống của họ đều bị Phiền Quang đoạt lấy mang cho con trai và chó vàng ăn. Lúc hai người dân bị giam trong ngục đói chết, họ nói rằng nhất định phải tố cáo anh ta với Thiên Đế.” Chưa đến mấy hôm sau thì Phiền Quang gặp phải báo ứng này.

Thiện ác hữu báo là thiên lý. Chúng ta có thể nhìn thấy trong cuộc sống thực tế, phàm là những ai tin vào nhân quả báo ứng đều biết tự nguyện tự giác đi làm điều thiện tích đức, không chỉ là tạo cho mình vận mệnh tốt mà còn đặt nền tảng tích phúc đức cho con cháu. Phàm là những ai không tin vào nhân quả báo ứng thì thường làm điều xấu hại người làm lợi cho mình, không muốn tích đức hành thiện, kết quả là phí công bản thân bỏ mất phúc đức, còn làm liên lụy đến con cháu, hậu quả của việc thương thiên hại lý không thể tính được. Đạo làm người cần phải nhìn thẳng vào phép tắc nhân quả, phải quan sát được tâm niệm của bản thân và hết thảy hành vi xem có phù hợp với thiên lý hay không thì mới có thể có tiền trình quang minh.

(Nguồn tài liệu: “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Liệt Chứng”, “ Lịch Sử Cảm Ứng Thống Kỷ” v.v)


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2010/12/2/233091.html

Đăng ngày 09-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share