[MINH HUỆ 03-10-2011] Vào thời Minh, bên ngoài Đông Môn, huyện Vô Tích, phủ Thường Châu, một hộ gia đình nọ có 3 anh em trai. Anh cả là Lữ Ngọc, anh hai là Lữ Bảo, anh ba là Lữ Trân.

Con trai Lữ Ngọc tên là Hỷ Nhi. Năm 6 tuổi Hỷ Nhi cùng với trẻ con hàng xóm đi xem hội chùa, kết quả là một đi không trở lại. Lữ Ngọc và thê tử Vương Thị tìm kiếm suốt mấy ngày cũng không thấy bóng dáng.

Lữ Ngọc vô cùng đau buồn, cáo biệt Vương Thị, ra ngoài làm ăn buôn bán, vừa bôn ba tứ xứ hỏi thăm tung tích của Hỷ Nhi. Vài năm sau, một hôm Lữ Ngọc tới một nơi gọi là Trần Lưu, thì nhặt được một cái túi vải xanh, mở ra xem thì thấy toàn là bạc, khoảng chừng 200 lượng.

Lữ Ngọc thầm nghĩ: “Người mất tìm không thấy, chắc chắn sẽ vô cùng lo lắng, không chừng còn khiến gia bại thân vong. Cổ nhân thấy vàng không nhặt, nhặt được vàng cũng không giấu giếm, mỹ đức này thực đáng học hỏi. Ta cần đợi chủ nhân tới tìm, trả lại nguyên vẹn cho họ!”

Lữ Ngọc đợi cả một ngày, cũng không thấy ai tới, đành đi về phía trước, trọ ở một quán trọ tại vùng Túc Châu, và bàn chuyện làm ăn với một người tên là Trần Triêu Phụng. Trần Triêu Phụng than thở rằng mình đánh rơi một cái túi trong khu Trần Lưu, trong túi có 200 lượng bạc. Lữ Ngọc hỏi về hình dáng cái túi, kết quả là hoàn toàn giống với cái túi mà ông nhặt được. Lữ Ngọc không nói thêm lời nào, bèn mang cái túi và bạc hoàn trả nguyên vẹn cho Trần Triều Phụng. Trần Triều Phụng mừng ra mặt, lúc đó ông muốn chia đôi số bạc với Lữ Ngọc, nhưng Lữ Ngọc kiên quyết từ chối không nhận.

Trần Triều Phụng vô cùng cảm kích, bèn mời Lữ Ngọc tới nhà mình làm khách, và nói rằng nhà mình có một tiểu nữ, muốn gả cho Lữ Ngọc, kết thành thông gia.

Lữ Ngọc nước mắt như mưa, kể lại rành mạch câu chuyện về đứa con trai thất lạc của mình. Trần Triều Phụng thở dài nói: “Trong nhà tôi có một cậu bé, mấy năm trước tôi mua cậu ấy với 3 lạng bạc từ chỗ người khác. Tới nay cũng 13 tuổi rồi. Nay xin tặng lại cho ân huynh để hầu hạ, coi như chút thành ý báo đáp của ta.”

Trần Triều Phụng gọi cậu bé ra, Lữ Ngọc phát hiện ra góc lông mày bên trái của cậu bé có một vết sẹo. Lữ Ngọc thầm kinh ngạc, bởi lẽ khi con trai mình 4 tuổi, cũng từng bị ngã trầy xước góc trái của chân mày, vẫn còn để lại sẹo. Ông bèn hỏi cậu bé: “Cháu vốn là người ở đâu? Ai bán cháu đến đây?”

Cậu bé nói rằng: “Cháu không nhớ rõ lắm, chỉ nhớ là cha gọi cháu là Lữ Đại, còn có hai thúc thúc ở nhà. Hồi nhỏ cháu bị người ta lừa dắt đi mất, rồi bán tới đây.”

Lữ Ngọc nghe xong, bèn ôm chầm lấy cậu bé mà rằng: “Ta chính là cha đẻ của con, không ngờ thất lạc bao nhiêu năm, nay lại có thể tương ngộ!”

Cha con đoàn tụ, cả gia đình Trần Triều Phụng đều vô cùng hoan hỷ. Lữ Ngọc đứng lên khấu bái cảm tạ Trần Triều Phụng: “Nếu cháu không được phủ nhà mình thu nhận, thì giờ này không biết cha con có thể trùng phùng được chăng?” Trần Triều Phụng đáp: “Ân huynh có đức trả vàng, Thiên thượng mới dẫn ngài tới tệ xá, phụ tử mới có thể đoàn viên.”

Thế là hai nhà bèn ấn định hôn ước. Trần Triều Phụng còn lấy 20 lạng bạc, tặng cho hai cha con, coi như lộ phí đi đường.

Tờ mờ sáng ngày hôm sau, cha con Lữ Ngọc bái biệt rời đi, chợt bên sông đột nhiên nghe thấy tiếng người kêu cứu giữa dòng nước. Hoá ra một chiếc thuyền nhỏ gặp nạn, mọi người bị rơi xuống nước đang kêu cứu. Mọi người trên bờ gọi một chiếc thuyền nhỏ trên bờ tới cứu viện, nhưng các thuyền viên lại đòi thù lao, đang tranh cãi không ngừng.

Lữ Ngọc nghĩ: “Cứu một mạng người hơn xây toà tháp 7 tầng. Trong tay ta vừa hay có 20 lạng bạc, sao lại không thưởng cho thuyền viên, bảo họ vớt người lên.” Thế là, ông nói với những thuyền viên rằng: “Hãy mau cứu người, nếu cứu được sinh mệnh của tất cả mọi người trên truyền, ta sẽ thưởng cho các vị 20 lạng bạc.” Thuyền viên nghe xong thì thi nhau ứng cứu, trong chốc lát, tất cả mọi người trên thuyền đều được cứu.

Lữ Ngọc mang số bạc chia cho các thuyền viên. Những người rơi xuống nước được cứu mạng đều muôn phần cảm tạ ông. Một người trong số họ nhìn thấy Lữ Ngọc thì hét lên: “Đại ca từ đâu đến vậy?” Lữ Ngọc nhìn lại thì chẳng phải ai khác, mà chính là tam đệ Lữ Trân, bèn nói: “Là Thiên thượng giúp ta cứu mệnh của đệ”, bèn vui mừng gọi Hỷ Nhi ra gặp thúc thúc, và kể lại câu chuyện trả vàng gặp con.

Lữ Ngọc hỏi: “Sao đệ lại tới đây?” Lữ Trân đáp: “Từ sau khi đại ca đi, biền biệt mấy năm trời, có người nói đại ca đã mất mạng ở Sơn Tây, chị dâu đã mặc đồ để tang. Gần đây nhị ca lại muốn ép chị dâu xuất giá, chị dâu không nghe theo. Đại ca mau về nhà an ủi chị dâu đi, để lâu e rằng sẽ có biến.”

Lữ Ngọc nghe xong vô cùng hoang mang, vội vã gọi chủ thuyền lập tức nhổ neo, đi xuyên ngày xuyên đêm về nhà.

Lão nhị Lữ Bảo tâm địa bất thiện, nghe nói Giang Tây có người mất vợ, muốn tìm một người phụ nữ khác nối duyên, bèn muốn tái hợp chị dâu cho người này, đối phương cũng tình nguyện trả 30 lạng bạc.

Lữ Bảo nhận được bạc, bèn nói với khách rằng: “Chị dâu ta hơi cố chấp, nếu đàng hoàng mời chị ấy ra khỏi nhà, thì chắc chắn chị ấy sẽ không chịu. Nên chập tối đêm nay, hãy cho người khênh kiệu lặng lẽ tới nhà ta, chỉ cần nhìn thấy người búi tóc để tang, thì chính là chị dâu ta. Không cần nói nhiều hãy đưa chị ấy lên kiệu, đi thuyền xuyên ngày đêm là được.” Vị khách bèn y kế mà làm.

Lữ Bảo chỉ e chị dâu không nghe theo, bèn không tiết lộ với chị dâu, mà ngấm ngầm cho vợ mình là Dương Thị khuyên giải. Dương Thị nói với Vương Thị rằng: “Chồng em đã hứa gả chị cho một người khách ở Giang Tây. Vào lúc trời sẩm tối, người khách đó sẽ tới đón dâu, chị nên chuẩn bị đồ đạc một chút đi.”

Vương Thị khóc nức nở: “Dẫu rằng chồng ta đã chết, nhưng ta chưa được thấy tận mắt, hơn nữa đợi tam đệ trở về, chắc chắn sẽ có tin tức chính xác. Nay ép buộc ta thế này thực quá khổ tâm!”

Dương Thị dùng cạn lời khuyên can, Vương Thị vẫn kiên quyết từ chối: “Hiện giờ ta còn đang búi tóc để tang chồng, sao có thể gả cho người khác được?” Dương Thị nghe vậy bèn vội vàng đi tìm búi tóc. Cũng là số trời, đương nhiên là búi tóc cũ chẳng thể tìm được, Dương Thị bèn mang búi tóc của mình đổi cho Vương Thị.

Sau khi trời mờ tối, vị khách Giang Tây bèn dẫn theo đèn lồng, đuốc hoa, khênh một chiếc kiệu hoa đến, chạy như bay vào nhà họ Lữ. Mọi người đẩy cổng, thấy người búi tóc để tang bèn cướp đi. Dương Thị hét lên: “Không phải ta!” Những người xông vào vẫn khiêng bà ta lên kiệu, chạy như bay.

Sáng sớm hôm sau, Lữ Bảo về nhà, bước vào cửa không thấy vợ đâu, nhưng trên đầu chị dâu lại đội búi tóc đen, thì trong lòng sinh nghi, bèn vội vàng dò hỏi. Vương Thị nói rõ nguyên nhân đổi búi tóc. Lữ Bảo gục đầu đau xót, chỉ biết than Trời. Y vốn định bán chị dâu, ai ngờ lại bán vợ mình.

Đúng lúc y định ra ngoài, thì thấy 4, 5 người cùng bước vào, không phải ai khác, mà là đại ca Lữ Ngọc, tam đệ Lữ Trân và cháu trai Hỷ Nhi, đang gồng gánh hành lý, hàng hoá bước vào cổng. Lữ Bảo tự thấy xấu hổ, bèn trốn ra cổng sau, không biết đi về hướng nào.

Vương Thị đón chồng, lại nhìn thấy con trai đã lớn nay trở về nhà, bèn hỏi rõ nguồn cơn. Lữ Ngọc kể lại toàn bộ câu chuyện. Vương Thị cũng kể lại chuyện người Giang Tây tới cướp em dâu đi mất.

Lữ Ngọc nói: “Nếu ta tham lam 200 lạng bạc phi nghĩa, sao cha con có thể gặp mặt! Nếu nuối tiếc 20 lạng bạc, sao anh em có thể tương phùng? Nếu không gặp tam đệ, sao có thể biết được tin tức trong nhà. Hôm nay cả nhà cốt nhục đoàn viên, đều là Thiên ý! Người em phản nghịch bán vợ, cũng là tự làm tự chịu, Thiên hoàng báo ứng, quả thực không sai.”

Từ đó Lữ Ngọc lại càng dốc tâm hành thiện, gia đạo ngày càng hưng vượng. Sau này Hỷ Nhi và con gái của họ Trần kết thân, con cháu đầy nhà, 5 đời hưng thịnh, thăng quan, phát tài, vinh hiển, phú quý.

Có câu thơ rằng: “Bổn ý hoàn kim kiêm đắc tử, Lập tâm mại tẩu phản thâu thê. Thế gian duy hữu thiên công xảo, Thiện ác phân minh bất khả khi”, tạm dịch “Bổn ý trả vàng lại được con, Rắp tâm bán chị dâu lại thành mất vợ. Thế gian chỉ có Trời định là tài tình, Thiện ác phân minh chẳng thể khinh khi.”

Trích từ “Cảnh thế thông ngôn”, quyển số 5 “Lữ Đại Lang hoàn kim hoàn cốt nhục” (Lữ Đại Lang) trả vàng cốt nhục tương ngộ)


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/10/3/247423.html

Đăng ngày 12-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share