Bài viết của Hoàng Vũ Sinh, phóng viên Minh Huệ tại Đài Loan

[MINH HUỆ 08-07-2019] Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc trong 20 năm qua, và khiến cho một lượng lớn người dân Trung Quốc hiểu lầm các học viên và nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.

Các học viên ở Đài Loan đã không ngừng cho người dân Trung Quốc biết sự thật về Pháp Luân Công thông qua các cuộc trò chuyện trực tiếp tại các điểm du lịch, và thông qua các cuộc gọi điện thoại, tin nhắn và Internet. Các học viên tham gia vào những nỗ lực này đã tập trung tại một trường tiểu học ở Đài Trung vào ngày 7 tháng 7 năm 2019, để chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của họ trong quá trình giảng thanh chân tướng cho người Trung Quốc.

264cf7cb5df40be04d75feecdd8e55f4.jpg

6d31dd2d7c94c9dbaca9fa3fc0816cfb.jpg

Các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Đài Loan thường nói chuyện với những người đến từ Trung Quốc Đại lục về Pháp Luân Công

Một người theo đạo Cơ đốc giáo: Các bạn là hy vọng của Trung Quốc

Hạ Thúy Miễu đến từ Cao Hùng đã gọi điện thoại đến Trung Quốc Đại lục trong nhiều năm nay. Một ngày nọ, một học viên đã cho cô ấy một số điện thoại và nói rằng người này đã từ chối nghe sự thật về Pháp Luân Công. Cô Hạ gọi cho người đó và giải thích Pháp Luân Công là gì. Cô khuyên người đàn ông này hãy thoái xuất khỏi các tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vì Đảng đã làm hại nhiều người Trung Quốc trong các cuộc vận động chính trị của nó.

Người đàn ông nói rằng anh ấy là người theo đạo Cơ đốc và cho biết anh không phải là Đảng viên ĐCSTQ. Khi cô Hạ tiếp tục trò chuyện với sự kiên nhẫn và lòng từ bi, anh ấy đã cảm động vì sự chân thành của cô và quyết định thoái Đội Thiếu niên Tiền phong. Khi cô Hạ đề cập đến việc ĐCSTQ đàn áp tự do tín ngưỡng, kể cả với Kitô hữu, người đàn ông này đã đồng ý và nói: “Không có đức tin, con người sẽ làm xói mòn các giá trị đạo đức của họ và việc xấu nào họ cũng dám làm”. Người đàn ông nói thêm: Anh ngưỡng mộ sự kiên định của các học viên và cho rằng các học viên Pháp Luân Công chính là niềm hy vọng của Trung Quốc.

Gián điệp mạng: Bạn hãy cẩn thận!

Cô Quách Linh, đến từ Cao Hùng, đã bắt đầu trò chuyện trực tuyến với người dân Trung Quốc về Pháp Luân Công từ năm 2006. Cô thường trả lời tất cả các câu hỏi của họ, cho dù đó là các tin nhắn ủng hộ, hay những bình luận tiêu cực và lời không hay. Cô Quách đã cảm thấy kiệt sức khi bắt đầu làm nhiệm vụ này và phải nghỉ ngắt quãng nhiều lần.

Sau đó, cô nhớ đến lời giảng Pháp của Sư phụ Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Công:

“Từ bi năng dung thiên địa Xuân

Chính niệm khả cứu thế trung nhân”. (Pháp Chính Càn Khôn, Hồng Ngâm II)

Tạm diễn nghĩa:

“Từ bi có thể hoà tan trời đất thành mùa Xuân

Chính niệm có thể cứu con người ở thế gian“. (Pháp Chính Càn Khôn, Hồng Ngâm II)

Bài thơ này nhắc nhở cô phải từ bi và có chính niệm mạnh mẽ hơn. Hiện tại, cô đã giúp hơn 10.000 người tam thoái. Những người mà cô gọi điện giảng chân tướng đến từ các giai tầng khác nhau, bởi vậy, cô thường đề cập đến các chủ đề rộng, chẳng hạn như Pháp Luân Công là gì, và lợi ích về thể chất và tinh thần của việc tập luyện môn này. Cô cũng nói rõ những hiểu lầm bị gây ra bởi tuyên truyền dối trá ở Trung Quốc, và giải thích cho mọi người biết tại sao họ nên thoái Đảng.

Một số người ban đầu có phản ứng tiêu cực trước những điều cô nói, sau đó, sự chân thành và thiện lương của cô đã khiến họ thực sự cảm động. Cô cũng có nhiều trải nghiệm tích cực khi trình chiếu các video hoặc các bộ phim ngắn giới thiệu về Pháp Luân Công và cuộc bức hại cho mọi người, và nhiều người đã đến xem.

“Có rất nhiều người không được tiếp cập nguồn thông tin ở nước ngoài và họ thực sự tin những gì chúng tôi nói”, cô Quách nói. Đôi khi mọi người xếp hàng để chờ cô giúp họ tam thoái và một số người tò mò học các bài luyện công.

Một người bình luận: “Tôi từng đi du lịch nhiều nơi và tôi biết tất cả những điều này”. “Bạn đã thoái Đảng chưa?“ Cô Quách hỏi. Người kia đáp lại: “Chưa. Bạn có thể giúp tôi làm điều đó ngay bây giờ được không?”

Một buổi sáng, khi cô Quách đang ngồi ăn sáng trước bàn máy tính của mình thì một cư dân mạng, là một người từng từ chối nghe cô giảng chân tướng đã vào mạng trò chuyện với cô: “Các bạn muốn lật đổ ĐCSTQ phải không?” Quách ngừng ăn và trả lời: “Không, chúng tôi chỉ muốn kể cho bạn nghe về những bi kịch đang diễn ra ở Trung Quốc hiện nay. Nếu ĐCSTQ không chặn thông tin, thì tôi sẽ không cần phải làm điều này. Rốt cuộc, chúng tôi chỉ muốn bạn có một tương lai an toàn”.

“Tôi hiểu”, người đó trả lời. “Tôi thực ra là một gián điệp mạng và tôi đã theo dõi các bạn trong một thời gian khá dài. Tôi tôn trọng bạn, xin hãy bảo trọng”. Người đó thực sự đã đồng ý thoái Đảng và cô Quách đã cảm động rơi nước mắt.

Một luật sư: Sẵn sàng giúp đỡ các học viên

Ông Trần Bá Tường, 70 tuổi, đã tu luyện Pháp Luân Công được 17 năm. Khi còn trẻ, ông không thích đi học và viết chữ xấu. Bây giờ, ông say mê đọc các bài giảng Pháp của Sư phụ và chép lại chúng bằng tay rất đẹp. Cuộc sống của gia đình ông cũng thay đổi đáng kể. Trước đây, vợ chồng ông thường xuyên cãi vã, gần như là kẻ thù của nhau. Khi ông đề cao tâm tính theo các nguyên lý của Đại Pháp, họ đã tôn trọng lẫn nhau và gia đình trở nên hòa thuận.

Khi rảnh rỗi, ông Trần dành nhiều thời gian để gọi điện thoại đến Trung Quốc. Một lần, ông bấm một số điện thoại và một sinh viên đại học đã trả lời, nhưng cô ấy đã cúp máy ngay khi phát hiện ra cuộc gọi có liên quan đến Pháp Luân Công. Khi ông Trần gọi lại, cô sinh viên này đã lặp lại một số từ ngữ vốn được tuyên truyền trên các kênh truyền thông nhà nước và gác máy lần nữa. Khi ông Trần gọi lần thứ ba, trước khi cô sinh viên lên tiếng, ông Trần đã hỏi, “Cô gái, những gì cháu vừa nói là những gì cháu tận mắt chứng kiến hay chỉ là xem nó trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc? Nếu cháu thấy nó trên TV, xin cháu có thể cho tôi vài phút để giải thích những gì đã xảy ra trong vụ tự thiêu giả ở Quảng trường Thiên An Môn không?”

Sau khi ông Trần nói xong, cô sinh viên này đã trả lời: “Cuối cùng cháu cũng biết chuyện gì đã xảy ra. Cảm ơn ông!”

Một lần khác, ông Trần nói chuyện với một luật sư tên là Hoàng. Luật sư này nói rằng ông đã đến Paris và nhận tài liệu từ các học viên ở đó. Ông Trần nói với luật sư Hoàng rằng các luật sư bào chữa cho các học viên ở Trung Quốc đã biện hộ cho họ tại tòa. Luật sư Hoàng nói rằng ông chưa gặp tình huống này nhưng ông mong có cơ hội được làm điều đó trong tương lai.

Cuối cùng, luật sư nói rằng Trung Quốc hiện giờ đang nguy cơ tứ bề, ĐCSTQ sẽ không tồn tại lâu và ông cũng muốn tách mình ra khỏi chế độ tàn bạo này.

Các câu chuyện từ các điểm du lịch

Cô Khang Thái Phượng, một học viên tình nguyện tại các điểm du lịch, cho biết cô phải mất một thời gian để vượt qua nỗi sợ hãi và nói chuyện với khách du lịch Trung Quốc về Pháp Luân Công. Cô vẫn còn nhớ rõ lần đầu tiên cô giúp một người thoái Đảng. Đầu tiên cô nói với người đó rằng các học viên Pháp Luân Công là những người tốt và họ luôn tuân theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày.

Cô Khang sau đó hỏi vị khách rằng: “Liệu tôi có thể giúp bạn thoái Đảng bằng hóa danh được không? Bạn có tham gia vào các tổ chức nào của ĐCSTQ trước đó chưa?” Sau đó, xe buýt du lịch của họ đến. Không quan tâm tới câu hỏi của cô Khang về việc có dùng bút danh hay không, anh ấy vội nói tên thật của mình và nói rằng mình là một thành viên của ĐCSTQ. Cô Khang xác nhận lại xem liệu anh ấy có muốn thoái bằng tên thật của mình hay không, thì anh ấy trả lời: “Được, tôi đồng ý!”

Cô Khang đã rất cảm động – đây là người Trung Quốc đầu tiên cô nói chuyện về việc thoái Đảng và anh ấy đã không ngần ngại sử dụng tên thật của mình, bất chấp việc anh có thể gặp nguy hiểm khi trở về Trung Quốc.

Một ngày nọ, cô Khang đã gặp một chàng trai trẻ đến từ Trung Quốc và đang theo học tại một trường cao đẳng ở Đài Loan. Chàng trai trẻ đang rất chăm chú đọc các tấm bảng chân tướng về Pháp Luân Công, vì vậy cô Khang đã trò chuyện với anh và biết rằng anh rất quan tâm đến các vấn đề lịch sử. Anh cũng hiểu rằng sách lịch sử ở Trung Quốc thường bị cắt xén, hoặc viết lại theo ý chí chủ quan của ĐCSTQ.

Cô Khang đã giải thích chi tiết về Pháp Luân Công và cuộc bức hại ở Trung Quốc và đưa cho anh ấy một cuốn Cửu Bình. Chàng trai trẻ rất hạnh phúc và đã quyết định thoái Đảng và các tổ chức liên đới của nó.

Lòng can đảm ở Hồng Kông

Cô Lưu đã nghỉ hưu và cô có thể đã chọn một cuộc sống yên bình với khoản lương hưu của mình. Tuy nhiên, sáu năm trước, cô đã chọn đến Hồng Kông để nói cho người dân đến từ Trung Quốc Đại lục biết sự thật về Pháp Luân Công. Ba năm trước, cô bắt đầu đi đến các nhà ga và khu vực mua sắm nổi tiếng để phát tài liệu Pháp Luân Công. Cô đã từng phát tặng Tuần báo Minh Huệ cho một nhóm khách du lịch Trung Quốc, và một trong số họ kêu lên sợ hãi, đó là Pháp Luân Công!

“Các học viên Pháp Luân Công là những người tốt. Các bạn không có gì phải sợ”, cô Lưu mỉm cười trả lời. Các vị khách du lịch đều mỉm cười và đồng ý nhận tài liệu. Nhiều lúc, cô cũng phải đối mặt với những tình huống khó khăn. Một số khách du lịch đã hiểu lầm về Pháp Luân Công và cho rằng các học viên được trả tiền để nói chuyện với mọi người. Cô Lưu nói với họ rằng cô đã dành tiền của mình để đi đến đây với mục đích là giúp mọi người biết được sự thật về Pháp Luân Công.

Một lần khác, một nhóm ủng hộ ĐCSTQ đã đi theo cô Lưu bất cứ nơi nào cô đến và sử dụng các tấm bảng để che không cho khách du lịch nhìn thấy cô. Sau khi chứng kiến ​​những cảnh này, một du khách đã rất khó chịu và yêu cầu họ ngừng quấy rối cô Lưu.

Lòng trắc ẩn tạo nên sự khác biệt

Sau khi hoàn thành công việc hàng ngày, cô Lưu Tồn Huy thường đến các điểm du lịch như Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn và tòa tháp 101 tầng ở Đài Bắc. Cô cho biết nhiều khách du lịch, đặc biệt là những người đến từ Hàn Quốc, rất sẵn lòng tiếp nhận các tài liệu Pháp Luân Công. Tuy nhiên, khách du lịch từ Trung Quốc Đại lục thường có thái độ khác, và điều này thường khiến cô phiền lòng.

Sau khi đến Hồng Kông và chứng kiến những thử thách ở đó, cô đã thay đổi suy nghĩ của mình. “Một trong những khách du lịch nói rằng trước khi đến đây, họ được khuyên không nên nói chuyện với các học viên Pháp Luân Công và sẽ luôn có ai đó theo dõi họ. Tôi cảm thấy rất lo cho họ”, cô Lưu cho biết.

Việc nhận thấy khách du lịch chỉ dám nghe, thay vì đọc tài liệu hoặc nói chuyện với các học viên, cô đã hiểu sâu sắc hơn về lý do tại sao cô cần tiếp tục ở đây để giảng chân tướng cho họ bằng sự kiên trì và lòng trắc ẩn.

Cô Lại Thục Mai đến từ Đài Nam thường gửi tin nhắn có thông tin về Pháp Luân Công cho người Trung Quốc qua dịch vụ nhắn tin đa phương tiện (MMS). Ban đầu, cô đã nghi ngờ về việc có bao nhiêu người có thể tiếp cận thông tin theo cách này. Nhưng khi nghĩ rằng những người này có rất ít sự lựa chọn để tìm hiểu về Pháp Luân Công và một người có thể truyền tin cho nhiều người khác, cô biết thời gian của mình sẽ không bị lãng phí. Với thể ngộ này, cô đã tiếp tục làm thế này trong vài năm.

Cô Vương Huệ Quan, cũng đến từ Đài Nam, cho biết cô từng là một người tính tình nhút nhát. Cô thường cảm thấy khó mở lời nói chuyện với khách du lịch Trung Quốc, vì cô cảm thấy sợ hãi và có chấp trước vào tâm an dật. Thêm vào đó, cô phải cân bằng cuộc sống gia đình để có thể thu xếp được thời gian đến các điểm du lịch.

“Sau đó tôi đã học được rất nhiều từ các học viên khác. Khi quy chính bản thân, tôi coi những khách du lịch đó là thành viên gia đình hoặc bạn bè của tôi. Khi tôi tập trung vào việc thức tỉnh họ, tôi nhận thấy mình không còn áp lực hay sợ hãi nữa, và tôi có thể dễ dàng nói chuyện với nhiều người hơn.

Những cơ hội quý giá

Bên cạnh sự kiên trì, nhiều học viên cho biết họ coi đó là cơ hội quý giá để nói chuyện với khách du lịch Trung Quốc. Lòng tốt và trí huệ của họ cũng tạo nên sự khác biệt.

Cô Vương từng gặp một học sinh cấp ba và bố mẹ của cậu. Cô lấy ra một cuốn Mục tiêu cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản và nói với họ rằng cuốn sách này giải thích một cách rõ ràng chủ nghĩa cộng sản là gì và nó rất phổ biến trong giới trẻ ở cả Hồng Kông và Đài Loan. Gia đình cậu dường như không chú ý đến cô. Nhưng một lúc sau, cậu học sinh quay lại và hỏi xin cô cuốn sách này.

Cô Lâm Đình Đình đến từ Đài Trung, thường đến một ngôi chùa gần hồ Nhật Nguyệt để nói chuyện với khách du lịch. Dọc theo lối đi dẫn đến ngôi chùa, các học viên dựng các tấm áp phích về chân tướng Pháp Luân Công ở một bên và bên kia họ luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. “Hầu hết các du khách đến chùa sẽ đi qua đó. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau, có nguồn gốc dân tộc khác nhau”, cô Lâm cho biết. “Một lời chào, một nụ cười hoặc một câu nói đơn giản ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo’ sẽ mang họ đến gần hơn với sự thật.

Các bài công pháp được trình diễn trên nền nhạc êm ái, bình hòa là một trải nghiệm đặc biệt đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc. Ngay cả khi họ chỉ đi ngang qua, họ vẫn thường quay đầu nhìn lại trong sự ngạc nhiên. Cô Lâm sẽ nhẹ nhàng nói chuyện với họ: “Chào bạn! Hãy đến và xem đi. Mặc dù bạn không thể nhìn thấy nó ở Trung Quốc Đại lục, nhưng bài thiền định này được thực hiện trên toàn thế giới”. Một người phụ nữ phương Tây đã đến gần cô Lâm với đôi mắt đẫm lệ và nói rằng cô cảm thấy cảnh tượng này rất yên bình và đáng nhớ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/8/389736.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/10/178388.html

Đăng ngày 15-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share