[MINH HUỆ 01-12-2011] Trong lịch sử Trung Quốc có năm vị hoàng đế gây nạn cho Phật Pháp, bốn lần tạo thành tai nạn, lịch sử gọi là “Tam Vũ nhất Tông diệt Phật”. Tình tiết mỗi lần khác nhau nhưng kết cục đều giống nhau đến kinh ngạc. Đó cũng là lời cảnh tỉnh đối với những ai hiện đang đi vào vết xe đổ.

Vị thứ nhất: Bắc Ngụy Thái Vũ Đế Thác Bạt Đào

Thời kỳ Nam Bắc triều, Bắc Ngụy Thái Vũ Đế Thác Bạt Đào đích thân dẫn quân thiết kỵ đạp bằng bốn nước, nhất thống phương Bắc. Đương thời Phật Pháp truyền bá rộng rãi, có rất nhiều người xuất gia tu hành. Năm 438 ông ban chiếu lệnh cho các tăng lữ 50 tuổi trở xuống phải hoàn tục để giải quyết nguồn cung cấp binh lính. Năm 444 ông lại lấy cớ Phật Pháp “làm các hoạt động mê tín” (Chiếu viết: “Giả ngày sinh của giặc Tây phương, sinh ra yêu nghiệt”), ông đã xuống chiếu xua đuổi các tăng lữ [1]. Năm 446, dựa vào lời tấu của trọng thần Thôi Hạo, ông ban chiếu diệt Phật khốc liệt nhất: “Đập vỡ và thiêu hủy tất cả tượng Phật và kinh Phật, phá hủy chùa chiền, chôn sống tăng lữ.” Khi đó thái tử là người thành tín Phật Pháp đã liên tiếp dâng biểu khuyên can, trì hoãn ban bố chiếu thư nên một số tăng nhân đã trốn thoát. Mấy ngày sau bắt đầu đập phá tháp Phật, hủy hoại tượng Phật (để đúc tiền), thiêu hủy kinh Phật, sát hại tăng ni… Toàn quốc từ trên xuống dưới đều kinh hoàng khiếp đảm.

Có lẽ ứng với quy luật “Thượng đế muốn nó diệt vong thì trước tiên làm cho nó điên cuồng”. Thôi Hạo không nghe lời khuyên can của đồng liêu, dốc sức thúc đẩy phong trào diệt Phật, bước đến kết cục thê thảm. Thôi Hạo là người Hán, cậy mình công cao coi thường giới quý tộc Tiên Ti (một dân tộc thiểu số phía Bắc Trung Quốc). Ông ta sử dụng số tiền lớn đem sách của mình và quốc sử do ông ta chủ biên khắc thành rừng bia để hiển dương, đã bộc lộ ra vụ bê bối và chọc giận giới quyền quý. Hoàng đế đích thân thẩm vấn. Thôi Hạo tự ví mình tài hoa như Trương Lương ngoài việc thừa nhận tham hối lộ ra đã kinh hoàng sợ hãi không biết ứng đối thế nào. Năm 450, vị lão thần ba triều đại này và người thân ba họ của ông ta đã bị diệt tộc. Trước khi chết ông ta chịu hình phạt, chịu nhục kêu la suốt dọc đường [2]. Đương thời mọi người đều nói ông ta diệt Phật bị báo ứng.

Hai năm sau, Thái Vũ Đế đang cường tráng như mặt trời giữa trưa lại bị hoạn quan giết chết, mới 44 tuổi. Hai con trai của ông (Thái tử và Cung Tông) cũng lần lượt chết bởi tay hoạn quan.

Năm 452 Văn Thành Đế kế vị, lập tức vãn hồi những sai lầm của ông nội, đã chấn hưng Phật Pháp. Hang đá Vân Cương chính là do ông hạ chiếu xây dựng. Từ đó quốc thái dân an, tạo dựng nền móng vững chắc cho Ngụy Hiếu Văn Đế trung hưng sau này.

Vị thứ hai: Bắc Chu Võ Đế Vũ Văn Ung

Thời kỳ cuối Nam Bắc Triều, Bắc Chu Vũ Đế Vũ Văn Ung là người có sức mạnh thần dũng anh vũ. Năm 575 ông 32 tuổi, đích thân dẫn quân chinh phạt Bắc Tề. Năm 34 tuổi ông lại lần nữa thống nhất miền Bắc.

Năm 574, Vũ Văn Ung tuyên bố không sợ xuống địa ngục, Phật, Đạo đều diệt, hủy hoại các kinh thư, tượng của Phật và Đạo, lệnh cho các hòa thượng, đạo sỹ phải hoàn tục [3]. Sau khi tiêu diệt Bắc Tề, ông ta lại cấm hai tôn giáo Phật và Đạo trong địa giới Bắc Tề, cướp đoạt 4 vạn ngôi chùa làm nhà ở, thiêu hủy Phật tích, cưỡng bức 3 triệu tăng ni hoàn tục, khiến cho miền Bắc dường như tuyệt tích Phật Pháp.

Tháng 6 năm sau, ông lại dẫn quân lên phía Bắc chinh phạt Đột Quyết, đại quân vừa đến nơi thì Vũ Đế bạo bệnh mà chết, tuổi mới 35.

Bắc Chu diệt Phật, tai họa không chỉ có vậy. Thái tử Vũ Văn Uân 19 tuổi kế vị. Uân tàn bạo hoang dâm, năm sau nhường ngôi cho con trai mới 6 tuổi, còn bản thân ông ta lui về hậu cung phóng túng dục vọng, đến năm 22 tuổi thì bệnh chết. Con trai ấu thơ kế vị, đại quyền rơi vào tay người ông ngoại là Dương Kiên.

Năm 581, Dương Kiên phế bỏ nhà Bắc Chu lập lên nhà Tùy. Không đầy 2 năm, Dương Kiên diệt sạch 43 gia tộc con cháu hoàng tộc Vũ Văn, tông thất Vũ Văn về cơ bản đã bị giết sạch không còn sót một ai.

Hậu trường lịch sử

Để lại tai họa cho cháu con, tổ tiên có được miễn tội không? Thượng thư Bộ Lại đời Đường là Đường Lâm đã ghi chép câu chuyện trong “Minh báo ký” như sau:

Quan ngự thiện của Bắc Chu Vũ Đế là Bạt Bưu đến thời Tùy Văn Đế Dương Kiên vẫn làm quan ngự thiện. Một hôm Bạt Bưu đột tử nhưng ngực vẫn còn ấm, người nhà không dám liệm. 3 ngày sau Bạt Bưu tỉnh dậy nói: “Dẫn ta đi gặp hoàng thượng, Chu Vũ Đế chuyển lời.”

Sau khi gặp Dương Kiên, Bạt Bưu nói rằng ông đến âm gian thấy Chu Vũ Đế đang chịu hình phạt tàn khốc. Vũ Đế nói với ông rằng: “Ông giúp tôi chuyển lời đến thiên tử Đại Tùy, ông ấy trước kia đã từng là đồng sự của tôi, vàng ngọc lụa vải trong quốc khố ngày nay đều là do tôi tích trữ. Bởi vì khi còn sống tôi diệt Phật nên hiện nay chịu khổ cực, xin ông ấy làm công đức cho tôi.”

Thế là Dương Kiên lệnh khắp thiên hạ mỗi nhà bỏ ra 1 đồng để làm siêu độ cho Vũ Đế.

Sách “Tùy thư” có ghi chép: “Khi Dương Kiên sinh ra ở trong chùa thì khí tía đầy sân. Tỳ kheo ni Trí Tiên nói với mẹ Kiên rằng, đứa trẻ này có lai lịch không tầm thường, phải để bà ấy đích thân nuôi dưỡng. Đến khi Dương Kiên 13 tuổi mới trở về với mẹ đẻ [4]. Sau khi Dương Kiên đăng cơ, quả nhiên như dự ngôn, ông đã thúc đẩy Phật Pháp ở Đông Thổ lên tới đỉnh cao, và triều Tùy cũng đã xuất hiện cục diện “Khai Hoàng thịnh thế””.

Vị thứ 3: Đường Cao Tổ Lý Uyên

Cuối thời nhà Tùy chiến loạn, lịch sử lại lặp lại. Năm 618 Lý Uyên thay triều Tùy lập lên triều Đường. Giống như bản sao của người chồng của dì là Dương Kiên thay nhà Chu lập nhà Tùy, nhưng Lý Uyên không có truyền thống tín Phật như người chồng của dì.

Năm 626, Thái sử lệnh Phó Dịch 7 lần dâng tấu diệt Phật, ngôn từ kích động. Lý Uyên bất chấp đại đa số bề tôi phản đối. Tháng 5, ông ra chiếu thư: “Kinh thành để lại 3 chùa 2 Đạo quán. Còn lại tất cả các châu trong thiên hạ không được để lại ngôi chùa, quán nào”. Các chùa, Đạo quán khác đều bị tháo dỡ hết, chỉ cúng dường đệ tử Phật gia, Đạo gia tinh tấn, số còn lại đều lệnh phải hoàn tục [5]. Đương thời triều Đường chỉ có trên 300 châu phủ. Toàn quốc có trên 5.000 ngôi chùa, trên 500.000 tăng ni, gần 100 hang đá thờ Phật. Điều này có nghĩa là trên 90% chùa bị phá hủy, trên 460.000 tăng ni bị tước đoạt tín ngưỡng.

Nhưng đến tháng 6 thì xảy ra biến cố Huyền Vũ Môn, Lý Thế Dân chấp chính, chiếu thư này không thể thực hiện. Nếu không phải như thế này mà tiếp tục diệt Phật Pháp thì lịch sử Đại Đường thịnh thế e rằng phải viết lại.

Hậu trường lịch sử

Đường Thái Tông như biển dung nạp muôn sông, khí độ rộng lớn, nghênh đón văn minh, tín ngưỡng của các nước đến giao hòa với Đại Đường. Thời Sơ Đường đã đưa kinh tế, văn hóa phát triển đến đỉnh cao của thế giới. Sau khi Lý Thế Dân đăng cơ, ông đã ban chức Ngự thực và nhẹ nhàng khuyên bảo Phó Dịch. Nhưng Phó Dịch vẫn cứ đánh phá Phật Pháp như trước khiến Thái Tông cũng không biết làm thế nào.

Phó Dịch từng cùng với Phó Nhân Quân, Tiết Tích cùng là Thái sử lệnh. Tiết Tích mộng thấy Phó Nhân Quân đã chết đến đòi ông món mợ 5.000 đồng. Tiết Tích hỏi: “Vậy tôi sẽ trả cho ai?”

Phó Nhân Quân nói: “Trả cho người đất (nê nhân)”.

Tiết Tích lại hỏi: “Người đất là ai?”

Phó Nhân Quân nói: “Phó Dịch”.

Khi đó còn có người cũng mộng thấy Phó Nhân Quân đã qua đời, người đó hỏi ông ấy rằng: “Phó Dịch phỉ báng Phật thì sẽ báo ứng thế nào?”

Phó Nhân Quân nói: “Đày làm người đất (nê nhân) ở Việt Châu”.

Khi Tiết Tích trả tiền cho Phó Dịch có kể lại giấc mộng này. Mấy hôm sau Phó Dịch đột tử. Mọi người đương thời nói: “Người đất (nê nhân) có thể ngụ ý là người trong địa ngục Nê Lê.“ [6]

Lấy xưa làm gương

Mặt trời, mặt trăng và các vì sao vận chuyển tuần hoàn, lịch sử cũng lặp lại tuần hoàn. Sự thay đổi triều đại, chuyện thành bại hưng vong, tất cả đều để lại tấm gương và đáp án cho người đời sau.

Bắc Ngụy Thái Vũ Đế diệt Phật, 44 tuổi đột tử, hai con trai bị vạ lây mất mạng. May mắn cháu trai đã cứu vãn tổn thất, đưa quốc gia phục hưng. Bắc Chu Vũ Đế diệt Phật càng ghê gớm hơn, 35 tuổi đột tử, con cháu và toàn bộ hoàng tộc Vũ Văn bị tuyệt diệt. Dương Kiên phục hưng Phật Pháp, nhà Tùy đã tạo ra thời Khai Hoàng thịnh thế. Chiếu diệt Phật của Đường Cao Tổ bị Đường Thái Tông phế bỏ, có thể nói là cực kỳ sáng suốt.

Lấy xưa làm gương có thể biết thịnh suy thay đổi. Lấy người làm gương có thể rõ được mất. Câu danh ngôn này của Đường Thái Tông có thể nói ai ai cũng biết. Vậy sau khi thấy những bài học lịch sử diệt Phật trên, người đời sau vẫn còn phỉ báng Phật Pháp, phá sự tu hành và tước đoạt tín ngưỡng không?

Đại bộ phận người ta sẽ không làm thế. Nhưng luôn có những người cá biệt tự cho mình là đúng, tự coi mình sáng suốt, muốn thay đổi quy luật quả báo này. Sau này trong lịch sử xuất hiện 2 vị hoàng đế như thế này, đều đã “dùng thân mình thuyết Pháp”, đã để lại bài học càng rõ ràng hơn.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo:

1. “Ngụy thư – Thế Tổ kỷ”

2. “Ngụy thư – Thôi Hạo liệt truyện”

3. “Chu thư – quyển 5 – Đế kỷ”

4. “Tùy thư – Cao Tổ bản kỷ”

5. “Cựu Đường thư – Cao Tổ bản kỷ”

6. “Phật Tổ lịch đại thông tải”

7. “Cựu Đường thư – Vũ Tông bản kỷ”

8. “Nhập Đường cầu Pháp tuần lễ hành ký”

9. “Toàn Đường văn” quyển 81

10. “Đường hội yếu” quyển 48

11. “Tư trị thông giám – Tuyên Tông bản kỷ”

12. “Cựu Đường thư – Tuyên Tông bản kỷ”

13. “Tân Ngũ Đại sử – Chu bản kỷ”

14. “Cựu Ngũ Đại sử – Chu thư – Thế Tông kỷ” 2, 6

15. “Phật Tổ thống kỷ” quyển thứ 43

16. “Tục tư trị thông giám trường thiên”

Xem tiếp Phần 2


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/12/1/四次滅佛的歷史,重演雷同的結局-250029.html

Đăng ngày 04-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share