Bài viết của một học viên Đại Pháp ở Mỹ

[MINH HUỆ 11-06-2018] Con xin kính chào Sư phụ! Xin chào các bạn đồng tu!

Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp 28 tuổi và đã tu luyện Đại Pháp từ năm 2014. Tôi muốn chia sẻ với các bạn một số trải nghiệm của tôi trong bốn năm qua.

Gặp được Đại Pháp

Tôi đắc Pháp vào năm 2014 khi làm việc ở San Francisco. Vào thời điểm đó, tôi đã uống rượu rất nhiều và nhiễm nhiều thói quen xấu. Sức khỏe tinh thần và thể chất của tôi ngày càng trở nên yếu ớt. Lớn lên trong xã hội hiện đại này quả là nguy hiểm. Tôi đã lạc lối u mê, và không biết con đường nào khác.

Tuy nhiên, nhìn lại, tôi có thể thấy rõ ràng rằng dù hành vi của tôi thật bất hảo và đáng trách, Sư phụ vẫn luôn ở bên cạnh tôi, trông chừng tôi và giữ cho tôi an toàn cho đến khi tôi hội đủ cơ duyên và đã sẵn sàng đắc Đại Pháp của vũ trụ.

Một ngày nọ khi tôi đang đi một mình lang thang qua khu phố Tàu San Francisco, một thiếu nữ Trung Quốc ở tuổi hai mươi mỉm cười với tôi và đưa cho tôi hai tờ rơi – một tờ giải thích về một môn thiền định gọi là Pháp Luân Đại Pháp còn tờ kia giải thích về tội ác thu hoạch nội tạng đang diễn ra ở Trung Quốc. Tôi vui vẻ cầm tờ rơi và tiếp tục bước đi.

Trong nhiều tháng trước thời điểm này, tôi đã rất quan tâm đến Đạo giáo cổ đại và giáo lý Phật giáo. Trên thực tế, tôi đã đọc lại Đạo Đức Kinh vào thời điểm đó. Khi tôi nhìn thấy các chữ Chân Thiện Nhẫn và biết rằng môn tu luyện này bao quát pháp lý của cả Phật gia và Đạo gia, tôi biết rằng tôi đã tìm thấy những gì bấy lâu tôi vẫn hằng tìm kiếm.

Khi tôi trở về nhà ngày hôm đó, tôi bắt đầu tự học các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp theo các video của Sư phụ Lý trên mạng. Tôi cũng nhờ bạn tôi in sách Pháp Luân Công cho tôi để đọc. Khi anh ấy cầm bản in trở về nhà, tôi đã đọc nó nhanh nhất có thể.

Tôi không thể nói rằng mình hiểu được những điều mà Sư phụ giảng lúc bấy giờ, nhưng tôi tin vào mọi lời của Ngài. Tôi có thể nói rằng tác giả của cuốn sách này không hề có bất kỳ động cơ thầm kín hay ý định xấu nào. Tôi biết rằng những điều Sư phụ giảng là có thật và có thể đạt được. Một cảm giác phấn khích lạ kỳ vô tình khởi lên.

Sau khi liên lạc với nhóm Pháp Luân Đại Pháp nói tiếng Anh ở San Francisco, một đồng tu và tôi bắt đầu gặp nhau tại một công viên địa phương, bảy ngày một tuần, để luyện công và chia sẻ kinh nghiệm. Chúng tôi cũng học Pháp cùng nhau và giúp đỡ nhau đề cao dựa trên Pháp. Tôi đã từ bỏ tất cả những thói quen xấu của mình và Sư phụ bắt đầu thanh lý cơ thể cho tôi.

Trong gần một tháng, tôi cảm thấy không được khỏe, như thể toàn bộ cơ thể của tôi đang chết dần ngừng hoạt động. Tôi cảm thấy ớn lạnh, yếu ớt và thường xuyên cần ngủ vào ban ngày. Tuy nhiên, thông qua việc học Chuyển Pháp Luân và lắng nghe các bài giảng ghi âm của Sư phụ, tôi biết rằng cơ thể của mình đang được điều chỉnh, vì vậy tôi không cảm thấy lo lắng.

Chẳng bao lâu, sự thanh lý cơ thể ban đầu đã kết thúc, và tôi cảm thấy như một người mới. Tôi rất biết ơn và vui mừng khi được gia nhập vào hàng ngũ đệ tử Đại Pháp của thời kỳ Chính Pháp.

Nguồn gốc của tâm tật đố

Do thể ngộ hữu hạn và hời hợt về tâm tật đố, tôi chưa bao giờ coi bản thân mình là một người đố kỵ. “Mình có mọi thứ mình cần – mình còn phải ghen tị điều gì nữa?” Tôi thầm nghĩ.

Tuy nhiên, ý niệm này đã gặp khảo nghiệm khi tôi trở về Ailen và cùng phối hợp tổ chức buổi trình chiếu một bộ phim tài liệu giảng chân tướng cho khách VIP. Do thời gian chuẩn bị cho sự kiện rất gấp, các khâu chuẩn bị rất căng thẳng. Tôi cũng có công việc toàn thời gian và phải cố gắng cân bằng tốt cả hai vai trò. Tình hình ngày càng trở nên khó khăn và danh sách việc cần làm của tôi dường như đang nhiều lên nhanh chóng thay vì trở nên ít đi.

Khi áp lực tăng lên đến mức mà tôi đã quá mệt mỏi để thức dậy luyện công vào buổi sáng, tôi bắt đầu hướng nội xem tại sao mọi thứ lại bắt đầu trở nên chệch choạc. Tôi nhận ra rằng mình không muốn giao nhiệm vụ cho người khác và muốn tự mình làm tất cả. Trên bề mặt, lý do của tôi là họ sẽ không làm đúng nếu tôi không tự mình làm. Tôi nhận ra rằng suy nghĩ này là khá vị kỷ và phi lý – trong nhóm chúng tôi có rất nhiều học viên rất có năng lực, tại sao tôi nhất thiết phải làm tốt hơn bất kỳ ai trong số họ?

Sau khi hướng nội sâu hơn, tôi nhận ra rằng tôi thực sự không muốn các đồng tu của mình được ghi nhận đã làm tốt nhiệm vụ. Tôi đã trở nên chấp trước vào những lời khích lệ và khen ngợi của các đồng tu dành cho tôi đến mức đó và muốn tiếp tục như vậy. Tôi biết mình có tâm tật đố nếu một học viên khác nhận được lời khen ngợi. Tôi có thể nói rằng điều này rất bất thuần và có thể tạo nên can nhiễu nghiêm trọng đến những gì mà chúng tôi đang cố gắng để đạt được.

Sư phụ đã giảng:

“Người này cũng chẳng phục những khí công sư chân truyền, và tai họ rót đầy những lời khen tụng của người ta về những bản sự của họ. Nếu ai nói họ không tốt, họ sẽ không vừa ý; tâm danh lợi đã xuất hiện hoàn toàn; họ tưởng rằng mình cao minh hơn những người khác, mình thật xuất sắc. Họ tưởng rằng cái công cấp cho họ, là để họ làm khí công sư, [để họ] phát tài; kỳ thực [công ấy] là để họ tu luyện.” (Trích Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ Bảy)

Tôi đã chính lại niệm này và bắt đầu phân bổ nhiệm vụ cho các học viên khác. Kết quả rất tốt. Tôi đã có thể tập trung vào việc điều phối và mỗi nhiệm vụ được hoàn thành với một tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với việc tôi tự làm.

Tuy nhiên, bởi vì chúng tôi phải tiếp tục làm việc với một thời gian biểu sít sao, tôi đã bỏ lỡ một cơ hội để đào sâu tận gốc chấp trước này. Tôi chỉ chính lại hành vi của mình trên bề mặt để không can nhiễu đến hạng mục.

Sau sự kiện này, tôi đã nghĩ về một cuộc họp gần đây giữa tôi và một đồng tu để thảo luận về các kế hoạch giảng chân tướng. Trong toàn bộ thời gian chúng tôi làm việc cùng nhau, học viên này đã phàn nàn về người khác. Dù đó là ai, người học viên này cũng sẽ bài bác họ. Tôi nghĩ hành vi này rất không phù hợp nhưng biết rằng không ngẫu nhiên mà tôi lại được chứng kiến điều này.

Nghĩ về người học viên này, tôi đã nhận ra rằng hành vi đó bắt nguồn từ tâm tật đố. Tôi thấy thật khó tin rằng điều này lại liên quan đến tôi. Xét cho cùng, tôi thậm chí còn không nghĩ tiêu cực về người khác chứ đừng nói là sẽ chỉ trích họ. Tuy nhiên, khi hướng nội sâu hơn, tôi nhận ra rằng mặc dù tôi không có những suy nghĩ tiêu cực về những người khác nhưng tôi lại để bụng về những thiếu sót của họ. Ngay khi tôi gặp ai đó lần đầu tiên tôi sẽ không cảm thấy thoải mái cho đến khi tôi hình thành một niệm gì đó tiêu cực về họ và ghi nhớ nó thật sâu trong tiềm thức để phòng khi tôi cảm thấy ghen tị với những điểm mạnh của họ trong tương lai. Tôi nhận ra rằng tôi đã tật đố, giống như Sư phụ mô tả, rằng

“…mạnh mẽ đến mức đã trở thành tự nhiên, bản thân không cảm giác thấy..” (Trích Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ Bảy).

Ngộ ra điều này đã giúp tôi hiểu rằng tâm tật đố là một chấp trước rất rộng và bao quát chứ không chỉ bó hẹp trong khái niệm đơn giản. Nó ảnh hưởng đến thể ngộ của chúng ta về mọi thứ chúng ta nhận thức và tác động đến mọi thứ chúng ta làm, nói và suy nghĩ. Nó có những biểu hiện như hạ thấp những người khác, không thể chấp nhận những lời chỉ trích, đánh giá cao bản thân, thô lỗ hoặc cục cằn với người khác.

Tâm tật đố bắt nguồn từ tâm tranh đấu. Nó khiến cho chúng ta so sánh với nhau, và luôn đánh giá bản thân cao hơn những người khác – đặc biệt là trong suy nghĩ của chúng ta. Chúng ta tự hào về bản thân, tự nâng cao bản thân mình hoặc chúng ta tìm kiếm những thiếu sót ở những người khác để hạ thấp họ.

Nhìn lại, tôi nhận ra rằng tâm tật đố này khiến tôi trở nên oán giận tàn nhẫn, vô tâm đối với bất cứ ai đã đối xử tệ với tôi. Tôi nhận ra rằng tôi thậm chí đã để mặc một đồng tu tự hoàn thành toàn bộ một hạng mục giảng chân tướng bởi vì chúng tôi đã có một cuộc xung đột khi hạng mục mới bắt đầu.

Khi tôi rời khỏi hạng mục, tôi đã viện lý do với học viên này rằng tôi quá bận rộn với công việc thường ngày của mình nên không thể tới để hỗ trợ. Tôi cũng đã hợp lý hóa tình huống theo cách này trong suy nghĩ của mình. Sự thật là tôi muốn tranh đấu với họ, ngay cả khi điều này sẽ ảnh hưởng đến việc cứu độ chúng sinh của chúng tôi. Tôi ngờ là nhiều đồng tu hẳn đã nhận thấy những chấp trước này của tôi. Thật vậy, điều đáng lo ngại nhất đối với tôi là chúng đã bị ẩn giấu sâu trong tiềm thức đến mức tôi thậm chí còn không nhận ra chúng.

Để loại bỏ tâm tật đố, với tư cách là học viên, tôi cảm thấy chúng ta nên khiêm tốn về khả năng của mình và khiêm nhường về những thành tựu của chúng ta. Đồng thời, chúng ta nên tập trung vào những điểm mạnh của người khác thay vì những thiếu sót của họ. Chúng ta không nên lấy lý do ‘giúp những người khác tìm thấy chấp trước của họ’ làm chứng cớ ngoại phạm của chúng ta để nuôi dưỡng những ấn tượng tiêu cực về người khác. Điều này sẽ che lấp không để chúng ta thấy những chấp trước cơ bản của mình.

Tham gia Thời báo Đại Kỷ Nguyên tại New York

Tháng 1 năm 2018, tôi đã rất vinh dự khi bắt đầu làm việc với tư cách là chuyên viên bán hàng tại Thời báo Đại Kỷ Nguyên ở New York. Khi đến nơi, tôi cảm thấy đây thực sự là một nơi để chân chính tu luyện. Sau một tháng, tôi được chuyển sang một vị trí có yêu cầu khắt khe hơn – một vị trí mà tôi không có nhiều kinh nghiệm.

Tôi được yêu cầu liên hệ với các đối tác kinh doanh tiềm năng mới để giới thiệu công ty của chúng tôi và cố gắng thương lượng các giao dịch kinh doanh. Lúc đầu, tôi đã có thể thành công nhờ người quản lý của tôi khi có anh ấy tổ chức và điều hành các cuộc họp. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, anh ấy chuyển về Bờ Tây và một thành viên khác trong nhóm cũng phải rời đi. Tôi còn lại một mình, cố gắng thực hiện vai trò mới của mình.

Một vài tuần đầu mọi việc rất khó khăn. Tôi biết rằng đây là một vị trí quan trọng và không làm tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến các nhóm khác đang bận rộn nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ tương ứng của họ.Tôi bắt đầu sắp xếp và tổ chức các cuộc họp. Tuy nhiên, tôi cảm thấy hiệu quả giảng chân tướng của tôi không tốt và tôi cũng không có kinh nghiệm và làm việc nghiệp dư.

Tôi cũng bắt đầu bị can nhiễu trong mơ, trong các không gian khác và áp lực bắt đầu tăng lên. Tôi nhận ra rằng mình cần phải thực hiện một bước đột phá lớn trong tu luyện để thành công.

Sư phụ đã giảng:

“Tâm tính nâng cao lên, các điều khác cũng theo đó mà lên…” (Trích Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ Hai)

Sau khi hướng nội, tôi thấy rằng tôi đã nuôi dưỡng một số mưu cầu của con người khi thực hiện hạng mục truyền thông. Tôi tự hỏi liệu tôi có đang tìm bạn gái hay vợ không. Tôi tự hỏi liệu tôi có thể kết giao với bạn mới không. Tôi cũng mong được biết thêm về bản thân mình bằng cách lắng nghe những gì người khác nghĩ về tôi. “Họ có nghĩ tôi siêng năng không? Họ nghĩ tôi sở hữu những kỹ năng gì? Họ có nghĩ tôi có khả năng không?”

Tôi cũng có một mong muốn mạnh mẽ về chứng thực bản thân. Bất kể việc lớn hay nhỏ, tôi luôn nghĩ về việc nó sẽ ảnh hưởng đến tôi như thế nào và nó sẽ tác động đến nhận thức của người khác về tôi như thế nào. Tôi càng nghĩ theo cách này tôi lại càng tạo ra nhiều nghiệp tư tưởng loại này. Việc này tiếp diễn cho đến khi ngay cả những suy nghĩ nhỏ của tôi cũng là chứng thực bản thân.

Khoảng thời gian này, trong khi tôi đọc Pháp, Sư phụ đã giảng:

“Kỳ thực để tôi bảo chư vị, đến lúc cuối cùng của Pháp Chính Nhân Gian, thì trong nháy mắt là giải thể hết. Tiền gì chứ? Ngay cả giấy cũng không có nữa.” (Trích Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003)

Đoạn Pháp này thực sự đã thức tỉnh tôi về tính nghiêm túc và thực tế của những gì chúng ta đang làm. Trước thời điểm này, tôi coi ‘cứu độ chúng sinh’ như một cách nói ẩn dụ của làm tốt ba việc. Một loại tiêu đề tóm tắt cho những điều chúng ta làm trên con đường tu luyện. Sau khi đọc đoạn Pháp này, tôi đạt được thể ngộ sâu sắc hơn rằng cuộc sống và sự tồn tại của con người thực sự đang bị đe dọa, và nếu chúng ta không lĩnh hội được điều này và đối đãi với sự nghiêm túc cần thiết, họ có thể bị tiêu hủy vĩnh viễn.

Tôi quyết tâm chính lại và loại bỏ những suy nghĩ và mưu cầu nơi người thường của mình. Tôi bắt đầu tiếp cận theo cách truyền thống và thận trọng hơn trong mối quan hệ với phụ nữ. Tôi cũng đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn đối với tu luyện cá nhân của tôi, đọc hai bài giảng Pháp và luyện công hai giờ mỗi ngày. Bây giờ tôi thấy rằng tôi học Pháp càng nhiều thì tôi lại càng có nhiều thời gian học Pháp.

Tôi cũng nhận ra rằng rất nhiều suy nghĩ bất thuần của tôi như suy nghĩ về dục vọng, về tình, về sống một cuộc sống tốt đẹp, và chứng thực bản thân thực sự là do nghiệp tư tưởng gây ra. Khi tôi bắt đầu kéo dài khoảng thời gian tôi dành cho việc loại bỏ nghiệp tư tưởng ra khỏi tâm trí, chẳng hạn như trên tàu điện ngầm hoặc khi tôi đang đi bộ, những suy nghĩ này bắt đầu càng ngày càng ít can nhiễu tôi hơn.

Tu luyện một tâm trống rỗng

Tôi may mắn có cơ hội học một bài giảng Chuyển Pháp Luân bằng tiếng Trung vào mỗi buổi sáng tại văn phòng Đại Kỷ Nguyên. Điều này đã giúp cải thiện nhanh chóng khả năng nói tiếng Trung của tôi. Tôi sử dụng khả năng này để nói chuyện với người Trung Quốc về cuộc đàn áp Pháp Luân Công bất cứ khi nào tôi có thể. Thông thường tôi cảm thấy rất lo lắng khi cơ hội xuất hiện. Điều này đã dẫn đến nhiều cơ hội bị bỏ lỡ. Tuy nhiên, tôi đã học được một số điều thông qua những thất bại này.

Trong quá khứ, khi tôi chuẩn bị giảng chân tướng cho một người Trung Quốc, mọi thứ tôi định nói sẽ xoáy quanh lo lắng trong đầu. Bây giờ, khi tôi bắt đầu trở nên lo lắng, tôi cố gắng bình tĩnh lại và không động niệm. Niệm duy nhất của tôi là phá bỏ rào cản. Tôi thấy cách này tự nhiên hơn để bắt đầu một cuộc trò chuyện.Tôi sẽ nói điều gì đó như ‘Xin chào, bạn là người Trung Quốc phải không?’. Từ đó tôi sẽ để cuộc trò chuyện diễn ra tự nhiên và làm quen với người đó. Khi tôi có thể làm điều này với tâm thuần khiết, tôi cảm thấy Sư phụ đã giúp tôi rất nhiều.

Sư phụ đã giảng:

“Khi thiếu khuyết về trí huệ, thông thường là do chư vị lo lắng quá; đầu não lo lắng cần làm một việc nào đó, thấy nó quá quan trọng, thì liền xuất hiện một chủng chấp trước khác nên tạo thành như thế. Thực ra [đối với] rất nhiều sự việc, chư vị giảng nói với tâm khí bình tĩnh, tâm khí bình hoà, đối đãi một cách có lý trí, chư vị sẽ phát hiện rằng trí huệ của chư vị sẽ tuôn như nước chảy, hơn nữa từng câu từng chữ đều trúng, câu nào cũng là chân lý. Chư vị nếu chấp trước, sốt ruột, có một chủng tâm cuồng nhiệt nào đó, thì trí huệ sẽ mất, bởi vì khi ấy đã bị chui vào ‘con người’ rồi; phải vậy không?” (Trích Giảng Pháp tại Pháp hội vùng đô thị New York 2003)

Tôi cũng đã áp dụng thể ngộ này trong công việc của mình. Khi mới tham gia hạng mục truyền thông, tôi đã dùng đủ mọi loại suy nghĩ để thúc đẩy bản thân mình phải làm việc chăm chỉ hơn. Tôi tự nhủ rằng tôi cần phải tập trung hơn, tôi cần phải siêng năng hơn, tôi cần phải cứu những người mà tôi phải cứu. Tuy nhiên, sau khi chia sẻ với một số bạn đồng tu, họ gợi ý rằng có lẽ chúng ta không nên nghĩ về bất cứ điều gì khi chúng ta đang làm; có lẽ tốt nhất là không nghĩ gì cả và chỉ hoàn thành công việc mà không có mưu cầu lẫn quan niệm của người thường. Một học viên đã chia sẻ rằng anh ấy đã chứng ngộ điều này từ Pháp của Sư phụ:

“…khi chúng ta luyện công, chư vị không nghĩ việc tốt, thì cũng không thể nghĩ việc xấu; tốt nhất là đừng nghĩ gì hết.” (Trích Chuyển Pháp Luân – Bài giảng thứ Năm)

Chiểu theo pháp lý này, bây giờ tôi có thể đối diện mọi thứ với một tâm thái tự tại và không truy cầu. Hiệu quả việc giảng chân tướng của tôi trong các cuộc họp cũng đã được cải thiện rất nhiều. Tôi cảm thấy tĩnh tại khi tôi làm việc và tôi nhận thấy rằng những doanh nhân nói chuyện với tôi bây giờ cũng cảm thấy thoải mái hơn.

Làm việc tại Thời báo Đại Kỷ Nguyên đã giúp tôi nhanh chóng đạt đến mức độ tu luyện mà tôi nghĩ bình thường hẳn sẽ phải mất nhiều năm. Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm cho bất kỳ học viên nào, ngay cả khi chỉ trong một thời gian ngắn.

Nhìn lại hành trình tu luyện của mình, tôi thấy quả là siêu phàm. Bốn năm dường như là bốn kiếp. Tôi thấy khó có lời nào có thể diễn tả hết lòng biết ơn của tôi đối với Sư phụ. Tất cả những gì tôi có thể nói là tôi vô cùng biết ơn. Tôi sẽ tiếp tục loại bỏ những chấp trước người thường của mình, hoàn thành những thệ ước của tôi với Sư phụ trong tiền kiếp, và cứu độ tất cả chúng sinh.

Trên đây là thể ngộ hữu hạn của tôi. Xin vui lòng chỉ ra bất kỳ điều gì còn chưa phù hợp.

Cảm tạ Sư tôn! Cảm ơn các bạn đồng tu!

(Bài được trình bày tại Pháp hội Washington DC năm 2018)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/6/29/370377.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/6/30/170951.html

Đăng ngày 16-7-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share