Bài viết của một học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 6-1-2018] Sư phụ giảng rằng:

“Trong Phật giáo giảng: ‘Phải tận dụng những năm [tháng] có ở đời này, bây giờ chẳng tu thì đến khi nào mới tu?’” (Chuyển Pháp Luân)

“Mong rằng mọi người về nhà hãy tranh thủ thời gian để thực tu.” (Chuyển Pháp Luân)

Sau khi đọc những lời giảng này, tôi hiểu rằng mình nên dành thêm thời gian để học Pháp và tìm cách giảng chân tướng hiệu quả hơn.

Hơn 10 năm qua, tôi luôn trăn trở về việc tìm đủ thời gian để làm tốt ba việc. Kết quả, tôi đã sắp xếp cuộc sống của mình sao cho ăn uống đơn giản, đi lại nhanh gọn và ngủ rất ít.

Mặc dù việc tôi cố gắng chiểu theo tiêu chuẩn của Pháp là việc tốt cho bản thân, nhưng tôi cũng luôn sợ rằng mình sẽ làm sai. Vì vậy, tôi cảm thấy kiệt sức, áp lực và căng thẳng mọi lúc, nên khó có thể làm được gì.

Một ngày tôi tự nhủ: “Vấn đề căn bản ở đây là gì?” Khi hướng nội, tôi nhận ra mình không dùng lý trí để nhận thức Pháp, cũng không thể cân bằng được các khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Điều này khiến tôi đi sang cực đoan trong tu luyện.

Dưới đây là một vài thể ngộ tôi muốn chia sẻ với các bạn đồng tu sau khi hướng nội.

Tận dụng thời gian tu luyện, đừng lo lắng

Bây giờ tôi hiểu rằng chúng ta phải trân quý thời gian còn lại để tu luyện. Tuy nhiên, chúng ta không thể làm các việc bằng tâm thái vội vàng, giống như đọc cho nhanh một bài giảng trong sách Chuyển Pháp Luân mà không biết mình đang đọc gì. Chúng ta chỉ có thể học Pháp tốt khi tâm chúng ta tĩnh lặng và thoải mái.

Nếu luôn căng thẳng, liên tục vắt kiệt thời gian vào trong thời gian biểu của mình để làm ba việc hoặc bỏ qua sự cần thiết của việc nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý, chắc chắn chúng ta sẽ trở nên căng thẳng và lo lắng, khi ấy sẽ khó để tĩnh tâm học Pháp được.

Nếu chủ ý thức của bạn không tập trung được trong khi học Pháp, vậy thì ai đang học Pháp? Có phải đó chính là phó ý thức hoặc các thể sinh mệnh khác không? Đây có phải là vấn đề bình thường không? Căng thẳng và lo lắng là những nhân tâm mà chúng đều cần phải buông bỏ.

Tu luyện yêu cầu chúng ta học Pháp, phát chính niệm và từ bi cứu độ chúng sinh. Để làm được vậy, các học viên cần điềm tĩnh và kiên tâm, nhẫn nại và luôn cân nhắc đến người khác.

Mặc dù cần nghiêm khắc với chính mình, nhưng chúng ta cũng không nên quá lo lắng về việc phạm lỗi hay trở nên quá thận trọng.

Sư phụ giảng:

“Mỗi khi làm một việc đều rất lo lắng, [thế thì] tôi nghĩ rằng không nên chấp trước đến thế. Rất khó thu xếp quan hệ này, nghĩ nhiều thì là chấp trước; mà nếu nghĩ ít, xem ra chúng ta sẽ e sợ làm sai việc nào đó. Tôi nghĩ rằng không đến mức làm tư tưởng khẩn trương đến thế, cho nên mỗi khi chúng ta làm việc nào đó, với các việc thông thường thì hễ làm là biết được tốt xấu thế nào.” (Pháp Luân Đại Pháp Nghĩa Giải)

Sư phụ cũng giảng cho chúng ta:

“Tu luyện khí công trái ngược hẳn với rèn luyện thể dục; về động tác không yêu cầu vận động mạnh mẽ, nếu có động tác cũng là ‘hoãn mạn viên’, chậm rãi vô cùng, thậm chí bất động, tĩnh chỉ hẳn lại.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi ngộ ra rằng một người cần đặt tâm vào tu luyện chứ không phải làm những việc người thường. Nếu bạn thấy mình luôn bận rộn, mệt mỏi và buồn phiền, thì nhất định bạn cần điều chỉnh tư tưởng của mình.

Tôi biết một số học viên địa phương rất bận. Tuy nhiên, điều này tuyệt đối không đồng nghĩa rằng họ tu luyện tinh tấn. Thật ra, “bận rộn” của họ có thể là một dạng can nhiễu của cựu thế lực. Chúng ta phải kiên quyết đột phá tất cả an bài của cựu thế lực.

Sư phụ yêu cầu chúng ta tu tâm trong khi học Pháp, phát chính niệm và cứu độ chúng sinh. Ngài không bảo chúng ta bận bịu làm những việc người thường.

Trong bài thơ “Hữu vi”, Sư phụ viết:

Kiến miếu bái Thần sự chân mang,

Khởi tri hữu vi không nhất trường;

Ngu mê vọng tưởng tây thiên lộ,

Hạt mô dạ tẩu lao nguyệt lượng.

(Hữu viHồng Ngâm)

Diễn nghĩa:

Hữu vi

Lập dựng miếu cúng bái thần quả là việc bận rộn,

Nào biết được hữu vi cũng là không (uổng công);

Ngu mê chẳng biết chỉ mong cầu đường tây thiên viển vông,

[Cũng như] mò trong đêm vớt ánh trăng đáy nước vậy.

Đừng đi sang cực đoan

Tôi nhận ra đôi khi mình đi từ cực đoan này sang cực đoan khác. Ví dụ, khi nỗ lực để “tận dụng thời gian tu luyện”, tôi cố gắng tận dụng từng giây phút một. Tuy nhiên, không lâu sau tôi phát hiện ra rất khó để cân bằng các mối quan hệ hàng ngày. Điều này chỉ ra rằng tôi đã không hiểu Pháp một cách lý trí.

Sư phụ đã giảng:

“Do các đệ tử khác nhau về nhận thức, có một bộ phận đệ tử cứ toàn từ cực đoan này chuyển sang cực đoan khác, mỗi khi xem đến Pháp tôi viết thì lại đi thực hiện một cách quá khích, vậy lại mang đến vấn đề mới.” (Thủ trungTinh Tấn Yếu Chỉ)

Sư phụ cũng giảng:

“Tu luyện trong xã hội người thường, chư vị không được sang cực đoan, [thì] về hình thức với người thường là dễ xử lý tốt.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York kỷ niệm 25 năm Đại Pháp hồng truyền [2017])

Sư phụ cũng giảng:

“… chính là vì họ thường hay đưa việc đó đến cực đoan, gây ra phản hiệu quả, sẽ như thế.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015)

Làm các việc một cách “tùy kỳ tự nhiên”

Để đạt được một mục tiêu cụ thể đặt ra cho mình, tôi sẽ ngồi xuống và vạch ra kế hoạch hành động. Sau đó, tôi sẽ chia nhỏ mục tiêu chính thành các mục tiêu nhỏ hơn để cố gắng đạt được.

Phương pháp này giúp tôi tập trung ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, từ góc độ cao hơn mà xét, tôi nhận ra rằng lập ra quá nhiều mục tiêu hay mục tiêu chi tiết có thể trở thành chướng ngại.

Ví dụ, một mục tiêu tôi đề ra là một ngày đọc một bài giảng trong cuốn Chuyển Pháp Luân. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng một số ngày tôi bận hơn những ngày khác. Vào những ngày hoàn thành được mục tiêu, tôi cảm thấy hài lòng về bản thân mình. Những ngày không đọc một bài giảng, tôi thấy mình trở nên lo lắng và căng thẳng. Tâm trạng tôi liên tục dao động, khiến tôi khó có một tâm thái thanh thản.

Tôi nhận ra ở một số thời điểm, tôi không chỉ có tâm người thường mà chính niệm của tôi cũng không mạnh. Suy nghĩ và hành động của tôi không phản ảnh thái độ trang nghiêm của một đệ tử Đại Pháp.

Sư phụ giảng:

“Do đó trong tu luyện nhắc lại [nhiều lần] rằng cần phải thuận theo tự nhiên,..” (Chuyển Pháp Luân)

“chư vị vì [theo nỗ lực của] con người mà muốn đạt được mục đích nào đó, thì cũng không đạt được.” (Chuyển Pháp Luân)

Cuối cùng tôi ngộ ra rằng một người cần hiểu các Pháp lý một cách tự nhiên và cần buông bỏ tâm truy cầu đạt được mục tiêu này khác.

Qua việc chiểu theo lời dạy của Sư phụ, tin rằng Sư phụ đã an bài mọi thứ cho chúng ta, và khi tin tưởng vào Pháp vĩ đại, một người sẽ tự nhiên được Thần trợ giúp và hoàn thành sứ mệnh dễ dàng hơn.

Ví dụ, nếu chúng ta lên kế hoạch giảng chân tướng ở một điểm du lịch, nơi người Trung Quốc Đại lục thường xuyên lui tới, đừng nghĩ: “Hôm nay, mục tiêu của mình là khuyên 30 người thoái Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên đới của nó.”

Không lập kế hoạch trước, thì khả năng là chúng ta thậm chí có thể vượt quá những gì chúng ta nghĩ ban đầu, vì chúng ta sẽ không bị những dự tính của người thường tạo thành gánh nặng, mà cựu thế lực vốn coi đó là sơ hở. Tôi thấy mình cần tín Sư tín Pháp hơn là đặt mục tiêu cho bản thân.

Tu luyện không phải là chạy đua với thời gian

Sư phụ giảng:

“tu luyện là quá trình lâu dài, là quá trình lần lần vứt bỏ các tâm chấp trước của bản thân; nhưng chư vị cần phải tự mình đặt yêu cầu nghiêm khắc cho mình.” (Chuyển Pháp Luân)

Mặc dù Sư phụ muốn chúng ta nghiêm khắc với chính mình, nhưng chúng ta cũng cần hiểu Pháp lý một cách lý trí và không đi sang cực đoan.

Chỉ qua việc đồng hóa với Pháp và buông bỏ nhân tâm, chúng ta mới có thể có được trí huệ rộng lớn, một tâm trí tĩnh lặng và thực sự hoàn thành sứ mệnh thần thánh của chúng ta nơi thế gian con người này!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/1/6/359057.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/1/20/167659.html

Đăng ngày 7-3-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share