Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm

[MINH HUỆ 25-3-2016] Một đôi vợ chồng đã bị bắt cách đây một năm rưỡi chỉ vì họ từ chối từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần đang bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại. Trước đây họ sống tại tỉnh Hắc Long Giang, nhưng sau này đã phải chuyển đến sống tại tỉnh Cát Lâm.

Cô Phạm Lệ Bình đã chết đúng một ngày sau khi bị bắt. Công an không cung cấp báo cáo xét nghiệm tử thi hay bằng chứng có giá trị cho kết luận của họ là “Cô Phạm chết trong khi tìm cách trốn thoát.”

Chồng cô, anh Trương Qua bị quản thúc tại nhà suốt từ năm 2014. Đến nay, chính quyền vẫn chưa gửi cho anh báo cáo chính thức về cái chết của vợ anh vào ngày 16 tháng 10 năm 2014.

Anh Trương nghi ngờ về nguyên nhân cái chết của vợ mình và yêu cầu được bồi thường cho cái chết đáng ngờ của cô Phạm.

Đáp lại, lãnh đạo của cơ quan này nói: “Pháp Luân Công được chính phủ coi là phản cách mạng, vì thế nên chúng tôi không có cách nào bồi thường cho ông được.”

Anh Trương đã nộp đơn khiếu nại vào tháng 8 năm 2015, buộc cựu độc tài Trung Quốc là Giang Trạch Dân tội phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công gây ra cái chết của vợ anh và khiến anh rơi vào tình trạng bị quản thúc tại nhà.

Dưới đây là trường hợp của anh Trương về những khổ nạn mà anh và vợ anh đã trải qua, kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999.

Mất việc và phải chuyển đến Cát Lâm

Tôi từng là người nghiện cờ bạc và thuốc lá, nhưng tôi đã bỏ được những thói xấu này vào tháng 5 năm 1996, sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Sau đó, vợ tôi cũng tu luyện cùng tôi, và sau đó đã trở nên biết nghĩ đến người khác.

Sau khi cuộc bức hại xảy ra, vào cuối năm 2000, vợ tôi và tôi đã cùng đến Bắc Kinh với hy vọng kháng nghị cho Pháp Luân Công, và đề nghị chính phủ chấm dứt cuộc đàn áp. Tuy nhiên, chúng tôi lại bị bắt và giam cầm trái phép.

Đồn công an địa phương còn yêu cầu cha mẹ tôi nộp 2.000 nhân dân tệ làm tiền “đặt cọc” để ngăn chúng tôi quay lại Bắc Kinh.

Lúc đó, Cục Hàng không Dân dụng Thành phố Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang, nơi công tác của chúng tôi, đã lên kế hoạch đưa chúng tôi đến một trại tẩy não vào cuối năm 2001. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải rời nhà và từ bỏ mọi thứ để tránh bị bức hại. Cả hai vợ chồng tôi sau đó đều bị cơ quan cho nghỉ việc.

Sau khi bị mất nguồn thu nhập, chúng tôi đã chuyển đến Trường Xuân ở tỉnh Cát Lâm, ở đó, tôi kiếm sống bằng nghề lái xe taxi.

Chúng tôi quay trở lại Cáp Nhĩ Tân vào mùa hè năm 2014 để làm lại thẻ CMND mới để có thể tìm được việc làm toàn thời gian. Tuy nhiên, phòng công an địa phương đã từ chối cấp thẻ CMND mới vì chúng tôi là học viên Pháp Luân Công.

Bị công an theo dõi và bắt giữ

Công an phụ trách taxi ở Phòng Cảnh sát Thành phố Trường Xuân đã gọi cho tôi vào ngày 15 tháng 10 năm 2014 rồi thông báo về việc một khách hàng của tôi đã bỏ quên một thứ gì đó ở trong xe. Họ yêu cầu tôi đến để xác nhận.

Ba công an mặc thường phục đã còng tay tôi khi tôi vừa bước vào văn phòng taxi. Họ lấy đi điện thoại và chìa khoá của tôi, rồi đẩy tôi vào một chiếc xe màu trắng và lái đến căn hộ của tôi.

Lúc chúng tôi tới nơi, sáu người khác đã chờ sẵn bên ngoài. Họ đã dùng chìa khóa của tôi để mở cửa, bắt vợ tôi, và lấy đi nhiều tài sản cá nhân khác.

Bàng hoàng khi biết tin về cái chết của vợ

Đến khoảng 7 giờ tối ngày 16 tháng 10 năm 2014, có hai lính canh đã còng tay tôi ra sau khi họ đẩy tôi vào phòng thẩm vấn. Họ hỏi tôi là tôi lấy tiền ở đâu để in các tài liệu về Pháp Luân Công, và đe dọa sẽ hãm hại con gái tôi nếu tôi không trả lời họ.

Trong lúc thẩm vấn, một lính canh đã nói vợ tôi qua đời trong lúc cố trốn thoát khỏi xe của cảnh sát. Tôi đã yêu cầu được xem thi thể của vợ mình. Song yêu cầu này cũng như yêu cầu được gặp gia đình của tôi bị lờ đi.

Họ chuyển tôi đến Trại tạm giam số 2 thành phố Trường Xuân.

Đến tháng 12 năm 2014, đội trưởng Đội An ninh Nội địa Trường Xuân và ba người khác đã thẩm vấn tôi. Họ ép tôi phải đồng ý hỏa táng thi thể vợ tôi. Tôi không chịu tuân theo vì tôi không thể để họ hoả táng thi thể vợ mình mà không biết nguyên nhân cái chết của cô ấy.

Hiện giờ bị quản thúc tại nhà

Ngày 8 tháng 5 năm 2015, tôi bị chuyển đến Trung tâm Thi hành Luật pháp Trường Xuân (một cơ sở tẩy não) và một tháng sau thì được trả tự do. Tôi hiện đang bị quản thúc tại nhà. Đội điều tra của công an cũng không cung cấp cho tôi bằng chứng về nguyên nhân vợ tôi qua đời.

Tôi đã bị giam cầm nhiều lần, bị mất vợ và mất tự do chỉ vì tôi không chịu từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công.

Thủ phạm chính của cuộc bức hại, Giang Trạch Dân, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi trường hợp bị bỏ tù, tra tấn tàn bạo, và những cái chết của các học viên Pháp Luân Công.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ khác của Bộ Chính trị, đã phát động cuộc đàn áp bạo lực đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì đức tin của mình và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc bức hại tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo của cá nhân Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này. Luật pháp cũng cho phép người dân đệ đơn tố cáo mà không cần dùng tên thật. Nhiều học viên khuyến khích mọi người chung sức giúp tố cáo những tội ác của Giang và chấm dứt cuộc bức hại.

Thông tin liên quan:

Cô Phạm Lệ Bình qua đời một ngày sau khi bị bắt


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/3/25/妻子被迫害致死-张戈控告元凶江泽民-325290.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/4/6/156181.html

Đăng ngày 27-4-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share