Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-07-2013] Vào ngày 20 tháng 07 năm 1999, các học viên Pháp Luân Đại Pháp, những người sống theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn bắt đầu bị bức hại tàn bạo ở Trung Quốc Đại lục. Cuộc bức hại vẫn tiếp diễn cho đến tận ngày hôm nay.

Bất chấp sự tàn bạo chưa từng có, các học viên Pháp Luân Đại Pháp không hề dao động. Thay vào đó, môn tu luyện đã được phổ truyền ở hơn 100 quốc gia trên khắp thế giới. Nhờ sự kiên trì nỗ lực giảng chân tướng của các học viên trong suốt hơn 14 năm, ngày càng có nhiều người Trung Quốc nhận ra rằng cuộc bức hại là sai trái, đi ngược lại với lương tâm, đạo đức của con người và tội ác do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra là không thể bồi hoàn.

Vào thời điểm bắt đầu cuộc bức hại, mọi con đường trên khắp đất nước Trung Quốc đã bị phong tỏa nhằm ngăn chặn các học viên kéo về Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Đại Pháp. Vô số các học viên đã vượt qua muôn vàn khó khăn để đến quảng trường Thiên An Môn thỉnh nguyện. Họ muốn nói với thế giới rằng Pháp Luân Đại Pháp là Chính Pháp và những gì ĐCSTQ làm là sai trái

Việc hồi tưởng lại những sự kiện này khiến tôi nhớ đến những điều kỳ diệu, phi thường của Đại Pháp, cũng như niềm tin kiên định của các học viên và sự bảo hộ từ bi của Sư phụ. Tôi muốn chia sẻ trải nghiệm của tôi về thời khắc lịch sử đó.

Một ngày trước

Vào buổi sáng ngày 19 tháng 07 năm 1999, các điều phối viên địa phương đã bị bắt. Sau khi nghe được tin này, chúng tôi đã đến các cơ quan chính quyền địa phương để giải thích sự thật. Các quan chức chính quyền địa phương nói rằng họ đã nhận được chỉ thị từ Bắc Kinh, họ không thể quyết định làm gì khác được và nói chúng tôi nên đến Bắc Kinh để kháng cáo. Rất nhiều các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã đến Bắc Kinh ngay sau đó. Buổi chiều hôm đó, tất cả các chuyến tàu, xe buýt đến Bắc Kinh đều ngừng hoạt động, và những người quản lý bắt đầu giám sát các nhân viên là các học viên Pháp Luân Công trong công ty mình.

Sau khi nghe được tin này, chúng tôi đã sẵn sàng lên đường sau khi ăn trưa, tất cả mọi phương tiện giao thông đến Bắc Kinh đều đã bị hủy. Chúng tôi nghe nói rằng nhiều học viên đã đến được Bắc Kinh bằng cách đi bộ hoặc thuê xe hơi, có vài chiếc taxi cũng bị chặn lại trên đường đến đó. Gia đình tôi cùng với một học viên khác quyết định đến Bắc Kinh bằng xe đạp. Chúng tôi đi đường vòng để tránh các con đường đã bị phong tỏa. Chúng tôi thấy rất nhiều các học viên đang đi bộ về phía Bắc Kinh, từ trẻ em cho đến người lớn, họ đi thành từng nhóm từ hàng chục cho đến vài chục người. Đó quả thật là một cảnh tượng tráng lệ.

Do nắng nóng cộng với việc mọi con đường đều bị phong tỏa, chúng tôi chỉ đi được khoảng 20 dặm một ngày. Khi chúng tôi đi vào con đường bị phong tỏa vào ban đêm, cảnh sát đã phát hiện ra và dừng xe đạp của chúng tôi lại, tôi và vợ tôi trốn thoát, nhưng người đồng tu đi cùng thì đã bị bắt và chiếc túi để đằng sau xe đạp trong đó có 2.000 nhân dân tệ tiền mặt sau đó cũng bị thu giữ. Trời bắt đầu mưa, nhưng chúng tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất: “Bằng mọi giá phải đến được Bắc Kinh, chúng tôi không cho phép bất cứ điều gì xâm phạm đến Đại Pháp.” Chúng tôi đi qua một cánh đồng lúa mì để đến Bắc Kinh.

Vượt qua mọi khó khăn để đến Bắc Kinh

Vào buổi sáng hôm sau, chúng tôi đã ra đến một con đường và tự hỏi nên tiếp tục làm gì. Một chiếc xe bus dừng lại trước mặt chúng tôi, người phụ xe nói chúng tôi lên xe: “Đừng lo, ngày hôm qua họ lục soát rất kỹ, nhưng ngày hôm nay không ai bị lục soát cả. Lên xe đi!” Chúng tôi đổi xe bus ở thành phố tiếp theo và chúng tôi đến một nơi khác cách Bắc Kinh khoảng 100 km.

Khi những người lái xe biết rằng chúng tôi muốn đến Bắc Kinh, không ai dám chở chúng tôi cả. Họ nói một vài chiếc xe hơi và xe tải đã bị ngăn lại bởi vì họ đưa các học viên đến Bắc Kinh. Chúng tôi hơi bối rối, cuối cùng một người đàn ông trẻ tuổi tìm được cho chúng tôi một chiếc taxi và chở chúng tôi đến cách Bắc Kinh chừng 50km thì thả chúng tôi xuống. Huyện này rất gần với Bắc Kinh. Xe cảnh sát đi tuần khắp đêm và được trang bị vũ trang đến tận răng.

Đến nửa đêm, trời không quá nóng, vì vậy chúng tôi đi dọc theo các con đường, một xe tuần tra cảnh sát phát hiện ra chúng tôi và quay trở lại bám theo chúng tôi. Chúng tôi đang đứng trước một bệnh viện nhỏ. Đột nhiên cánh cửa bật mở và một nhóm người ở trong đi ra. Chiếc xe tuần tra dừng lại, quay trở lại và bỏ đi. Thật tuyệt vời.

Kế đó chúng tôi gặp một con sông, nhưng cây cầu đã được canh gác. Chúng tôi có thể nghe được tiếng họ nói chuyện rõ ràng, vì vậy không thể vượt qua cây cầu này được. Chúng tôi bèn khảo sát dòng sông, nó dường như có vẻ không sâu lắm, và có độ dốc hợp lý. Chúng tôi đã vượt sang được bờ bên kia một cách an toàn và quyết định nghỉ ngơi đợi trời sáng. Khi bình minh lên, chúng tôi đã bị sốc khi phát hiện ra bờ sông có độ dốc rất lớn và rất khó để có thể trèo lên ngay cả vào ban ngày. Chúng tôi đã làm thế nào để sang được đây? Thật không thể tin được.

Chúng tôi đi dép xăng-đan, điều này khiến chúng tôi rất khó khi đi trên con đường đất nhỏ, do đó da chân chúng tôi bị phồng rộp hết cả. Chúng tôi muốn mua một chiếc xe đạp và khi đi đến ngôi làng bên cạnh, ngay lập tức chúng tôi tìm thấy người muốn bán xe đạp. Thật là một sự trùng hợp kỳ lạ! Chúng tôi cảm thấy như luôn được Sư phụ bảo hộ và thấy được sự kỳ diệu của Đại Pháp.

Chúng tôi đến khu vực Trác Châu vào khoảng giữa trưa, lại gặp một con sông khác và đường lên cầu đã bị chặn. Chúng tôi không biết phải làm sao. Trời rất nóng và không có ai trên đường. Một người chăn dê đang ngồi dưới gốc cây cùng với đàn dê của mình. Chúng tôi nghe thấy ai đó hỏi người chăn dê: “Sao ông không về nhà? Trời rất nóng, vào giờ này mọi người đều ở nhà cả. Hôm nay ông bị làm sao vậy?” Ông ta trả lời rằng mình sắp trở về nhà. Chúng tôi tiến đến gần ông ta và hỏi đường. Ông nói đi nói lại với chúng tôi là đi dọc theo dòng sông, nước sông không sâu, và chúng tôi lội qua một cách dễ dàng. Sau đó, ông quay về nhà.

Chúng tôi đến chỗ dòng sông và đi dọc theo nó. Chỗ sâu nhất thì cũng chỉ đến ngực nhưng dòng chảy thì rất mạnh. Nếu không có sự hướng dẫn của ông thì chúng tôi cũng không biết phải làm gì. Với sự giúp đỡ của người chăn dê, chúng tôi đã vượt qua được thử thách khó khăn đó. Chúng tôi đi xe đạp và đã đến được ngoại ô Bắc Kinh vào ngày hôm sau. Chúng tôi lên một chiếc xe bus để đến quảng trường Thiên An Môn và ở lại Bắc Kinh 20 ngày cho đến khi bị bắt và gửi trả về quê.

Thử thách ở Bắc Kinh

Nhiều học viên đã không có sự chuẩn bị tốt trước tình hình thay đổi nhanh chóng, vì muốn đến Bắc Kinh kịp thời để ngăn chặn sự việc trở nên xấu hơn. Một số thì không có đủ tiền, một số thì không có quần áo sạch sẽ, một số thì giặt vội quần áo trong công viên và mặc lại vào ngày hôm sau. Hầu như tất cả các học viên đến Bắc Kinh đều nghỉ đêm trong công viên, ga xe điện ngầm, hoặc trong các nhà trọ rẻ tiền. Chế độ ăn uống của chúng tôi cũng rất đơn giản.

Tại thời điểm đó, hầu hết các tình nguyện viên đều đã bị bắt và giam giữ. Các phương tiện truyền thông chính thức của nhà nước đã vu khống và phỉ báng Đại Pháp trên khắp đất nước Trung Quốc. Rất nhiều người trong chúng tôi lúc đó đang ở Bắc Kinh và mọi người vẫn kiên định tín tâm vào Đại Pháp và Sư phụ. Chúng tôi xác định rằng: “Không quay trở về nhà cho đến khi Đại Pháp được minh oan” (suy nghĩ của chúng tôi tại thời điểm đó). Chúng tôi không nghĩ nhiều về bản thân mình. Điều đó đã minh chứng rằng Đại Pháp là siêu thường như thế nào và Sư phụ vĩ đại như thế nào.

Một số vườn táo ở khu lân cận Bắc Kinh, nhiều ngọn núi và các khách sạn gần đó đều đầy các học viên Pháp Luân Công. Một hôm chúng tôi đến công viên Bát Đại Xử để lên núi, nơi đó chúng tôi gặp rất nhiều các học viên khác. Một người nào đó bắt đầu nhẩm bài “Đăng Thái Sơn” trong tập Hồng Ngâm. Anh ấy bắt đầu câu đầu tiên, người đứng đằng sau nhẩm câu thứ hai, và cứ tiếp tục như vậy cho đến hết. Chúng tôi nhìn nhau và mỉm cười với tất cả các bạn đồng tu đó.

Gặp gỡ các đồng tu từ khắp Trung Quốc

Chúng tôi đã gặp các học viên từ khắp nơi trên Trung Quốc tại khách sạn Vườn Táo. Mặc dù chưa hề gặp gỡ nhưng chúng tôi cảm thấy rất thân thuộc gần gũi. Có một học viên làm việc tại chính quyền Thanh Đảo (sau này tôi đọc bài chia sẻ kinh nghiệm của cô trên Minh Huệ Net), còn cả những người làm quản lý của các nhà máy ở vùng Đông Bắc, các giáo viên của các trường đại học và cao đẳng, sinh viên.v.v.. Tôi nhớ có một cặp vợ chồng đến từ khu vực Bảo Định, người chồng không phải là học viên nhưng anh ấy đã đi cùng với vợ mình. Anh ấy nói: “ Pháp Luân Đại Pháp quá tốt, làm sao mà họ lại có thể ngăn cấm một môn tu luyện tốt như thế này cho được. Họ phải có lý do. Tôi đi cùng với vợ tôi để ủng hộ cô ấy.”

Đặc biệt khi chính quyền Trung Cộng tà ác đã ban hành một thông báo dẫn độ Sư phụ, các đồng tu rất lo lắng không biết phải làm sao. Có đủ các loại tin đồn đã được lưu truyền, một vài đồng tu còn muốn đến Đại sứ quán Mỹ.

Hai chị em ở Đại Liên đã đến Đại sứ quán để đưa các kiến nghị của nhiều học viên, nhưng họ đã ra đi và không bao giờ trở lại. Chúng tôi nghe nói rằng trước khi đến được Đại sứ quán, họ đã bị một nhóm người bắt đi, họ đẩy hai chị em vào một chiếc xe hơi màu đen và lái đi. Những người đứng gần đó đã cố ngăn họ lại và la lên: “Những người tốt đang bị bắt!” Nhưng chiếc xe vẫn tiếp tục chạy đi. Bầu không khí thật ngột ngạt, và chúng tôi thường nghe tin về những đồng tu bị bắt, nhưng tất cả những đồng tu mà chúng tôi gặp rất kiên định, và chúng tôi có thể thảo luận về tình huống dựa trên Pháp.

Trong khi chúng tôi đang nghỉ dưới một lùm cây gần ga xe lửa Vĩnh Định Môn, một học viên đến từ vùng Đông Bắc của Doanh Khẩu nói về việc nhóm có bảy người bọn họ đến bằng xe đạp ra sao, họ mất sáu ngày để có thể đạp xe đến được Bắc Kinh. Ngay sau khi tới nơi, các cảnh sát xuất hiện. Nhưng sau khi các cảnh sát biết rằng những học viên đến từ Doanh Khẩu này đã vượt qua rất nhiều con đường đã bị phong tỏa một cách thành công và đã đến được Bắc Kinh an toàn, họ đã làm các cảnh sát xúc động, cảnh sát nói: “Các vị đến để kháng nghị cho Đại Pháp và cho Sư phụ của các vị, và các vị đã làm được điều đó! Thật đáng ghi nhận! Các vị chắc đã đạt viên mãn, các vị có thể về nhà. Chúng tôi sẽ không bắt các vị đi ngày hôm nay. Tối nay hãy nghỉ ngơi cho khỏe, rồi ngày mai hãy về nhà. Bất kể như thế nào đi chăng nữa thì ngày mai các vị phải về, nếu không các vị sẽ gặp rắc rối.” Nói xong cảnh sát rời đi.

Trong khi nghỉ dưới một lùm cây gần viện bảo tàng, thảo luận về tình hình cùng với bốn học viên địa phương, chúng tôi cùng nhau ăn kem và vứt giấy gói xuống đất. Một lúc sau, một người đàn ông tiến lại gần, nhặt giấy gói nên và nói: “Tôi đã quan sát các vị một lúc lâu. Và từ lời nói các vị, tôi có thể nhận ra các vị là những đệ tử Đại Pháp. Bất kể chúng ta ở đâu và bất kể ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải chú ý đến hành động của mình. Làm sao mà chúng ta có thể xả rác bừa bãi như thế này được? Đặc biệt là trong tình huống như thế này, chúng ta cần phải tu luyện tâm tính tốt hơn nữa.”

Có hai vị đồng tu nói giọng miền Nam đến từ Thâm Quyến đã tiết kiệm được 100.000 nhân dân tệ từ công việc kinh doanh nhỏ. Họ mang theo tất cả tiền mặt của mình để giúp đỡ các đồng tu và họ đã tiêu hầu hết số tiền tiết kiệm mà mình có. Chúng tôi chia sẻ cùng nhau vào mọi thời điểm, chúng tôi đã chứng kiến sự kiên định của họ và rất nhiều đồng tu đã có thể trụ lại được Bắc Kinh là nhờ sự giúp đỡ của họ.

Cũng có những học viên từ chối sự giúp đỡ và cố gắng tự đương đầu giải quyết những tình huống. Tôi đã chứng kiến hai đồng tu trẻ gần cửa hàng bán thực phẩm. Chúng tôi biết rằng họ đến từ tỉnh Sơn Đông và là một điều phối viên ở địa phương. Họ đã tiêu hết tiền mang theo và phải nhặt rác để bán. Họ nói với chúng tôi rằng họ quyết định tìm một công việc ở Bắc Kinh và sẽ không quay trở về cho đến khi Đại Pháp được giải oan. Tôi đã xúc động sâu sắc. Tôi đưa cho họ 200 nhân dân tệ nhưng họ từ chối nhận. Tôi nói với họ rằng cuộc gặp gỡ này là duyên tiền định và mời họ đi ăn cùng chúng tôi, cùng chia sẻ thể ngộ về Pháp. Họ đã đồng ý và đi ăn trưa cùng chúng tôi.

Dưới một đường hầm có một phụ nữ trẻ bế trên tay đứa con nhỏ mới được vài tháng tuổi. Cô đến để thỉnh nguyện cho Đại Pháp. Đứa con nhỏ của cô luôn cười bất cứ khi nào nhìn thấy các đồng tu và khóc khi nhìn thấy các đặc vụ mặc thường phục. Họ cũng đã hết tiền. Khi các đồng tu cố gắng đưa cho cô tiền, cô từ chối, mặc dù lo ngại rằng đứa trẻ sẽ khóc không ngừng. Tôi không biết giữa chúng tôi có mối quan hệ gì, nhưng khi chúng tôi đưa tiền cho họ, cháu bé cầm lấy tiền và mỉm cười.

Tôi cũng thấy hai anh em từ Cẩm Châu kiếm sống bằng các công việc vặt trong thành phố. Họ cũng đến để thỉnh nguyện cho Đại Pháp ở Bắc Kinh. Họ liên lạc với các đồng tu ở Bắc Kinh và tìm sách cho những người khác học. Họ cũng chia sẻ cùng các đồng tu khác và động viên lẫn nhau. Về sau này, chúng tôi đọc trên Minh Huệ Net thấy rằng các đồng tu đang tìm kiếm họ. Đã hơn mười năm trôi qua và tôi luôn băn khoăn không biết giờ này họ ra sao.

Tôi cũng thấy một đồng tu trẻ đến từ tỉnh Sơn Đông ở trung tâm mua sắm Tây Đan, người vừa thoát khỏi ma nạn ở quê nhà. Anh nói với tôi rằng mình đã bị bắt và bị giam tại trung tâm giam giữ Thuận Nghĩa ở Bắc Kinh, tại đó anh bị đánh đập dã man. Sau đó anh bị cảnh sát hộ tống đưa về sở cảnh sát địa phương và chính quyền địa phương yêu cầu gia đình giám sát anh chặt chẽ, nhưng anh đã trốn thoát và quay trở lại Bắc Kinh. Mặc dù đã ra khỏi trại giam được hai tuần, nhưng tôi vẫn nhìn thấy một vết sưng lớn trên đầu anh do bị đánh.

Khi chia sẻ với những đồng tu về những trải nghiệm của mình và những gì chúng tôi chứng kiến vào thời điểm đó, chúng tôi biết rằng có rất nhiều những đồng tu đã từng bị giam tại Phòng tập thể hình Phong Đài ở Bắc Kinh. Hầu hết họ đều nhìn thấy từng chuỗi, từng chuỗi Pháp Luân trên bầu trời, một số thì nhìn thấy Pháp thân của Sư phụ trên bầu trời. Mặc dù trời rất nóng, một người bình thường cũng cảm thấy khó chịu ngay kể cả khi ngồi trong phòng máy lạnh. Nhưng vô số các học viên Pháp Luân Công bị buộc phải ngồi trên nền bê tông dưới ánh nắng mặt trời nóng như thiêu như đốt, không nước uống, không được đi nhà vệ sinh. Từ trẻ em cho đến các học viên lớn tuổi không có ai bị đột quỵ, hay gặp các triệu chứng tương tự. Có rất nhiều rất nhiều các hiện tượng siêu thường như vậy.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/7/18/九九年“七·二零”期间的亲历与见闻-276779.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/8/3/141353.html

Đăng ngày 27-08-2013; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share