[MINH HUỆ 26-09-2020] Kể từ khi bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ra sức mở rộng cuộc bức hại Pháp Luân Công ra nước ngoài. Những trường hợp như vậy có thể lần lượt thấy ở khắp các nơi trên thế giới.

Theo một báo cáo của Minh Huệ, ngày 25 tháng 9 năm 2020, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã có bài phát biểu về các vấn đề của Trung Quốc tại Cơ quan Lập pháp Bang Wisconsin. Đặc biệt, ông đã phơi bày và lên án việc ĐCSTQ can thiệp và làm đổ bể việc thông qua một nghị quyết ủng hộ Pháp Luân Công ở California.

9fbc2870a7ed19ee4a62a2631003a7c4.jpg

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo lên án việc ĐCSTQ can thiệp vào cơ quan lập pháp ở California

Xét về cách mà ĐCSTQ sử dụng các đại sứ quán và lãnh sự quán ở nước ngoài để gây ảnh hưởng, xâm nhập và mở rộng cuộc bức hại Pháp Luân Công ở nước ngoài trong hai thập kỷ qua, thì những gì đã xảy ra ở California hoàn toàn không phải là một trường hợp cá biệt, mà là một vụ việc trong các chiến dịch có hệ thống của ĐCSTQ.

Các Lãnh sự quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ: Tự tôn vinh bản thân và đàn áp tín ngưỡng

Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Pompeo đã đưa ra hai ví dụ. Ví dụ thứ nhất là về một email do Lãnh sự quán Trung Quốc tại Chicago gửi Chủ tịch Thượng viện Bang Wisconsin Roger Roth vào tháng 2 năm nay, để đề nghị Cơ quan Lập pháp Thượng viện thông qua một nghị quyết tán dương phản ứng của Trung Quốc đối với virus corona. Một nghị quyết được soạn sẵn cũng được gửi kèm theo thư điện tử này. Ông Roth cho rằng đó là một trò lừa bịp và đã xóa thư điện tử đó đi. Tuy nhiên, sau đó, ông lại tiếp tục nhận được một email từ Lãnh sự quán Trung Quốc kèm theo bản thảo nghị quyết được đề xuất và đã sửa lại. Lần này, ông đã gửi phản hồi lại bằng một từ: “Nuts” (có là nghĩa: Đồ mất trí).

Thượng Nghị sỹ Roth không dừng lại ở đó. Thay vì làm theo yêu cầu của ĐCSTQ, ông đã đề xuất một nghị quyết theo hướng ngược lại, chỉ ra rằng “ĐCSTQ đã chủ tâm và cố tình lừa gạt thế giới về virus corona Vũ Hán.”

“Nếu chính quyền Trung Quốc hành động có trách nhiệm, minh bạch và hiệu quả hơn, thì các trường hợp nhiễm virus trên toàn thế giới đã có thể được hạn chế tới 95%”, ông Roth cho hay.

Ông Pompeo thừa nhận: “Hàng loạt câu hỏi khó chịu nảy ra khi chúng tôi nghĩ về những gì mà ĐCSTQ đang thực hiện thông qua các đại sứ quán của họ ở Hoa Kỳ. Nhưng những gì đã xảy ra ở đây, tại Wisconsin này, đang xảy ra ở khắp nơi trên thế giới. Nó đang xảy ra trên khắp Hoa Kỳ. Nó đang xảy ra ở các hạ viện cấp bang trên khắp nước Mỹ.”

Để minh họa cho điểm này, ông đã đưa ra một ví dụ khác. Năm 2017, một thượng nghị sỹ bang California đã đề xuất một dự luật chỉ đơn thuần là để thể hiện sự ủng hộ đối với các học viên Pháp Luân Công ở Mỹ và Trung Quốc. Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco đã đáp lại bằng cách viết một bức thư gửi tới cơ quan lập pháp của tiểu bang, trong đó lăng mạ Pháp Luân Công và tuyên bố dự luật này có thể “làm tổn hại sâu sắc đến quan hệ hợp tác giữa tiểu bang California và Trung Quốc, đồng thời làm tổn thương nghiêm trọng đến tình cảm của người Trung Quốc và cộng đồng người Trung Quốc rộng lớn ở California.”

Đáng tiếc là, Thượng viện bang California đã nhượng bộ trước áp lực của ĐCSTQ và gác lại dự luật đã đề xuất.

Các nghị sỹ của Nghị viên Châu Âu nhận được thư đe dọa

Theo một báo cáo trên trang web Minh Huệ, 26 nghị sỹ Thụy Điển ký một tuyên bố chung để ủng hộ Pháp Luân Công, trong đó kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại, đều nhận được một email từ Đại sứ quán Trung Quốc. Ngoài vu khống Pháp Luân Công, bức thư điện tử này còn uy hiếp và dọa sẽ làm tổn hại đến uy tín của các nghị sỹ.

fd7a1559bcf045cc30ef3b24382ed00f.jpg

Nghị sỹ Thụy Điển Niclas Malmberg

Ngày 19 tháng 8, Nghị sỹ Thụy Điển Niclas Malmberg đã tiết lộ trên trang Facebook cá nhân rằng ông đã nhận được một email từ Đại sứ Trung Quốc vì đã tham gia một tuyên bố chung ủng hộ Pháp Luân Công. Ngoài phỉ báng Pháp Luân Công, email đó còn dọa sẽ làm tổn hại đến uy tín của ông. Điều này dấy lên sự bất bình đối với ĐCSTQ từ mọi tầng lớp xã hội ở Thụy Điển. Họ nói rằng việc uy hiếp và đe dọa từ ĐCSTQ khiến họ thậm chí còn ủng hộ Pháp Luân Công hơn nữa và họ cảm thấy sự cấp bách của việc ủng hộ nhân quyền ở Trung Quốc.

b14e8e8ad181da924f64ffcf1548b0c6.jpg

Nghị sỹ Nghị viện Châu Âu David Lega

ba264766dab0d75e5bec690da34d9a74.jpg

Hai nghị sỹ Thụy Điển Niclas Malmberg và Lotta Johnsson Fornarve, cùng nghị sỹ Nghị viện Châu Âu David Lega đều gặp phải điều tương tự. “Thái độ của chúng tôi rất rõ ràng”, nghị sỹ Lega trả lời trong một phỏng vấn gần đây, “một đại sứ sử dụng kiểu uy hiếp và đe dọa này hòng tác động đến quyền tự do ngôn luận ở đất nước dân chủ như chúng ta thì không được hoan nghênh.”

Nghị sỹ Johnsson Fornarve cho biết Trung Quốc dưới sự kiểm soát của một chính quyền độc tài toàn trị đã gây ra bao tội ác chống lại nhân quyền. “ĐCSTQ đang đi không đúng hướng. Điều quan trọng là các chính trị gia chúng ta là cần phải gây áp lực với Trung Quốc và chỉ trích những vi phạm nhân quyền của họ”, bà giải thích.

Đại sứ của ĐCSTQ đề nghị gặp trực tiếp nhưng đã bị từ chối.

f3066c6ab57200a84d28f7b486c9dccb.jpg

Nghị sỹ người Hungary Bernadett Szel (ảnh chụp lại từ video của Đài Truyền hình Tân Đường Nhân)

Một sự việc tương tự cũng xảy ra ở Hungary. Theo một bản tin của Đài Truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV), nghị sỹ người Hungary Bernadett Szel cho biết, cô nhận được một bức thư từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Budapest vào ngày 19 tháng 8 và nói rằng đó là “thời điểm kỳ khôi nhất trong sự nghiệp chính trị của mình”.

Trong thư, Đại sứ quán Trung Quốc nói rằng họ thất vọng và phản đối mạnh mẽ việc bà ký tuyên bố chung ủng hộ Pháp Luân Công. Nghị sỹ Szel nói rằng bà đã đăng bức thư này lên facebook và nói: “Một nghị sỹ đắc cử người Hungary nhận được một bức thư từ đại sứ quán của một quốc gia khác bảo bà phải làm gì; bảo bà có thể ký cái gì và không thể ký cái gì – điều này là cực kỳ bất bình thường.”

“Châu Âu và nhiều quốc gia dân chủ khác trên thế giới tin vào tự do tín ngưỡng và rằng con người không nên bị cầm tù và bị bức hại vì lý do về lương tâm.”

Can nhiễu các chương trình biểu diễn Shen Yun

Trong 21 năm qua khi Pháp Luân Công bị bức hại tàn bạo ở Trung Quốc, ĐCSTQ đã lạm dụng các đại sứ quán và lãnh sứ quán của nó ở nước ngoài trên diện rộng để đe dọa các chính trị gia ở những quốc gia dân chủ ủng hộ Pháp Luân Công. Đó là vì các học thuyết cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản như thù hận và bạo lực, hoàn toàn trái ngược với nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn mà các học viên Pháp Luân Công tuân theo.

Một ví dụ khác là sự can thiệp của ĐCSTQ đến các chương trình biểu diễn Shen Yun, một chương trình biểu diễn nghệ thuật dựa trên văn hóa truyền thống Trung Hoa. Ví dụ, vào 7 giờ 30 phút ngày 20 tháng 1 năm 2010, Công ty Lưu diễn Shen Yun đã đến Little Rock, Arkansas ở Hoa Kỳ để biểu diễn tại Nhà hát Biểu diễn Robinson, một nhà hát tốt nhất ở khu vực địa phương này.

Trước buổi diễn, quản lý nhà hát nhận được một bức thư từ Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, trong đó phỉ báng Công ty Lưu diễn Shen Yun. Nhà hát đã vạch trần hành động nham hiểm của Lãnh sự quán Trung Quốc và báo cáo bức thư này lên Cục Điều tra Liên bang (FBI).

Trong bức thư dài 13 trang này, ĐCSTQ không chỉ liên tục sử dụng những lời dối trá thường lệ của nó, mà còn đưa vào đó cả những nội dung phỉ báng từ truyền thông nước ngoài do chính ĐCSTQ kiểm soát. Cuối thư, Lãnh sự quán Trung Quốc yêu cầu nhà hát từ chối cung cấp địa điểm cho chương trình biểu diễn Shen Yun.

Ông Jim Rice, Giám đốc Điều hành của Trung tâm Hội nghị và Khách thăm quan Little Rock, cho biết họ cảm thấy thực sự kinh ngạc bởi vì từ trước đến giờ, họ chưa bao giờ nhận được bức thư nào như thế, nó hoàn toàn trái với lẽ thường. “Bất kể là ai gây áp lực hay đe dọa chúng tôi, chúng tôi vẫn sẽ làm những gì chúng tôi cho là đúng đắn. Tôi tự hào vì được đón Shen Yun biểu diễn tại đây.” Những sự việc tương tự cũng đã xảy ra ở nhiều thành phố khác trên khắp thế giới, những nơi mà Shen Yun tới biểu diễn.

Vô số các trường hợp ĐCSTQ can nhiễu các chương trình biểu diễn Shen Yun được liệt kê trong Chương 8 của Báo cáo Minh Huệ: 20 năm cuộc Bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Kích động thù hận ở nước ngoài

Kể từ khi bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, ĐCSTQ đã không ngừng tuyên truyền dối trá và kích động thù hận thông qua các tổ chức của nó ở nước ngoài. Sau khi ĐCSTQ dàn dựng cái gọi là vụ “tự thiêu” trên Quảng trường Thiên An Môn vào đầu năm 2001, nhiều đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc ở nước ngoài đã tổ chức cho các sinh viên và học giả Trung Quốc du học nước ngoài bằng học bổng của chính phủ xem các video của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) về trò lừa bịp này và tổ chức các buổi hội thảo chỉ trích Pháp Luân Công.

Ví dụ, Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đã thông qua Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA) và các hội cựu sinh viên của Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa, Đại họa Dầu khí Bắc Kinh tổ chức cho các sinh viên Trung Quốc tại Đại học Houston, Đại học Rice, Trung tâm Y tế Texas, cũng như các học giả tham cứu do chính phủ tài trợ xem vụ “tự thiêu” được dàn dựng này và để lên án Pháp Luân Công.

Sau đó, Tổng Lãnh sự Trung Quốc Trương Xuân Tường đã công kích Pháp Luân Công trên một diễn đàn và yêu cầu những người tham dự diễn đàn lan truyền những dối trá của ĐCSTQ tới các sinh viên khác, tới đồng nghiệp và bạn bè người Mỹ của họ. Nghiêm Mỹ Hoa, Trưởng khoa Giáo dục cho biết bà hy vọng tất cả các du học sinh Trung Quốc tại Houston sẽ “từ bỏ Pháp Luân Công” và “thuyết phục các học viên Pháp Luân Công từ bỏ tu luyện càng sớm càng tốt.”

Theo một báo cáo khác từ trang web Minh Huệ, vào tháng 2 năm 2001, các thành viên của Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc tại Houston đã tham gia một hội nghị chuyên đề chống Pháp Luân Công tại Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston. Một bài báo của Trình Nhứ Sâm đăng trên Tờ CSSA-SUNDERLAND cũng đã đề cập rằng CSSA đã hợp tác với lãnh sự quán Trung Quốc tổ chức các hoạt động chống Pháp Luân Công.

Ngày 26 tháng 5 năm 2007, Phòng Giáo dục của Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đã tổ chức một hội thảo với sự tham dự của các chủ tịch của CSSA tại Texas và Louisiana, khoác lác với các quan chức của đại sứ quán về việc họ đã “trấn áp các lực lượng thù địch” như thế nào.

Ngày 20 tháng 7 năm 2001, chỉ một tuần sau khi Bắc Kinh được trao quyền tổ chức Thế vận hội Olympics, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đã tổ chức một hội nghị chuyên đề dành cho các học giả Trung Quốc ở nước ngoài và các quan chức Trung Quốc địa phương tại khu vực Houston để “nhiệt liệt chúc mừng việc đăng cai thành công tổ chức Thế vận hội Bắc Kinh và để phơi bày và chỉ trích Pháp Luân Công.”

Danh sách đen và từ chối gia hạn hộ chiếu

Hơn nữa, các đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc đã tích cực thực hiện các chính sách bức hại của phe cánh Giang Trạch Dân và có danh sách đen các học viên Pháp Luân Công ở nước ngoài. Họ sử dụng những danh sách đen này để bức hại và sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công bằng cách từ chối gia hạn hộ chiếu hoặc giữ lại hộ chiếu của họ mà không có lý do.

Ví dụ, Anh Vương Vĩnh Sinh, đang làm nghiên cứu tại Đại học Houston, đã đến Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston để gia hạn hộ chiếu vào ngày 22 tháng 2 năm 2001. Một nhân viên họ Từ đã nói với anh Vương qua điện thoại: “Hiện giờ, chúng tôi không thể trả cho anh hộ chiếu bởi vì anh vẫn tu luyện Pháp Luân Công.” Ông cũng nói với anh Vương rằng ông phải chờ sự chấp thuận từ Trung Quốc rồi mới có thể trả hộ chiếu cho anh.

Ngày 2 tháng 9 năm 2003, học viên Pháp Luân Công Đường Kiện đã đến Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston để gia hạn hộ chiếu. Lãnh sự Dương Trác Phàm đã gọi điện cho cô và dọa sẽ không gia hạn hộ chiếu. Ông cũng yêu cầu học viên Đường không được luyện tập các bài công pháp Pháp Luân Công hay kháng nghị trước lãnh sự quán Trung Quốc.

Các sự việc tương tự đã xảy ra ở rất nhiều nơi. Các cơ quan ở nước ngoài của ĐCSTQ cũng lan truyền thông tin vu khống với các quốc gia phương Tây và cung cấp cho họ danh sách đen để ngăn cản các học viên Pháp Luân Công nhập cảnh vào những quốc gia này. Trong một số trường hợp, các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại sân bay hoặc sau khi đã nhập cảnh vào quốc gia đó.

Thuê côn đồ tấn công các học viên Pháp Luân Công

Chương “Cuộc bức hạn mở rộng ra ngoài Trung Quốc đại lục” trong cuốn “Báo cáo Minh Huệ: 20 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc” phơi bày các trường hợp người của đại sứ quán Trung Quốc và lãnh sự quán Trung Quốc tại Úc, Canada, New York và Chicago trực tiếp sử dụng ngôn từ và hành động bạo lực để công kích các học viên Pháp Luân Công. Báo cáo cũng phơi bày 26 hình thức bức hại mà các cơ quan của ĐCSTQ ở nước ngoài sử dụng để bức hại các học viên thông qua đặc vụ, sinh viên và người Trung Quốc ở nước ngoài hoặc thuê các côn đồ địa phương.

0b255ad249e2687813ed9adadd4d0d5b.jpg

Các học viên Pháp Luân Công bị tấn công và sách nhiễu trong khi tĩnh tọa trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston

Theo một báo cáo của trang web Minh Huệ, tối ngày 30 tháng 6 năm 2002, khi các học viên Pháp Luân Công đang ngồi tĩnh tọa trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston để phản đối cuộc bức hại, thì hai người đàn ông, khoảng 30-40 tuổi, tới nhìn cận mặt từng học viên, rồi rời đi. Khoảng 9 giờ 28 phút đến 9 giờ 30 phút tối, đột nhiên có người từ một chiếc xe hơi chạy ngang qua đó tấn công các học viên bằng cách ném trứng vào họ. Một số quả trứng đập trúng vào ngực của một nam học viên và một nữ học viên khác bị đập trúng vào chân. Các học viên Pháp Luân Công đã báo cáo sự việc này với cảnh sát địa phương và FBI.

Trung Quốc có đủ loại tổ chức ở nước ngoài, như phòng thương mại, hội đồng hương, v.v. Hầu hết các tổ chức này đều hoạt động như công cụ, đặc vụ chính trị ở nước ngoài của ĐCSTQ. Ví dụ, Hội Đồng hương Ôn Châu, Hội Đồng hương Phúc Châu và Hội Đồng hương Thượng Hải ở NewYork đều trực tiếp chịu sự kiểm soát của ĐCSTQ.

Các cộng đồng người Hoa như Khu phố Tàu ở New York và Flushing là “chân rết” của ĐCSTQ nhiều năm qua. Hội người Hoa ở miền Đông Hoa Kỳ (trước đây là Hội người Hoa ở New York) cũng tiếp nhận chỉ thị từ Lãnh sự quán Trung Quốc tại New York. Sau khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, ông Lương Quan Quân, chủ tịch hiệp hội cũng chủ động hợp tác với Lãnh sự quán Trung Quốc để nói xấu Pháp Luân Công, thậm chí ông ta còn đi xa hơn khi trực tiếp tấn công các học viên Pháp Luân Công.

Ngày 17 tháng 5 năm 2008, theo chỉ thị của Bành Khắc Ngọc, Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại New York, một số “hội đồng hương” đã thuê hàng trăm tới hơn cả nghìn người đến bao vây các học viên Pháp Luân Công tại một buổi mít-tinh ôn hòa tại Flushing, New York. Vụ tấn công các học viên Pháp Luân Công đã kéo dài hơn 20 ngày.

Hoa Kỳ đóng cửa các lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston

Trong một cuộc phỏng vấn với Tờ New York Post ngày 23 tháng 9, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Lãnh sự quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ là một ổ gián điệp và dự đoán sẽ có thêm nhiều đặc vụ và nhà ngoại giao bị bắt giữ.

eeb89f4fb2b1673f94405c64662c7612.jpg

Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đã thiêu hủy lượng lớn tài liệu sau khi được thông báo phải đóng cửa (hình ảnh chụp nhanh video)

Ngày 21 tháng 7, Chính phủ Hoa Kỳ thông báo với Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston rằng cơ quan này cần phải đóng cửa trong vòng 72 giờ và tất cả nhân viên của lãnh sự quán phải quay về Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus giải thích rằng quyết định đóng cửa Lãnh sứ quán Trung Quốc tại Houston được thực hiện nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ.

Tối ngày 21 tháng 7, Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston bắt đầu thiêu hủy lượng lớn tài liệu trong khuôn viên của họ, nhiều đến nỗi cư dân gần đó phải gọi cảnh sát và sở cứu hỏa bởi vì họ tưởng khu vực đó đang bị cháy. Nhưng khi các nhân viên chữa cháy đến hiện trường, nhân viên của lãnh sự quán Trung Quốc đã từ chối cho họ vào khu vực tòa nhà. Đoạn phim quay tầm cao do một kênh truyền hình địa phương phát sóng cho thấy 6-7 thùng lớn đựng đầy tài liệu đang bốc cháy trong khuôn viên ngoài trời của Lãnh sự quán Trung Quốc. Điều trùng hợp là, hai tuần sau, theo Tờ Epoch Times, vào ngày 6 và 7 tháng 8, Lãnh sự quán Trung quốc tại New York đã gọi công ty hủy tài liệu chuyên nghiệp USA SHRED đến để tiêu hủy một lượng lớn tài liệu.

Ngày 24 tháng 7, Dân biểu Hoa Kỳ Dan Crenshaw đã chỉ ra rằng động thái mới nhất của Bộ Ngoại giao trong việc đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là để nhắn nhủ mọi người rằng ĐCSTQ không phải là một đối tác tốt. Lãnh sự quán Trung Quốc đã thiêu hủy tài liệu nhằm hủy đi chứng cứ. Ông cho biết Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là một trung tâm chính đánh cắp tài sản trí tuệ, tin tặc và tiến hành rất nhiều hoạt động gây ảnh hưởng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/9/26/412305.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/13/187796.html

Đăng ngày 20-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share