Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 02-07-2020] Cả hai vợ chồng tôi đều làm việc tại Cục Lâm nghiệp. Tôi làm trong văn phòng còn chồng tôi làm ở bộ phận vận tải. Chúng tôi có hai con gái dễ thương. Mặc dù gia cảnh không khá giả nhưng chúng tôi có một cuộc sống mãn nguyện.

Bất hạnh giáng xuống

Ngày 15 tháng 10 năm 1982, một đồng nghiệp nhờ chồng tôi lái một trong số những chiếc xe tải của công ty. Những chiếc xe tải cổ này sử dụng tay quay để khởi động động cơ xe. Vì chúng vẫn còn hoạt động, nên đơn vị công tác tiếp tục giữ chúng lại để sử dụng. Việc vận hành tay quay này đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn nhất định, bởi tay quay rất dễ bị quay ngược chiều khi ở tốc độ cao và gây nguy hiểm cho tài xế.

Chồng tôi chỉ có ít kinh nghiệm về việc lái những chiếc xe tải này. Khi anh ấy khởi động động cơ xe, thì tay quay bị đổi chiều và đập vào cổ của anh. Ngay lập tức chồng tôi nằm bất động tại chỗ và nhanh chóng được đưa vào bệnh viện.

Cơ sở y tế địa phương của chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm về những ca chấn thương loại này. Bác sĩ khám cho chồng tôi ban đầu chẩn đoán chấn thương là nhẹ, nên chồng tôi chỉ được điều trị bằng nhiệt. Nhưng sau khi về đến nhà, chồng tôi bắt đầu bị tê ở mặt, cánh tay, và cẳng chân ngày càng nhiều. Theo thời gian, anh ấy càng lúc gặp khó khăn trong việc cầm đũa muỗng, và có những hôm phải dựa vào chúng tôi để đút cho anh ăn. Chân tay của anh ngày càng yếu dần khiến anh khó làm những công việc thường ngày như nhặt rau. Anh bắt đầu bị táo bón mãn tính, tê, cơ thể đau nhức và khó ngủ vào ban đêm. Hai tháng sau, các triệu chứng của anh ngày càng tệ hơn. Lúc này chúng tôi mới nhận ra sự nghiêm trọng của chấn thương này.

Chúng tôi thông báo tình trạng sức khỏe của chồng tôi cho bệnh viện địa phương, thỉnh cầu họ giúp để được điều trị tại các bệnh viện lớn hơn. Chúng tôi cũng tìm kiếm sự trợ giúp y tế từ đơn vị công tác bởi chồng tôi bị chấn thương trong khi làm việc.

Kể từ đó, tôi cùng chồng trải qua hành trình 14 năm đi tìm phương pháp chữa bệnh. Chúng tôi đi tìm không ngơi nghỉ, mỗi lần đi là đến tận nửa năm. Lúc đó, hai con của chúng tôi còn nhỏ, một bé bốn tuổi và bé còn lại chỉ mới lên hai. Mỗi lần rời nhà là chúng tôi phải gửi con cái cho hàng xóm chăm sóc.

Tìm phương pháp chữa bệnh

Trải qua nhiều năm, chúng tôi đã đến nhiều bệnh viện chấn thương chỉnh hình nổi tiếng. Bệnh viện Xuanwu Bắc Kinh, Bệnh viện thứ ba của Đại học Bắc Kinh, Bệnh viện Nhân dân Đại Liên, Bệnh viện đầu tiên của Đại học Y Cáp Nhĩ Tân, Viện Y học Quốc gia, Cao đẳng Y học Cổ truyền Trung Quốc Hắc Long Giang chỉ là một số nơi mà chúng tôi đã ghé qua. Chúng tôi thử mọi cách có thể, thậm chí đến nhiều bệnh viện tư và phòng khám tư ở Đại Liên.

Tại Bệnh viện đầu tiên của Đại Học Y Cáp Nhĩ Tân, các bác sĩ chuyên khoa bảo chúng tôi: “Bệnh nhân mắc bệnh rỗng tủy sống, một tình trạng hiếm gặp hiện vẫn chưa thể điều trị bằng phẫu thuật ở Trung Quốc. Vì anh ấy vẫn còn trẻ nên phương pháp điều trị bảo tồn là lựa chọn tốt nhất để duy trì khả năng di chuyển và tự chăm sóc bản thân. Bất kỳ phẫu thuật xâm chiếm nào cũng có nguy cơ làm tổn thương tủy sống cổ, khiến bệnh nhân bị bại liệt vĩnh viễn.” Thế là chúng tôi quyết định thực hiện phương pháp điều trị bảo tồn.

Khi trị liệu xông hơi tại nhà dưỡng bệnh Tangganzi ở thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh, thì chúng tôi nhận được lời giới thiệu từ một bệnh nhân. Bác của anh ta là một người đàn ông lớn tuổi họ Liu có nhiều năm kinh nghiệm chuyên môn trong việc điều trị các bệnh cột sống bằng phương pháp xoa bóp cổ truyền và thảo dược Trung Quốc. Trong số các bệnh nhân trước đây của ông ấy có cả các lãnh đạo tỉnh và các bộ trưởng. Chúng tôi ở phòng khám ông Liu hơn một tháng khi chồng tôi được trị liệu đặc biệt và uống thuốc do bác sĩ bào chế. Ông Liu đã làm hết sức mình nhưng cuối cùng cũng chịu thua khi các liệu pháp của ông không giúp gì được cho bệnh của chồng tôi.

Sau khi trải qua nhiều lần thất bại, chúng tôi bỏ cuộc và quay về nhà. Chồng tôi chuyển sang chọn một số môn trong tôn giáo bao gồm Phật giáo Tây Tạng, Thiền, Cơ đốc giáo và Phật giáo. Thậm chí anh còn bắt đầu luyện các bài khí công khác nhau. Tuy nhiên, chúng chẳng đem lại hiệu quả gì đối với tình trạng bệnh của anh ấy.

Càng ngày bệnh của chồng tôi càng nặng. Không còn cách nào khác, chúng tôi lại đến khám ở Bệnh viện Xuanwu Bắc Kinh. Bác sĩ ở đây đề nghị chúng tôi đến Bệnh viện thứ ba của Đại học Y Bắc Kinh, vốn chuyên khoa về các bệnh cột sống. Ở đó, chồng tôi được chẩn đoán mắc bệnh hẹp ống tủy sống. Sự phát triển của xương đã gây chèn ép dây thần kinh tủy sống, khiến tình trạng của anh trở nên tệ hơn. Trong lúc chồng tôi nằm viện, chúng tôi có quen một nhà biên tập của tạp chí Hiệp hội Y khoa Trung Quốc. Ông ấy nhập viện do ca phẫu thuật đĩa đệm thắt lưng của ông thất bại. Sau khi biết tình trạng của chồng tôi kèm theo rủi ro phẫu thuật cao nên ông ấy khuyên chúng tôi nên thử luyện khí công như một liệu pháp thay thế.

Lúc đó, bệnh của chồng tôi trở nặng đến mức anh đi lại vô cùng khó khăn. Bác sĩ cũng bảo rằng bệnh của anh ấy không thể chữa trị bằng thuốc. Tôi hỏi bác sĩ điều trị cho chồng tôi về lợi ích của phẫu thuật và ông ấy trả lời rằng: “Phẫu thuật không thể giúp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn. Tốt nhất là nó chỉ giúp tình trạng anh ấy ổn định mà không diễn biến xấu hơn. Phẫu thuật là rủi ro, nguy hiểm nhất là bệnh nhân có thể qua đời ngay trên bàn mổ.” Tuy nhiên, không phẫu thuật thì sức khỏe của chồng tôi cũng ngày càng giảm sút. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, chúng tôi quyết định phẫu thuật.

Ngày 6 tháng 7 năm 1995, chồng tôi trải qua ca phẫu thuật được thực hiện bởi một số bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nổi tiếng và giàu kinh nghiệm. Phẫu thuật ống tủy phức tạp và rủi ro loại này đòi hỏi chồng tôi phải thức trong suốt ca mổ để các bác sĩ có thể nhìn thấy bất kỳ bất thường nào. Chồng tôi cố gắng chịu đựng cơn đau thấu xương trong suốt 4 tiếng phẫu thuật.

Cuối cùng khi chúng tôi được phép vào thăm anh sau ca mổ thì khuôn mặt anh đã trở nên tái nhợt và co dúm lại khiến chúng tôi hầu như không thể nhận ra. Các bác sĩ phẫu thuật cho chồng tôi đã rất ấn tượng. Giáo sư Dang, cố vấn chính, đã cúi đầu ba lần và tán dương anh rằng: “Không một tiếng kêu đau đớn nào mặc dù anh ấy phải trải qua ca phẫu thuật kéo dài mệt mỏi. Sức chịu đựng của anh thật đáng khâm phục!”

Chồng tôi nhanh chóng được xuất viện và chúng tôi cố gắng về nhà. Tuy nhiên, vết thương phẫu thuật đã không được may kín nên chồng tôi thường hay bị sốt nhẹ và nhức mỏi cánh tay. Đi lại vẫn đòi hỏi nhiều sức lực do cơ thể chồng tôi thường xuyên yếu. Đúng như các bác sĩ đã dự đoán, tình trạng của anh ấy không cải thiện nhưng cũng không có dấu hiệu xấu đi.

Giai đoạn khó khăn

Trong hơn 10 năm, với tình trạng bệnh tật của chồng tôi đã buộc tôi phải tự mình gánh vác hết việc nhà. Thời điểm đó, căn nhà đơn giản của chúng tôi không có đường ống dẫn gas hoặc nước máy. Tôi rất yếu nên hầu như không thể chẻ củi mỗi lần nấu ăn. Mỗi ngày, tôi phải đi tới cái giếng gần nhất, cách nhà vài trăm mét, để lấy nước. Vào mùa đông, việc này càng trở nên khó khăn hơn vì độ dốc của băng trơn trượt xung quanh giếng. Tôi leo lên các mỏm băng, lấy nước đổ vào xô, rồi chầm chậm và cẩn thận xách xô nước và trượt xuống. Bởi vì việc lấy nước từ giếng quá gian nan nguy hiểm nên dẫu bao nhiêu nước tôi lấy được thì cũng quý hơn dầu.

Lịch trình hàng ngày của tôi bao gồm đưa hai con đi học, đến văn phòng làm việc, đón con về và dạy con học, nấu ăn, và làm việc nhà. Một ngày của tôi thường chỉ kết thúc vào lúc 8 hoặc 9 giờ tối. Trong thời gian đó, những cơn đau đớn và dày vò đã khiến chồng tôi dễ nổi nóng với chúng tôi. Vì hiểu rõ tình trạng sức khỏe của chồng nên tôi chỉ có thể âm thầm chịu đựng những cơn tức giận của anh ấy.

Theo thời gian, căng thẳng lâu dài và gánh nặng tinh thần đã thể hiện dưới dạng nhiều căn bệnh khác nhau. Tôi bắt đầu bị mất ngủ, nhức đầu, đau khớp gối và đau xương chậu mãn tính, mắc bệnh phụ khoa, đau lưng và đau bụng. Tuy nhiên, tôi quyết tâm vượt qua mọi khó khăn vì chồng và các con.

Một cuộc đời mới

Ngày 9 tháng 3 năm 1996, một người hàng xóm đến nhà chúng tôi và nói với chồng tôi về một môn khí công tên là Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), nổi tiếng vì khả năng chữa bệnh một cách thần kỳ. Chồng tôi nhìn thấy tia hy vọng và theo người hàng xóm đến lớp học khí công mà không chút do dự.

Người hàng xóm đưa chồng tôi đến một ngôi nhà mà ở đó anh ấy xem băng hình giảng Pháp của Sư phụ Lý Hồng Chí (Nhà sáng lập Pháp Luân Công). Ngày hôm sau chồng tôi nói với tôi về môn tu luyện. Tò mò, tôi và hai con đi cùng chồng đến xem băng giảng Pháp.

Vài ngày sau, những vết sưng tím nhỏ xuất hiện trên lưng, ngực và hai bên hông của chồng tôi. Những vết sưng hình dạng giống hoa này sẽ rất đau khi chạm tay vào. Sau đó, chồng tôi trải qua các triệu chứng sốt, ho, và khó thở. Bên cạnh việc ho ra rất nhiều đàm thì các khớp của anh ấy đau nhức đến mức anh khó có thể bước xuống giường. Vì đã nghe bài giảng của Sư phụ Lý, chồng tôi hiểu rằng những triệu chứng này là một phần trong quá trình tịnh hóa thân thể. Kết quả là anh ấy không uống thuốc, cũng không đi điều trị ở bất kỳ bệnh viện nào.

Trong vòng vài ngày, các triệu chứng của anh biến mất hoàn toàn, chỉ để lại sẹo ở những nơi trước đây từng có vết sưng tím.

Chồng tôi đến điểm luyện công mỗi ngày để luyện công và học Pháp. Dần dần, sức khỏe của anh bắt đầu cải thiện một cách nhanh chóng. Hai cánh tay anh hết đau và cẳng chân đã phục hồi sức lực. Tháng 9 năm 1996, chồng tôi về cơ bản đã hồi phục sức khỏe. Anh có thể chạy xe ba bánh và xe máy, làm nhiều việc nhà chẳng hạn xách nước, chặt củi, đi chợ, và nấu cơm. Tôi cũng trải nghiệm sự cải biến to lớn về mặt sức khỏe. Nhức đầu, đau cổ, mất ngủ và các căn bệnh mãn tính khác đã biến mất hoàn toàn.

Chồng tôi từng là người thiếu kiên nhẫn. Chấn thương đã khiến điều này trở nên trầm trọng hơn và làm cho tính khí của anh càng tệ hơn. Sau khi biết được những nguyên lý để trở thành một người tốt từ Pháp Luân Công, chồng tôi đã nỗ lực để cải thiện tâm tính của anh. Còn với tôi, sau khi biết được ý nghĩa thực sự của đời người đã giúp tôi từ từ buông bỏ những muộn phiền và căm phẫn trong tâm. Tâm chúng tôi trở nên nhẹ nhàng và rộng mở hơn. Ngay cả con chúng tôi cũng thụ ích từ việc học Đại Pháp, các cháu trở nên chín chắn hơn và biết quan tâm hơn. Cả nhà chúng tôi bắt đầu sống hòa thuận và hạnh phúc.

Tin tức chồng tôi hồi phục sức khỏe đã được lan truyền rộng rãi. Một căn bệnh mà cả Trung Y lẫn Tây Y đều bó tay trong suốt 14 năm, thì nay đã được chữa lành chỉ trong 6 tháng nhờ Pháp Luân Công! Có lần, giám đốc bệnh viện địa phương khuyên một bệnh nhân mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ mãn tính đến gặp chồng tôi để xin lời khuyên. Cuối cùng bệnh nhân này cũng đến nhà chúng tôi và chồng tôi tự hào nói với anh ấy: “Tôi đã được Pháp Luân Công chữa lành rồi!”

Khoảng tháng 5 năm 1997, Bệnh viện thứ ba của Đại Học Y Bắc Kinh gửi thư cho đơn vị công tác hỏi thăm chồng tôi và yêu cầu anh ấy quay lại bệnh viện để tái khám. Đơn vị công tác đã cố gắng xoay sở để đảm bảo đủ tiền đưa chúng tôi đến bệnh viện.

Bác sĩ trưởng khoa và giám đốc khoa chỉnh hình gặp chúng tôi và ngạc nhiên khi nhìn thấy sức khỏe của chồng tôi đã được cải thiện rõ rệt. Họ hỏi chúng tôi có tư vấn bệnh viện nào khác không và chồng tôi uống loại thuốc gì. Khi chồng tôi bảo họ rằng anh ấy hồi phục là nhờ Pháp Luân Công, thì các bác sĩ vô cùng kinh ngạc. Trước đó tại sở làm, chúng tôi đã gửi thông báo xác nhận chồng tôi đã hồi phục đến giám đốc Cục Lâm nghiệp. Vị giám đốc mừng rỡ: “Pháp Luân Công thật là tốt, anh nên tiếp tục tu luyện!”

Trước đây, tiền thuốc, tiền trị liệu, viện phí và các chi phí khác để điều trị cho chồng tôi lên đến hơn 10.000 Nhân dân tệ mỗi năm. Mặc dù những chi phí đó được Cục Lâm nghiệp hoàn lại đầy đủ, nhưng trải qua nhiều năm tôi nhận thấy khó khăn tăng dần khi lấy lại tiền. Bởi lợi nhuận của Cục Lâm nghiệp giảm, nên phúc lợi của chúng tôi cũng giảm và tiền quỹ được quản lý chặt chẽ hơn. Hóa đơn y tế của chồng tôi ắt hẳn là một gánh nặng lớn cho đơn vị chúng tôi. Đã 24 năm kể từ khi chúng tôi tu luyện Pháp Luân Công, kể từ đó, đơn vị công tác không phải tốn một đồng để trả chi phí y tế cho chúng tôi nữa.

Cả nhà chúng tôi tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công và chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để hành xử. Đại Pháp không những giúp chúng tôi đề cao tiêu chuẩn đạo đức, hồi phục sức khỏe và còn mang đến hạnh phúc cho gia đình chúng tôi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/2/408454.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/7/17/185903.html

Đăng ngày 25-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share