Bài viết của Vương Anh, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 05-06-2020] Ngày 2 tháng 6 năm 2020, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp để thúc đẩy tự do tôn giáo quốc tế. Sắc lệnh này là bước kế tiếp của sắc lệnh ngày 3 tháng 5 năm 2018 trong đó nhấn mạnh vai trò của các tổ chức tôn giáo và cộng đồng trong việc củng cố xã hội Hoa Kỳ.

Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF), Tony Perkins, cho biết vào hôm mùng 2 tháng 6 vừa qua: “Chúng tôi hoan nghênh Tổng thống Trump vì tiếp tục coi tự do tôn giáo quốc tế là ưu tiên an ninh quốc gia và ưu tiên của chính sách đối ngoại. Sắc lệnh hành pháp này thúc đẩy chính phủ Hoa Kỳ nhanh chóng hành động nhằm truy cứu trách nhiệm các chính phủ nước ngoài vi phạm nghiêm trọng, và tăng cường đáng kể hỗ trợ kinh tế của Hoa Kỳ cho các chương trình thúc đẩy tự do tôn giáo trên toàn thế giới.”

Báo cáo thường niên mới nhất của USCIRF, công bố ngày 28 tháng 4 năm 2020, một lần nữa liệt Trung Quốc vào diện “Quốc gia đặc biệt đáng quan ngại” vì hành vi đàn áp tự do tôn giáo nghiêm trọng và có hệ thống. Báo cáo đề cập đến cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, trong đó có cả nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.

Tóm tắt sắc lệnh hành pháp

Sắc lệnh hành pháp mới nhất, có thể thấy trên trang web của Nhà Trắng, gồm tám phần, mở đầu là lý do ban hành sắc lệnh: “Tự do tín ngưỡng, quyền tự do đầu tiên của Hoa Kỳ, là một vấn đề cấp bách liên quan đến đạo đức và an ninh quốc gia. Tự do tín ngưỡng cho tất cả mọi người trên toàn thế giới là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ sẽ tôn trọng và thúc đẩy mạnh mẽ quyền tự do này.”

Sắc lệnh coi các cộng đồng, tổ chức tôn giáo, cũng như các tổ chức xã hội dân sự khác là đối tác quan trọng trong nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy tự do tôn giáo trên toàn thế giới.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ dự kiến ​​sẽ làm việc với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong vòng 180 ngày tới để xây dựng một kế hoạch “ưu tiên tự do tôn giáo quốc tế trong việc hoạch định và thực hiện chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và trong các chương trình viện trợ nước ngoài của Bộ Ngoại giao và USAID.” Ngoài khoản tài trợ 50 triệu đô la mỗi năm cho các chương trình liên quan, sắc lệnh hành pháp này còn đảm bảo các nhóm tín ngưỡng và tôn giáo không bị phân biệt đối xử trong việc cạnh tranh tài trợ liên bang.

Sắc lệnh này ủy quyền cho Ngoại trưởng chỉ đạo các Trưởng phái bộ tại các quốc gia đặc biệt đáng quan ngại phát triển các kế hoạch hành động toàn diện. Trong đó có các quốc gia đã tham gia hoặc dung túng cho hành vi vi phạm tự do tôn giáo như được nêu trong Báo cáo thường niên về Tự do tôn giáo quốc tế quy định theo mục 102 (b) của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998 (Luật công 105-292).

Ngoài ra, các nhân viên của Bộ Ngoại giao sẽ được đào tạo và các công cụ kinh tế sẽ được đánh giá để thúc đẩy tự do tôn giáo ở các quốc gia nêu trên. “Khi thích hợp và trong phạm vi được pháp luật cho phép, các công cụ kinh tế này có thể bao gồm, tăng cường thiết lập tự do tôn giáo, điều chỉnh lại viện trợ nước ngoài để phản ánh tốt hơn tình hình của quốc gia hoặc hạn chế việc cấp thị thực theo mục 604 (a) của Đạo luật.”

Thêm vào đó, “Bộ trưởng Bộ Tài chính, sau khi tham khảo ý kiến ​​của Ngoại trưởng, có thể xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt theo Sắc lệnh Hành pháp 13818 ký ngày 20 tháng 12 năm 2017 (Đóng băng tài sản của những người dính líu đến vi phạm nhân quyền hoặc tham nhũng nghiêm trọng), một trong số đó là thực thi Đạo luật Magnitsky Toàn cầu về Truy cứu Trách nhiệm Nhân quyền (Luật công 114-328).

Những nỗ lực chung của Chính phủ Hoa Kỳ

Ngoài các sắc lệnh hành pháp của mình, Tổng thống Trump cũng đã phát biểu về tự do tôn giáo tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm 2019.

Bài phát biểu của Tổng thống nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với vấn đề này. Bà Kristina Arriaga, cựu ủy viên Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, trả lời phỏng vấn của tờ Deseret News: “Thông thường khi bạn có các sự kiện quốc tế liên quan đến tự do tôn giáo, thì những người cấp bậc thấp trong giới ngoại giao (cũng được tham gia).”

Ông Sam Brownback, Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, đã nhắc lại cam kết của chính phủ Hoa Kỳ về tự do tôn giáo. Bài báo của Deseret News dẫn lời ông: “Bạn phải có một chính quyền thực sự muốn thúc đẩy (tự do tôn giáo) và đó là những gì mà chính quyền này đang là và đang thực hiện.”

Ngoài nhánh hành pháp, tháng 1 năm 2020, Ủy ban Điều hành Quốc hội Hoa Kỳ về Vấn đề Trung Quốc (CECC) đã công bố Báo cáo năm 2019, trong đó tuyên bố tình trạng nhân quyền và thực thi pháp luật ở Trung Quốc tiếp tục xấu đi.

Báo cáo trích dẫn trang web Minh Huệ rằng trong năm 2018, có ít nhất 69 học viên Pháp Luân Công đã qua đời do cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và ít nhất 931 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án phi pháp.

Báo cáo cũng khuyến nghị Hoa Kỳ truy cứu trách nhiệm của từng quan chức ĐCSTQ đã vi phạm nhân quyền, như tự do tín ngưỡng, bằng cách thực thi các biện pháp trừng phạt tài chính hoặc từ chối thị thực. Chính phủ Hoa Kỳ cần phân biệt rõ giữa “người dân và văn hóa Trung Quốc” và “Chính quyền và Đảng Cộng sản Trung Quốc”.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/5/407309.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/7/185413.html

Đăng ngày 12-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share