Bài viết của một phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-12-2019] Trang web Minh Huệ gần đây đã xác nhận một cư dân ở thành phố Doanh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh, đã qua đời vào năm 2013 sau nhiều năm bị bức hại vì không từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện và thiền định cổ xưa đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Ông Từ Truyện Đức bị gù lưng và mắc vấn đề nghiêm trọng về thị lực. Tháng 4 năm 2002, ông bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức vì lên tiếng cho Pháp Luân Công.

Mặc cho thể trạng ốm yếu tàn tật của ông Từ, hàng ngày lính canh tại Trại Lao động Cưỡng bức Thành phố Doanh Khẩu vẫn bắt ông phải ngồi yên trên một chiếc ghế đẩu nhỏ, suốt từ 6 giờ sáng tới 9 giờ tối.

Ngày 5 tháng 5 năm 2002, ông Từ cùng 14 học viên khác đã trốn thoát khỏi trại lao động. Ông dự định sẽ ở nhà chị gái mình tại thành phố An Sơn, cách đó khoảng hơn 104 km. Khi đó, dưới áp lực điên cuồng của cuộc bức hại, chị gái ông đã lo sợ không dám giữ ông lại mà đưa cho ông một ít tiền mặt và giục ông nhanh chóng trở về nhà.

Ông Từ trở về quê nhà, chỉ để phát hiện rằng mình đang nằm trong danh sách truy nã của cảnh sát. Ông ẩn trốn ở một vùng núi, nhưng đã bị tố giác và bị bắt một lần nữa.

Sau đó, ông Từ bị kết án 4 năm tại Nhà tù Bản Khê. Ông đã bị hàng chục tù nhân đánh đập đến mức bị gãy 2 xương sườn. Vì ông còn bị vấn đề về phổi nên đã xin được bảo lãnh tại ngoại để điều trị y tế, và yêu cầu này của ông đã được chấp thuận.

Với tình trạng sức khỏe như vậy, ông không thể kiếm được việc làm và phải kiếm sống bằng cách nhặt rác tái chế rồi đem bán. Sau gần 10 năm sống trong cảnh nghèo đói và bệnh tật, cũng như liên tục phải chịu sự sách nhiễu từ cảnh sát, ông đã qua đời vào ngày 24 tháng 6 năm 2013, ở tuổi 46.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/14/397029.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/15/181108.html

Đăng ngày 27-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share