Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 29-10-2019] Bà Thôi Ngọc Đào, học viên Pháp Luân Công tại thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, đã qua đời ở tuổi 50 tại bệnh viện của Nhà tù Thái Nguyên hôm 23 tháng 10 năm 2019.

Bà Thôi đã bị giam giữ ít nhất mười lần trong suốt hai thập kỷ qua vì đức tin của mình. Lần bị bắt giữ gần đây nhất của bà xảy ra vào ngày 1 tháng 12 năm 2016 khi bà đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Bà bị đưa đến trại tạm giam Số 1 Đại Đồng, để lại đứa con trai 10 tuổi không có mẹ chăm sóc.

Bà Thôi bị kết án 3,5 năm tù tại Nhà tù Nữ Sơn Tây, sức khỏe của bà giảm sút do những ngược đãi phải chịu đựng ở nhà tù. Hơn một lần bà rơi vào tình trạng nguy kịch nhưng các chức trách nhà tù vẫn từ chối thả bà và cũng không cho phép gia đình được vào thăm. Trước khi qua đời, bà đã không được gặp cậu con trai còn đang ở tuổi thiếu niên cũng như những người thân khác trong gia đình

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện thiền định với nền tảng là nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại môn tu luyện này vào tháng 7 năm 1999, một số lượng lớn các học viên đã bị bắt, bị giam giữ, bị cầm tù và bị tra tấn.

Bị kết án và cầm tù

Ngày 17 tháng 1 năm 2017, bà Thôi ra hầu tòa tại Tòa án Khu Khoáng và chỉ có ba người trong gia đình bà được phép vào phòng xử án. Ngay cả trước khi bà được đưa vào, mọi người đã có thể nghe thấy âm thanh vang lên từ xiềng chân của bà. Gia đình bà nhận thấy còng tay và xiềng chân của bà được nối lại với nhau khiến bà gặp rất nhiều khó khăn khi đi lại.

Cảnh sát tòa án đã yêu cầu bà Thôi ngồi trong một ghế kim loại dùng để ngăn giữ những kẻ phạm tội. Khi luật sư của một bị cáo khác yêu cầu gỡ bỏ các biện pháp ngăn giữ, lúc đó cảnh sát tòa án mới tháo còng tay cho bà Thôi, nhưng sau đó lại buộc chặt tay bà vào hai vòng sắt đính vào một tấm gỗ trên ghế kim loại. Luật sư đại diện cho bà Thôi đã phản đối việc gia tăng sỉ nhục và ngược đãi thể xác như vậy nhưng vô ích.

8c9096f2b3c9153918cf2e060b2033c8.jpg

Minh họa hình thức tra tấn: Ngồi trên ghế kim loại

Công tố viên đã buộc tội bà Thôi là kẻ lẩn trốn. Tuy nhiên, trên thực tế, trước khi bị bắt, bà Thôi vẫn đi làm đều. Luật sư của bà đã bác bỏ các cáo buộc chống lại bà và yêu cầu trả tự do bà. Bà Thôi cũng bào chữa cho sự vô tội của chính mình, nói rằng quyền tự do tín ngưỡng của bà cần được bảo vệ và bà không gây một tổn hại nào cho bất cứ ai. Phiên tòa kéo dài 7 giờ đồng hồ.

Ngày 12 tháng 3 năm 2017, Tòa án Khu Khoáng đã kết án bà Thôi 3,5 năm tù và bốn tháng sau bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Sơn Tây.

Sự ngược đãi thể xác và tinh thần tiếp tục diễn ra trong tù. Do sức khỏe yếu, gia đình bà Thôi đã liên tục yêu cầu thả bà nhưng đều bị lờ đi và cuối cùng gia đình bà đã bị tước mất cơ hội được gặp bà lần cuối trước khi bà qua đời.

Bị bức thực tại trại tạm giam

Bà Thôi, 50 tuổi, là cựu nhân viên của Cục Thương mại và Công nghiệp Khai thác Đại Đồng. Sau khi bước vào tu luyện Pháp Luân Công, bà đã hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để trở thành một người tốt hơn, và nhờ đó mà hàng xóm đều tôn trọng bà. Bà làm việc chăm chỉ và không bao giờ lợi dụng vị trí của mình để tư lợi như các đồng nghiệp khác.

Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, bà Thôi đã bị bắt hơn 10 lần. Bà đã tuyệt thực hơn 10 lần để phản bức hại và vì thế đã bị đối xử rất tàn nhẫn.

Cảnh sát Tân Thắng đã bắt giữ bà Thôi vào tháng 7 năm 2009 vì đã nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Các lính canh của trại tạm giam địa phương đã ép bà và các tù nhân khác phải làm đèn dây không công. Mỗi ngày bà chỉ được phép ngủ chưa đầy hai tiếng và thức ăn được cấp rất tệ hại.

Khi bà Thôi tuyệt thực để phản đối, lính canh đã ra lệnh cho một số tù nhân bức thực bà. Các tù nhân thay phiên nhau tống thức ăn hoặc nước vào miệng bà. Khi bà Thôi không chịu khuất phục, họ tát vào mặt bà, không cho phép bà nói, không cho bà ăn và còn tước đoạt cả giấy vệ sinh của bà.

Ngày 31 tháng 7 năm 2009, các lính canh đã ra lệnh cho 10 tù nhân ghì bà Thôi xuống sàn nhà. Một số người giữ tay và chân bà, trong khi những người khác thì bức thực bà. Khi bà chống cự, lính canh ra lệnh cho các tù nhân đánh đập bà. Họ đập đầu bà vào tường và chửi bà. Việc bức thực kéo dài năm ngày, và miệng và lưỡi của bà Thôi đã bị thương. Quản lý trại tạm giam biết rõ việc bà bị ngược đãi, nhưng họ đã lờ đi.

Trình Hoành, Phó Giám đốc trại tạm giam, đã đánh vào đầu bà Thôi hai lần khi lần đầu tiên nhìn thấy bà. Lần sau đó, ông ta lại đánh bà và phỉ báng Pháp Luân Công. Ngày 6 tháng 8 năm 2009, bà Thôi bị đưa đến Trại lao động Tân Điếm, nhưng bà đã bị từ chối tiếp nhận vì lý do sức khỏe. Bà được trở về nhà vào ngày hôm sau.

Bị đánh đập tại hắc lao

Ngày 23 tháng 12 năm 2010, cảnh sát Đại Đồng, Phòng 610 Đại Đồng và các cảnh sát địa phương đã tiến hành bắt giữ nhiều học viên Pháp Luân Công và lục soát nhà của họ. Các học viên sau đó bị giam giữ tại một hắc lao trên tầng ba của khách sạn Môi Hương Xuân.

Sau khi bị đưa đến khách sạn này, bà Thôi bị trói vào ghế để thẩm vấn, và bà đã hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và “Chân-Thiện-Nhẫn hảo”. Ngày hôm sau khi phó giám đốc Sở Cảnh sát Đại Đồng đến và biết việc này, ông ta đã đánh bà Thôi bằng một cuốn sổ da màu đen. Sau khi ông ta đánh bà hơn 10 lần thì cuốn sổ bị bung ra, rồi lại tiếp tục đánh đập bằng bìa da. Mọi người tại hiện trường đều kinh hoàng trước sự tàn bạo của ông ta. Đến lúc đó, dịch chảy ra từ mắt của bà Thôi và đôi mắt bà sưng húp lên. Bà cũng cảm thấy như nhãn cầu của mình sắp bật ra do bị đánh đập.

Bà Thôi tuyệt thực kể từ khi bị bắt. Bà bị bức thực ngay khi bị chuyển đến một trại tạm giam vào ngày 26 tháng 12 năm 2010. Lính canh Ma Tú Hoa bức thực bà ba lần một ngày. Một số tù nhân đã véo mặt và mũi bà, để lại những vết bầm trên mặt. Họ còn dùng thìa thọc vào miệng bà đến khi thìa bị hỏng mới thôi. Sau khi bức thực, các tù nhân đã quăng bà xuống giường rồi túm tóc bà để ngăn bà nằm xuống.

Bà Thôi được đưa về nhà vào ngày 6 tháng 1 năm 2011. Khi đó, huyết áp của bà không thể đo được và rơi tình trạng nguy kịch.

Ngược đãi tinh thần

Ngày 20 tháng 6 năm 2011, Vương Chí Long, Trưởng Phòng An ninh Nội địa thuộc Sở Cảnh sát Khu khai thác mỏ Đại Đồng, và các đặc vụ cảnh sát Tân Thắng đã bắt giữ bà Thôi. Các cảnh sát đã không xuất trình lệnh khám xét và cũng không tuân thủ các thủ tục pháp lý trong quá trình bắt giữ.

Khi gia đình bà được thông báo đến đón bà vào ngày 1 tháng 7, bà Thôi khỏe mạnh một thời giờ đứng trước bờ vực của cái chết. Bà bị khủng hoảng tinh thần do bị bức thực và bị tiêm thuốc không rõ nguồn gốc.

Báo cáo liên quan:

Tinh thần bà Thôi Ngọc Đào ở thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây suy sụp trong lúc bị công an giam giữ

Báo cáo liên quan bng tiếng Anh:

Bà Thôi Ngọc Đào bị kết án 3,5 năm tù


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/10/29/395170.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/10/30/180537.html

Đăng ngày 19-11-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share