Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 1-3-2016] Cô Vương Hinh Lôi (王馨蕾) đến từ thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh đã đệ đơn khởi kiện hình sự cựu lãnh đạo độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân vì đã gây ra cái chết cho mẹ cô và những thống khổ cho cô trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Ngày 7 tháng 8 năm 2015, cô đã gửi đơn tố cáo lên Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và được thông báo rằng hồ sơ của cô đã được thụ lý.

Mẹ của cô Vương, bà Thi Xuân Dĩnh (施春颖), đã hai lần bị bắt vào trại lao động cưỡng bức và bị tra tấn dã man trong suốt bốn năm bị giam cầm. Một lần, bà cũng bị đưa đến trung tâm tẩy não và bị tra tấn ở đó. Bà đã qua đời vào năm 2013.

Những khổ nạn của người mẹ

Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, bà Thi bị mắc rất nhiều bệnh, trong đó có bệnh hen suyễn. Năm 1996, tất cả bệnh tật của bà đều khỏi hoàn toàn chỉ một thời gian ngắn sau khi bà tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Bà đã trở nên biết quan tâm tới người khác và biết cách giải quyết êm ấm mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình.

Sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu, vào tháng 7 và tháng 11 năm 1999, bà Thi đã đến Bắc Kinh để đòi công lý cho Pháp Luân Công. Bà đã hai lần bị bắt giữ và vào lần bị bắt thứ hai, bà đã bị kết án một năm lao động cưỡng bức. Bà đã bị giam giữ trong Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng, nơi đây bà phải chịu đựng nhiều hình thức tra tấn tàn bạo, bao gồm cả hình thức sốc điện và cấm ngủ.

Năm 2001, bà lại bị cảnh sát bắt, bị lục soát nhà và kết án ba năm lao động cưỡng bức. Đầu tiên, bà bị giam giữ trong Trại Lao động Cưỡng bức Ngô Gia Lâu ở Phủ Thuận. Ở đó bà tuyệt thực 10 ngày để phản đối việc bắt giữ, sau đó lại bị bức thực tàn bạo.

Tháng 3 năm 2003, bà bị chuyển tới Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia. Để ép buộc bà từ bỏ Pháp Luân Công, hai tù nhân đã được giao nhiệm vụ theo dõi bà cả ngày lẫn đêm. Họ bắt bà ở trong phòng tắm, thậm chí cả trong giờ ăn cơm. Vì bà từ chối nhượng bộ, bà đã bị bắt phải đứng hồi lâu và bị cấm không được ngủ. Bà cũng phải lao động cực nhọc nhiều giờ mỗi ngày. Đến tháng 9 năm 2004, khi bà được ra trại lao động cưỡng bức thì bà đã trở nên suy kiệt.

Để tránh bị bức hại tiếp, bà Thi đã phải sống lưu lạc. Bà đến sống cùng con gái cả, chị gái của cô Vương, nhưng bà đã bị theo dõi và bị đưa đến trung tâm tẩy não vào ngày 6 tháng 4 năm 2005. Ở đó, bà bị bức thực tàn bạo hơn chục ngày trước khi được thả khỏi trung tâm tẩy não.

Sau khi trở về từ trung tâm tẩy não, càng ngày bà càng tiều tụy. Cảnh sát địa phương thường xuyên đến nhà bà sách nhiễu, điện thoại của bà cũng bị theo dõi. Ngay sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, bà đã bị mất việc và không có khoản thu nhập nào. Bà Thi thường phải sống trong tình cảnh sợ hãi và áp lực. Bà không thể hồi phục và đã qua đời vào ngày 28 tháng 7 năm 2013.

Người con gái bị bắt giữ

Cô Vương bị bệnh tim và gù lưng. Năm 2005, khi cô 15 tuổi, mẹ cô đã khuyên cô thử tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Pháp Luân Đại Pháp đã nhanh chóng giúp cô lành bệnh. Cô đã trở thành một người hoàn toàn khác – hạnh phúc, tự tin và tốt bụng.

Ngày 7 tháng 7 năm 2014, cảnh sát đã đến nhà trọ của cô và định bắt cô. Khi phát hiện cô không có ở đó, họ đã lục soát ngôi nhà. Sau đó, họ đã bắt giam cô một ngày. Sau khi cô được thả, chủ nhà theo lệnh của cảnh sát đã từ chối không cho cô tiếp tục thuê nhà nữa.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ khác của Bộ Chính trị, đã phát động cuộc đàn áp bạo lực đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn chỉ vì đức tin của mình và thậm chí bị giết để lấy nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc bức hại tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo của cá nhân Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng cảnh sát và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này. Luật pháp cũng cho phép người dân đệ đơn tố cáo mà không cần dùng tên thật. Nhiều học viên khuyến khích mọi người chung sức giúp tố cáo những tội ác của Giang và chấm dứt cuộc bức hại.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/2/18/324129.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/3/1/155755.html

Đăng ngày 11-03-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share