Bài viết của Công Tôn Như Thủy

[MINH HUỆ 08-10-2019] Hán Vũ Đế Lưu Triệt là một vị đế vương hùng tài đại lược. Trong thời gian ông trị vì, cương thổ triều Hán đã mở rộng gần gấp đôi, uy danh dân tộc Hoa Hạ vang xa. Nhất là ông độc tôn Nho thuật, khiến tư tưởng Nho gia trở thành tư tưởng chính thống từ thời đó đến cận đại. Nhưng những năm cuối thời Vũ Đế, vì chinh chiến liên miên, xây dựng quy mô lớn khiến quốc khố trống rỗng, dân oán ngút trời, giặc giã nổi lên khắp nơi. “Họa vu thuật” (đồng cốt) đã hại chết Vệ Hoàng Hậu và Thái tử, đã liên lụy đến hàng vạn người. Đại tướng mà ông trọng dụng là Lý Quảng Lợi lâm trận đã đầu hàng Hung Nô. Một loạt những cú sốc này khiến ông hối hận sâu sắc.

Tháng 3 năm Chinh Hòa thứ 4 (năm 89 TCN), Vũ Đế phong thiện núi Thái Sơn, sau đó nói với quần thần rằng: “Từ khi trẫm lên ngôi đến nay đã làm những việc ngông cuồng ngỗ ngược, khiến thiên hạ khổ cực đau buồn, hối hận thì đã muộn. Từ hôm nay trở đi, tất cả những việc tổn hại đến bách tính, hoang phí của cải thiên hạ thì đều bãi bỏ.”

Tháng 6 cùng năm, Hán Vũ Đế khi đó 68 tuổi đã bác bỏ việc Tang Hoằng Dương và một số đại thần kiến nghị phái binh sỹ đến Luân Đài ở Tây Vực (huyện Luân Đài, Tân Cương ngày nay) để lập đồn điền và tuần tra biên cương. Không những vậy, ông còn xuống chiếu kiểm điểm bản thân. Đây chính là Chiếu Luân Đài – bản chiếu trách tội bản thân đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

Vũ Đế xuống chiếu rằng: “Mấy hôm trước có bản tấu của Tang Hoằng Dương, muốn tăng thuế thêm 30 tiền đối với mỗi người dân để tăng thêm chi phí cho biên phòng. Làm như thế này rõ ràng tăng thêm gánh nặng cho những người già yếu cô độc.”

“… Sau này Nhị Sư Tướng quân (Lý Quảng Lợi) thua trận, các tướng sỹ hoặc bị giết chết, hoặc bị bắt làm tù binh, hoặc chạy trốn thoát mạng. Cảnh tượng đau buồn này luôn luôn vương vấn trong tâm trẫm. Hiện nay, có người dân tấu tin phái binh sỹ đến nơi xa xôi là Luân Đài để lập đồn điền, muốn xây dựng lô cốt và các chòi canh phòng, đó không phải là lo lắng cho bách tính. Hiện nay trẫm không nhẫn tâm nghe những lời như thế này.”

“… Công việc quan trọng hiện nay là cấm quan lại các cấp hà khắc bạo ngược với dân, bãi bỏ những pháp lệnh thu thuế, tăng thuế tùy tiện, dốc sức phát triển sản xuất nông nghiệp.”

Đồng thời, Hán Vũ Đế phong thừa tướng Điền Thiên Thu làm Phú Dân Dầu để nói rõ cho dân nghỉ ngơi, suy nghĩ nuôi dưỡng dân, khiến dân giàu có. Ông cũng bổ nhiệm Triệu Quá là người hiểu nông nghiệp làm Sưu túc Đô úy, thực hiện Đại điền pháp, khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Vũ Đế quay lại tư tưởng “Hoàng Lão” (tức tư tưởng Đạo gia – ND) thời đầu nhà Hán, “vô vi nhi trị”, để dân nghỉ ngơi. Những việc này đã tạo nền móng tốt cho thời kỳ hưng thịnh “Chiêu Tuyên trung hưng” sau này.

Ở thời đại hoàng quyền cao nhất, hoàng đế tự kiểm điểm lỗi lầm của mình quả thực không dễ dàng. Hơn nữa lại còn viết thành văn cáo – “Chiếu trách tội bản thân”, bố cáo thiên hạ, nhận lỗi với toàn thiên hạ, việc này không có dũng khí cực lớn thì không thể làm được. Bản chiếu thư này của Hán Vũ Đế xuất phát từ đáy lòng, không phải làm bộ. Những hành động thực thi chính sách sau này của ông đã chứng minh tất cả những điều này.

Lịch sử ca ngợi “Tần Hoàng Hán Vũ”, quả thực Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế ở rất nhiều phương diện đều vô cùng giống nhau, thậm chí có thể nói Hán Vũ Đế đã hoàn thành thiết kế của Tần Thủy Hoàng về cục diện chính trị, đã quyết định hướng đi chính cho lịch sử các đời sau. Nhưng Hán Vũ Đế “Có sai lầm vong quốc như Tần nhưng lại tránh được cái họa vong quốc như Tần” (Tư Mã Quang ngữ), là bởi vì khác với Tần Thủy Hoàng đến chết không nhận sai lầm, ông có thái độ làm chính trị hoàn toàn khác, đã kịp thời phản tỉnh nhận sai, đồng thời sửa chữa những lỗi lầm trước, từ đó tránh được vận mệnh nhanh chóng bại vong như triều Tần. (Đương nhiên nghị luận này rất không toàn diện, Tần Thủy Hoàng không giết công thần, cũng không tuyệt diệt quân chủ, quý tộc và nhân dân 6 nước, khi Trần Thắng, Ngô Quảng khởi nghĩa tuyên xưng “Thất hẹn xử trảm” cũng không phải là pháp lệnh đương thời triều Tần“. Tần Thủy Hoàng rời thế gian quá sớm, Tần Nhị Thế lại yếu kém cực độ, đó cũng là một nguyên nhân khiến triều Tần mau chóng diệt vong.)

“Chiếu Luân Đài tự trách tội mình” là bản “Chiếu trách tội bản thân” chính thức, được bảo tồn nguyên vẹn đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

Từ sau đời Hán Vũ Đế, các đế vương đời sau đều tấp nập học theo, như Hán Minh Đế, Đường Thái Tông, Tống Lý Tông, Minh Hy Tông, Thanh Ung Chính v.v. Mỗi khi hoàng đế phạm những sai lầm lớn gây tai họa cho quốc gia và cho nhân dân thì thường sẽ xuống “chiếu trách tội bản thân”, công khai kiểm điểm mình với quốc dân.

Còn Trung Cộng sát hại 80 triệu quốc dân, tạo ra vô số bi kịch chốn nhân gian thì đến nay vẫn không có một người nào nhận lỗi với quốc dân, vẫn nhất quán tuyên truyền đảng vĩ đại quang vinh công chính (thực tế chỉ là chứng bệnh sợ hãi mà thôi). Điều đó cũng không có gì là lạ cả.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2019/10/8/輪台罪己詔-394336.html

Đăng ngày 25-11-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share