Bài viết của Tịnh Hoằng

[MINH HUỆ 01-05-2019]

Trời phù hộ người có thiện tâm

Đầu tháng Tám năm Canh Dần (1890 SCN), dưới thời trị vì của Hoàng đế Quang Tự, có một người tên là Từ Thiếu Ngư, người Tiền Đường. Ông đã vay mượn một trăm lượng bạc từ Di Trai. Họ không làm giấy ghi nợ mà chỉ hứa bằng miệng một năm sau sẽ hoàn trả đủ số tiền. Đầu tháng Tám năm sau, Từ Thiếu Ngư ngã bệnh.

Trong lúc nguy kịch nằm trên giường bệnh, ông lẩm bẩm nói: “Thời hạn trả tiền đến rồi, nếu mình có bất trắc gì thì làm sao đây?”

Vợ ông nghe vậy liền nói: “Số tiền ông mượn không có giấy ghi nợ nên ông không phải làm theo lời đã hứa. Ông không cần phải lo lắng!”

Từ Thiếu Ngư nói: “Vì Di Trai tin tưởng tôi nên mới không cần giấy ghi nợ. Tôi sao có thể hứa mà không giữ lời được?”

Ông bèn bảo vợ lấy miếng ngọc như ý và áo lông chồn mang đi bán được chín mươi lượng bạc, rồi mượn thêm người khác mười lượng bạc để trả lại cho Di Trai vào đúng thời hạn như đã hứa. Mấy hôm sau, Từ Thiếu Ngư khỏi bệnh.

Khi đã hứa với người khác việc gì thì phải giữ lấy lời, giữ vững nguyên tắc hành xử “chân thực”, bất kể như thế nào cũng nhất định phải làm được. Đây chính là điều căn bản trong đối nhân xử thế, là một loại mỹ đức truyền thống. Người xưa không màng đến gia cảnh bản thân, giữ vững lời hứa và chuẩn tắc làm người, thật khiến lòng người cảm phục. Thần tích vì thế cũng có thể xuất hiện trong cuộc sống.

Quý Trát treo kiếm

Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Ngô (hiện nay là vùng Giang Tô) được xem là một vùng đất thần kỳ. Mặc dù nước Ngô thời đó được xem là nơi biên cương; nhưng được thiên thượng để mắt tới, chọn nơi đây là mảnh đất sinh ra “Binh pháp Tôn Tử”, cố sự “Ngô Việt tranh bá” cũng là xảy ra ở nơi ấy.

Đặc sản của vùng này cũng có quan hệ với chiến tranh, nước Ngô là nơi sản xuất ra những binh khí tinh nhuệ, trứ danh thời Xuân Thu Chiến Quốc.

Thời đó có một bài ca dao cổ gọi là “Từ nhân ca”, viết rằng: “Trát công tử ở Diên Lăng không quên chuyện xưa, cởi bỏ bảo kiếm đáng giá nghìn vàng dâng lên mộ phần.”

Bài cao dao ngợi ca Quý Trát công tử ở Diên Lăng, nước Ngô không quên lời hứa của bản thân mình.

Quý Trát là con trai út của vua Ngô Vương Thọ Mộng đời thứ mười chín của nước Ngô, bản thân chữ “Quý” này cũng mang ý nghĩa là “nhỏ nhất”. Một hôm, trên đường viếng thăm nước Lỗ, Quý Trát phải đi qua nước Từ, một nước chư hầu. Quý công tử từ nước mẹ tới, được vua nước Từ nhiệt tình tiếp đãi. Trong thời gian này, vua nước Từ rất thích bảo kiếm mà Quý Trát đeo trên người. Thanh bảo kiếm của Quý Trát đã thu hút vua nước Từ.

Cho đến nay không ai biết được kỹ thuật đúc kiếm của nước Ngô, nhưng thông qua văn vật khai quật những năm gần đây thì có thể được mở mang tầm mắt. Bảo kiếm của Ngô Vương Phù Sai, bảo kiếm Ngô Vương Quang v.v sau hơn hai nghìn năm khai quật vẫn bóng loáng, sắc bén như thuở xưa.

Quý Trát viếng thăm nước Lỗ không phải là một chuyến đi bình thường, mà là đi sứ bàn việc quốc sự nên ông không thể đem tặng bảo kiếm. Chiểu theo tiêu chuẩn quý tộc thời Xuân Thu Chiến Quốc, khi đi ra ngoài không thể không mang theo kiếm. Nếu không mang theo kiếm thì sẽ giống như phụ nữ để tóc tai rối bời đi ra ngoài đường, cũng giống như không mang giày mà đi dự yến tiệc vậy, điều này không hợp với lễ tiết.

Vậy nên, Quý Trát quyết định sẽ tặng bảo kiếm cho vua nước Từ khi trở về nước. Nhưng ông chỉ thầm hứa trong tâm chứ không hề nói ra miệng. Một năm sau, Quý Trát trở lại nước Từ thì vua nước Từ đã qua đời. Tuy vậy, ông vẫn mang bảo kiếm tặng cho vua nước Từ. Sau đó, ông đem thanh bảo kiếm treo lên ngọn cây trước mộ phần của vua nước Từ, rồi từ biệt rời đi.

Quý Trát nói: “Lần trước lúc ta đi qua nước Từ, nhìn sắc mặt của vua nước Từ thì biết được ngài ấy rất thích thanh kiếm này. Tuy nhiên, ta phải đi sứ sang nước Lỗ nên không tiện mang kiếm tặng cho ngài ấy. Dù vậy nhưng trong nội tâm ta đã tặng nó cho ngài, nên không thể chỉ vì ngài mất rồi mà ta lại không thực hiện lời hứa trước đây.”

Người xưa cho rằng, thứ chết đi chỉ là thân thể của con người. Khi Quý Trát vừa động chân niệm thì vua nước Từ thực sự đã nhận được bảo kiếm.

Đó gọi là “Nhân tâm sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri”. Trời đất đều thấu tỏ, vua nước Từ ở trong trời đất đương nhiên cũng có thể biết rõ.

Giữ trọn lời hẹn ước trước sau như một suốt ba mươi năm

Trình Doãn Nguyên, tự Hiếu Tư, xuất thân từ một gia đình quyền quý nổi danh vùng Hoài Nam. Phụ thân là Trình Huân Trứ, một thương nhân mua bán quả đậu mặn ở Hoài Nam. Tuy nhiên, việc làm ăn buôn bán suy bại nên ông đành bỏ nghề và lên kinh đô Bắc Bình đi học (thời nay gọi là Bắc Kinh).

Lúc bấy giờ có một người tên là Lưu Đăng Dung – người huyện Bình Cốc, Bắc Bình, lên kinh nhậm chức Bộ tào. Trình Huân Trứ và Lưu Đăng Dung tình cờ gặp nhau ở quán trọ, cùng nhau đàm đạo vô cùng hào hứng. Hai bên nói chuyện con cái, rồi định hôn ước kết thân hai nhà khi chúng trưởng thành. Bấy giờ Lưu tiểu thư và Trình công tử đều còn nhỏ tuổi.

Về sau, Lưu Đăng Dung nhậm chức Thái thú Bộ Châu tại Hà Đông. Hơn sáu mươi tuổi mà ông vẫn chưa có con trai, trong phủ chỉ có vợ già cùng con gái nhỏ và một vài người hầu kẻ hạ. Không lâu sau thì vợ ông qua đời, ông quá thương xót đau khổ nên cũng ngã bệnh.

Trước khi lâm chung, ông nói với con gái: “Trình Doãn Nguyên ở Hoài Nam là chồng của con. Phụ mẫu hai bên đã định hôn ước cho các con, con hãy ghi nhớ đừng quên nhé!”

Sau khi ông chết, Lưu tiểu thư mai táng phụ thân xong thì quay về nhà.

Trình Huân Trứ cũng qua đời vài năm sau khi Lưu Đăng Dung nhậm chức Thái thú. Trình Doãn Nguyên dự định sẽ đến Sơn Tây sau khi mãn tang phụ thân. Anh nghe nói nhạc phụ lâm bệnh nên liền đến Bình Cốc để thăm nom.

Người họ hàng ở đó nói với anh: “Sau khi mai táng phụ thân xong, không ai biết Lưu tiểu thư đã đi đâu. Chỉ còn lại ngôi nhà cũ và cửa nhà vẫn đóng kín cho đến nay.”

Trình công tử một thân một mình khốn đốn lạc lõng trên đường xa vạn dặm, lộ phí mang theo đã dùng hết, anh cũng chưa biết làm thế nào. Đúng vào lúc khó khăn, một người qua đường hào phóng đã giúp anh lộ phí hành trang để anh quay trở về phương nam.

Lưu Đăng Dung là một vị quan thanh liêm chính trực, cho đến hết đời cuộc sống cũng không hề dư dả. Lưu tiểu thư giúp người ta may vá, thêu thùa kiếm sống qua ngày. Những người hàng xóm quen biết đều thấy cô hiền thục, nhu mì nên người người thay nhau đến cầu hôn cô. Mỗi lần như vậy, Lưu tiểu thư đều nói thật lòng với họ rằng mình đã có vị hôn phu rồi, nhưng không ai tin cô.

Cô mẫu của Lưu tiểu thư xuất gia làm ni cô ở am Tiếp Dẫn tại Tân Môn. Lưu tiểu thư vì tránh chuyện mai mối đành phải lén đến am ở cùng cô mẫu. Cô mẫu khuyên cô xuống tóc đi tu.

Lưu tiểu thư nói: “Thân thể đầu tóc là vật nhận từ phụ mẫu, con sao có thể dám làm tổn hại? Hơn nữa phụ thân lúc lâm chung đã dặn đi dặn lại con về hôn ước đã định với Trình công tử, phận làm con sao dám không vâng lời cha? Vậy nên con không còn cách nào khác, đành đến ở với cô mẫu để tránh lời ra tiếng vào của người ta. Cô mẫu bảo con xuống tóc đi tu, việc này con đây không dám vâng theo.”

Cứ như thế, Lưu tiểu thư đến ở căn phòng bí mật trong am, không ai có thể trông thấy cô. Mỗi ngày sáng tối, cô đều âm thầm cầu nguyện để có thể gặp Trình công tử dù chỉ một lần trong đời thì có chết cũng không hối tiếc.

Từ sau khi Trình Hiếu Tư trở về nhà, mỗi ngày anh đều khốn đốn với việc mưu sinh. Cũng có người khuyên anh kết hôn với người khác để có người cùng chung sức đỡ đần.

Hiếu Tư tâm tình nặng nề, buồn rầu đáp lại: “Lưu tiểu thư sống hay chết ta còn chưa biết rõ. Nếu muội ấy chết rồi thì duyên nợ giữa đôi ta xem như là kết thúc. Lỡ như muội ấy còn sống, vẫn luôn vì ta mà giữ gìn trinh tiết, vẫn chưa xuất giá thì trong lúc còn chưa biết rõ thực hư thế này, ta tuyệt đối không thể bỏ mặc muội ấy mà không lo.”

Trình Hiếu Tư sống độc thân như thế khoảng ba mươi năm. Lúc Trình Hiếu Tư đã gần năm mươi tuổi, cơm canh đạm bạc vẫn chưa thỏa lòng. Về sau, ông làm việc giảng dạy trên thuyền. Năm này qua năm khác, ông thường xuyên đi lại giữa phương Bắc và phương Nam.

Tháng tư năm Đinh Dậu (1777 SCN), dưới thời trị vì của Hoàng đế Càn Long, thuyền của ông cập bến ở Tân Môn. Trình Hiếu Tư cùng các thuyền viên lên bờ thưởng thức trà. Tình cờ có người đàm luận về chuyện của Lưu tiểu thư, Trình Hiếu Tư lắng nghe cẩn thận. Cuối cùng, ông đã biết được tin tức của Lưu tiểu thư. Ngay lập tức, ông đến am Tiếp Dẫn để gặp mặt.

Cô mẫu kể lại tường tận sự tình cho Trình Hiếu Tư nghe, và cũng kể lại tình huống của Trình công tử cho Lưu tiểu thư nghe.

Lưu tiểu thư nói: “Đào và mai quý ở chỗ quả chín được hái đúng thời đúng lúc. Con giờ đã già rồi. Nếu con đồng ý kết hôn cùng huynh ấy để hoàn tất hôn ước thì người khác nghe được ắt sẽ cười chê, con sẽ trở nên kỳ lạ trong mắt họ. Con vô cùng cảm tạ lòng thành của Trình quân, chỉ là duyên phận chúng con bèo bọt, con còn lời nào có thể nói chăng?”

Trình Hiếu Tư nhiều lần thành tâm mong Lưu tiểu thư xem xét lại nhưng Lưu tiểu thư đều từ chối.

Trình Hiếu Tư không còn cách nào khác, đành đến huyện nha thổ lộ nỗi buồn với huyện lệnh Kim Chi Trung. Huyện lệnh Kim là một vị quan lương thiện toàn tâm vì dân. Sau khi nghe xong câu chuyện, ông lập tức tìm đến am Tiếp Dẫn thuyết phục Lưu tiểu thư kết hôn với Trình Hiếu Tư. Ngày hôm sau, huyện lệnh Kim đã đưa được Lưu tiểu thư về phủ cùng Trình Hiếu Tư kết thành phu thê.

Trình công tử là một người chồng rộng lượng, luôn giữ đạo nghĩa và không bao giờ làm những điều sai trái. Lưu tiểu thư là một người vợ mẫu mực, giữ gìn trinh tiết, không vì được mất mà ôm oán hận. Tuy cả hai vợ chồng đều đã năm mươi bảy tuổi nhưng lại trông trẻ hơn tuổi, tóc vẫn đen và răng vẫn khỏe. Người nào không biết đều cho rằng họ chỉ chừng bốn mươi tuổi.

Từ xưa đến nay người thuỷ chung, nhân nghĩa đã hiếm, có thể như hai vợ chồng Trình Lưu lại càng là chuyện chưa từng có. Phu thê cách mặt vạn dặm, chưa từng gặp gỡ, không rõ tin tức về nhau, cũng không biết rõ sống chết thế nào nhưng mỗi người họ đều hạ quyết tâm giữ gìn trinh tiết, đạo nghĩa trải qua ba mươi năm vẫn như thuở ban đầu.

Cuối cùng, trời cao không phụ lòng người lương thiện. Với ý chí kiên cường không gì lay chuyển được, trời cao đã tác hợp hôn ước cho họ sau bao nhiêu năm lưu lạc khốn khổ, trôi nổi khắp nơi.

Về sau, huyện lệnh Kim Chi Trung không chỉ giúp họ nên vợ nên chồng mà còn tuyên dương và khen thưởng câu chuyện của họ. Huyện lệnh lo lắng đôi vợ chồng chung thủy, nhân nghĩa không có lộ phí về quê và công việc mưu sinh nên ông lấy bổng lộc của mình đưa cho họ, ngoài ra ông còn đề nghị những thương nhân bán quả đậu muối trước kia cùng giúp đỡ họ làm ăn. Số người đến tương trợ ngày càng nhiều hơn, mọi người hào phóng giúp đỡ không quản bạc tiền vật chất. Cứ như thế, hai vợ chồng đã mua được thuyền để trở về phương nam, an cư lạc nghiệp, sống những tháng ngày cần kiệm mộc mạc.

Theo lời những thương lái từ Hoài Nam thì sau khi Hiếu Tư về quê, họ sinh liền hai người con trai. Lưu tiểu thư đã sáu mươi tuổi nhưng vẫn có mang, quả thực là điều chưa có tiền lệ. Thật là trời cao có mắt, ban thưởng cho những người lương thiện, bảo hộ không để họ chịu tổn thất dẫu chỉ một chút. Mong sao câu chuyện này có thể cảnh tỉnh thế nhân giữ trọn lời hẹn ước!

Sau khi xem qua những câu chuyện này, có thể bạn không đồng ý với việc các nhân vật chính trong chuyện giữ trọn lời hứa suốt nửa đời người, sẽ cho rằng họ quá ngốc nghếch. Tuy nhiên, người Trung Quốc thời xưa xem trọng thành tín, một lời hứa đáng giá nghìn vàng, thực sự đáng để người khác phải suy ngẫm. Dù cho trải qua khổ nạn, nhưng hạnh phúc cuối cùng có được nhất định là trường cửu dài lâu, được Thần linh bảo hộ và người đời ca ngợi. Phó xuất cực khổ trước đó cũng sẽ nhận hồi báo tốt đẹp nhất.

Người Trung Quốc ngày nay quả thực là không sao hiểu và có thể tưởng tượng ra được cách hành xử như vậy. Sống dưới chế độ bị nhồi nhét vô thần luận, con người càng xem trọng hưởng thụ trước mắt và hạnh phúc ngắn ngủi. Con người truy cầu hưởng lạc nhất thời, thậm chí là những kích thích cảm quan, nhưng thường lưu lại một khoảng trống trong nội tâm. Trong cuộc sống họ thường phải chịu đủ nỗi thống khổ và bất hạnh. Thống khổ trên thân thể, thiếu thốn về kinh tế, khổ não trong mối quan hệ giữa người với người, thống khổ về tinh thần, không thể nào khoả lấp được dục vọng. Có lẽ điều con người không thể nghĩ đến là: Đi ngược với Nhân lễ nghĩa trí tín và chuẩn tắc hành vi Thần quy định cho con người thì mới mang đến lại đủ loại khổ nạn. Nhìn lại đôi vợ chồng Trình Lưu giữ trọn lời hứa, đổi lại nửa đời sau vui vẻ hạnh phúc, chẳng phải khiến người đời ngưỡng mộ khôn nguôi hay sao?


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2019/5/1/385701.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/8/18/178944.html

Đăng ngày 22-10-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share