Bài viết của một học viên ở Bắc Kinh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-05-2019] Tôi là một người mẹ 32 tuổi sống tại Bắc Kinh. Mặc dù tôi đã tu luyện được năm năm, nhưng tôi cảm thấy mình vẫn là một học viên mới và không dám gọi mình là đệ tử Đại Pháp. Tôi cảm thấy tôi vẫn còn kém rất xa so với tiêu chuẩn của một đệ tử Đại Pháp.

Phát hiện chấp trước ẩn giấu

Tôi sinh ra vào những năm 1980, vậy nên nền tảng giáo dục của tôi dựa trên vô thần luận. Tôi tuy tin vào nghiệp lực luân báo, nhưng niềm tin của tôi được xây dựng dựa trên thuyết “nhân quả” của khoa học hiện đại, và tôi không thật sự tin vào sự tồn tại của các vị Thần.

Sau khi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, tôi có thể công nhận các Pháp lý về việc hành xử đúng đắn, bởi vì tất cả chúng ta đều nhận biết được cần làm người tốt.

Tôi có thể tiếp nhận nguyên lý “bất thất bất đắc” của Đại Pháp, vì tôi đồng ý với nguyên tắc “cho nhận” của xã hội người thường. Thực ra, tôi đã học Đại Pháp dựa trên quan niệm người thường, thay vì ngộ Đại Pháp từ tâm.

Trước khi đắc Pháp, tôi đã trải qua một giai đoạn hoang mang. Tôi có thể cảm nhận được rằng cuộc sống của tôi bị một thế lực vô hình điều khiển, và tôi hiểu ra con người không có khả năng thay đổi số phận.

Thời điểm đó cũng là lúc tôi bước vào tu luyện, và tôi hiểu rằng chỉ có thực hành tu luyện mới có thể cải biến đường đời của một cá nhân.

Sư phụ giảng:

“Còn có một cách có thể cho phép con người biến đổi đời của họ; đây là cách duy nhất; chính là cá nhân ấy từ nay trở đi sẽ bước trên con đường tu luyện.” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Những lời giảng của Ngài đã cho tôi hy vọng. Giờ đây, tôi nhận ra những lời giảng đó nhằm vào tâm bất mãn đối với cuộc sống và mong muốn thay đổi mọi thứ của tôi.

Nói cách khác, nếu tôi được gả vào một gia đình vô cùng khá giả rồi trở nên giàu có và nổi tiếng, tôi sẽ không có mong muốn tu luyện Đại Pháp. Tôi bước vào tu luyện Đại Pháp bởi vì tôi không thỏa mãn nhiều điều trong cuộc sống và không thể thay đổi chúng.

Tôi đã không thật sự tin vào sự tồn tại của các vị Thần, cũng như việc tôi có thể trở thành một vị Thần thông qua tu luyện. Điều đó có nghĩa là tôi đã không thực sự trân quý Đại Pháp.

Tôi cảm nhận một cách rõ ràng rằng tôi đang lợi dụng Đại Pháp, đó là chấp trước căn bản ẩn sâu bên trong và rất khó loại bỏ.

Thay đổi từng bước nhờ thực tu

Chúng tôi đã tu sửa lại nhà và cần một chiếc giường mới. Tôi thường không thích những gì chồng tôi mua; có rất nhiều sự lựa chọn, nhưng anh lại quyết định rất nhanh.

Liệu anh có bỏ lỡ những thứ tốt hơn không? Và tôi còn nghĩ rằng sẽ rất rủi ro khi anh chỉ chọn trên danh mục mà không kiểm tra trực tiếp.

Tôi đã phàn nàn rất nhiều và muốn anh hủy đơn hàng, viện cớ là nhà máy chưa bắt đầu triển khai đơn đặt hàng đó. Chồng tôi không thể chịu nổi lời phàn nàn của tôi nên anh nói sẽ hủy đơn hàng mặc dù anh không muốn.

Khi mọi chuyện lắng xuống, tôi bắt đầu học Chuyển Pháp Luân. Khi tôi đang đọc, sự khó chịu của tôi tan biến và tôi bắt đầu cảm thấy trái tim mình rộng mở.

Tôi bảo với chồng: “Chúng ta đừng hủy đơn hàng ấy. Giữ nó nhé vì anh thích.” Chồng tôi vô cùng sửng sốt khi nghe người vợ kén chọn của mình nói điều như thế.

Thực ra, việc hủy đơn hàng khá khó xử cho anh vì nhân viên bán hàng đã thiết tha đề nghị anh không hủy. Cuối cùng, anh ấy rất vui vì không phải hủy đơn hàng nữa.

Nếu tôi không tu luyện Đại Pháp, tôi sẽ không thay đổi hành vi của mình để mọi chuyện diễn ra suôn sẻ và yên bình. Sự việc này cho thấy tôi đã chưa thực sự là một người tu luyện.

“Người ta nói: ‘Ta đến xã hội người thường, giống như đến khách sạn, tá túc vài ngày, rồi vội rời đi’. Một số người cứ lưu luyến nơi này mãi, quên cả nhà của bản thân mình.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Chẳng phải chấp trước của tôi đối với ngôi nhà mới sửa và chiếc giường mới chính là truy cầu cuộc sống tốt đẹp trong thế giới con người sao? Bị cuốn hút bởi ngôi nhà của người thường, làm thế nào một người có thể tu luyện đây?

Chẳng phải điều đó đi ngược với việc phản bổn quy chân sao? Còn một sự việc khác cũng giúp tôi nhận ra Sư phụ đã chăm sóc tôi nhiều ra sao và Đại Pháp tuyệt vời như thế nào.

Tôi đã từng bất mãn với công việc cảnh sát của chồng tôi. Trong tâm tôi có phần xem thường loại công vụ này và cho rằng những người giỏi giang sẽ không làm công việc như vậy.

Mức lương của họ thấp, và cách duy nhất để họ kiếm tiền là thăng quan tiến chức và nhận hối lộ.

Tôi đã luôn muốn chồng mình đổi việc. Tôi thường rất vui khi anh nói về dự định ấy và cảm thấy lo lắng khi thấy anh không có động tĩnh gì.

Chấp trước của tôi vào sự nghiệp của anh ngày càng trở nên mạnh mẽ, dần dần đến mức tôi coi thường anh và tự thương hại bản thân mình vì đã cưới nhầm người.

Tôi ghét sự thật rằng anh ấy không có quyền lực, cũng không có tiền bạc. Chấp trước của tôi vào danh và lợi đã được hiển lộ hoàn toàn.

Tôi ngạc nhiên trước tâm truy cầu vật chất của mình và nhận ra rằng tôi có tâm tật đố, nhưng tôi không thể loại bỏ chúng. Một hôm, tôi đề xuất việc mua một ngôi nhà ở nông thôn, vì chúng tôi không có tài sản sở hữu và bố mẹ chúng tôi phải đến sống với chúng tôi vào mùa đông.

Ngoài ra, giá nhà đã tăng rất nhanh, và mua một ngôi nhà sẽ cho chúng tôi lợi nhuận cao nhất. Chồng tôi phản đối ý tưởng này vì anh muốn dành một phần số tiền để kinh doanh và phần còn lại để đầu tư.

Anh nói rằng chúng tôi không cần mua nhà ở vùng nông thôn vì chúng tôi hiếm khi đến đó. Anh cũng nhắc nhở rằng chúng tôi sẽ phải vay một khoản tiền lớn và trở thành con nợ.

Điều đó làm tôi bực mình và tôi gần như nổi giận với anh. Rất may, trong tôi còn một chút chính niệm, vì vậy tôi bắt đầu học Pháp.

Tôi đọc được đoạn Pháp sau:

“Người tu luyện đến tầng nào, họ chỉ thấy được cảnh tượng trong tầng đó; chân tướng vượt trên tầng đó [thì] họ không nhìn thấy, cũng không tin; do vậy, họ cho rằng chỉ những gì tự mình nhìn thấy tại tầng này mới là đúng. Khi họ chưa tu luyện đến một tầng cao nào đó, [thì] họ cho rằng những thứ ấy [tại đó] không tồn tại, cũng không thể tin; đây là do tầng [của họ] quyết định; tư tưởng của họ cũng không thể thăng hoa lên trên được.” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Pháp của Sư phụ triển hiện một điều gì đó cho tôi, và tôi bắt đầu suy nghĩ về vấn đề này từ một góc độ khác.

Tại sao tôi lại chắc chắn rằng tôi đúng? Tại sao tôi lại chắc chắn rằng giá nhà sẽ không giảm?

Chẳng phải việc anh không muốn trở thành con nợ, cũng chính là anh không muốn tôi trở thành con nợ sao? Chẳng phải anh đang cố gắng để không tạo ra khó khăn cho cuộc sống của chúng tôi sao?

Anh muốn kinh doanh, điều đó chẳng phải anh đang cố gắng kiếm nhiều tiền hơn và cho tôi một cuộc sống tốt sao? Sao tôi lại nhìn nhận người khác và mọi thứ theo một góc nhìn hạn hẹp như vậy?

Tôi không thích công việc của anh chẳng phải là một định kiến sao?

Tôi có một chấp trước ẩn giấu rất sâu. Tôi biết tất cả những tư tưởng này phải được loại bỏ.

Tôi cảm thấy tôi đã không chỉ thất bại trong việc loại bỏ chúng mà tôi còn ôm giữ chúng và không để chúng đi.

Sư phụ giảng:

“vật chất và tinh thần là nhất tính” (Giảng Pháp tại Pháp hội Australia [1999])

Chính vì những vật chất bất hảo này mà tôi sẽ suy nghĩ tiêu cực về anh và than thở về số phận của mình vì đã cưới nhầm người mỗi khi thảo luận về vấn đề này. Thực ra, điều ẩn giấu phía sau là việc truy cầu một lối sống mà mọi người đều mong muốn.

Tôi đã chưa trở thành một người tu luyện chân chính. Tôi bắt đầu thấy khó chịu với tâm vị tư mà tôi thường ôm giữ.

Sư phụ giảng:

“Trong tu luyện cũng khiến phẩm chất đạo đức được đề cao; khi phân biệt được thật sự thiện và ác, tốt và xấu, đồng thời vượt khỏi tầng thứ nhân loại, thì mới nhìn thấy được, mới tiếp xúc được vũ trụ chân thực và các sinh mệnh tại các tầng thứ khác nhau các không gian khác nhau.” (Luận ngữ, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra rằng, nếu tôi không tu luyện Đại Pháp tôi sẽ không thể phân biệt được đúng sai. Tôi có thể đang bị chôn vùi trong bùn mà không hề biết rằng nó dơ bẩn.

Toàn bộ cuộc sống của tôi có thể đã bị quấn trong danh, lợi, tình. Thậm chí tôi còn có thể làm những việc xấu, kể cả ngoại tình, vốn là những việc rất phổ biến trong xã hội ngày nay.

Tất cả những sự việc đó đều có thể xảy ra. Có lẽ chỉ đến khi phải chạm cửa địa ngục tôi mới nhận ra những việc tôi đã làm sai trong cuộc sống của mình!

Loại bỏ chấp trước sợ hãi và thay đổi bản thân

Tôi có tâm sợ hãi từ khi còn nhỏ. Tôi rất nhạy cảm với những ý kiến của người khác và có chấp trước mạnh mẽ vào sự phù phiếm.

Do vậy, tôi không tham dự vào bất cứ việc gì có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bản thân. Dĩ nhiên, mãi đến khi bước vào tu luyện Đại Pháp, tôi mới nhận ra những điều này.

Tôi cũng nhận ra chấp trước ẩn giấu sau nỗi sợ hãi là tâm cầu danh. Tôi có xu hướng giữ chút danh tiếng, bởi vậy nỗi sợ hãi của tôi trở nên tồi tệ hơn, và chấp trước này trở nên ngày càng mạnh hơn.

Một biểu hiện của chấp trước này là tôi đã không dám nói cho mọi người biết tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, vì tôi sợ ánh mắt ngạc nhiên của họ nhìn tôi. Tôi phơi bày nỗi sợ hãi này ở đây, bởi vì cho đến hiện tại, tôi vẫn không thể tu luyện một cách công khai và tự tin.

Song, tôi đang vượt qua từng chút từng chút một, và mỗi bước tiến đều gian nan. Đôi khi tôi làm tốt, và đôi khi không tốt, nhưng tôi không bao giờ từ bỏ.

Gần đây, trưởng bộ phận nơi tôi làm chuẩn bị chuyển công tác. Tin tức này đến quá đột ngột, và tôi nhận ra rằng tôi sẽ không có cơ hội để giảng chân tướng cho ông ấy nếu không thực hiện ngay.

Bởi vì tôi tu luyện Đại Pháp, nên tôi là một nhân viên tốt. Tôi làm việc chăm chỉ mà không theo đuổi danh tiếng và lợi ích cá nhân.

Tôi làm việc chăm chỉ để xứng đáng với các lời giảng của Sư phụ, và vì vậy mọi việc tôi làm đều tốt. Tôi tin rằng trưởng bộ phận hài lòng với tôi, nhưng tôi chưa nói với ông ấy đó là nhờ tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Tôi quyết định không chần chừ thêm nữa. Tôi bước vào văn phòng của ông và nói: “Tôi nghe nói ông sẽ chuyển việc, tôi có một món quà cho ông”, và tôi tặng ông ấy hai tờ rơi giảng chân tướng.

Ông ấy rất cảm động và nói: “Cảm ơn cô”. Tôi nói: “Cảm ơn ông vì đã quan tâm đến tôi trong suốt thời gian qua.”

Việc đó chỉ đơn giản như thế, nhưng đó lại là một bước đột phá lớn đối với tính rụt rè của tôi. Trách nhiệm thúc giục tôi rằng tôi không nên giữ yên lặng thêm nữa.

Tôi không biết liệu cuối cùng ông ấy có liễu giải được chân tướng không, hoặc ông ấy có đủ kiên nhẫn để đọc hết các tờ chân tướng đó không, nhưng ít nhất ông đã biết một phụ nữ trẻ là một học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Chú ý luyện công để chuyển hóa thân thể người thường thành Thần thể

Tôi đã có nhiều sai sót trong thực hành tu luyện – Tôi không thích luyện các bài công pháp, và tôi thường đổ cho tâm lười biếng.

Nhưng Sư phụ giảng:

“Vì sao không tĩnh lại được? Có người không hiểu, [họ] cho rằng có bí quyết nào đó; họ bèn tìm đến danh sư: ‘Xin dạy con chiêu thuật cao siêu, để con tĩnh lại được’. Theo tôi thấy, đó là hướng ngoại mà cầu. Nếu chư vị muốn đề cao bản thân, thì chư vị phải hướng nội mà tìm, đặt công phu vào cái tâm ấy. Chư vị mới có thể thật sự đề cao lên trên. Khi ngồi đả toạ chư vị mới có thể tĩnh lại được; có thể tĩnh lại được chính là công; định lực thâm sâu ngần nào [cũng] là thể hiện của tầng.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Tôi tin rằng không chỉ vì tâm lười biếng khiến tôi không muốn luyện công, và tôi cảm thấy cần phải tìm ra nguyên nhân sâu xa hơn.

Thông qua việc học Pháp không ngừng, tôi nhận ra rằng tôi không tin vào công bởi vì tôi bị ảnh hưởng bởi sự giáo dục vô thần và suy nghĩ trong tiềm thức rằng công năng là điều huyền hoặc.

Một vấn đề lớn nữa là tôi đã đánh đồng khí công Phật gia và Phật giáo. Tôi cho rằng Phật giáo không nhất thiết phải luyện công, mà tôi không nhận thức được hệ thống tu luyện cả tâm lẫn thân cao thâm của Pháp Luân Đại Pháp.

Sư phụ giảng:

“Chư vị tầng càng cao thì trách nhiệm càng lớn, càng cao thì đại biểu cho càng nhiều sinh mệnh tại thiên thể càng to lớn hơn; chư vị sẽ phụ trách tại đó. Nói cách khác, cái thân thể con người của chư vị, thuận theo sự tu luyện không ngừng của chư vị sẽ cải thiện không ngừng, biến đổi càng ngày càng tốt, đồng thời chuyển hoá thành thân thể của Thần.” (Giảng Pháp trong chuyến đi quanh Bắc Mỹ [2002])

Tôi chợt nhận ra nguyên nhân ngăn cản tôi luyện công là do tôi không trân quý sinh mệnh của mình và không có trách nhiệm với chúng sinh. Thật ra tôi chỉ luyện công khi tôi muốn vì tôi không thực sự coi bản thân mình là một học viên.

Tôi học Pháp cũng giống như học một số học thuyết vậy. Đó cũng là một phương diện khiến tôi về cơ bản không trở thành một người tu luyện.

Gần đây, tôi đã có một số cải thiện trong việc luyện công, và tôi cũng phát hiện rằng luyện công vào sáng sớm thì không cần đến đồng hồ báo thức. Một học viên tự thức dậy khi đến giờ, và càng ngủ thêm thì càng cảm thấy không thoải mái – nó trái ngược với người thường.

Một thông báo trên Minh Huệ gần đây đã đề nghị mọi người gỡ bỏ ứng dụng WeChat trên các thiết bị điện tử. Sau khi tôi làm vậy, mọi thứ trở nên tĩnh lại hơn khi tôi luyện công.

Ngoài ra, bạn bè tôi đã không thể hiện sự không tán thành giống như tôi tưởng. Một số người thậm chí còn khen ngợi tôi vì có thể làm điều đó.

Tôi muốn cảm ơn tất cả các học viên của Minh Huệ. Tuần báo Minh Huệcủa các bạn vô cùng ý nghĩa và đã trợ giúp cho tôi rất nhiều.

Minh Huệ là ngôi nhà của các đệ tử Đại Pháp. Tuần báo Minh Huệ được cập nhật thường xuyên với nội dung hết sức truyền cảm; tôi đã in hầu hết các ấn bản này.

Nếu người dân trên thế giới có thể đọc tất cả các ấn bản của Tuần báo Minh Huệ, đó là một may mắn lớn lao đối với họ! Để điều đó thành hiện thực, tôi cần phải nhanh chóng đề cao tâm tính, vượt qua tâm sợ hãi, buông bỏ tự ngã, và để mọi người quanh tôi tiếp nhận Tuần báo Minh Huệ tốt hơn, theo đó có thể tiêu trừ định kiến của họ.

Tôi muốn nói với Sư tôn: “Sư phụ, con đã không làm tốt, nhưng con thực sự muốn trở thành một đệ tử chân tu của Ngài. Con xin cảm tạ Sư phụ, vì Ngài đã không từ bỏ con và luôn chăm sóc con. Trong thế giới mà đạo đức đang suy đồi này, những cám dỗ thực sự mạnh mẽ đối với những người trẻ tuổi, tuy nhiên Sư phụ đã yêu cầu chúng con ngược dòng mà đi lên. Chỉ bằng cách trân quý sinh mệnh, trân quý thời gian và trân quý cơ hội này, con mới không để Sư phụ thất vọng.”

Một lần nữa, con xin cảm tạ Sư tôn!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/18/青年大法学员-做师父的真修弟子-387493.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/8/18/178938.html

Đăng ngày 13-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share