Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại miền Trung Mỹ quốc

[MINH HUỆ 30-1-2018] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính, chào các bạn đồng tu!

Tôi là một sinh viên đại học, tới nước Mỹ cách đây ba năm. Bố mẹ tôi cũng là học viên Pháp Luân Đại Pháp và họ đã hướng dẫn tôi tu luyện từ khi tôi còn rất nhỏ.

Bị cuốn theo xã hội ngày nay

Từ khi còn nhỏ, tôi đã cùng bố mẹ học cuốn Chuyển Pháp Luân và luyện năm bài công pháp. Lúc đó, tôi không có nhiều tâm chấp trước và làm theo bất cứ điều gì bố mẹ yêu cầu. Hằng ngày tôi học Pháp và luyện công. Hằng tuần tôi đọc các bài viết trên trang web Minh Huệ và Chánh Kiến. Thỉnh thoảng tôi cũng đi phát tài liệu giảng chân tướng Đại Pháp.

Tôi dường như đã tinh tấn trong tu luyện. Nhưng thực tế, tôi không hiểu được tu luyện nghĩa là gì, hay vì sao mình tu luyện. Lên cấp hai, tôi dành nhiều thời gian học ở trường hơn, nhiều thời gian giao du với các bạn không phải là học viên hơn. Dần dần, tôi trở nên miễn cưỡng khi học Pháp và luyện công.

Năm 2012, tôi cùng mẹ và cậu đến nước Mỹ để tham gia Lễ hội Âm nhạc Quốc tế lần thứ tư ở Washington DC. Với sự giúp đỡ của các đồng tu ở New Jersey, chúng tôi may mắn được tham gia Pháp hội ở Washington DC vào tháng 7 năm 2012. Tuy nhiên, vì mới từ Trung Quốc Đại Lục tới Mỹ, chúng tôi được sắp xếp ngồi ở khu vực hội trường phụ và không được tận mắt nhìn thấy Sư phụ.

Một ngày trước Pháp hội, các đồng tu nói rằng chúng tôi được sắp xếp ngồi ở hội trường chính. Khi đến nơi, họ nói rằng chúng tôi chỉ được tham gia tại một địa điểm phụ, cách đó 30 phút đi taxi.

Bên cạnh nỗi thất vọng không được gặp Sư phụ, trong tâm tôi đã có rất nhiều oán trách các học viên khác. Tôi thậm chí đã không chăm chú nghe Sư phụ giảng. Mặc dù tôi đã được tới Mỹ và tham gia Pháp hội, nhưng tâm tính của tôi không hề thay đổi sau khi quay về Trung Quốc, thậm chí, ở khía cạnh nào đó thì còn tệ hơn.

Vào trung học, bố mẹ mua cho tôi một chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể lên mạng bất cứ lúc nào. Nó rất tiện lợi, nhưng cũng dễ dàng khiến tôi mê vào danh, lợi, tình. Tôi cư xử càng ngày càng giống như người thường.

Năm 2013, tôi đăng ký tham gia cuộc thi piano dành cho các tài năng trẻ của Đài truyền hình Tân Đường Nhân, tổ chức ở New York. Hai ngày trước chuyến đi, có người đột nhập vào nhà và bắt giữ mẹ tôi. Mẹ tôi bị giam trong hơn hai tháng, bỏ tôi lại nhà một mình. Tôi trở nên tồi tệ hơn khi đắm mình vào trò chơi điện tử. Tôi có thể thức tới bốn, năm giờ sáng, hoặc suốt đêm để chơi điện tử. Bên cạnh các trò chơi điện tử, tôi cũng nghiện các tiểu thuyết trên mạng.

Tôi đã yêu một bạn học cùng lớp. Mặc dù chúng tôi không làm gì xấu, nhưng những gì chúng tôi làm đã lệch với tiêu chuẩn của người tu luyện. Tôi làm trợ giảng và có thể ra vào văn phòng giáo viên bất cứ lúc nào. Tôi đã trộm đáp án bài tập và chia sẻ cho cả lớp. Tôi đã không xấu hổ khi làm việc đó – thậm chí còn thấy tự hào.

Sau khi mẹ tôi được thả, bà kiên quyết rằng tôi nên ra nước ngoài học tập. Bà đã đăng ký cho tôi làm các bài kiểm tra TOEFL và SAT. Tôi đã làm tốt các bài thi và chuyển tới Mỹ vào năm 2015. Mẹ đi cùng tôi và đã liên lạc với các học viên Đại Pháp tại địa phương. Sáng Chủ nhật hàng tuần, họ luyện công tại trường tôi. Vì tâm sợ hãi và lười nhác, tôi cố hết sức để tránh buổi luyện công chung sáng Chủ nhật. Nếu không thể tránh, tôi sẽ tới muộn một tiếng, chờ khi mọi người luyện hết bài công pháp thứ năm.

Sau đó, khi tham dự Pháp hội miền Tây Mỹ quốc tổ chức tại Los Angeles năm 2015, tôi lại bị xếp ở hội trường phụ. Trong suốt Pháp hội, do máy chiếu gặp trục trặc nên ngay từ đầu, tôi không thể nghe Sư phụ nói một cách rõ ràng. Một lần nữa, trong tâm tôi phàn nàn về những kỹ năng tổ chức kém của đồng tu, và điều kiện không tốt của phòng hội trường.

Lúc đó, trong lòng tôi ôm giữ câu hỏi: “Một người thường có thể được cứu ngay lập tức sau khi thoái xuất khỏi Đảng cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Họ còn được Đại Pháp ban phước lành và có thể tiến nhập vào vũ trụ mới. Tại sao các học viên Đại Pháp cần phải làm ba việc? Nếu tôi là một người thường, tôi sẽ thoái xuất khỏi ĐCSTQ. Sau đó, tôi không cần làm gì cả mà vẫn nhận được phước lành từ Đại Pháp.”

Bởi vì quan niệm đó, tôi luôn nghĩ rằng việc tu luyện của mình là do bố mẹ ép buộc, chứ tôi không nguyện ý. Tôi không coi việc được làm đệ tử Đại Pháp là một vinh dự, mà là một gánh nặng.

Tận mắt nhìn thấy Sư phụ

Tháng 5 năm 2016, tôi tham dự Pháp hội New York, đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy Sư phụ. Người tôi run lên vì phấn khích. Khi Sư phụ giảng, tôi cảm thấy hoàn toàn tĩnh lại và yên bình, những lời giảng của Sư phụ đã thức tỉnh tôi.

Vào buổi tối sau Pháp hội, tôi cùng mẹ học Pháp. Đột nhiên tôi nhìn thấy quỷ Sa tăng. Tôi không cách nào loại bỏ hình ảnh đó ra khỏi tâm trí, cảm thấy sợ hãi vô cùng, và không ngừng nghĩ: “Sư phụ, xin hãy giúp con!” Tôi cảm thấy mình không đủ sức mạnh để gạt bỏ hình ảnh Sa tăng đó.

Sau đó, tôi thấy một trận hồng thủy phá hủy mọi thứ. Sau trận hồng thủy, một cuốn Chuyển Pháp Luân màu vàng kim bay trên bầu trời. Toàn bộ thế giới không có sự sống. Tôi cảm nhận đó là thế giới của chính tôi. Trong thế giới của tôi không có chúng sinh. Trong giây lát tôi khóc như mưa. Sau đó, tôi cảm thấy rất bình tĩnh, cảm thấy vô dục vô ngã, mọi chấp trước đã bỏ đi hết. Không gì có thể khiến tôi lay động.

Có một “tôi” khác nhỏ bé đang nhảy nhót trong tâm trí, cố gắng gợi nhớ lại về lớp học của tôi, mối quan hệ lãng mạn và những kế hoạch tương lai của tôi. Đó là ba việc mà trước đây tôi coi là quan trọng nhất. Giờ đây, tôi cảm thấy sự từ bi vĩ đại và không chấp trước nào có thể khiến tôi động tâm. Cái tôi nhỏ bé luôn nghĩ tới những chấp trước không đáng để tôi chú ý. Tôi cảm nhận được sự to lớn, từ bi và hùng vĩ trong tâm, không có một chút tạp niệm nào. Đồng thời cảm thấy sự thần thánh trang nghiêm không gì sánh nổi, giống như mình là một vị thần linh cai quản thiên địa, đồng tại với thiên địa.

Khi tôi đang ở trong trạng thái này, mẹ tôi đã phải cố hết sức mới có thể thức tỉnh tôi. Bà nói rằng khi tôi đang đọc Pháp, tôi đột nhiên bật khóc. Mặc dù chỉ có mấy giây trôi qua, bà cảm thấy phần chủ nguyên thần của tôi đã rời khỏi thân thể. Tôi đã rất kinh ngạc. Chỉ mấy giây thôi sao? Tôi cảm thấy dài như một thế kỷ.

Tôi ngộ ra rằng, bởi vì tôi đã không thật sự coi bản thân như một người tu luyện, nên thế giới của tôi trở nên trống rỗng và không có chúng sinh. Nhưng Sư phụ từ bi đã không bỏ rơi tôi. Sư phụ đã triển hiện cho tôi thấy cảm thụ của một chính Thần. Trong tâm nên chứa đầy sự từ bi và khoan dung. Điều này khác với cái tình, tình là khổ và vị tư, trong khi từ bi là mỹ diệu và vô vi. Sau một lúc, tôi nhận ra mình vẫn còn ôm giữ nhiều tâm chấp trước, nhưng tôi không bao giờ quên cảm thụ về trạng thái không có tâm chấp trước, dù chỉ kéo dài có mấy giây. Điều này đã tạo động lực cho tôi tu luyện tinh tấn.

Luyện ngồi song bàn và giảng chân tướng ở điểm du lịch

Vì đã quyết tâm tu luyện tinh tấn, tôi dành hai tháng để đọc các bài kinh văn của Sư phụ. Sau khi đọc hết tất cả các bài giảng, tôi đã hiểu ra tại sao trước đây mình lại mơ hồ như vậy. Dường như 18 năm qua tôi đã không đọc bất cứ cuốn sách Đại Pháp nào. Tôi bắt đầu học thuộc Chuyển Pháp Luân từ tháng 5 năm 2016 và học thuộc xong cuốn sách vào tháng 7 năm 2017. Tôi bắt đầu học thuộc Chuyển Pháp Luân lần hai vào tháng 3 năm 2018 và vẫn đang tiếp tục học. Thông qua việc học Pháp và ghi nhớ Pháp, cuối cùng tôi cũng có được những nhận thức sâu sắc hơn. Tôi cảm nhận được niềm vui và sự xúc động khi minh bạch được Pháp lý và thăng hoa bản thân.

Tôi sống ở Flushing, New York trong suốt mùa hè năm 2016. Hàng ngày tôi tham gia cùng nhóm luyện công ở Vườn Bách thảo quận Queens. Mặc dù tôi bắt đầu tu luyện từ khi còn nhỏ, tôi chỉ có thể ngồi song bàn trong khoảng 40 phút, ngay cả khi ngồi trên một chiếc nệm rất êm.

Nhóm luyện công bắt đầu phát chính niệm vào lúc 5 giờ 55 phút sáng, sau đó luyện bài công pháp thứ năm trong một tiếng, tiếp theo là một tiếng luyện các bài động công. Cộng cả thời gian phát chính niệm, tôi cần phải ngồi trên nền bê tông trong một tiếng 15 phút ở tư thế song bàn. Tôi không thể ngồi song bàn lâu như thế. Khi ngồi đả tọa, tôi thường xuyên phải chuyển giữa tư thế song bàn và đơn bàn. Tôi đã cố gắng dùng mọi phương thức của người thường để giảm cơn đau.

Các học viên khác khi hoàn thành bài đả tọa, họ có thể ngay lập tức đứng dậy luyện các bài công pháp đứng. Nhưng tôi thì phải ngồi trên mặt đất hơn 10 phút rồi mới có thể đứng dậy.

Sau đó tôi nhận ra rằng quan niệm không thể ngồi song bàn quá 40 phút là một quan niệm người thường mà tôi cần loại bỏ. Do đó tôi đặt ra mục tiêu cho bản thân, tăng thời gian ngồi song bàn thêm chính xác 5 phút mỗi ngày. Ngày đầu tiên tôi ngồi 40 phút. Sau đó tôi cố gắng ngồi 45 phút vào ngày thứ hai, và 50 phút vào ngày thứ ba. Tuy nhiên việc đó không hề dễ dàng. Tôi liên tục nhẩm Pháp của Sư phụ: “Nan nhẫn năng nhẫn, nan hành năng hành.” (Chuyển Pháp Luân). Tôi cắn răng chịu đau. Sau khoảng một tháng, tôi đã có thể ngồi được ở tư thế song bàn trong thời gian một tiếng.

Giảng chân tướng về Đại Pháp

Bên cạnh việc học Pháp luyện công, tôi cũng đi giảng chân tướng tại các điểm du lịch. Tôi được phân công tới tòa nhà Liên hợp quốc ở New York. Tôi chưa bao giờ giảng chân tướng cho ai, ngoài một người bạn thân ở trường tiểu học trước năm 2006. Khi đối diện với những khách du lịch Trung Quốc Đại Lục, tôi thậm chí không biết bắt chuyện như thế nào.

Ngày đầu tiên, tôi đã đi theo một đồng tu để quan sát cách chị ấy nói chuyện với khách du lịch. Dần dần sau khi vứt bỏ được tâm sợ hãi, tôi đã dám nói chuyện với khách du lịch người Trung Quốc. Một số người đã nhận tài liệu giảng chân tướng, một số người thì không nhận. Dần dần tôi cũng tìm ra cách của riêng mình để nói chuyện với du khách Trung Quốc. Thường tôi sẽ mang theo một số tài liệu chân tướng bên mình, và hỏi xem khách du lịch có muốn chụp ảnh giúp hay không. Thỉnh thoảng tôi nhanh chóng bắt chuyện với họ. Đôi khi tôi hỏi họ có biết ý nghĩa của việc thoái xuất khỏi ĐCSTQ không. Nếu họ phản ứng lại, tôi sẽ nói cho họ một số chân tướng cơ bản về Đại Pháp. Một số khách du lịch sẵn lòng muốn nghe, một số khác chửi thề khi họ nghe nói đến Pháp Luân Đại Pháp.

Thấy rằng việc bị mắng chửi cũng đáng giá

Có một sự việc đã khiến tôi rất ấn tượng. Có một du khách trung niên đến từ Trung Quốc đang đứng dựa vào cây và nhìn về phía tòa nhà Liên hợp quốc. Tôi bắt đầu nói với ông ấy về vụ tự thiêu trên quảng trường Thiên An Môn. Sau khi nghe thấy “Pháp Luân Đại Pháp”, ông khách liếc nhìn tôi nhưng không nói gì cả. Tôi nghĩ phản ứng của ông ấy là một dấu hiệu tốt, và tôi rất hoan hỷ. Tôi nghĩ tôi có thể khuyên ông ấy thoái xuất khỏi ĐCSTQ, nên tôi tiếp tục nói về Đại Pháp. Ông ấy yên lặng nghe mà không nói gì.

Khi tôi định hỏi ông ấy có đồng ý thoái xuất khỏi ĐCSTQ không, thì các bạn của ông đến. Khi họ nghe thấy tôi nói về Pháp Luân Đại Pháp, họ bắt đầu cười và nói với người đàn ông,: “Sao ông lại nghe cô ta nói?” Sau đó họ vây quanh tôi và mắng vào mặt tôi. Người đàn ông trung tuổi nói: “Tôi không muốn nghe cô ta nói. Cô ta cứ nói không ngừng.” Một số họ nhận thấy tôi còn rất trẻ. Họ hỏi: “Pháp Luân Đại Pháp cho cô bao nhiêu tiền để làm việc này?” Tôi nói với họ rằng tôi tình nguyện, nhưng họ không tin.

Sau đó một người hỏi tôi có phải là công dân Mỹ không và tôi thuộc tầng lớp xã hội nào. Những người lớn tuổi trong số họ bảo tôi hãy ngừng phân phát các cuốn sách tài liệu về Pháp Luân Đại Pháp. Một số người nói ra những từ rất thô lỗ và khó nghe. Tôi bị bảy, tám người vây quanh và mắng chửi. Lúc đầu tôi nghĩ đến việc phát chính niệm. Nhưng sau đó tất cả nhân tâm của tôi nổi lên. Tôi cảm thấy bất công. Tôi nhìn xung quanh và không đồng tu nào đến giúp tôi. Trong tâm tôi thấy khó chịu và bắt đầu oán trách những học viên khác. Sau đó tôi nghĩ: “Nếu các ông không nghe, tôi sẽ không cứu các ông nữa. Tại sao tôi phải chịu đựng tất cả những lời mắng chửi này?”

Những người này vẫn không ngừng la hét. Không có chính niệm, nhiều loại nhân tâm khác nhau lấp đầy tâm trí tôi. Tôi chỉ đứng đó và nghe những từ ngữ xấu xa một cách thụ động. Một lúc sau, hướng dẫn viên du lịch tới đón họ. Sau khi những người đó rời đi, một học viên đã đến hỏi xem tôi có ổn không. Anh ấy nói anh ấy không tới giúp, nhưng đã phát chính niệm.

Học viên này để ý thấy có một người đang đứng gần cái cây. Một học viên khác bước tới chỗ người đó và nói: “Nhìn xem, cô ấy chỉ là một cô bé và đã bị một nhóm khách du lịch Trung Quốc mắng chửi. Ngay cả khi được trả nhiều tiền, liệu anh có sẵn lòng làm một công việc như thế không? Chúng tôi tình nguyện ở đây để nói lên chân tướng.” Người đó lập tức nhận lấy một cuốn tài liệu giảng chân tướng, khiến tôi nghĩ rằng việc bị mắng chửi cũng đáng giá.

Hướng nội tìm

Trở về nhà, tôi xét lại toàn bộ sự việc. Tôi tìm ra khi đang giảng chân tướng, tôi đã quá chú trọng bản thân. Tôi không quan tâm đến suy nghĩ của người khác. Tôi cố nói với khách du lịch mọi thứ mà tôi biết. Thậm chí một người thường khi khuyên bảo ai đó, họ cũng rất cẩn thận để không khiến người nghe bị quá tải thông tin.

Là một đệ tử Đại Pháp, tôi đang làm việc chân chính nhất. Tại sao tôi lại bốc đồng đến vậy? Sau khi hướng nội tìm, tôi nhìn thấy tâm hiển thị – tôi đã hy vọng giúp khách du lịch làm tam thoái, từ đó hiển thị khả năng của tôi trước các đồng tu, tâm tranh đấu – khi bị nhóm người bao vây và chửi bới, tôi thấy khó chịu vì các học viên không đến giúp, tâm hoan hỷ – khi thấy khách du lịch không nói năng gì, tôi vô cùng phấn khích và cảm thấy nhiều khả năng ông ấy sẽ thoái xuất khỏi ĐCSTQ. Với nhiều tâm chấp trước như vậy, làm sao tôi có thể cứu ông ấy?

Từ đó trở đi, tôi bắt đầu chú ý điều tiết từng niệm đầu của bản thân trong quá trình giảng chân tướng. Nếu bản thân không chính, lời nói ra sẽ không có năng lượng, không thể cứu người. Tôi cũng không nên sợ những khách du lịch hành xử thô lỗ. Một vị Thần sao có thể bị động tâm bởi những lời nói của người thường?

Các học viên đã kiên trì giảng chân tướng ở các điểm du lịch, họ thật sự rất vất vả. Họ có uy đức vô lượng! Sư phụ đã giảng:

”Các đệ tử Đại Pháp, tuy rằng Sư phụ nói có nặng một chút, [ấy] cũng là để chư vị phấn chấn lên, bởi vì chư vị là hy vọng của nhân loại! Hy vọng của chúng sinh vũ trụ! Chư vị cũng là hy vọng của Sư phụ đó!” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Cân bằng học tập, hoạt động xã hội và tu luyện

Trường tôi có một câu lạc bộ gồm các sinh viên là đệ tử Đại Pháp, mà tôi là chủ tịch. Nhóm của tôi là nhóm duy nhất giảng chân tướng trong trường. Chúng tôi có ba đệ tử Đại Pháp, và bốn học viên mới tham gia học Pháp luyện công cùng chúng tôi. Là chủ tịch, tôi cần phải tổ chức các hoạt động của nhóm.

Dịp Tết trung thu, tôi cùng mọi người đã làm bánh trung thu. Dịp năm mới, tôi tổ chức các thành viên trong nhóm làm sủi cảo. Mục đích của các hoạt động này là kỷ niệm những ngày lễ hội theo truyền thống Trung Hoa và thu hút nhiều sinh viên đến với câu lạc bộ của chúng tôi. Tuy nhiên, vì nhóm chúng tôi có ít người, tôi phải tự lên kế hoạch và chuẩn bị cho tất cả mọi việc, bao gồm cả phát tài liệu và giấy mời, mất nhiều thời gian.

Học kỳ trước, tôi đã nhận năm lớp chuyên ngành rất khó và một lớp tự chọn. Từ tháng hai, hầu như tuần nào tôi cũng có bài kiểm tra. Thỉnh thoảng tôi có ba, bốn, thậm chí năm bài kiểm tra trong cùng một tuần. Bên cạnh khối lượng bài tập, tôi cũng có hai công việc bán thời gian trong trường. Tôi cũng cần đi ăn cùng các bạn bè người thường để giữ mối quan hệ. Thêm vào đó, từ mùa thu năm ngoái, tôi bắt đầu làm phụ đề và chỉnh sửa video cho Đài truyền hình Tân Đường Nhân.

Có quá nhiều việc tôi phải tham gia và thỉnh thoảng tôi bị kiệt sức. Trong Pháp hội Washington DC tôi có nói chuyện với một học viên địa phương. Chị ấy đã nói một câu khiến tôi ấn tượng sâu sắc: “Đúng vậy, tất cả các học viên đều bận rộn. Nếu bạn không bận, bạn không phải là một học viên tinh tấn.”

Các học viên gánh trên vai rất nhiều hạng mục Đại Pháp và rất, rất bận. Đôi khi họ thậm chí không có thời gian ăn hay ngủ. Mặc dù tôi bận, nhưng chủ yếu bận những việc của cá nhân, như việc học hành, các hoạt động xã hội, và các công việc đời thường. Vậy tôi phàn nàn điều gì? Chẳng phải sự phàn nàn đó cũng là tâm ích kỷ?

Người tu luyện khi đồng hóa với Pháp sẽ trải nghiệm được uy lực của Đại Pháp. Tôi thường nghe các học viên trẻ nói: “Tôi cần hoàn thành khóa học trước sau đó sẽ làm các hạng mục Đại Pháp” hoặc “Tuần này tôi có bài kiểm tra. Tôi sẽ làm việc hạng mục sau khi kiểm tra xong.” Những câu này nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, chẳng phải nó cũng tương tự như là chỉ tu luyện sau khi nghỉ hưu?

Theo quan điểm của tôi, khi bạn cảm thấy bận, bạn không nên chán nản và căng thẳng. Thay vào đó, bạn nên coi đó là cuộc sống bình thường của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tinh tấn.

Các học viên tại Trung Quốc Đại Lục vẫn đang phải chịu đựng sự bức hại nghiêm trọng. Là những học viên trẻ của Đại Pháp, chúng ta có những kỹ năng về kỹ thuật mà hầu hết các hạng mục Đại Pháp đều cần. Vì lý do gì mà chúng ta chối bỏ trách nhiệm của mình?

Khi bạn tuyên bố rằng mình đang bận, có thực sự là bạn không lãng phí thời gian? Bạn có dành từng phút rảnh để giảng chân tướng Đại Pháp? Các học viên Đại Pháp được các Thần gia trì. Chúng ta có thể là biểu hiện bận rộn ở bề mặt. Có thể khối lượng lớn công việc cũng là một khảo nghiệm đối với tâm của bạn? Bạn sẽ làm ít việc hạng mục Đại Pháp chỉ vì bận rộn với việc học ở trường? Hay bạn sẽ kiên định tín Sư tín Pháp? Tôi thấy rằng dù bản thân bận rộn đến đâu, tôi luôn có thể hoàn thành hết các công việc được giao. Tôi cảm thấy mình như một thùng chứa vô hạn. Càng kiên định với Đại Pháp bao nhiêu càng có thể chịu được nhiều bấy nhiêu, có thể làm được bấy nhiêu việc.

Tôi muốn chia sẻ những trải nghiệm của bản thân với tất cả các học viên trẻ tuổi. Chỉ cần bạn tín Sư tín Pháp, việc gì cũng có thể hoàn thành, lực lượng của Pháp là vô hạn, đừng lấy lý do bận rộn mà không bước ra chứng thực Đại Pháp. Tôi cũng đã gặp vài bậc cha mẹ của các học viên trẻ. Khi các bạn trẻ không tham gia vào hoạt động giảng thanh chân tướng, cha mẹ họ giải thích rằng con họ bận việc học hành. Điều tôi muốn đề nghị là, với tư cách là cha mẹ, xin hãy buông bỏ những chấp trước của người thường. Khi cha mẹ không quá chấp trước vào con cái, chúng sẽ có khả năng làm mọi việc.

(Bài chia sẻ được trình bày tại Pháp hội miền Trung Mỹ quốc năm 2018)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/7/30/青年大法弟子的转变-371845.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/8/1/171350.html

Đăng ngày 09-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share