Bài viết của Sử Giám

[MINH HUỆ 07-08-2010] Vào thời Võ Tắc Thiên triều Đường, trong chùa Lộc Tuyền ở Hằng Châu có một vị cao tăng tên là Tịnh Mãn. Ông là một hòa thượng có phẩm hạnh thanh cao và nghiêm khắc tuân thủ giới luật. Bên cạnh đó, trong chùa cũng có nhiều hòa thượng tham ăn và lười biếng. Người ta nói chính tà không thể đứng cùng nhau, cho nên những hòa thượng này bắt đầu tỏ ra lo sợ và bất an.

Họ bàn chuyện với nhau: “Tự dưng lại xuất hiện gã hòa thượng ngốc này. Danh tiếng của chùa chúng ta phải làm sao đây, còn cả việc cúng dường nữa! Chẳng lẽ cả chùa phải tu khổ hạnh cùng với hắn ta hay sao!”

Dưới sự dẫn dắt của lòng đố kỵ, họ bèn tính kế mưu hại cao tăng: “Chỉ có một cách là trừ bỏ hắn ta. Phải khiến cho hắn mất đi danh dự thì mới có thể giải tỏa mối hận trong lòng. Như vậy, chúng ta mới có thể đường hoàng ở trong ngôi chùa này.”

Ngày xưa có câu “Vạn ác dâm vi thủ” (ý tứ là, dâm dục đứng đầu trong hết thảy các tội ác). Phạm phải sắc giới chính là điều ô nhục lớn nhất của hòa thượng. Những hòa thượng độc ác chuyên tìm cách làm người ra mất đi danh dự kia hiểu rất rõ điều này cho nên họ đã cùng nhau làm ầm ĩ một phen. Trước tiên, họ bỏ công sức để tạo ra “vật chứng giả”. Họ cho người vẽ một bức tranh về một mỹ nữ đang ngồi trên lầu với ánh mắt đa tình, Tịnh Mãn ngồi ở dưới lầu vì tham luyến nữ sắc nên đã giương cung bắn tên gửi bức thư tình dụ dỗ con gái nhà lành. Sau đó, họ lén lút giấu bức tranh này vào một chiếc hộp đặt trong phòng của Tịnh Mãn và cố ý khóa chặt chiếc hộp đó lại. Ngoài ra, những hòa thượng này còn tạo ra “nhân chứng giả”. Họ xúi giục một đệ tử có tâm tính bất lương của Tịnh Mãn đi vào triều đình đổ tội cho ông. Vị đệ tử này tự xưng bản thân mình là người gần gũi bên cạnh Tịnh Mãn nên anh ta có thể kể lại “câu chuyện bí mật phía sau” về việc “hòa thượng gian dâm với phụ nữ dưới vỏ bọc cao tăng”. Như vậy, những hòa thượng trong chùa đã đâm hai nhát dao chí mạng vào Tịnh Mãn. Sau khi Võ Tắc Thiên nghe được lời bẩm báo, bà ta tỏ ra vô cùng tức giận. Bà ta ra lệnh bắt giam Tịnh Mãn vào ngục và bàn giao cho Ngự sử Bùi Hoài Cổ chịu trách nhiệm xử lý vụ án. Một khi truy ra tội lỗi của Tịnh Mãn thì phải lập tức giết chết hòa thượng dâm ô lừa người.

Bùi Hoài Cổ không hề vội vã đưa ra phán quyết. Ông tiến hành điều tra kỹ lưỡng gốc rễ của vụ án, cuối cùng ông phát hiện Tịnh Mãn bị người ta vu khống. Cho nên, ông đã quyết định thả Tịnh Mãn và trừng trị những kẻ đã vu khống Tịnh Mãn. Sau khi lắng nghe kết quả thượng tấu từ Bùi Hoài Cổ, Võ Tắc Thiên tỏ ra vừa ngạc nhiên vừa tức giận. Bà ta ngạc nhiên vì kết quả phán quyết nằm ngoài ý muốn, và tức giận vì Bùi Hoài Cổ đã lật ngược vụ án mà bà ta đã định đoạt. Võ Tắc Thiên liền thay đổi sắc mặt, bà ta truy cứu trách nhiệm Bùi Hoài Cổ chấp pháp không công bình và dung túng tội phạm. Bà ta cho quân hộ vệ bắt Bùi Ngự sử nhốt vào trong ngục. Bùi Hoài Cổ vẫn một mực kiên trì, quyết không thay đổi kết quả phán quyết của mình.

Lý Chiêu Đức đứng một bên hòa giải sự tình: “Tiểu thần cho rằng Bùi Hoài Cổ chưa làm tròn trách nhiệm thẩm tra vụ án, thỉnh cầu bệ hạ cho ông ta một cơ hội nữa.”

Lúc này, Bùi Hoài Cổ giận dữ lên tiếng: “Luật pháp mà bệ hạ ban hành không có phân biệt xa gần, toàn thiên hạ đều phải tuân thủ cùng một tiêu chuẩn. Cớ sao bệ hạ lại muốn tiểu thần giết hại người vô tội để đi ngược lại với chỉ dụ về luật pháp của bệ hạ? Giả sử Tịnh Mãn thật sự có hành vi phạm pháp thì tiểu thần cớ gì phải dung túng cho ông ta? Tiểu thần chỉ dựa vào luật pháp để công bình chấp pháp. Thần không xử oan cho người tốt và không áp dụng hình phạt. Nếu như vì vậy mà chiêu mời họa sát thân thì thần cũng không hề hối hận!”

Võ Tắc Thiên hiểu ra sự tình, liền cho người thả Bùi Hoài Cổ ra.

Về sau, Bùi Hoài Cổ đảm nhiệm chức Phó sử của Diêm Tri Vy đi sứ cầu thân với Đột Quyết. Đột Quyết đã bắt cóc Sứ tiết và cưỡng ép Diêm Tri Vy làm “Nam Diện Khả Hãn”, sau đó ép buộc Bùi Hoài Cổ đóng vai giả trang. Bùi Hoài Cổ quyết không khuất phục: “Ta thà chịu chết chứ không sống trong nhục nhã. Ông hãy chặt đầu ta, ta quyết không né tránh.”

Đối mặt với sinh tử, Đột Quyết không giết ông ấy mà giữ làm tù nhân trong quân đội. Lúc Đột Quyết tiến xuống phía Nam xâm lược Triệu Châu và Định Châu, Bùi Hoài Cổ đã thừa cơ hội chạy thoát. Tuy nhiên, do cơ thể yếu nhược không thể chịu được vất vả trên đường đi, thêm vào quân Đột Quyết truy đổi theo sau cho nên Bùi Hoài Cổ không thể cưỡi ngựa chạy đi. Lúc đó, ông đã thành tâm cầu nguyện với thượng thiên nếu như bản thân mình có chết thì cũng phải chết trên mảnh đất Đại Đường ở phía Nam.

Bùi Hoài Cổ không còn chút sức lực nào nên bèn nằm lăn ra đất ngủ một giấc. Trong mộng, ông nhìn thấy một cao tăng có dáng vẻ giống như Tịnh Mãn chỉ đường cho ông: “Ông có thể đi theo lối này.” Sau khi tỉnh giấc, ông đã đi theo lời chỉ dẫn trong giấc mộng để thoát khỏi sự truy bắt của binh lính. Ông đi men theo đường núi, cuối cùng đến được biên giới của Bính Châu. Người đứng đầu Bính Châu thời đó là Sử Võ, ông ta rất coi trọng dùng quân đội để hành hung. Các thuộc hạ dưới trướng ông ta có thể tùy ý giết người để lập công khen thưởng. Khi đội quân tuần tra nhìn thấy Bùi Hoài Cổ đến, họ bèn vội vã cho người bắt lấy ông. Vào lúc ông lâm vào tình cảnh nghìn cân treo sợi tóc, đột nhiên có một binh sĩ la lên: “Ngài chẳng phải là Bùi Ngự sử sao?”

Bùi Hoài Cổ đã liên tục thoát khỏi những tai nạn lớn và trở về Đại Đường một cách an toàn. Người thời đó đều cho rằng bởi vì ông ấy đã kiên trì giữ lấy tiết tháo, giúp cao tăng rửa sạch oan tình cho nên được Thần linh che chở.

(Trích từ “Tân Đường Thư”)


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2010/8/7/228038.html

Đăng ngày 24-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share