Bài viết của Sơn Hành

[MINH HUỆ 23-10-2020] Tiêu Diễn, tự Thúc Đạt, người làng Trung Đô, Nam Lan Lăng (huyện Vũ Tiến, Giang Tô ngày nay) thời Nam Triều (420 – 589), sinh năm 464.

Tài năng thiên phú

Tiêu Diễn là hậu nhân của Tiêu Hà, Tướng quốc đời Hán. Ông tại vị 48 năm, thọ 85 tuổi, là vị hoàng đế trường thọ thứ 2 trong lịch sử Trung Quốc từ thời Tần Thủy Hoàng đến nay, chỉ sau Càn Long đời Thanh. Tiêu Diễn là bậc đế vương văn võ đều tinh thông hiếm có trong lịch sử Trung Quốc. “Tư trị thông giám” có viết về Lương Võ Đế rằng: “Học rộng văn tài, âm dương, bói toán, cưỡi ngựa bắn cung, thanh luật, thư pháp chữ thảo, lệ, cờ vây không gì là không tinh thông tuyệt diệu”. Ông có tài năng thiên bẩm về quân sự và văn học nghệ thuật, đem lại cho ông danh tiếng hiển hách khi mới 7, 8 tuổi.

Thuở thiếu thời, Tiêu Diễn đã thông minh lại thích đọc sách, trở thành một thiếu niên bác học đa tài, nhất là về phương diện văn học thì rất có thiên phú. Đương thời, ông và 7 người bạn được xưng là “Bát hữu”, trong đó bao gồm những cái tên nổi danh lịch sử như Thẩm Ước, Tạ Thiếu, Phạm Vân… Thẩm Ước sau này viết sách “Tống thư”, “Tề kỷ”… còn Tạ Thiếu là thi nhân nổi tiếng thời kỳ đó. Nhưng trong 8 người này thì lòng can đảm và kiến thức của Tiêu Diễn là điều mà 7 người kia không thể nào sánh nổi.

Làm Hoàng đế Nam triều 48 năm

Thời gian Tiêu Diễn làm kéo dài 48 năm, đứng đầu trong các Hoàng đế Nam triều.

Thành tích chính trị của Tiêu Diễn trong thời kỳ đầu làm hoàng đế vô cùng nổi bật. Ông rút ra bài học diệt vong của triều Hậu Tề, bản thân ông rất chuyên cần việc triều chính, bất kể xuân hạ thu đông, luôn luôn dậy lúc canh năm, phê sửa công văn, tấu chương. Để tiếp nhận ý kiến can gián rộng rãi, lắng nghe ý kiến dân chúng, sử dụng nhân tài, ông hạ lệnh dựng hai cái hòm ở trước cổng hoàng cung, một cái gọi là Báng mộc hàm (hòm phỉ báng), một cái là Phế thạch hàm (hòm tâm can). Nếu công thần và người có tài năng mà không được ban thưởng, đề bạt, hoặc bậc lương tài không được sử dụng, thì đều có thể bỏ thư vào Phế thạch hàm. Nếu người dân thường muốn phê bình triều đình điều gì hoặc có kiến nghị thì có thể bỏ thư vào Bảng mộc hàm.

Tiêu Diễn rất coi trọng lựa chọn và bổ nhiệm quan lại, ông yêu cầu các quan đứng đầu các địa phương nhất định phải thanh liêm, thanh chính liêm minh. Tiêu Diễn còn xuống chiếu thư đến toàn quốc, nếu có huyện lệnh nhỏ có thành tích chính trị nổi bật thì có thể thăng chuyển đến huyện lớn làm huyện lệnh. Huyện lệnh lớn có thành tích nổi bật thì được đề bạt làm thái thú quận. Sau khi chính lệnh được thi hành, tình hình quan trị nước Lương đã được cải thiện rõ rệt.

Không làm hoàng đế, một lòng hướng Phật

Nam triều là thời kỳ phát triển quan trọng của văn hóa Phật giáo Trung Quốc. Lương Vũ Đế dốc sức thúc đẩy tôn sùng khiến Phật giáo ở Giang Nam được truyền bá rộng rãi. Trong thời gian tại vị, Lương Vũ Đế từng 4 lần xả thân (tức khổ hạnh tu hành), trở thành vị “hoàng đế hòa thượng” đầu tiên của Trung Quốc.

Thời kỳ thanh niên, Lương Vũ Đế tín phụng Đạo giáo, năm thứ 3 sau khi đăng cơ, ông liền cử hành đại Pháp hội gồm 2 vạn tăng nhân và người thường, tuyên bố ông “bỏ Đạo quy Phật”. Ông hy vọng thông qua con đường “dùng Phật giáo để giáo hóa trị quốc”, đưa mọi người từ việc quan tâm chú ý đến danh lợi hiện thực dẫn dắt đến với truy cầu đối với sự vĩnh hằng của sinh mệnh và giải thoát.

Sau khi Lương Vũ Đế quy y Phật môn, đã từng 4 lần xả thân (tu hành khổ hạnh) ở chùa Đồng Thái. Năm 527, ở chùa Đồng Thái, ông ở trong nhà đơn sơ, giường mộc mạc trong chùa, dùng bộ đồ trà và bát đĩa bằng đất sành, hàng ngày ông sáng chuông chiều trống niệm tụng kinh Phật. Ông còn cùng các tăng lữ quét dọn Phật đường. Nước không thể không có vua, các văn võ đại thần khổ tâm cầu xin, mới mời được Lương Võ Đế về hoàng cung.

Tháng 9 năm 529. Lương Vũ Đế cử hành “Đại hội Tứ bộ vô giá” ở chùa Đồng Thái. Ông dẫn quần thần bái Phật xong thì không muốn hồi cung, đêm đó ở lại trong chùa. Hôm sau, ông lên Phật đường giảng kinh cho tứ bộ đại chúng. Các đại thần khuyên can trăm đường đều không có hiệu quả, thế là quần thần trong triều từ công khanh trở xuống bỏ mười vạn tiền phụng chuộc, đến tháng 10 Lương Vũ Đế mới hoàn cung.

Năm 546, Lương Vũ Đế 83 tuổi lại lần nữa xả thân, kết quả quần thần đã bỏ ra hai mươi vạn tiền để phụng chuộc ông về. Một năm sau, Lương Vũ Đế lại xả thân lần thứ 4 ở chùa Đồng Thái, tổng cộng xuất gia 37 ngày. Trên ngôi cao hoàng đế nhưng ông lại xả thân xuất gia, Lương Vũ Đế lấy thân mình hoằng Pháp, đã mở rộng tầm ảnh hướng lớn của Phật giáo ở Trung Quốc.

Do đế vương tôn sùng thúc đẩy và bàn thân thờ Phật, Phật giáo Nam triều đến thời kỳ Lương Vũ Đế đã đạt đến đỉnh cao, trên đến tông thất đế vương, dưới đến các đại gia tộc thế gia, bách tính bình dân đều sùng tính thờ Phật, Phật giáo trở thành quốc giáo, hưng thịnh chưa từng có.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2010/10/23/231382.html

Đăng ngày 16-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share