[MINH HUỆ 02-9-2019] Thời Đông Hán có một vị hiền thần nổi tiếng họ Đệ Ngũ, tên Luân, tự Bá Ngư, người Trường Lăng, Kinh Triệu (Hàm Dương, Thiểm Tây ngày nay). Căn cứ vào khảo chứng thì họ Đệ Ngũ vốn từ họ Điền, khởi nguồn từ thời Hán, di cư đến nước Tề rồi đổi họ. Sau khi nhà Tây Hán kiến lập, hơn 10 vạn người các danh gia vọng tộc và hậu duệ quốc quân các nước Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy thời Chiến Quốc bị di chuyển đến định cư ở Phòng Lăng, Quan Trung (huyện Phòng tỉnh Hồ Bắc ngày nay). Quý tộc họ Điền nước Tề xưa, do dòng họ lớn, người nhiều nên đã bị phân loại theo thứ tự môn đệ từ đệ nhất đến đệ bát, họ Đệ Ngũ chính là một chi trong số đó, tức là đã sinh ra họ Đệ Ngũ. Hiện nay số người còn giữ lại họ kép rất ít, đều đổi sang họ đơn thành họ Đệ hoặc họ Ngũ.

Đệ Ngũ Luân xuất thân nghèo khổ, tuổi niên thiếu đã dũng cảm cương trực, đã làm các chức Hương sắc phu và Chủ bạ của Kinh triệu doãn (tên hai chức quan xưa). Sau này ông được tiến cử làm Hiếu liêm (tên chức quan xưa), được Hán Quang Đế coi trọng, được bổ nhiệm làm Thái thú Cối Kê, Thái thú Thục Đô. Thời Hán Tuyên Đế, Đệ Ngũ Luân làm quan Tư không của triều đình, trở thành một trong “Tam Công” (3 chức quan đầu triều). Đệ Ngũ Luân làm quan thanh liêm, cần kiệm yêu dân, chấp chính có phương pháp, được bách tính rất kính yêu.

Dám đảm đương, làm quan chính trực

Những năm cuối triều Tân Mãng, đạo tặc nổi lên khắp nơi. Đệ Ngũ Luân dũng cảm mưu trí đã trở thành chỗ dựa cho bà con làng xóm và gia tộc. Ông dẫn mọi người xây dựng lô cốt ở nơi hiểm yếu, kiên trì phòng thủ tự vệ, đã chống cự thành công các cánh quân Đồng Mã, Xích Mi. Quận Doãn Tiên Ư Bao rất tán thưởng tài năng của ông nên đã chọn làm thư lại cho mình.

Đệ Ngũ Luân khi làm Hương lý sắc phu, quân bình lao dịch, khéo xử lý những oán hận trong làng xã, người làng ai nấy đều tín nhiệm. Sau này ông đến quận Hà Đông định cư, vận chuyển muối qua lại giữa Thái Nguyên và Thượng Đảng. Những chỗ đoàn vận chuyển đi qua, ông đều cho dọn sạch phân rồi mới rời đi, người đi đường đều ca ngợi ông là kẻ sỹ có Đạo.

Nhiều năm sau, Tiên Ư Bao đã tiến cử ông cho Kinh triệu doãn là Diêm Hưng. Diêm Hưng lập tức vời ông đến làm Chủ bạ. Thời đó quan lại đúc tiền ở Trường An đa phần đều giở trò gian xảo để kiếm lợi. Diêm Hưng bổ nhiệm Đệ Ngũ Luân làm thừa duyện giám sát việc đúc tiền, hy vọng ông có thể quản lý hữu hiệu thị trường Trường An. Đệ Ngũ Luân chấp hành luật lệnh nghiêm minh, cẩn thận từng ly từng tí, đồng thời chỉnh đốn thị trường, thống nhất dụng cụ cân đo, hiệu chỉnh dụng cụ đong đo. Từ đó trên thị trường Trường An không còn hiện tượng đong đo sai, gian dối nữa, mọi người đều mua bán thành tín, bách tính đều hoan hỷ thán phục.

Đệ Ngũ Luân làm Thái thú Thục Đô. Đất Thục đất đai màu mỡ, có danh xưng là “Nước của phủ Trời”, quan dân đều rất giàu có. Khi đó trong nha môn, những quan nhỏ như chức duyện lại thì cũng có gia sản lên đến nghìn vạn, đi lại đều xe hoa lệ, ngựa to cao. Rất nhiều người vì nhà có tiền nên đã mưu cầu chức quan. Sau khi Đệ Ngũ Luân đến nhậm chức, ông chỉnh đốn quan lại, sa thải hết số quan lại không xứng chức danh, bất kể là của cải và bối cảnh như thế nào. Ông trọng dụng những người cô quả nghèo khó nhưng có tiết tháo. Thế là quan trường ở quận Thục đã thay đổi hoàn toàn phong khí hối lộ trước kia, nền chính trị trong sạch sáng sủa, bách tính yên bình. Trong số những quan lại được ông tuyển chọn, sau này có những người làm quan đến chức Cửu khanh hoặc Quận thú. Mọi người đều ca ngợi ông làm quan chính trực, giỏi nhận biết và dùng người.

Cần kiệm yêu dân, dũng cảm nhận còn tư tâm

Sử sách ghi chép rằng, Đệ Ngũ Luân cả đời cần kiệm để tu dưỡng đức. Quang Vũ Đế Lưu Tú khi triệu kiến ông đã từng nói đùa vui rằng: “Nghe nói khanh không để huynh trưởng ăn cơm cùng, có thật vậy không?”

Đệ Ngũ Luân trả lời rằng: “Thần khi còn tuổi niên thiếu đã chịu nỗi khổ của mất màu đói khát, thực sự không dám tùy tiện mời người khác ăn cơm.”

Lưu Tú cả cười. Lưu Tú rất tán thưởng đức hạnh và tài hòa của Đệ Ngũ Luân, rất nhanh chóng đã đề bạt ông làm Thái thú Cối Kê. Đệ Ngũ Luân tuy là quan đứng đầu một vùng rộng lớn nhưng ông vẫn sống vô cùng tiết kiệm. Đi ngủ vẫn đắp chăn làm bằng vải thô, ở nhà vẫn do vợ ông vào bếp nấu ăn. Bình thường, Đệ Ngũ Luân vẫn tự mình đi cắt cỏ cho ngựa ăn. Tất cả bổng lộc quan phủ, ông chỉ để lại lương thực đủ ăn cho gia đình trong một tháng, còn lại tất cả đều cấp cho bách tính nghèo khổ trong vùng, ổng chỉ nhận một chút ngân lượng mang tính tượng trưng.

Đệ Ngũ Luân yêu dân như con, và đã làm rất nhiều việc cho bách tính. Sau này ông phạm sai lầm nên bị triều đình triệu về kinh đô. Khi sắp khởi hành, bách tính trong quận tấp nập đến vin xe, kéo ngựa của ông, đi theo khóc lóc suốt dọc đường, khiến ông không thể nào đi nhanh cho kịp. Đệ Ngũ Luân đành phải cải trang trú ở trong dịch quán rồi ngầm đổi sang đi thuyền lặng lẽ rời đi. Sau khi bách tính biết được, họ vẫn đuổi theo đến tận kinh thành. Số người muốn cầu xin cho ông lên đến hơn nghìn người. Đệ Ngũ Luân đã được hoàng đế xá tội.

Đệ Ngũ Luân nổi danh cả đời trinh khiết thanh bạch, giữ tiết tháo, công chính vô tư. Người đương thời ví ông với Cống Vũ đời trước. Có người không phục đã cố ý hỏi ông: “Ông có tư tâm không?”

Câu hỏi này thông thường không dễ trả lời. Nếu nói là không có tư tâm thì sẽ khiến cho người ta cảm thấy quá cuồng vọng. Nếu nói có tư tâm thì có nghĩa phủ định sự liêm khiết thanh bạch của chính mình.

Đệ Ngũ Luân đã rất thẳng thắn chân thành trả lời: “Trước kia có người tặng tôi một con thiên lý mã, muốn tôi tiến cử ông ấy làm quan. Tôi tuy không nhận, mỗi lần Tam Công đề bạt tiến cử quan lại, trong tâm tôi vẫn bấc giác nghĩ tới người đó. Nhưng cân nhắc đến công bằng và công chính nên tôi vẫn luôn không tiến cử ông ta. Con trai của anh trai tôi thường mắc bệnh. Một đêm tôi đến thăm 10 lần, trở về nằm xuống vẫn an nhiên ngủ ngon. Khi con trai tôi mắc bệnh, tuy tôi không đi thăm lần nào nhưng cả đêm không ngủ được. Như thế có thể thấy, con người làm sao có thể không có tư tâm?”

Đệ Ngũ Luân dũng cảm thừa nhận tư tâm, trả lời thẳng thắn, chân thành, khiêm tốn, rõ ràng đã trở thành giai thoại đẹp lưu truyền thiên cổ.

Trực ngôn can gián, cương trực không a dua

Đệ Ngũ Luân nhậm chức Thái thú quận Thục 7 năm thì Hán Chương Đế kế vị và điều ông trở lại triều đình, thay thế tiếp quản chức Tư không của Mâu Dung. Do tác động của Thái hậu Minh Đức nên Hoàng đế đã tôn sùng Hoàng cữu Mã Liêu. Anh em gia tộc họ Mã đều giữ vị trí trọng yếu, các quan đều tranh nhau đón ý và tiếp cận họ. Đệ Ngũ Luân cho rằng thế lực thân tộc của Hoàng hậu quá lớn, bèn dâng sớ mong muốn triều đình cắt bớt quyền lực của họ. Đệ Ngũ Luân dâng sớ rằng: “Thần nghe nói, lời trung thì không cần né tránh kỵ húy ẩn dấu, bề tôi chính trực thì không né tránh bị bức hại. Hạ thần cuồng vọng, đánh cược với sinh tử dâng sớ tỏ rõ ý kiến. Sách “Thượng thư” nói: ‘Bề tôi không nên tác oai tác quái, nếu không sẽ khiến gia tộc bị hại, quốc gia cũng bị tổn thất’. .. Bệ hạ vốn có lòng hậu đãi họ, nhưng cũng nên nghĩ cách đảm bảo sự an toàn cho họ. Hôm nay thần nói những lời này, thực sự là muốn đối với trên thì trung với bệ hạ, đối với dưới thì bảo toàn gia tộc ngoại thích, xin bệ hạ xem xét quyết định”.

Đến khi Mã Phòng đảm nhiệm chức Xa kỵ tướng quân, chuẩn bị xuất binh chinh phạt Tây Khương, Đệ Ngũ Luân lại dâng sớ rằng: “Nghe nói Mã Phòng xin để Đỗ Đốc đảm nhiệm Tòng sự trung lang. Đỗ đốc ở làng xã là người bị mọi người khinh miệt, ở nhờ ở Mỹ Dương. Em gái ông ta là vợ của Mã Thị. Dựa vào quan hệ này mà qua lại với nhà họ Mã. Huyện lệnh sở tại nơi họ ở đã chịu khổ bởi ông ta không tuân thủ pháp lệnh, nên bắt ông ta luận tội. Ngày nay ông ta đến chỗ Mã Phòng, những người nghị luận đều cảm thấy kỳ lạ nữa là lại để ông ta đảm nhận Tòng sự lang trung. Thần e rằng mọi người sẽ vì chuyện này mà nghị luận triều đình. Ngày nay nên tuyển chọn người hiền đức có năng lực để trợ giúp Mã Phòng, không nên để ông ấy tự xin người, để tránh mọi người thất vọng, có hại cho sự nghiệp và tiền đồ của ông ấy.”

Đệ Ngũ Luân một lòng phụng công, giữ tiết tháo, dâng thư luận thuyết chính sự chưa bao giờ trái với lương tâm, không a dua phụ họa. Các con trai ông thường khuyên ông không nên như thế, ông đều nghiêm khắc khiển trách các con. Quan lại dâng tấu và cân nhắc ý kiến xử lý, ông đều niêm phong lại và báo cáo lên hoàng thượng. Sách “Đông quan Hán ký” có đánh giá rằng: “Đệ Ngũ Luân là Tư không, phụng công chính trực, lời nói nghị luận quả quyết, không né tránh kiêng kỵ. Các con can ngăn bị ông trách mắng”.

Năm Nguyên Hòa thứ 3, Đệ Ngũ Luân từ chức quy ẩn, được hưởng bổng lộc 2000 thạch suốt đời, được ban thêm 50 vạn tiền và một tòa nhà. Mấy năm sau, Đệ Ngũ Luân qua đời, hưởng thọ trên 80 tuổi. Triều đình xuống chiếu ban đồ an táng, quần áo, tiền và vải vóc.

Tài liệu tham khảo: “Hậu Hán thư – Đệ Ngũ Luân truyện”


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2019/9/2/勤儉愛民的清官第五倫-392168.html

Đăng ngày 19-11-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share