Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hồ Bắc

[MINH HUỆ 08-10-2019] Sau khi mẹ bị giam giữ vì tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1999, cô Trương Hiểu Hiểu, khi đó mới 10 tuổi đã bị bỏ mặc. Các bạn cùng lớp đã chế nhạo cô, các giáo viên xỉ nhục cô và thậm chí còn đánh cô tại những cuộc họp của trường.

Năm 2004, công an đã huỷ căn cước của cô và buộc cô phải sống xa nhà để tránh sự sách nhiễu của họ. Trong 15 năm qua, cô đã gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc vì không có thẻ căn cước. Bạn trai đã chia tay cô vì cô không có căn cước để làm giấy kết hôn.

Hiện cô đã 30 tuổi và bị bắt vào ngày 26 tháng 9 năm 2019. Không rõ hiện cô đang ở đâu.

Pháp Luân Công hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đàn áp môn tu luyện này từ tháng 7 năm 1999. Vô số học viên đã bị bắt, giam giữ, bỏ tù và tra tấn.

Bị xỉ nhục công khai lúc 10 tuổi

Cô Trương sinh năm 1989 ở huyện Sa Dương, tỉnh Hồ Bắc. Mẹ cô, bà Lý Tĩnh, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998 và sức khoẻ được cải thiện nhanh chóng. Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, cô Trương, chị gái và mẹ đã phải chịu đựng rất nhiều từ cuộc bức hại.

Để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công, bà Lý đã đến Bắc Kinh thỉnh nguyện vào tháng 9 năm 1999. Lưu Đức Vân, phó trưởng Đồn Công an Trấn Cao Dương và các nhân viên cảnh sát khác đã đưa bà trở về quê. Lý Đào, trưởng Đội An ninh Nội địa Sa Dương, đã thẩm vấn và hăm doạ bà nhiều lần.

Bà Lý bị ép phải trả tiền phòng và tiền ăn trong lúc bị giam. Con gái bà, cô Trương, khi đó mới 10 tuổi đã bị bắt nạt ở trường vì mẹ cô bị giam. Các học sinh cười nhạo cô và giáo viên xỉ nhục cô công khai trong các cuộc họp và thậm chí còn đánh cô. Cô Trương là một cô gái sống nội tâm.

Sống trong sợ hãi

Sau khi được thả vào tháng 10 năm 1999, bà Lý bị giam lỏng ở nhà trong sáu tháng và phải báo cáo cho đồn công an địa phương mỗi ngày. Sau khi thời hạn giam ở nhà đã hết, công an lại tiếp tục sách nhiễu bà tại nhà và giao cho Văn Bân, một viên chức uỷ ban dân cư, trông chừng bà vào buổi tối.

Người của Đồn Công an Cao Dương thường xuyên đến lục soát nơi ở của bà Lý, có lúc là nửa đêm. Họ kiểm tra từng nơi và thậm chí là lật cả những tấm chăn trên giường. Hai cô con gái của bà có lúc không dám ngủ, sợ rằng công an có thể đến bất kỳ lúc nào và lục soát.

Sau đó, viên chức La trở thành trưởng đồn mới của Đồn Công an Cao Dương. Ông ta và những người khác thường xuyên sách nhiễu bà Lý và gia đình vào buổi tối. Ông ta cũng ép bà Lý ký tên vào những biên bản cùng với dấu vân tay.

Trung tâm tẩy não

Trương và Hạ Thiên Ngọc, hai viên chức của chính quyền Trấn Cao Dương, đã bao vây nhà bà Lý vào một buổi tối tháng 9 năm 2004. Họ đưa bà đến một trung tâm tẩy não ở thành phố Kinh Môn, bỏ mặc hai cô con gái tuổi thiếu niên của bà ở nhà.

Bà Lý đã tuyệt thực tại trung tâm tẩy não để phản đối. Lính canh đã mở miệng bà bằng kìm và bức thực bà. Máu và thức ăn lỏng chảy khắp người bà.

Vì bà Lý tiếp tục phản đối, nên bà bị đưa đến một bệnh viện để bức thực qua đường mũi cũng như tiêm thuốc. Lính canh cũng đánh bà bằng khăn ướt và ép bà đứng bất động đến nửa đêm. Hai cư dân địa phương được thuê để trông chừng bà 24/24 giờ mỗi ngày.

Sau khi bà Lý trở về nhà vào tháng 10 năm 2004, người của thành phố, huyện và chính quyền thị trấn tiếp tục đến và sách nhiễu gia đình bà. Khi họ không tìm thấy bà thì sẽ sách nhiễu hai cô con gái.

Buộc phải rời khỏi nhà

Vì bị sách nhiễu liên tục, bà Lý phải rời khỏi nhà vào cuối năm 2004. Bà làm những việc vặt tại một thành phố khác để kiếm sống. Nhưng công an Sa Dương đã theo dõi bà, buộc bà phải rời đi lần nữa để tránh bị bắt.

Không thể tìm thấy bà Lý, công an quay sang sách nhiễu các cô con gái. Cô Trương không thể chịu nổi áp lực và cũng bỏ trốn. Chị gái cô ở nhà một mình, và các viên chức thường xuyên sách nhiễu cô. Sau đó, cô Trương tìm thấy mẹ và hai người sống cùng nhau.

Năm 2007, công an Sa Dương đến một công ty tư nhân ở thành phố Hoàng Cương để tìm bà Lý. Sau khi không tìm thấy bà, họ đến Cục Điện lực Hoàng Cương. Ngay khi nghe tin công an đến, bà Lý và cô Trương lại bỏ trốn và tránh được cuộc bắt giữ.

Năm 2012, hai mẹ con chuyển đến khu Hán Khẩu, thành phố Vũ Hán để làm những công việc tạm thời. Đạo đức cao và lòng tốt của bà Lý đã dành được sự tôn trọng của đồng nghiệp và người quản lý.

Từ khi bỏ trốn vào năm 2004 ở tuổi 15, cô Trương phải sống với một căn cước bị huỷ. Ở Trung Quốc ngày nay, căn cước là cần thiết cho hầu hết mọi thứ, từ mua điện thoại đến mở một tài khoản ngân hàng và mua nhà hay đi du lịch. Không có căn cước hợp lệ, cô Trương không thể đăng ký tham gia trở thành kế toán viên. Cô rất đau khổ khi bạn trai bỏ cô để cưới một cô gái khác vì cô không có thẻ căn cước để làm đám cưới.

Bắt giữ gần đây

Năm 2018, cô Trương nhận được một cuộc gọi từ một người tự xưng là viên chức Chu. Anh ta nói rằng công an đã huỷ chứng minh thư của cô hơn 10 năm trước vì cô đã phân phối tài liệu Pháp Luân Công cho nhiều học viên mà những người này sau đó đã bị kết án tù. Từ đó cô đã bị xem là kẻ chạy trốn.

Chu hứa sẽ cho cô Trương nộp đơn xin căn cước mới nếu cô trở về để nộp đơn “bảo lãnh tại ngoại” nhằm gỡ bỏ trạng thái “chạy trốn” trước. Khi cô Trương không quay về, Chu đã tìm thấy chị gái cô và thu thập mẫu máu của cô.

Sau đó công an Sa Dương đã đến khu Hán Khẩu khiến cô Trương và mẹ phải bỏ trốn lần nữa.

Vào 8 giờ sáng ngày 26 tháng 9 năm 2019, công an Sa Dương đã bắt cô Trương tại nơi làm việc. Từ đó đến nay không ai biết cô ở đâu. Mẹ cô, bà Lý đã trốn thoát được khỏi cuộc bắt giữ.

Những kẻ chịu trách nhiệm:

Đồn Công an Sa Dương: Số 5 phố Tĩnh Hoà, huyện Sa Dương, Hồ Bắc 448200
Số điện thoại: +86-724-8561440 x441, +86-724-8561445, +86-724-8562078, +86-724-8562099
Đội điều tra kỷ luật: +86-724-8550165
Chu Vĩnh Minh, trưởng Đội An ninh Nội địa (một nhánh của Đồn Công an Sa Dương)
Trâu Hữu Minh: người của Đội An ninh Nội địa
Bành Quân Đào: trưởng Đội Điều tra Tội phạm (một nhánh của Đồn Công an Sa Dương), người tham gia cuộc bắt giữ
Chu Vũ, Lưu Mẫn: hai nhân viên của Đội An ninh Nội địa
Đổng Tái Hoa: Phó Chính uỷ của Đồn Công an Sa Dương
Hạ Tập Ngân: Bí thư đảng của Đội điều tra kỷ luật thuộc Đồn Công an Sa Dương


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/10/8/394318.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/10/18/180383.html

Đăng ngày 05-11-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share