Bài viết của Tần Mộng Tô

[MINH HUỆ 30-11-2020] Ngày 25 tháng 11, Thượng viện bang Pennsylvania đã tổ chức một phiên điều trần để thảo luận về những bất thường và gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020. Video về phiên điều trần kéo dài ba giờ rưỡi, trong đó có lời khai của nhiều nhân chứng, có sẵn trên trang web của C-SPAN.

Phiên điều trần tập trung sự chú ý vào một vấn đề quan trọng: Hoa Kỳ và thế giới có thể đối mặt với hai tương lai khác nhau rõ rệt tùy thuộc vào kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử.

Là ngọn hải đăng của tự do và dân chủ của thế giới, nếu Hoa Kỳ không chịu nổi áp lực của việc che đậy gian lận bầu cử, thế giới sẽ rơi vào bóng tối của chủ nghĩa xã hội độc tài.

Mặt khác, nếu chúng ta đứng ra bảo vệ các nguyên tắc của mình và tìm kiếm sự thật một cách vô điều kiện, chúng ta sẽ được tiếp thêm sức mạnh bởi đức tin, và chúng ta sẽ được ban cho lòng can đảm và trí huệ.

Khi đại dịch, do sự che đậy của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra, tiếp tục tàn phá thế giới, và ĐCSTQ che phủ bóng tối lên cuộc bầu cử Hoa Kỳ, những gì các học viên Pháp Luân Công đã làm một cách ôn hòa suốt 21 năm qua để phản đối ĐCSTQ nhằm bảo vệ niềm tin của họ vào các giá trị truyền thống, có thể mang lại tia hy vọng và giải pháp cho mối nguy hiểm mà chúng ta đang đối mặt.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Các học viên không chỉ được thụ ích từ môn tu luyện về mặt thể chất, mà còn đề cao tư cách đạo đức, trở thành những công dân tốt hơn. Vì sự phát triển nhanh chóng của môn tu luyện này, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phát động một chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công trên quy mô toàn quốc vào tháng 7 năm 1999, mà đến nay vẫn tiếp tục.

Đương đầu với sự tàn bạo và bôi nhọ suốt 21 năm qua

Các học viên Pháp Luân Công sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, hoàn toàn trái ngược với hệ tư tưởng cốt lõi giả-ác-đấu của chủ nghĩa cộng sản. Kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, nhiều học viên đã bị giam giữ, tra tấn, thậm chí bị giết hại vì không từ bỏ đức tin của họ. Một số học viên còn trở thành nạn nhân của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Cũng giống như các chiến dịch khác mà chủ nghĩa cộng sản phát động, cuộc bức hại Pháp Luân Công cũng vận dụng thủ đoạn bôi nhọ để kích động lòng căm thù của công chúng đối với đối tượng mục tiêu của Đảng. Về cơ bản, ngay khi cuộc bức hại bắt đầu, tất cả các kênh tin tức ở Trung Quốc bắt đầu phỉ báng Pháp Luân Công. Một trong những ví dụ tệ hại nhất về tuyên truyền chống Pháp Luân Công là vụ tự thiêu giả trên Quảng trường Thiên An Môn.

Ngày 23 tháng 1 năm 2001, năm người được cho là đã tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Toàn bộ khung cảnh này đã được các camera ở các góc khác nhau ghi lại. Chỉ vài giờ sau khi vụ việc xảy ra, các phương tiện truyền thông của chính quyền ĐCSTQ đã tràn ngập tin tức tuyên bố những người tự thiêu đó là các học viên Pháp Luân Công. Nhiều kênh truyền thông ở các quốc gia khác cứ thế đăng lại bản tin của ĐCSTQ về vụ việc này.

Pháp Luân Công cấm sát sinh, kể cả tự sát. Năm cá nhân này cho thấy những hành vi trái ngược với những lời dạy của Pháp Luân Công. Phân tích chi tiết đoạn phim chính thức, được quay từ nhiều góc độ khác nhau bằng máy quay chuyên nghiệp, đã phát hiện ra hàng chục sơ hở cho thấy đây là một vụ dàn dựng trong phối hợp với quân đội nhằm vu khống Pháp Luân Công. Tuy nhiên, tuyên truyền phỉ báng và dối trá đã tràn ngập các kênh tin tức, tài liệu tuyên truyền, và sách giáo khoa.

Khi các kênh liên lạc và kiến nghị thông thường bị chặn, các học viên đã vận dụng những phương pháp sáng tạo khác để nói cho mọi người biết về Pháp Luân Công và tại sao cuộc bức hại là sai trái. Đặc biệt, vào tháng 3 năm 2002, các học viên ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã chèn tín hiệu truyền hình cáp và phát một đoạn video dài 50 phút vạch trần những dối trá về Pháp Luân Công. Nhờ đó mà có đến một triệu cư dân trong thành phố đã biết được chân tướng vụ việc và Pháp Luân Công.

Ngay sau đó, họ đã bị trả thù. Cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, kẻ phát động cuộc bức hại vào năm 1999, đã ra lệnh “giết không bỏ sót”. Cảnh sát đã bắt giữ hơn 5.000 học viên trong thành phố. Trong đó, ít nhất tám người bị chết không lâu sau đó do bị tra tấn và 15 người bị kết án tù lên đến 20 năm.

Bất chấp nguy cơ bị bức hại, các học viên Pháp Luân Công đã nỗ lực không ngừng nhằm vạch trần sự thật đằng sau vụ tự thiêu được dàn dựng và những dối trá khác mà ĐCSTQ đã dựng lên để đàn áp môn tu luyện này suốt hai thập kỷ qua.

Lên tiếng cho những người bị bịt miệng

Vào thời điểm đó, mặc dù không nhiều, nhưng cũng có một số kênh truyền thông chủ lưu đưa tin về thảm kịch này.

Vào tháng 4 năm 2000, ông Ian Johnson của Wall Street Journal đã đưa tin về cái chết bi thảm của bà Trần Tử Tú, một học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Sơn Đông, trong khi bị giam giữ vì giữ vững đức tin của mình. Tiêu đề của bài báo là “Bà Trần nói cho đến ngày cuối đời: Tu luyện Pháp Luân Công là một quyền” (Practicing Falun Gong Was a Right, Ms. Chen Said, Up to Her Last Day).

Ông Johnson đã giành được Giải thưởng Pulitzer về Đưa tin Quốc tế năm 2001 vì bài báo này và các bài báo khác liên quan đến Pháp Luân Công. Ông Paul E. Steiger, tổng biên tập bấy giờ của tờ báo nhận xét: “Đó là một ví dụ vĩ đại về lòng quả cảm và quyết tâm để có được một câu chuyện khi đối mặt với áp lực mạnh mẽ của cảnh sát chống lại việc đưa tin, cùng với bài viết nhạy cảm và mạnh mẽ.”

Tương tự, ông Philip Pan của tờ Washington Post cũng tự tiến hành một cuộc điều tra và đưa tin về vụ tự thiêu được dàn dựng trên Quảng trường Thiên An Môn trong một bài báo vào tháng 2 năm 2001 với tiêu đề “Lửa nhân tạo tiết lộ bí mật của Trung Quốc” (Human Fire Ignites Chinese Mystery). Những người mà ông phỏng vấn để thực hiện bài báo này nói rằng những được cho là “tự thiêu” đó không phải là học viên Pháp Luân Công.

Kể từ đó, các kênh truyền thông chủ lưu hầu như không còn bài báo nào về vụ việc này nữa, ngoại trừ nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng bị phanh phui vào năm 2006. Thực tế, các kênh truyền thông và các chính phủ phương Tây thường vẫn im lặng trước các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.

Tìm kiếm sự thật và duy trì công lý

Trong khi truyền thông của ĐCSTQ liên tục tuyên truyền dối trá về Pháp Luân Công, thì cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ cũng có sự can dự của ĐCSTQ trong sự tha hóa của truyền thông. Thay vì đưa tin trung thực về những bất thường trong cuộc bầu cử, hầu hết các kênh truyền thông đều sớm gọi ông Biden là người thắng cuộc, trong khi rất nhiều cáo buộc pháp lý vẫn đang chờ giải quyết.

Tại cuộc phỏng vấn trên Fox News trong chương trình “Tiêu điểm sáng Chủ nhật” (Sunday Morning Features) của ông Trump với người dẫn chương trình Maria Bartiromo ngày 29 tháng 11, 26 ngày sau cuộc bầu cử, ông nói, “Chúng ta không có tự do báo chí ở đất nước này. Chúng ta bị báo chí đàn áp. Họ đàn áp. Bạn không thể có một vụ bê bối nếu không ai báo cáo về nó. Từ quan điểm của việc bầu cử, thì đây là một vụ gian lận lớn nhất trong lịch sử của đất nước chúng ta.” Tuy nhiên, “truyền thông thậm chí không muốn đưa tin về nó.”

Ông Trump cũng cảnh báo về sự nguy hiểm về lời hứa của ông Biden sẽ rời bỏ mục tiêu “America First” (Nước Mỹ trên hết). Ông nói: “America First nghĩa là nước Mỹ trên hết theo đúng nghĩa đen của nó. Chúng ta phải chăm lo cho bản thân mình trước, rồi mới có thể giúp đỡ người khác. Nhưng chúng ta phải tự lo cho mình trước, nếu không, chúng ta sẽ không có đất nước.”

Ông Trump chỉ ra rằng nhóm pháp lý của ông muốn đệ đơn kiện đơn giản, nhưng tòa án đã bảo họ: “Các ông không có tư cách gì.” Ông cũng đề cập đến phiên điều trần ở Gettysburg hôm 25 tháng 11, nơi các nhân chứng làm chứng về gian lận bầu cử.

Thượng Nghị sỹ Doug Mastriano, người đã đề xuất mở phiên điều trần, đã phát biểu trong phần khai mạc: “Khi Benjamin Franklin sắp rời Hội trường Hiến pháp vào năm 1787, bà Powell đã gặp ông ấy… và bà ấy nói: ‘Ồ, ông Franklin, chúng ta có gì, một chế độ quân chủ hay một nền Cộng hòa? Và ông ấy nói: ‘Một nền Cộng hòa, nếu bạn có thể giữ được nó.’”

Ông Mastriano nói thêm: “Đây là thời điểm chúng ta phải giữ lấy nền Cộng hòa này. Chúng ta chọn ngày này để bước đi như những người đàn ông và phụ nữ tự do, và tôn vinh sự hy sinh… Chúng ta sẽ không ngừng theo đuổi sự minh bạch về trách nhiệm và sự thật. Thời gian cho sự do dự, chính trị, và trò chơi đã kết thúc. Giờ là lúc dành cho sự thật và công lý.”

Tự do không đến một cách dễ dàng. Tìm kiếm sự thật và duy trì công lý đòi hỏi sự can đảm và nỗ lực to lớn. Chúng ta có nghĩa vụ đứng lên đấu tranh cho công lý và tìm kiếm sự thật cho chính chúng ta và các thế hệ tương lai – đây là điều mà chúng ta phải thực hiện bằng sự tận tâm và phẩm giá.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/30/义不容辞-415807.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/2/188541.html

Đăng ngày 10-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share