Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 1-4-2018] Một phụ nữ trước đây rất khoẻ mạnh thì nay sức khoẻ có vấn đề chỉ sáu tháng sau khi bị bắt giam vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, và yêu cầu được tại ngoại để chữa bệnh của bà cũng bị từ chối. Sáu tháng nữa lại tiếp tục trôi qua, trước khi công an đưa bà đi kiểm tra. Tại đây, bác sỹ đã yêu cầu bà nhập viện để được điều trị ngay lập tức, và toà án địa phương đã thay đổi bản án ba năm tù giam thành hình thức quản chế và trả tự do cho bà.

Vì họ không đưa kết quả kiểm tra cho bà, nên bà không biết gì về tình trạng sức khoẻ của mình. Khi tham khảo ý kiến của bác sỹ riêng, ông đã chẩn đoán bà mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối.

Kết án ba năm tù

Bà Tôn Diễm Hoàn, một giáo viên bị bắt vào ngày 24 tháng 12 năm 2015 và được bảo lãnh vào ngày 29 tháng 1 năm 2016. Bà tiếp tục bị giam cầm vào ngày 8 tháng 11 năm 2016.

Vào tháng 5 năm 2017, bà bị đau ngực và sốt nhẹ. Sau đó toà án yêu cầu bà có mặt ở toà vào ngày 27 tháng 9 và ngày 16 tháng 10. Dù bà yêu cầu được tại ngoại để trị bệnh, nhưng toà án không chấp thuận và bà bị kết án ba năm tù vào ngày 18 tháng 10.

Vì sức khoẻ của bà tiếp tục xấu đi, vì thế lính canh ở trại tạm giam đã đưa bà đến một bệnh viện để kiểm tra vào trung tuần tháng 11. Không cần nói chuyện với bà Tôn về kết quả chẩn đoán, họ đã liên hệ với toà án địa phương, và sau đó toà án đã đổi bản án tù của bà Tôn thành hình thức quản chế. Bà được trả tự do vào ngày 27 tháng 11.

Thẩm phán Chu Sáng (周晨), ở tòa án địa phương đã gọi cho em chồng của bà và yêu cầu ông giám sát bà Tôn. Tuy nhiên ông đã từ chối.

Dưới đây là chi tiết về trường hợp của bà Tôn.

Khi cuộc bức hại bắt đầu

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, cùng thời điểm Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), phát động cuộc đàn áp môn tu luyện này.

Cũng như các học viên khác, tôi đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 12 năm 2000, lúc đó công an đã bắt giam tôi trong 15 ngày. Tôi được trả tự do sau khi Phòng 610 thành phố Giai Mộc Tư tống tiền gia đình tôi 6.000 Nhân dân tệ. Thêm vào đó, nơi tôi làm việc cũng dừng trả lương cho tôi trong sáu tháng và giữ lại khoản tiền thưởng 2.000 Nhân dân tệ của tôi.

Lần bắt giữ thứ nhất

Sau vụ án nhân quyền tại Hắc Long Giang xảy ra vào tháng 3 năm 2014, tôi bị bắt giữ khi đang cố gắng giải cứu các học viên bị giam cầm.

Tôi và hai đồng tu khác bị hơn chục công an bắt vào sáng ngày 24 tháng 12 năm 2015, khi chúng tôi đang chuẩn bị thêm một ngày nữa để giải cứu các học viên bị giam cầm. Họ đưa chúng tôi đến Đồn Công an Kiến Quốc Lộ. Các đồng tu được trả tự do ngay tối hôm đó.

Khúc Trạch Bân, phó đồn công an đã lấy chìa khoá nhà của tôi và đi cùng một tiểu đội công an đến khám nhà tôi. Một công an báo với tôi rằng tài sản cá nhân của tôi bị công an chuyển đi trong hai chiếc xe tải.

Sau đó, công an Khúc đã đưa cho tôi danh sách tài sản bị tịch thu để tôi ký. Tôi đã ký mà không xác định được tài sản nào còn, tài sản nào bị lấy đi.

Lần giam cầm và thẩm vấn thứ nhất

Họ đưa tôi đến phòng thẩm vấn ở đồn công an, và công an thay phiên nhau giám sát tôi. Tại đây, tôi đã giảng chân tướng về Pháp Luân Công cho họ và khuyên họ không nên nghe theo Giang mà bức hại các học viên Pháp Luân Công. Một số người đã đồng ý.

Công an đã tìm thấy một lượng lớn tài liệu liên quan đến vụ án khi họ lục soát nhà tôi. Vì thế, họ coi tôi là kẻ chủ chốt trong vụ án này.

Một công an mặc thường phục tự giới thiệu là đội phó đến thẩm vấn tôi lúc 2 giờ chiều. Tôi nghĩ thực ra, ông ta là người bên Cục Công an thành phố. Một công an khác sau đó đã nói với tôi rằng vị công an kia là Lý Trung Nghĩa ở Ban Tà giáo của Cục Công an Giai Mộc Tư.

Anh công an này nói với tôi rằng hàng xóm của tôi nói rất tốt về tôi nên anh ấy tôn trọng tôi, như thể để khiến tôi tin tưởng. Sau đó, anh ta bảo tôi là họ bắt tôi vì vụ án nhân quyền ở Hắc Long Giang, vì tôi có tham gia trong việc giải cứu các học viên.

Tôi nói: “Tôi không phạm pháp. Tại sao các ông bắt tôi? Tôi chỉ giúp bà Vương Yến Hân là người bị giam ở trong vụ án nhân quyền Hắc Long Giang. Tôi có quyền làm việc với luật sư, theo luật tố tụng hiện hành. Thêm nữa, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra thông báo vào năm 2017 cho phép công dân dùng bí danh nộp đơn kiện các cựu lãnh đạo nhà nước. Vì thế tôi không có gì để nói với ông.”

Ông ta bỏ đi sau hai giờ đồng hồ. Công an muốn tôi chụp hình và lăn vân tay vào buổi chiều nhưng tôi từ chối hợp tác.

Công an Khúc và một công an khác sau đó đưa tôi đến Bệnh viện Trung ương Giai Mộc Tư để kiểm tra sức khỏe trước khi đưa tôi đến trại tạm giam. Họ yêu cầu em rể tôi ký vào biên bản tạm giam nhưng cậu ấy từ chối.

Khi công an đưa tôi đi thẩm vấn, tôi đã ra hiệu cho nhiều học viên đứng bên ngoài hỗ trợ tôi để động viên tinh thần cho tôi.

Buông lơi cảnh giác

Công an Lý quay lại cùng ông Diêm, trưởng bộ phận pháp lý để thẩm vấn tôi. Ông Diêm tạo cho tôi cảm giác nhẹ nhàng và đạo đức giả. Ông nói rằng ông đã nghiên cứu về Pháp Luân Công và có thể học thuộc nhiều bài thơ trong tập thơ Hồng Ngâm của Sư phụ Lý. Trước thái độ nhẹ nhàng của ông Diêm, tôi đã buông lơi cảnh giác.

Trước khi rời đi, ông Diêm nói: “Tôi sẽ đến Thạch Gia Trang vào ngày mai để tìm hiểu sự việc và xem có gì hỗ trợ được cho vụ việc của bà không.”

Ba ngày sau, ông Diêm trở lại và đọc bản thú tội của một số học viên. Ông nói: “Các học viên kia đã đổ lỗi cho bà. Họ biết cách làm đĩa DVD và một người trong họ biết sửa máy tính. Tại sao họ không tự làm? Rõ ràng là họ không muốn chịu trách nhiệm.” Tôi hiểu rằng ông Diêm đang cố ý muốn gây mâu thuẫn giữa các học viên và muốn thuyết phục tôi hợp tác.

Ông Diêm nói: “Họ còn nói về việc bà thường đến nhà các học viên. Họ cũng nói chiều ngày 27, họ đưa cho bà nhiều đĩa DVD để chuyển lên thành phố.” Tôi nghi ngờ lời của ông Diêm và phân vân chưa biết nên thế nào.

Ông Diêm nói nhiều học viên đã bị bắt, một số vì hợp tác với công an nên sẽ được thả. Sau đó, ông ta gợi ý: “Bà sẽ ổn thôi nếu bà nói cho tôi biết những gì xảy ra sau khi đến thành phố. Nếu bà nói cho tôi, chúng tôi sẽ không bắt các học viên khác.”

Tôi nghĩ nếu tôi nói với họ điều gì xảy ra, họ sẽ không bắt ai và có thể giảm được tổn thất. Vì thế tôi đã nói với họ về việc làm đĩa DVD, bao gồm cả tài liệu, ai đã làm tài liệu, làm thế nào tôi chuyển tài liệu đến thành phố và quá trình thuê luật sư. Thậm chí, tôi còn lo mình sót điều gì nên tôi còn tìm vài người để bổ sung thông tin.

Họ thẩm vấn tôi liên tục và tôi lặp lại thông tin này không thay đổi. Tôi không nhận ra rằng mình đã rơi vào bẫy của họ, mà còn nghĩ mình hay lắm.

Công an Khúc tiếp tục đến gặp tôi vào ngày 7 tháng 1 năm 2016, trước khi đưa tôi đến Bệnh viện Trung ương Giai Mộc Tư để kiểm tra.

Bị đưa đến trại tạm giam

Tôi cảm thấy họ không có ý định trả tự do cho tôi. Họ kết án tôi phạm tội hình sự để giam tôi ở trại tạm giam.

Dù huyết áp của tôi tăng cao nhưng công an Khúc vẫn nhất định đưa tôi đến trại tạm giam. Trong trại, bác sỹ phát hiện ra huyết áp của tôi quá cao, nên họ từ chối nhận tôi.

Công an Khúc đưa tôi về văn phòng của ông ta, bắt tôi uống thuốc hạ huyết áp hai lần và canh chừng đến khi huyết áp của tôi hạ rồi lại đưa tôi đến trại tạm giam. Ở trại tạm giam, vì huyết áp của tôi lại tăng lên cao nên bác sỹ đã từ chối nhận tôi.

Công an Khúc còn nói ra việc ông ta ép tôi uống thuốc hạ huyết áp hai lần để tôi hạ huyết áp. Bác sỹ còn mắng ông Khúc và nói việc đó có thể gây nguy hiểm cho tôi.

trại tạm giam đã nhận tôi sau khi công an Khúc đưa 500 tệ cho viên công an trực ban.

Ép nhận tội

Những buổi thẩm vấn thường xuyên lại tiếp diễn. Họ muốn tôi nhận tội, nhưng tôi nói với họ rằng mọi người đều sẵn sàng tham gia. Tuy nhiên, tôi phải miễn cưỡng thừa nhận việc mình là người phụ trách khi họ đưa cho tôi xem lời khai của các học viên khác. Họ đã tiết lộ thông tin cho công an ở phân cục Phòng Công an thành phố Đông Phong tại thành phố Giai Mộc Tư và công an ở Cục Công an thành phố Giai Mộc Tư.

Công an Quách ở Cục Công an thành phố Giai Mộc Tư hỏi tôi có biết là tôi phạm tội gì không. Ông ta nói tôi đã sai khi nộp đơn kiện Giang vì Giang là cựu lãnh đạo quốc gia.

Tôi đã trả lời: “Chẳng phải luật pháp cho phép công dân nộp đơn kiện cựu lãnh đạo quốc gia sao? Chúng tôi chỉ làm theo những gì luật pháp hiện hành cho phép. Hơn nữa, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và lãnh đạo cũng không có ngoại lệ. Tôi không làm gì sai cả.”

Sau đó, ông ta khẳng định Toà án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra thông báo diễn giải về việc coi Pháp Luân Công là “tà giáo”. Vì thế tôi hỏi ông ta: “Khi Giang Trạch Dân bị đưa ra xét xử, ông có khăng khăng với những gì ông nói hôm nay không?“ Lúc đó, ông ta có vẻ không thích câu hỏi của tôi nên tỏ ra khó chịu và mắng nhiếc tôi.

Sau đó, ông Lý đưa cho tôi quyết định được tại ngoại. Con gái tôi đã ký đơn vào ngày 26 tháng 1 và tôi được tự do sau đó ba ngày, ngày 29 tháng 1.

Khi được thả, tôi mới biết ông Quách bị đột quỵ và một người thân của ông ta qua đời, nên tôi gọi điện và gửi thư thuyết phục ông ấy đừng bức hại các học viên Pháp Luân Công nữa.

Bị tạm giam lần nữa dù huyết áp cao

Công an Khúc yêu cầu tôi tới đồn công an vào ngày 8 tháng 11 năm 2016. Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để giảng chân tướng cho ông ta nên đã đi cùng em rể tôi.

Ông ta muốn tôi làm thủ tục và hy vọng tôi sẽ hợp tác với ông ta. Đổi lại ông ta nói sẽ chuyển hình thức từ tạm giam sang quản thúc tôi. Thay vì cung cấp thông tin, tôi đã giảng chân tướng hơn một tiếng đồng hồ cho ông ấy.

Ông ta lắng nghe trước khi gọi điện cho cấp trên để xin chỉ đạo, vì ông ta không thể tranh luận với tôi. Lúc đó, tôi nghe thấy giọng cấp trên của ông ta nói hai lần: “Đưa bà ấy vào đây!”

Tôi nhận ra là họ muốn đưa tôi về lại trại tạm giam. Khi em rể tôi với tôi chuẩn bị rời đi, công an ngăn không cho tôi đi. Họ giam tôi trong phòng tạm giam đến khi công an Khúc đưa tôi đi khám sức khỏe trước khi đưa tôi đến trại tạm giam. Lần này, dù tôi bị huyết áp cao nhưng họ vẫn giam giữ tôi.

Từ chối chữa trị y tế

Tôi bắt đầu bị đau ở ngực vào tháng 5 năm 2017, sau sáu tháng bị giam. Tuy nhiên, vì bác sỹ không tìm ra nguyên nhân cơn đau của tôi, nên tôi từ chối uống thuốc bác sỹ đưa. Ngoài ra, tôi còn yêu cầu được đi khám sức khỏe tại bệnh viện thành phố. Vì tôi từ chối uống thuốc, nên lính canh ở trại không nộp báo cáo.

Cơn đau vẫn tiếp diễn và ảnh hưởng mỗi khi tôi cử động, vì thế tôi đã yêu cầu được uống thuốc giảm đau. Điều này xảy ra đến ngày 28 tháng 6, khi luật sư của tôi biết tin có lịch xét xử và đến thăm tôi. Tôi đề nghị ông ấy liên hệ với phòng công an, viện kiểm sát và trại tạm giam để yêu cầu đưa tôi đi khám sức khỏe. Tuy nhiên, sau đó không có động tĩnh gì nên tôi yêu cầu giám đốc trại đưa tôi đi khám nhưng vô ích.

Tôi chịu đựng đau đớn thêm ba tháng nữa và còn yêu cầu trong phiên xử để thẩm phán cho tôi đi chữa trị. Nhưng ông ta từ chối. Hai ngày sau phiên xử, tôi bị kết án ba năm tù vào ngày 16 tháng 10, tôi quyết định kháng cáo.

Sau đó, trên lưng tôi xuất hiện một khối u và bác sỹ nhà tù không tìm được nguyên nhân. Dù đã sử dụng một loại kem giảm đau nhưng khối u vẫn tiếp tục to lên. Đến giữa tháng 11, họ đưa tôi đến Bệnh viện Trung ương Giai Mộc Tư hai lần. Sau khi quét CT, bác sỹ đã yêu cầu trại tạm giam cho tôi nhập viện để chữa trị.

Phó giám đốc trại tạm giam nói với tôi vì chi phí chữa trị tốn kém nên họ yêu cầu toà án phúc thẩm đổi từ hình thức giam cầm thành quản thúc tôi. Tôi được thả về nhà vào ngày 27 tháng 11 năm 2017.

Vì họ không đưa kết quả chẩn đoán cho tôi, nên tôi đã đi khám tại bệnh viện nổi tiếng nhất thành phố. Họ thông báo với tôi rằng tôi đang bị ung thư giai đoạn cuối và đã lan đến xương, lúc này phẫu thuật cũng không làm gì được. Bác sỹ yêu cầu tôi dùng hóa trị liệu.

Dù vậy nhưng họ vẫn không dừng lại và ngừng bức hại tôi. Bỏ qua kết quả chẩn đoán, thẩm phán Chu Sáng (周晨) ở Toà án Phúc thẩm Giai Mộc Tư đã liên hệ với em rể tôi vào ngày 7 tháng 3 năm 2018 để yêu cầu giám sát tôi. Tuy nhiên, em rể tôi đã từ chối hợp tác.

Báo cáo liên quan:

Theo sát vụ án nhân quyền tại Hắc Long Giang: Bốn học viên Pháp Luân Công bị xét xử phi pháp (Ảnh)

Chính quyền tỉnh Hắc Long Giang bắt giữ chín người trong một ngày vì vấn đề nhân quyền

Cô Tôn Diễm Hoàn bị bắt và gia đình không được vào thăm (Bản tiếng Anh)

Thành phố Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang: Viện Kiểm sát Nhân dân trả lại vụ án của các học viên Pháp Luân Công cho cảnh sát

Một giáo viên bị xét xử trước cáo buộc và bằng chứng ngụy tạo


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/4/1/363595.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/4/12/169344.html

Đăng ngày 13-5-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share