Bài viết của Chính Tín

[MINH HUỆ 15-3-2018] Ở Trung Quốc ngày nay, với tiêu chuẩn đạo đức đang ngày càng trượt dốc, các giáo viên không chỉ mất đi phẩm hạnh đạo đức tối thiểu, mà họ còn sách nhiễu và nhận tiền bạc từ học sinh.

Tuy nhiên, có một số giáo viên đã bước vào tu luyện Pháp Luân Công và chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày của họ. Bài viết này chia sẻ về ba trường hợp giáo viên như vậy và cách họ đã kiên định đức tin của mình trong cuộc bức hại kéo dài ròng rã suốt 19 năm qua của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Câu chuyện của một thầy giáo ở Tam Hà

Ông Tống Kiến Quân, là cựu giảng viên kiêm phó chủ nhiệm văn phòng giảng dạy, giáo sư của trường Đảng trực thuộc ủy ban thành phố Tam Hà. Ông tốt nghiệp cử nhân [chuyên ngành] lịch sử tại Đại học Sư phạm Hà Bắc vào năm 1991.

Ông Tống có cơ thể yếu nhược và mắc nhiều bệnh tật từ khi còn nhỏ. Vào mùa đông, bệnh viêm phế quản mãn tính thường tái phát khiến ông phải nhập viện. Trong khi học năm thứ ba ở trường trung học, ông bị chứng suy nhược thần kinh. Đến phổ thông và đại học, ông thường buồn ngủ đến mức không thể tập trung học được. Sức khoẻ yếu đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc nghiên cứu và công việc của ông suốt hơn 10 năm.

Vận mệnh của ông đã thay đổi vào năm 1993. Ngày 25 tháng 7 năm 1993, ông được nghe về Pháp Luân Công qua một người bạn, từ đó ông bắt đầu quan tâm đến môn tu luyện này. Vì vậy, ông đã đến Đại học Công an Bắc Kinh để tham gia lớp học chín ngày của Sư phụ Lý Hồng Chí. Ông đã trả lời được nhiều câu hỏi mà mình từng thắc mắc suốt cuộc đời, ông hiểu được tại sao cuộc đời mình lại gặp nhiều trắc trở như vậy. Và ông cũng được chứng kiến ​​nhiều trường hợp hồi phục bệnh tật một cách thần kỳ.

Bệnh viêm phế quản mãn tính và chứng suy nhược thần kinh đã khỏi sau khi ông tu luyện Pháp Luân Công được một năm. Ông trở nên khoẻ mạnh. Trong hơn 20 năm qua, ông chưa từng phải đi bệnh viện ngoại trừ đến đó thăm bạn bè và người thân.

Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, ông không còn nóng vội hay kiêu ngạo. Ông cũng xem nhẹ danh lợi.

Đối với công việc giảng dạy của mình, ông Tống tận tâm chuẩn bị các bài giảng. Ông được hoan nghênh và khen ngợi. Ông cũng nỗ lực để nâng cao trình độ nghiệp vụ của mình. Ông là người đầu tiên trong trường được phong làm giáo sư.

Ở trường, ông thường nhận những phần việc mà người khác không muốn nhận. Ông chân thành và khoan dung khi đối xử với đồng nghiệp và duy trì quan hệ hòa hảo với họ. Hai hiệu trưởng đều muốn thăng chức cho ông mặc dù ông không mong được thăng tiến hay điều chuyển.

Câu chuyện của một giáo viên nổi tiếng ở Quý Dương

Ông Chu Thanh là một giáo viên nổi tiếng ở Quý Dương. Mùa hè năm 1996, ông thấy một cuốn Chuyển Pháp Luân trong một hiệu sách. Ông tò mò và đã mua cuốn sách. Hai tháng sau, một học sinh nói với ông rằng có một điểm luyện công tập thể gần đó. Ông đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công như thế.

Ông Chu không mắc bệnh nặng, nhưng cơ thể ông yếu nhược, thường bị sung huyết và ho nhiều vào mùa đông. Những triệu chứng đó đã biến mất sau khi ông tu luyện Pháp Luân Công. Ông từng bị viêm gan B trước khi tu luyện và phải kiêng thịt mỡ, nhưng sau khi tu được một thời gian thì ông ăn bao nhiêu cũng không gặp vấn đề. Sức khỏe ông đã được cải thiện rõ rệt.

Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, tính cách, tính tình, và thái độ làm việc của ông đều có thay đổi lớn.

Trước khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ bắt đầu vào năm 1999, ông phụ trách hai lớp ở trường trung học phổ thông. Ông chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn trong công việc và cuộc sống của mình. Ông kiên nhẫn giảng giải mọi điều và khích lệ các học sinh của mình. Trong một cuộc khảo sát của trường, tất cả 76 học sinh của ông đều cho ông điểm “A”.

Có lần, một đồng nghiệp của ông phải nhập viện nhưng ban giám hiệu nhà trường quên sắp xếp người dạy thay. Ông Chu đã phát hiện ra và đề nghị dạy thay cho giáo viên bị ốm.

Vài ngày sau, cấp trên đưa cho ông một phong bì tiền sau khi xác minh việc dạy thêm tiết của ông Chu. Cấp trên cũng đưa cho ông một khoản tiền thưởng là 80 nhân dân tệ. Ông Chu đã suy nghĩ và quyết định trả lại số tiền thưởng.

Ông đã viết một lá thư giải thích rằng các học viên Pháp Luân Công luôn suy nghĩ cho người khác và không mong được báo đáp. Nếu nhận tiền thưởng, ông nghĩ rằng việc đó sẽ trái ngược với ý định ban đầu của mình.

Cấp trên của ông đọc bức thư và nói: “Tôi biết ông không truy cầu danh lợi. Trường chúng ta cần tinh thần giúp đỡ người khác như vậy. Tiền thưởng mục đích là để khuyến khích những người khác học theo ông.”

Vài ngày sau, nhà trường ra thông báo khen ngợi ông Chu. Cuối thông báo viết: “Thật đáng khâm phục khi ông đã làm điều này không phải vì để được vinh danh hay đạt được lợi ích cho bản thân.”

Câu chuyện của giáo viên trường ngoại ngữ Vạn Châu

Cô Đàm Phong Hạo, cựu giáo viên tại trường ngoại ngữ Vạn Châu, từng tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Tây Nam.

Cô Đàm bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996 khi còn là sinh viên ở Tây Nam. Cô bị sỏi thận nặng và đã uống nhiều loại thuốc khác nhau, và làm cả thủ thuật nghiền sỏi (lithotripsy), nhưng hiệu quả vẫn không triệt để.

Sau khi tu luyện Pháp Luân Công được 10 ngày, sỏi thận trong người cô đã biến mất. Cô khỏe mạnh trở lại và tràn đầy sức sống. Năm 1998, cô dịch một cuốn tiểu thuyết ngắn và được đăng trên một tạp chí.

Cô sống chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, dạy hai lớp tiếng Anh tại trường ngoại ngữ Vạn Châu và làm việc chăm chỉ nỗ lực hết sức vì học trò của mình.

Một nữ sinh trong lớp cô mắc bệnh thận và không thể ăn muối. Cô Đàm mời học trò của mình về nhà và nấu đồ ăn riêng cho em. Với những học sinh yếu kém cô đều dạy thêm miễn phí.

Để giúp học trò hứng thú với bài học, cô đã mua các tài liệu nghe nhìn cho lớp bằng tiền của chính mình. Khi lớp học tổ chức các sự kiện và cần thêm quỹ, cô dùng tiền của chính mình và không bao giờ yêu cầu học sinh phải bù chi phí. Các phụ huynh đều khen ngợi cô và nói rằng họ chưa bao giờ gặp một giáo viên nào tốt như vậy.

Liên tiếp bị bức hại

Tuy nhiên, do cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền cộng sản, các giáo viên gương mẫu này đã bị bức hại và ngược đãi.

Ông Tống Kiến Quân bị giam giữ ít nhất sáu lần. Ông bị tra tấn dưới nhiều hình thức khác nhau và bị cấm ngủ suốt 18 ngày. Ông bị giam trong các trại lao động cưỡng bức hai lần với tổng thời gian năm năm chín tháng. Ông buộc phải xa nhà trong hai năm để tránh tiếp tục bị bức hại.

Ông Chu Thanh đã bị đuổi việc và giam giữ nhiều lần. Ông bị kết án bốn năm tù và tra tấn đến mức bị liệt. Ông đã hồi phục sau khi được thả ra và có thể [tiếp tục] tu luyện Pháp Luân Công.

Cô Đàm Phong Hạo bị kết án tù bốn năm và bị giam trong trại lao động cưỡng bức hai năm. Cô bị giam trong một xà lim nhỏ và không được phép sử dụng nhà vệ sinh. Cô cũng bị đánh và bị tra tấn.

Năm 2002, cô bị rối loạn tâm thần do bị ngược đãi. Chỉ vì đức tin chân chính của mình mà cô đã mất cả tuổi thanh xuân ở trong tù.

Nếu như không có cuộc đàn áp Pháp Luân Công, nếu như Trung Quốc có thể như các nước trên thế giới cho phép người dân tự do tu luyện Pháp Luân Công, nếu như Pháp Luân Công tại Trung Quốc có thể thuận lợi truyền đến hôm nay, nếu như các học viên Pháp Luân Công có thể công tác bình thường tại cương vị của mình, thì ngành giáo dục hôm nay của Trung Quốc nhất định sẽ là một cảnh tượng khác!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/3/15/362805.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/4/8/169304.html

Đăng ngày 4-5-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share