Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Quý Châu

[MINH HUỆ 10-03-2018] Bà Mã Tái Trân là giáo viên về hưu của Trường Trung học Số 1 thành phố Lục Bàn Thủy, tỉnh Quý Châu. Bà nay đã gần 80 tuổi. Bà bị xét xử tại Tòa án huyện Thủy Thành vào ngày 6 tháng 2 năm 2018 vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999.

Chánh án là Lý Kiến Huân, và thư ký tòa là Chu Trọng Linh. Hai bồi thẩm đoàn cũng có mặt, cũng như hai công tố viên và một luật sư.

Bà Mã ngồi ở ghế bị cáo trông rất hiền hòa và bình thản. Khi thẩm phán hỏi bà Mã chứng cớ, bà nói: “Tôi không muốn vị luật sư này bào chữa cho tôi, tôi sẽ tự bào chữa. Tôi không muốn vị luật sư này bởi vì tôi không thuê ông ấy.”

Kiểm sát viên trình ra bằng chứng ngụy tạo buộc tội bà Mã. Khi bà mới xem nửa chừng, kiểm sát viên hỏi bà Mã có thừa nhận tội của mình không. Bà Mã đáp lại: “Tôi không phạm tội gì cả. Tôi khuyến khích mọi người làm người tốt bằng cách hành xử theo Chân – Thiện – Nhẫn.”

Thẩm phán đập tay xuống bàn, nói: “Bà ấy không muốn thừa nhận là đã phạm tội, còng tay bà ta lại.” Khi một nhân viên tòa còng tay bà, bà vẫn bình tĩnh và không có vẻ gì là sợ hãi.

Khi kiểm sát viên đọc xong cáo trạng chống lại bà, thẩm phán lại hỏi bà Mã một lần nữa có thừa nhận “tội” của bà không. Bà từ chối. Thẩm phán quát lên: “Đứng dậy!”

Khi bà Mã hỏi tại sao, thẩm phán nói: “Chúng ta sẽ bắt đầu phiên tranh biện. Bà có thể bắt đầu trước, nhưng bà không được nói về Pháp Luân Công.”

Bà Mã nói: “Chỉ vì tôi nói với mọi người về Pháp Luân Công mà bị đối xử như tội phạm. Giờ ông lại không cho tôi nói về Pháp Luân Công. Để bảo vệ mình, tôi phải nói về Pháp Luân Công. Trong Điều 35 của Bộ luật Hình sự quy định rằng trong một phiên tòa, quyền của bị cáo là biện hộ. Bị cáo có quyền biện hộ cho chính mình. Khi ông không để tôi nói về Pháp Luân Công là ông đang vi phạm Hiến pháp.”

Thẩm phán nói: “Được thôi, bà sẽ được phép nói đôi điều, nhưng phải thật đơn giản thôi.”

Bà Mã nói: “Tôi từng có nhiều bệnh tật. Ví dụ tôi mắc bệnh tăng sản xương ở khớp gối, tôi không thể gập chân lại, vì thế tôi không đi lại được. Chi phí thuốc thang đã hơn 30.000 tệ mỗi tháng. Khi tôi nghe mọi người nói Pháp Luân Công giúp họ khỏe mạnh, tôi đã thử. Chỉ hai tuần sau khi tôi bắt đầu luyện tập, mọi bệnh tật của tôi đã biến mất.”

Bà vừa nói đến đây, thẩm phán đã ngắt lời không cho bà nói tiếp. Bà Mã hỏi: “Thế nếu tôi nói về luật thì sao?” Thẩm phán đã đồng ý.

Bà Mã nói: “Điều 36 trong Hiến pháp quy định rằng một công dân bình thường có quyền tự do tín ngưỡng. Không một cơ quan chính phủ, tổ chức xã hội hay cá nhân nào có thể ép buộc một công dân tin vào bất kỳ tôn giáo nào. Cũng như họ không được kỳ thị với một công dân vì tin vào một tôn giáo nào. Do vậy, đức tin của tôi vào Pháp Luân Công là được Hiến pháp bảo vệ.”

“Điều đó cũng được nêu trong Điều 35 rằng một công dân có quyền tự do ngôn luận, quyền được hội họp, được công bố thông tin, được thành lập các nhóm, và được diễu hành và biểu tình. Quyền làm tài liệu, tờ rơi, và sách của tôi cũng được Hiến pháp bảo vệ.”

Thẩm phám lại đập tay xuống bàn. Ông lại ngắt lời bà Mã và tuyên bố kết thúc phần biện hộ.

Thẩm phán quay sang luật sư do tòa chỉ định. Luật sư gợi ý kết án bà Mã từ một năm rưỡi tới hai năm rưỡi. Thẩm phán đã tuyên án bà Mã hai năm tù.

Sau khi tuyên án, thẩm phán đã ép bà Mã phải ký biên bản. Bà nói: “tôi sẽ không thừa nhận quyết định của tòa án này. Luật Hình sự Trung Quốc đã quy định rõ bốn yếu tố cấu thành một tội. Yếu tố buộc tội không phù hợp, tôi không phạm tội nào cả. Ông đang cố ép tôi phải ký biên bản.”

Khi bà vừa cầm ví và rời đi, cảnh sát đã tóm lấy bà. Họ đưa bà tới bệnh viện huyện để kiểm tra sức khỏe. Kết quả cho thấy huyết áp của bà rất cao và bà bị sỏi mật.

Sau đó, bà bị đưa tới một trại tạm giam. Khi họ xem kết quả kiểm tra y tế, nhân viên trại tạm giam đã từ chối nhận bà. Họ cũng nói là họ cảm thấy lo ngại về tuổi tác của bà.

Bà Mã đã có thể trở về nhà.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/3/10/362719.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/3/17/169077.html

Đăng ngày 21-3-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share