Bài viết của Thanh Hà, một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-12-2017] Các thành viên trong gia đình tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 7 năm 1996 và được hưởng nhiều lợi ích từ tu luyện. Chứng kiến những thay đổi tích cực từ người thân, tôi cũng bắt đầu tu luyện vào năm tôi 22 tuổi.

Đại Pháp dạy những điều tốt đẹp

Là giáo viên mầm non của một trung tâm giữ trẻ, tôi thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhỏ mỗi ngày và công việc này yêu cầu tôi phải luôn nhẫn nại. Tôi luôn khắc sâu các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp trong tâm mình và đối xử tốt với trẻ nhỏ. Tôi trông nom các bé, quan tâm chu đáo đến nhu cầu của các em và giúp các em làm quen với môi trường mới.

Sau đó, tôi dạy các em cần có một tấm lòng nhân ái và khi làm mọi việc nên suy nghĩ cho người khác trước. Chứng kiến những điều này, cha mẹ các em dần dần tôn trọng và tín nhiệm tôi.

Khi có phụ huynh cố gắng tặng quà để cảm ơn tôi, tôi đã lịch sự nói với họ rằng tôi không nhận quà. (Ở Trung Quốc, việc tặng quà cho giáo viên là một việc bình thường nhưng mục đích thường là để con cái họ được quan tâm hơn.) Cô ấy đã rất tò mò và hỏi tôi tại sao tôi lại có hành xử khác biệt với các giáo viên khác như vậy. Tôi đã nói với cô ấy rằng tôi luôn giữ thiện tâm với tất cả mọi người bởi vì tôi là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Cô ấy rất ngạc nhiên bởi vì cô đã nghe rất nhiều điều tiêu cực về Pháp Luân Công trên các phương tiện truyền thông của nhà nước.

Tôi đã giải thích với cô ấy rằng Pháp Luân Đại Pháp dạy mọi người tuân theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn và những điều cô ấy thấy trên truyền hình là được ngụy tạo để vu khống Pháp Luân Đại Pháp và làm cái cớ hợp lý cho cuộc đàn áp môn tập này. Tôi còn nói thêm rằng Pháp Luân Công hiện đang được đón nhận trên khắp thế giới và duy chỉ có Trung Quốc nơi đây mới cấm Pháp Luân Công.

Không làm theo mệnh lệnh của những người bức hại

Trong vài năm đầu sau khi Pháp Luân Đại Pháp bị cấm ở Trung Quốc, tôi đã bị đưa đến một trung tâm tẩy não vì không chịu từ bỏ tu luyện. Sau khi được thả, Phòng 610 đã gây áp lực lên người quản lý của tôi để buộc tôi rời khỏi cương vị giảng dạy và chuyển sang làm tạp vụ.

Một ngày, thầy hiệu trưởng thông báo với tôi rằng tôi sẽ được bổ nhiệm lại vị trí giảng dạy của mình. Sau đó, tôi được biết rằng các bậc phụ huynh đã cùng viết một lá thư gửi hiệu trưởng yêu cầu tôi quay trở lại lớp học bởi vì con cái họ đều rất nhớ tôi. Thầy hiệu trưởng đã rất cảm động trước sự việc này và ông quyết định khôi phục lại vị trí giảng dạy cho tôi.

Trước khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999, nhiều lần tôi được trao tặng danh hiệu “giáo viên xuất sắc“. Tuy nhiên, sau khi cuộc bức hại bắt đầu, tôi không còn được nhận danh hiệu này nữa.

Mặc dù tên của tôi không nằm trong danh sách đề cử nhưng các đồng nghiệp đều viết tên tôi trong những phiếu bầu của họ. Họ nói với tôi rằng chỉ có tôi mới đủ tiêu chuẩn đạt danh hiệu đó. Những người quản lý không hài lòng về điều này bởi vì cuộc đàn áp vẫn rất nghiêm trọng và họ sợ bị liên lụy.

Tuy nhiên, không điều gì có thể khiến tâm tôi dao động vào đức tin của mình và tôi tiếp tục chứng thực những điều tốt đẹp của một người tu luyện. Bởi vậy, hiệu trưởng đã nói với tôi: “Cấp quản lý bên trên sẽ không trao cho chị danh hiệu giáo viên xuất sắc và tôi cũng không thể làm gì khác được. Nhưng ở ngôi trường này của chúng ta thì tôi là người quyết định. Hàng năm, tôi đều sẽ xếp chị là giáo viên xuất sắc!”

Một vài năm sau, hiệu trưởng mới của trung tâm giữ trẻ đã yêu cầu chính thức trao tặng tôi danh hiệu giáo viên xuất sắc. Lãnh đạo cấp trên đã nói: “Nhưng cô ấy tu luyện Pháp Luân Công!”

Hiệu trưởng mới của chúng tôi đã đáp lại: “Vậy thì có vấn đề gì chứ? Tôi chỉ nhìn vào kết quả công tác xuất sắc của cô ấy thôi.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/12/28/358323.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/2/6/167840.html

Đăng ngày 12-3-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share