Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-1-2018] Học viên Pháp Luân Công Vương Quế Linh đã qua đời vào ngày 10 tháng 11 năm 2017, chỉ vài giờ sau phiên xét xử của cô tại Tòa án quận Bát Ngư Khuyên, thành phố Dinh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh. Cô đã bị xét xử phi pháp vì đức tin của mình trong một phiên tòa bí mật.

Cô Vương, cựu y tá 46 tuổi ở tỉnh Hắc Long Giang, đã bị bắt cùng một học viên khác vào đêm ngày 19 tháng 5 năm 2017.

d11d9949c20f2c970a79f36729cfbeba.jpg

Cô Vương Quế Linh

Sau khi thông tin về cái chết của cô lan ra, tòa án đã ra lệnh cho từng nhân viên viết bản tuyên bố cam kết sẽ không nói với ai về cái chết của cô Vương hoặc bàn luận về nó. Nhà của cô Vương ở huyện Lâm Khẩu bị theo dõi, và cảnh sát thẩm vấn từng người đến thăm nhà cô.

Nguyên nhân chính xác cái chết của cô Vương, người từng làm việc tại Bệnh viện Lâm nghiệp huyện Lâm Khẩu, chưa được công bố.

Bị bắt giữ

Tối ngày 19 tháng 5 năm 2017, cô Vương Quế Linh và cô Vương Bình Quảng đã bị các cảnh sát tuần tra ở Đồn Cảnh sát Hồng Kỳ bắt giữ tại một giao lộ.

Vào 10 giờ sáng ngày 10 tháng 11, hai học viên bị đưa ra xét xử mà không có đại diện pháp lý, gia đình họ cũng không được thông báo. Khi một số thành viên gia đình của các cô biết đến phiên xét xử, họ đã đến tòa án nhưng đã không được cho vào.

Sau khi phiên tòa kết thúc khoảng một giờ, các thành viên gia đình đã có thể nói chuyện với các bị cáo, cô Vương Quế Linh thậm chí còn mỉm cười và chào đón họ.

Tuy nhiên, vào ngày hôm sau cô Vương được cho là đã chết. Sau đó, gia đình cô đã trông thấy một tài liệu từ người làm dịch vụ tang lễ, trong đó chỉ ra rằng thi thể cô Vương đã được mang đi vào lúc 1 giờ chiều.

Các vụ bắt giữ trước đây

Vụ bắt giữ năm 2017 không phải là lần đầu đối với cô Vương. Trong 18 năm qua, cô đã bị bắt nhiều lần và hai lần bị đưa đến trại lao động cưỡng bức, một lần là trong hai năm và lần còn lại là trong bốn năm chỉ vì cô đã kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Lần bắt giữ năm 2006

Vào ngày 13 tháng 4 năm 2006, trong lúc cô Vương đang ở nơi làm việc thì bị hai sỹ quan Vương Thanh Hòa và Vương Thuần Minh từ sở cảnh sát và đồn cảnh sát bắt giữ. Họ cùng với đồng nghiệp là Giả Khởi Kiệt đánh và làm nhục cô trong suốt ba giờ.

Vương Thuần Minh túm lấy tóc cô và ghì chặt cô xuống đất sau đó y đã đá vào đầu vào mặt cô. Tóc của cô bị rụng và khuôn mặt cô sưng lên.

Sau đó, ba sỹ quan kéo cô lên rồi lần lượt đánh và tát cô. Họ nhìn qua danh bạ điện thoại của cô nhằm tìm ra bằng chứng để luận tội cô.

Sau lần tra tấn này, cô Vương bị đưa vào trại lao động cưỡng bức trong thời gian hai năm.

Lần bắt giữ năm 2013

Khi được phóng thích sau bốn năm tù giam vào tháng 8 năm 2016, cô Vương đã viết một bản tường thuật cá nhân về vụ việc bắt giữ năm 2013 của mình:

Vào ngày 11 tháng 3 năm 2013, đồn phó Mã Thanh Nguyên và các sỹ quan từ Đồn Cảnh sát Lâm Khẩu đã đột nhập vào nhà tôi và tịch thu ba cuốn sách Pháp Luân Công. Họ đã báo cáo tôi với chỉ huy của họ, Tôn Trung Dân.

Khoảng 10 phút sau, họ Tôn cùng với một nữ sỹ quan cảnh sát xuất hiện trước cửa nhà tôi, nữ sỹ quan này yêu cầu tôi mở cửa.

Khi không thấy ai trả lời, họ Tôn quát lớn tên tôi.

Họ đã bỏ đi sau 10 phút, nhưng một nam sỹ quan cắm chốt ở cửa nhà hàng xóm để giám sát tôi. Viên sỹ quan này đã ở đó cho đến khi trời tối thì rời đi để ăn tối.

Rồi tôi thấy anh ta quay trở lại, đứng ngay ở cửa nhà hàng xóm để theo dõi nhà tôi. Cuối cùng, anh ấy cũng rời đi và tôi đã trốn thoát được vào khoảng nửa đêm.

Ngày hôm sau, tôi gọi điện cho giám đốc Bệnh viện Cao Phong để thông báo với ông ấy rằng tôi sẽ nghỉ phép.

Ông Cao nói ông ấy có thể đảm bảo rằng tôi sẽ được an toàn và yêu cầu tôi đến bệnh viện.

Sáng ngày 14 tháng 3 tôi trở lại làm việc, ông ấy đưa tôi đến văn phòng và nói: “Vì cảnh sát tìm thấy các sách Pháp Luân Công trong nhà của chị, họ muốn tìm hiểu sự tình của chị. Tôi sẽ hộ tống chị đến đồn cảnh sát. Chị sẽ yên ổn và chúng ta sẽ về ngay thôi.”

Ông ta nói tôi cởi bộ đồng phục đang mặc, nhưng tôi từ chối, nói rằng: “Vì tôi sẽ quay về ngay, nên không cần phải thay đồng phục làm gì cả.”

Ông Cao đã nói dối tôi và tôi đã bị bắt.

Chiều hôm đó, cảnh sát trưởng và một số sỹ quan cảnh sát khác đã lục soát nhà tôi và lấy đi một máy in, một đầu DVD, một điện thoại di động, một máy ghim, một dao khắc, và hơn 100 đĩa DVD Thần Vận, các sách Pháp Luân Công, hơn 200 cuốn Tuần báo Minh Huệ, hơn 100 tờ tiền một Nhân dân tệ với các thông tin Pháp Luân Công được viết lên đó, một tấm ảnh của Sư phụ Lý Hồng Chí, và các tài liệu thông tin Pháp Luân Công.

Tối hôm đó, tôi bị giam tại Trại tạm giam huyện Lâm Khẩu và tôi nghe được rằng những ai đã tham gia vào việc bắt giữ tôi đều được thưởng.

Phiên xét xử của tôi được ấn định vào một ngày thứ Sáu của tháng 6, nhưng tôi bị đưa tới tòa vào thứ Hai.

Khi tôi tới phòng xử án, tôi không nhìn thấy bất kỳ người nhà hay người bạn nào, mà chỉ có nhân viên viện kiểm sát và nhân viên tòa án, cùng đồn phó đồn cảnh sát trong bộ thường phục.

Tôi hỏi các viên chức tòa án: “Tại sao người nhà tôi không tới?”

“Tôi không chắc là tại sao – họ đáng ra nên được thông báo”, một người trả lời.

Các nhà chức trách sợ rằng các học viên Pháp Luân Công khác, gia đình tôi, và các luật sư sẽ có mặt nên đã bí mật tổ chức phiên xét xử sớm hơn.

Họ đã không thông báo cho gia đình tôi, và nói dối họ, nói với họ rằng phiên xét xử sẽ được tổ chức vào ngày 2 tháng 7. Tôi bị kết án tù.

Tôi đã kháng cáo, nhưng bản án vẫn được giữ nguyên.

Ngày 9 tháng 10 năm 2013, tôi bị đưa đến Nhà tù Nữ Hắc Long Giang. Trong lúc tôi ở tù, đơn vị công tác của tôi đã sa thải tôi.

Tháng 5 năm 2016, giám đốc sở cảnh sát, ông Tôn, nghe thấy rằng tôi có thể được thả sớm hơn đã tới nhà tù để thẩm vấn tôi.

“Theo luật pháp, cô có thể bị kết án ba đến bảy năm. Thời gian ba năm là quá ngắn và bảy năm thì lại quá dài, do vậy cô đã bị kết án bốn năm.”

Tôi nói với ông ta rằng: “Ông vẫn chưa trả lại thẻ căn cước mà ông đã lấy của tôi vào ngày 20 tháng 7 năm 1999. Ông phải trả lại nó cho tôi.”

“Tôi sẽ trả lại cho cô khi cô về nhà!” Ông ta giận dữ nói. “Khi cô về nhà, tôi sẽ giúp cô có trợ cấp phúc lợi xã hội và cũng giúp cô đi làm trở lại. Tôi sẽ nói chuyện với cô về việc đó sau khi cô về nhà.”

Khi tôi được phóng thích khỏi hắc lao vào ngày 15 tháng 6 năm 2016, nhà tù đã yêu cầu một người từ Phòng 610 thực hiện việc chuyển giao. Ông Tôn đã tới.

Trên đường về nhà, gia đình tôi nêu ra vấn đề thẻ căn cước của tôi nhưng ông Tôn gạt đi và nói: “Việc đó phải được trao đổi với giám đốc sở cảnh sát mới được.”

Khi gia đình tôi hỏi về trợ cấp phúc lợi xã hội, ông ta nói: “Chúng tôi còn phải xem xem thái độ của cô ấy thế nào đã.”

Sau khi được trả tự do, gia đình cô Vương đã rất nhiều lần yêu cầu cảnh sát trả thẻ căn cước cho cô nhưng phía cảnh sát từ chối trả lại, đồng thời cũng không trợ giúp cô trong việc xin trợ cấp phúc lợi xã hội. Vì vậy cô Vương phải làm những công việc vặt để trang trải cuộc sống và sau đó cô tới thành phố Dinh Khẩu.

Các bài viết liên quan:

Phòng 610 gây khó khăn cho luật sư của cô Vương Quế Lâm khi muốn gặp cô (Bản tiếng Anh)

Cuộc sống khó khăn của cựu y tá Hắc Long Giang sau khi được trả tự do (Bản tiếng Anh)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/1/18/359745.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/1/22/167677.html

Đăng ngày: 4-2-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share