Bài viết của Thanh Vũ

[MINH HUỆ 20-5-2017] Một số học viên chúng tôi đang học cuốn kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội Canada [2006]”, trong đó có đoạn Pháp Sư phụ giảng:

“Lần trước tại Pháp hội Miền Tây [Mỹ quốc] chẳng phải tôi đã bàn về việc trong các đệ tử Đại Pháp có khá nhiều người [cứ] sợ người khác nói [phê bình], không thể nói được [họ] nữa, hễ nói liền giẫy nẩy lên, liền không hài lòng, liền phát sinh xung đột với người ta; [chỉ] thích nghe những gì dễ nghe. Chư vị chẳng phải là muốn đi con đường bình thản ư? Mang theo cái bao to tướng của chư vị lên trời sao?”

Đọc đoạn Pháp này, tôi có cảm giác như thể Sư phụ đang nói về chính mình vậy, tôi liền đỏ bừng mặt, hổ thẹn: “Đây chính xác là tình huống của bản thân mình.”

Bởi vậy, tôi bắt đầu tìm thiếu sót của bản thân. Mấy hôm sau, một học viên đến gặp tôi, chúng tôi đã thảo luận về một sự việc gần đây. Tôi thấy bất bình khi những người khác không hiểu cho tôi. Một học viên khác nói tôi không thực sự hướng nội, cũng không hiểu thế nào là tu luyện. Tôi thấy như thế thật quá đáng và trong tâm càng bất bình khi nghĩ: “Hàng ngày, bản thân vẫn luôn vì người khác mà phó xuất, còn một mình gánh vác trách nhiệm duy hộ một điểm sản xuất tài liệu giảng chân tướng. Tại sao mọi người còn nói mình như vậy được?” Nhưng cuối cùng, tôi cũng bình tâm lại và trong lúc học kinh văn của Sư phụ, tôi đã đọc được đoạn Pháp này:

“Tu luyện là ở vị trí số một; tôi vừa giảng rồi, chư vị nếu không thể ức chế được nó, [không] tự tìm bên trong, gặp mâu thuẫn [không] tự xét mình, chư vị không cải chính và vứt bỏ cái tâm con người, [thì] chư vị sẽ không có bộ phận tu xong kia thành Thần, chư vị chưa được tính là đã tu luyện; vậy nên chư vị phải không ngừng đưa bộ phận chưa tu luyện xong kia của chính mình tu thành Thần, tu tốt, và nghiêm khắc yêu cầu bản thân mình; đó mới là tu luyện; nếu không thì tu luyện làm gì?” (Giảng Pháp tại Pháp hội thủ đô Mỹ quốc [2006])

Tôi đã minh bạch được rằng mục đích của việc hướng nội là để loại bỏ các quan niệm của con người, và tu luyện tốt bản thân luôn là ở vị trí số một. Chúng ta không thể coi nhẹ việc tu luyện chính mình và khiến bản thân bị sa lầy vào các công việc trong quá trình thực hiện. Sứ mệnh của chúng ta, các đệ tử tu luyện thời kỳ Chính Pháp, chính là trợ Sư chính Pháp và đồng thời cải biến chính mình và loại bỏ các loại quan niệm của bản thân mà người khác chỉ ra cho chúng ta trong quá trình chứng thực Pháp.

Việc hướng nội giúp cho chính bản thân chúng ta chứ không phải cho người khác. Tôi cần phải hướng nội bất cứ khi nào nảy sinh mâu thuẫn. Với suy nghĩ này cùng sự điểm hóa của Sư phụ, tôi đã học cách hướng nội.

Một ngày kia, một kỹ thuật viên đến giao lại chiếc máy in mà tôi yêu cầu anh ta sửa. Anh kiểm tra máy ngay trước mặt tôi để thấy rằng nó đã được sửa rồi. Anh cũng in thử mấy trang, chẳng có vấn đề gì. Tuy nhiên, sau khi anh ấy rời đi, vừa in được tám trang thì máy in lại trục trặc. Niệm đầu đầu tiên mà tôi nghĩ đến là: “Anh ta tệ thật! Anh ta chưa sửa nó tử tế mà đã giao lại cho tôi và lừa tôi.”

Ngay khi niệm đầu này vừa xuất ra, tôi lập tức ý thức được nó và tự trách bản thân mình đã nghĩ xấu về người khác. Tôi là người tu luyện nên không thể nhìn nhận mọi việc bằng quan niệm của con người. Tôi cần phải hướng nội. Tôi ngẫm lại tư tưởng của bản thân lúc chiếc máy in được trả lại – chính là tôi đã nghi ngờ người kỹ thuật viên này. Tôi đã không tin rằng nó đã được sửa. Tôi cũng không tin cái máy in này là Pháp khí của mình. Gần đây, khi máy in không hoạt động ổn định, đáng lẽ tôi cần phải hướng nội ngay để tìm vấn đề ở chính bản thân mình. Nhưng tôi lại dùng quan niệm người thường khi cho rằng đó là vấn đề về chuyên môn kỹ thuật và chính quan niệm người thường đó đang cản trở tôi. Tôi cũng đã chia sẻ với các học viên khác và tôi đã không hình thành được một chỉnh thể với chiếc máy in của mình. Ít nhất thì tôi đã không tín Sư tín Pháp trong vấn đề này và không coi bản thân là người đang trên con đường tu luyện trở thành Thần. Khi đào sâu hơn nữa, tôi nhận thấy rằng bản thân tôi đã thiếu niềm tin trong toàn bộ sự việc này.

Sau khi phát hiện ra các chấp trước này, tôi đã nói với chiếc máy in: “Tôi xin lỗi, đó là lỗi của tôi. Đáng lẽ tôi phải tin tưởng bạn. Chúng ta đều là những đệ tử thời kỳ Chính Pháp, làm sao tôi có thể nhìn nhận bạn như vậy chứ?” Khi ý niệm chân thành này xuất ra, chiếc máy in lập tức hoạt động trở lại.

Tôi vẫn luôn ôm giữ cảm xúc mạnh về con gái mình. Tôi đã nhận ra điều này và đã ức chế chúng, tuy nhiên quan niệm người thường này nói với tôi rằng tôi đã sinh ra nó, đã nuôi dưỡng nó trưởng thành, điều đó không phải là dễ dàng. Hiện giờ, nó lại không ở gần tôi, bởi vậy, có chấp trước vào con gái cũng là lẽ tự nhiên. Vứt bỏ cảm xúc với con cái đâu phải việc dễ. Tôi cũng đã buông bỏ rất nhiều nhưng không đặt tiêu chuẩn cao hơn cho bản thân.

Chồng cũ của tôi và gia đình anh thường không muốn để con gái đến nhà tôi. Ông nội của cháu lo cháu sẽ cùng tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, bởi vậy ông luôn tìm mọi cách để tách cháu khỏi tôi. Trong một thời gian dài, tôi không biết phải làm gì. Một hôm, một đồng tu đã tới và nói rằng: “Về chấp trước của chị đối với con gái, vấn đề căn bản nhất chính là chị sợ rằng con gái sẽ quên chị. Chị nghĩ rằng chị đã làm quá nhiều cho con gái. Đừng quên rằng cháu cũng là một người tu luyện. Nếu cháu lúc nào cũng nghĩ về chị, thì làm sao cháu có thể loại bỏ những cảm xúc đó đi? Cháu cũng cần tu luyện chính mình!”

Tôi hiểu rằng Sư phụ đã điểm hóa cho tôi thông qua đồng tu này vì Ngài thấy rằng tôi không tự vượt qua sai lầm này được. Tôi đã giật mình tỉnh ngộ và hiểu mình cần phải đề cao tâm tính. Làm sao tôi có thể đổ lỗi cho người khác? Đâu là gốc rễ trong chấp trước của tôi đối với con gái mình? Tôi phát hiện ra rằng tôi đã không tu luyện bản thân theo yêu cầu của Đại Pháp. Hàng ngày, tôi đều đọc các sách Đại Pháp và biết các Pháp lý, nhưng tôi không đo lường bản thân mình theo tiêu chuẩn của Pháp khi mâu thuẫn nảy sinh. Tôi đang truy cầu “sự công bằng” trong cuộc sống người thường. Tôi nghĩ rằng tôi cần phải được báo đáp khi làm gì cho người khác, nếu không thì hẳn là tôi đã lãng phí nỗ lực của mình. Và ẩn sâu trong đó, tôi cũng phát hiện ra tâm tranh đấu với người khác và ôm giữ những niệm đầu bất hảo rằng: “Họ sẽ gặp quả báo vì đã đối xử với tôi và con gái tôi như vậy.” Lúc đó, tôi thấy mình không xứng làm đệ tử của Sư phụ, bởi vì tôi vẫn che giấu những quan niệm xấu xa của con người sau gần mười năm tu luyện.

Từ đó trở đi, mỗi lần phát chính niệm, tôi đều thêm vào niệm đầu loại bỏ những quan niệm và cảm xúc đã có. Tôi cũng xuất một niệm: “Thời gian rất eo hẹp, con gái tôi cần phải quay trở lại với tôi để chúng tôi có thể cùng nhau học Pháp, cùng nhau tinh tấn.” Tôi cũng đã thanh trừ tâm phàn nàn và những suy nghĩ bất hảo đối với chồng cũ và gia đình anh. Khi tôi thực sự buông bỏ chấp trước, hàng ngày con gái tôi đều đến chỗ tôi, như thể mọi việc chưa từng xảy ra. Tôi tự nhủ mình không bao giờ được chấp trước vào tình với con gái nữa, bởi vì tôi không thể trì hoãn việc phản bổn quy chân của một tiểu để tử chỉ vì tôi không tu luyện tốt. Đó là tội lớn!

Em trai tôi cũng là học viên, và cậu ấy muốn tìm một học viên để cưới làm vợ. Chúng tôi đã cố gắng giúp cậu ấy hiểu vấn đề từ Pháp lý với hy vọng rằng cậu ấy sẽ kiên định đi theo con đường mà Sư phụ đã an bài và để mọi việc tùy kỳ tự nhiên. Nhưng kết quả rất không tốt. Cuối cùng, cậu ấy cảm thấy tuyệt vọng, chỉ muốn từ bỏ nỗ lực cải biến trong tu luyện và chờ Sư phụ loại bỏ chấp trước cho mình khi đến Pháp chính nhân gian.

Tôi cảm nhận được những khó khăn mà Sư phụ gặp phải khi cứu độ chúng sinh. Sư phụ đã loại bỏ tất cả nghiệp lực mà em trai tôi gây ra trong lịch sử, nhưng chỉ một chấp trước cũng đủ để làm suy yếu quyết tâm quay trở về của cậu ấy. Tôi đau lòng nhưng không bao giờ bỏ rơi cậu ấy.

Một lần, tôi thấy bài chia sẻ của một học viên: “Khi ba người chúng tôi muốn theo Sư phụ xuống thế gian con người. Sư phụ đã nói: ‘Thế gian con người xấu xa, hiểm ác. Nếu ai trong các con bị mê lạc, hãy nhớ thức tỉnh người đó. Hãy nhớ như vậy.’“ Tôi đã bật khóc khi đọc câu chuyện này.

Khi nhớ lại tình thế khó khăn của em trai, tôi đã cố gắng tìm hiểu xem liệu chúng tôi cũng có những nhân tâm nào ngăn cản cậu buông bỏ chấp trước hay không. Cuối cùng, tôi đã nhận ra rằng gia đình tôi cũng vì cậu ấy mà tăng trưởng chấp trước vào tình và mẹ tôi (một học viên) cũng lo lắng cho cậu. Tôi nghĩ: “Cậu ấy kết hôn khi đến tuổi cũng là bình thường, tôi giúp cậu ấy cũng là lẽ tự nhiên.” Chẳng phải là chúng tôi đang cố gắng thay đổi con đường tu luyện của cậu ấy bằng quan niệm và đạo lý của người thường sao? Chúng tôi đã thật sư tin vào Sư phụ hay chưa? Tôi đã cố gắng giúp cậu ấy bất cứ khi nào tôi biết được tâm tư của cậu ấy, nhưng tôi quên rằng, Sư phụ từng giảng:

“Nói truy cầu cái này, truy cầu cái kia, chư vị càng truy cầu thì càng không có. Chư vị chỉ có vứt bỏ cái tâm này đi thì nó sẽ có, mọi người nhất định phải nhớ cái Lý này. Trong người thường chư vị nếu muốn đắc được điều gì, chư vị có thể đi truy cầu, chư vị có thể đi học, sau khi cố gắng sẽ có thể đắc được; nhưng với điều vượt qua người thường, thì chỉ có vứt bỏ thì mới có thể đắc được. Gọi là gì? Gọi là: ‘vô cầu nhi tự đắc’.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996])

Khi thực sự hiểu được Pháp lý này, tất cả chúng tôi đều buông bỏ chấp trước của mình. Tôi nghĩ: “Mối quan hệ anh chị em của chúng tôi cũng chỉ kéo dài trong cuộc đời này. Tôi không nên trì hoãn thời gian quý báu này vì cậu ấy đã lãng quên đại thệ nguyện của mình khi xuống thế gian này. Tôi tin rằng cậu ấy sẽ quay trở lại con đường chính bởi vì Sư phụ đang chăm sóc cậu ấy.”

Khi cậu ấy đến nhà tôi, tôi đã kể cho cậu ấy nghe câu chuyện về ba người học viên. Lúc đó, tâm tôi thuần tịnh, đầy từ bi, và tôi đã nói rằng: “Cậu không thể viên mãn nếu còn dù chỉ một chấp trước nào. Đừng cho rằng chính Pháp sẽ biến cậu thành thần. Nếu không tuân theo yêu cầu của Sư phụ và không làm ba việc, thì cậu không phải là đệ tử Đại Pháp thời kỳ chính Pháp. Nhiều người biết Đại Pháp tốt và nhiều người cũng đã đọc các sách Đại Pháp. Nhưng chỉ có hành xử theo tiêu chuẩn của Pháp thì chúng ta mới là đang chân chính thực tu. Chúng ta chỉ có thể là đệ tử của Sư phụ khi được Ngài thừa nhận; chứ không phải là chúng ta tuyên bố mình là đệ tử của Sư phụ thì sẽ là như vậy.”

Mấy hôm sau, em trai đã nói với tôi rằng: “Em đã vượt qua được rồi. Sư phụ đã loại bỏ quan niệm cho em vì em muốn bỏ nó. Trong một tuần vừa qua, em thậm chí còn đề cao nhanh hơn cả so với ba năm tu luyện trước đây và em cảm thấy Sư phụ đang gánh chịu nghiệp lực cho em. Mỗi ngày, em đã đọc ba bài giảng trong cuốn Chuyển Pháp Luân. Em thực sự hiểu ý định tốt của chị. Câu chuyện của chị đã khiến em xúc động và em cảm thấy hối hận vì đã để rớt xuống trong một thời gian lâu như vậy.”

Sau đó, tôi đã có một cơ hội khác để trao đổi với người học viên mà tôi đã đề cập đến trong phần đầu của bài chia sẻ này. Cô ấy đã nói: “Bây giờ, chị thực sự đã biết cách hướng nội rồi đó. Chúc mừng chị!”

Giờ đây, tôi đã thực sự được trải nghiệm những lợi ích của việc hướng nội. Bằng cách hướng nội, chúng ta sẽ phát hiện ra nhiều thiếu sót hơn nữa và thấy được khoảng cách của bản thân so với những yêu cầu của Sư phụ. Bởi vì thời gian rất eo hẹp, chúng ta phải nắm chắc từng ý niệm của bản thân và hướng nội. Chúng ta cần tu luyện tốt bản thân và cứu nhiều chúng sinh hơn nữa. Tôi đã khám phá được rằng khi tôi thực sự nhận ra những quan niệm của con người thì hoàn cảnh cũng lập tức chuyển biến theo hướng tốt hơn.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2008/5/20/178745.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/emh/articles/2008/5/31/97763.html

Đăng ngày 31-1-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share