[MINH HUỆ 29-9-2017] Các hoàng đế trong lịch sử Trung Quốc, tuyệt đại đa số đều đồng thời kính trọng hai tôn giáo Phật và Đạo, Tống Thái Tông – vị hoàng đế thứ 2 đời Tống là một trong số đó. Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa là em của Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận. Sau khi Triệu Khuông Dận mất, Triệu Quang Nghĩa lên ngôi, lịch sử gọi là Tống Thái Tông.

Tống Thái Tông tiếp tục sự nghiệp kính Đạo hưng Phật của Tống Thái tổ Triệu Khuông Dận, có những phương diện còn vượt Thái Tổ. Đối với Đạo giáo, ông không chỉ chú trọng giúp đỡ phát triển Đạo giáo, ông còn lễ ngộ các Đạo sỹ ẩn cư, ví dụ ông ban danh hiệu gia tăng sùng kính cho Đạo sỹ Trần Đoàn núi Hoa Sơn là “Hy Di tiên sinh”, tìm kiếm các kinh thư Đạo giáo bị thất lạc, đồng thời dốc sức xây dựng các cung quán, khiến cho Đạo giáo từng bị tàn phá bởi chiến tranh cuối đời Đường và thời Ngũ Đại được khôi phục.

Đối với Phật giáo, Tống Thái Tông ra sức hoằng dương hơn nữa. Năm đầu tiên lên ngôi, đã cạo đầu độ tăng ni hơn 170 nghìn người, trong suốt thời gian trị vì, đã xây dựng hàng loạt chùa Phật. Từ năm lên ngôi, ông thường xuyên phái nội thị đến Ngũ Đài Sơn thắp hương lễ Phật, đồng thời khảo sát tình hình. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 (năm 980), sứ thần triều đình Trương Đình Huấn phụng chỉ bắt đầu cùng với các tăng nhân lên kế hoạch trùng tu 10 ngôi chùa núi Ngũ Đài Sơn, 10 ngôi chùa ở Ngũ Đài Sơn gồm Chân Dung, Hoa Nghiêm, Thọ Ninh, Hưng Quốc, Trúc Lâm, Kim Các, Pháp Hoa, Bí Mật, Linh Cảnh, Đại Hiền chính là năm xưa phụng chỉ xây dựng, đồng thời đúc tượng đồng Văn Thù Bồ Tát, đặt trong chùa Chân Dung. Cũng trong năm đó, ông còn ban chiếu lệnh cho cao tăng Mậu Chân chùa Bạch Thủy núi Nga My xây dựng lại các chùa Tập Vân, Ngọa Vân, Quy Vân, Hắc Thủy, Bạch Thủy, và đúc tượng đồng Phổ Hiền Bồ Tát, tượng đồng cao 7,85 mét, nặng 62 tấn, trên đầu đội mũ vàng hai tầng, điêu khắc trang trí tinh xảo, đặt thờ cúng ở chùa Bạch Thủy, chính là chùa Vạn Niên ngày nay.

Ngôi chùa Phật mà Tống Thái Tông quan tâm nhất, chính là Khải Thánh Thiền Viện. Khải Thánh Thiền Viện bắt đầu xây dựng vào năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5, tọa lạc ở di chỉ nơi sinh ra Thái Tông, năm Ung Hy thứ 2 (năm 985) hoàn thành xây dựng. Theo “Thái Tông thực lục”, ngôi chùa này dùng hết số tiền khổng lồ mấy chục triệu, số lượng điện đài gồm hơn 900 tòa, tất cả đều lợp bằng ngói lưu ly. Đầu tiên là bình định Giang Nam đắc được tượng Phật Thích Ca bằng gỗ đàn hương và chân thân của hòa thượng Bảo Chí, chuyển về chùa Khải Thánh, từ đó ngôi chùa trở thành nơi Thái Tông và các hoàng đế đời Bắc Tống sau này đến lễ Phật, nhiều lần được xây dựng mở rộng. Theo “Tham Thiên Đài Ngũ Đài Sơn ký” của Nhật Bản ghi chép, năm Thần Tông Hy Ninh thứ 5 (năm 1072), tăng nhân Nhật Bản Thành Tầm (Jojin) đến Tống cầu Pháp, vào chùa lễ bái, nhìn thấy Đại Phật Điện, ở giữa là Phật Di Lặc cao 16 thước, hai bên là 2 Phật A Di Đà, hàng nghìn vạn ức Phật Thích Ca, trang nghiêm mỹ diệu, Lư Xã Na Đại Điện, Đông Đại Điện, Tây Đại Điện, Tàng Kim Tự Nhất Thiết Kinh, trang nghiêm không thể tưởng tượng nổi, Tứ Châu Đại Sư Đường, Nội Thập Nhất Gian Điện, trong Phật Nha Đường có 7 bảo tháp, cao khoảng 8 thước, trong tháp có lầu các bằng vàng ròng.

Linh Cảm Tháp chùa Khai Bảo là Phật Tháp mà Tống Thái Tông quan tâm nhất, thời gian và tiền, vàng bỏ ra còn lớn hơn nữa. Tháp này vào năm Đoan Củng thứ 2 (năm 989) khởi công, trải qua 8 năm mới hoàn thành. Thợ mộc bậc nhất đương thời là Dụ Hạo phụ trách toàn bộ công trình, chi phí hàng ức vạn. Tháp này hình bác giác, 13 tầng, cao 360 thước. Theo “Biện Kinh di tích chí” ghi chép, người đương thời nói “Công trình xây dựng hoành tráng, vàng ngọc sáng lấp lánh. Từ khi Phật Pháp truyền vào Trung Quốc, chưa từng có.” Thái Tông xây dựng tháp này, mục đích là để lưu giữ tháp xá lợi Phật A Dục Vương Hàng Châu mà Ngô Việt dâng hiến trước đó không lâu. Ngày tháp hoàn thành, Tống Thái Tông đi kiệu vi hành, đích thân nâng tháp xá lợi Phật, đặt ở “Thiên Cung” trong tháp Linh Cảm, lúc đó các nhân sỹ, dân thường phủ Khai Phong nghe tin kéo đến vây kín xem. Theo “Phật Tổ thống ký” ghi chép, lúc đó mọi người đều nhìn thấy vầng hào quang trắng ở một góc tháp, cả tòa tháp lớn tỏa sáng, soi sáng khắp thiên địa. Thân sỹ, dân thường thắp hương dâng cúng chật kín đường. Chiếc tháp nhỏ này chính là tháp xá lợi Phật do đích thân Tống Thái Tông nâng, mà tháp lớn chính là tháp Linh Cảm, Thần tích Phật Pháp của hai chiếc tháp chiếu sáng lẫn nhau hiển hiện, khiến người đương thời càng thành kính tín Phật, đây cũng chính là lòng thành kính của Tống Thái Tông dẫn dắt dân chúng triều đình Bắc Tống năm xưa kính Phật tạo thành. Tống Thái Tông đích thân hai tay nâng tháp xá lợi Phật, cảm nhận Thần tích này, cảm động khôn nguôi, nói với cận thần xung quanh “Trẫm đời xưa đã gần tòa Phật, nhưng chưa thông túc mệnh”. Tống Thái Tông đích thân nói với các cận thần bản thân ông đời trước là đệ tử của Phật, chỉ là đời này chưa có công năng túc mệnh thông mà thôi, điều này có lẽ là ở trong trường năng lượng của xá lợi Phật khiến ông cảm nhận biết được đời trước ông là tăng nhân.

Ngoài ra, việc sửa chữa chùa tháp Tăng Già đại sư ở Tứ Châu cũng là hành động tôn kính Phật của Tống Thái Tông. Đối với vị quốc sư triều Đường tương truyền là hóa thân của Bồ Tát Quán Âm, việc thờ cúng Tăng Già đại sư thời Ngũ Đại và thời Tống lưu hành rất rộng rãi. Đương thời, trong thiên hạ hễ cứ làm chùa chiền thì đều phải dựng tượng Tăng Già, treo bảng viết: “Đại Thánh Tăng Già hòa thượng”. Bắt đầu từ năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 7 (năm 982), Tống Thái Tông nhiều lần phái nội thị cao cấp vào Tứ Châu xử lý việc xây tháp dựng chùa, một mặt xây dựng lại tháp, tăng lên đến 13 tầng, đồng thời ban tặng xá lợi Phật đặt ở trong tháp, mặt khác xây dựng mở rộng chùa. Trong toàn bộ thời gian triều Thái Tông, các chùa Phật các địa phương đều xây dựng, sửa chữa với các danh nghĩa khác nhau, Phật Pháp hưng thịnh.

Hơn nữa, Tống Thái Tông còn cực kỳ chú trọng phiên dịch kinh Phật, ông lập ra Dịch Kinh Viện, bắt đầu tiến hành kế hoạch phiên dịch các kinh điển Phật: thu thập kinh Phật chữ Phạn, phân biệt kinh giả để loại bỏ, tập hợp các chuyên gia dịch Kinh, đào tạo nhân tài dịch Kinh, cho đến khắc bản in kinh v.v.. Sau khi Tống Thái Tông lên ngôi, tiếp tục giao lưu qua lại với Tây Vực thời Thái Tổ, khuyến khích các nước Trung Á và Thiên Trúc (Ấn Độ), phái sứ tiết tăng lữ đến Tống, đồng thời hiệu triệu tăng đoàn 175 người đi Tây Vực thời Tống Thái Tổ, làm người dẫn đường, đưa các nhân sỹ Tây Vực vào Tống triều kiến. Đồng thời do Thái Tông thường đi chùa lễ Phật, công khai công nhận và ca tụng tín ngưỡng Phật giáo, khiến anh tiếng sùng bái Phật của ông truyền xa đến các cương vực khác. Bắt đầu từ năm thứ 2 khi ông lên ngôi (năm 977), sư tiết, tăng lữ Tây Vực và các tăng nhân Tống giao lưu qua lại tấp nập, hầu như không ngớt năm này qua năm khác, trải qua mấy chục năm, cho đến khi Thái Tông mất vẫn còn chưa dứt. Họ đem đến các Kinh điển chữ Phạn, xá lợi Phật, Kinh Phật viết trên lá bối v.v.., giúp cho việc phiên dịch kinh Phật và phổ cập Phật giáo. Trong đó sứ tiết và tăng lữ Nhật Bản và Cao Ly cũng vượt biển đến triều kiến, đưa văn hóa Trung Hoa của Đại Tống lúc đó trở về nước.

Đến năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5, Thái Tông đã có được rất nhiều kinh Phật chữ Phạn do Tây Vực cống tặng, hơn nữa ba vị tăng nhân đến từ Tây Vực là Thiên Tức Tai, Thi Hộ, Pháp Thiên đều biết tiếng Hán. Thái Tông cảm thấy cần thiết phải phiên dịch các kinh chữ Phạn, thế là triệu Trung sứ Trịnh Thủ Quân xây dựng Dịch Kinh Viện ở phía tây chùa Thái Bình Hưng Quốc, bên trong xây ba nhà, để phục vụ công tác dịch Kinh, hiệu chỉnh v.v.. Sau 2 năm (năm 982), Dịch Kinh Viện hoàn thành, Thiên Tức Tai, Thi Hộ, Pháp Thiên phụng mệnh chủ trì dịch kinh, Tống Thái Tông còn đích thân bổ nhiệm mười mấy tăng nhân học thức uyên bác, biết chữ Phạn đảm nhiệm các chức chứng Phạn, chứng Phạn văn, Phạn học thư tự, Phạn học bút thụ, xuyết văn, tham dịch, san định, trong một tháng, mỗi người dịch một quyển kinh dâng lên. “Đại trung tường phù pháp bảo lục” có chép, Thái Tông triệu người thẩm định các kinh văn mới dịch, có người không phục, cho rằng “việc dịch kinh đã bỏ từ lâu, truyền kinh phiên dịch sẽ gây nạn”, do đó có rất nhiều tranh luận. Thái Tông hạ chỉ, công khai biện luận, chờ nhóm tăng nhân Thiên Tức Tai “đem bản tiếng Phạn, đối chiếu dịch Phạn – Hoa, nghĩa lý rõ ràng”, mọi người mới phục. Tiếng Phạn, tiếng Hoa dịch đối chiếu lẫn nhau, ý nghĩa không sai lệch, có thể thấy chất lượng dịch kinh Phật lần này rất cao. Do đó Tống Thái Tông xem xét dịch lại các kinh các đời trước đã dịch. Ví dụ Pháp Thiên dịch lại kinh “Đại Thánh cát tường trì thế đà la ni” mà trước đây Đường Huyền Trang đã dịch, tức là dịch lại các kinh điển Phật. Những kinh điển Phật được dịch lại này, so với bản dịch trước, có thể thấy các bản dịch đời Tống đại thể được khẩu ngữ hóa, dễ đọc, thích hợp với lưu truyền rộng rãi. Số lượng kinh Phật phiên dịch, dịch lại và hiệu chỉnh lần này rất lớn, có cống hiến không nhỏ đối với việc truyền bá Phật giáo.

Tống Thái Tông nhiều lần làm thơ, viết văn ca ngợi Phật Pháp, những bài văn thơ này, được biên tập thành sách thời Tống Chân Tông, trong rất nhiều bài thơ, Thái Tông đã phát nguyện cầu Pháp, thệ nguyện để Phật Pháp truyền đến khắp nơi. Sách này lưu truyền trong thiên hạ, mọi người đều biết Thái Tông là người thành tâm kính Phật. “Thái Tông thực lục” giới thiệu rằng: Tống Thái Tông “Tôn giáo của Phật Thích Ca, tôn sùng trên hết. Các danh sơn đại xuyên, thắng tích linh thiêng, đền chùa tiên cảnh, đều đến, xây sửa, rất mực cung kính, lòng thành được mọi người đều biết”.

Tống Thái Tông kính ngưỡng Phật Pháp cũng đã ảnh hưởng đến con cháu đời sau, “Tống sử” có chép: trong 7 con gái của Thái Tông, công chúa thứ ba Bân Quốc Đại Trưởng công chúa xuất gia làm ni, công chúa thứ bảy Thân Quốc công chúa, vào năm hoàng huynh Chân Tông lên ngôi (năm 997), xin nguyện cạo đầu xuất gia. “Tống đại chiếu lệnh tập” có chép, Chân Tông hỏi công chúa sao không như các công chúa khác “Xây quán bên ngoài để mong duyên trời”, Thân Quốc công chúa đáp “đây là nguyện của tiên đế”, kiên quyết xin xuất gia, Chân Tông đành đồng ý thỉnh nguyện của công chúa.

Từ hành động kính Đạo hưng Phật của Tống Thái Tông, có thể nhìn thấy lòng thành kính của ông đối với Thần, thực ra không chỉ Tống Thái Tông là quân vương kính Thần, hoàng đế của Trung Quốc đều tín Thần kính Thần, rất nhiều, chỉ khác là Thần mà họ tín ngưỡng khác nhau mà thôi. Tín ngưỡng Thần Phật mới là dòng chảy chính của văn hóa Trung Quốc, những kẻ vô Thần, thời cổ đại cũng có, nhưng đều là kẻ lạc loài dị đoan rất cá biệt, văn hóa Trung Hoa là văn hóa tính ngưỡng Phật Đạo Thần. Hiện nay Đảng cộng sản đang thống trị Trung Quốc dựa vào thuyết vô Thần dựng nghiệp, cưỡng ép giáo dục thuyết vô Thần, bức hại tín ngưỡng, về bản chất là đi ngược với văn minh Trung Hoa, Trung Cộng chỉ có khả năng gây họa hại Trung Quốc. Trong xã hội lưu truyền “Không có Đảng cộng sản, mới có Trung Quốc mới”, quả thực là danh ngôn chí lý.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/9/29/354239.html

Đăng ngày 4-1-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share