Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Singapore

[MINH HUỆ 14-12-2017] Hội Giao lưu Tâm đắc Thể hội Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp năm 2017 tại Singapore đã được tổ chức vào ngày 10 tháng 12 vừa qua. Hai mươi học viên đã có bài chia sẻ về kinh nghiệm tu luyện của bản thân trong việc áp dụng nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày cũng như cách thức và quá trình giảng chân tướng về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc.

Tham gia Hội Giao lưu Tâm đắc còn có một số học viên đến từ Malaysia, Indonesia và Việt Nam. Ông Mạnh, một học viên bắt đầu tu luyện từ năm 2016 cho biết ông cảm thấy Pháp hội thực sự rất thiêng liêng. “Mọi người đều rất chân thành và thuần thiện. Các bài chia sẻ thực sự rất xúc động.”

Cô Hứa, một học viên đến từ Malaysia cho biết cô đã cảm động đến rớt nước mắt khi nghe những chia sẻ từ các học viên khác. Cô phát biểu: “Từ những chia sẻ của các học viên, tôi nhận thấy ở họ có một chính niệm mạnh mẽ và qua đó tôi cũng thấy được khoảng cách chênh lệch trong tu luyện của chính bản thân mình. Từ giờ trở đi tôi nghĩ rằng mình sẽ cần phải nỗ lực để làm tốt hơn nữa.”

3c4746469ee7b7b781f7b5b7ac8f3757.jpg

Một học viên chia sẻ kinh nghiệm tại Pháp hội

Câu chuyện của một chủ cửa hàng tiện ích

Ông bà Quách sở hữu một cửa hàng tiện ích. Ông Quách kể lại: “Tôi đã từng mắc các bệnh như đau đầu, thiếu máu, táo bón và đau lưng, chúng đã hành hạ tôi trong suốt 19 năm.” Ông đã thử trị bệnh theo các phương thức của Tây y lẫn Trung y nhưng bệnh tật đều không chuyển biến.

Tháng 4 năm 1996, ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và kể từ đó đều kiên trì luyện công mỗi ngày. Ông chia sẻ: “Trong vòng một năm, tất cả các bệnh tật của tôi đều không cánh mà bay. Trong suốt 20 năm qua, tôi không cần phải đi khám bác sỹ hay phải dùng bất kỳ một viên thuốc nào.”

Sau khi đã được trải nghiệm những lợi ích cả về thể chất và tinh thần thông qua tu luyện, hai vợ chồng ông đều có mong muốn giới thiệu môn tu luyện này tới nhiều người hơn nữa. Do vậy, ngoài việc mời các học viên khác tới nhà tham gia học Pháp nhóm, họ cũng lập hai điểm luyện công tập thể ở gần nhà và đã tình nguyện duy trì điểm học Pháp và luyện công trong hai mươi năm qua, dù ngày nắng hay mưa đều kiên trì chưa từng gián đoạn.

Qua việc thực hành nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn trong đời sống hàng ngày, hai vợ chồng họ đã vận hành cửa hàng tạp hóa của mình một cách rất chính trực. Ví như họ thường khuyên các bậc cha mẹ khi tới mua ở cửa hàng rằng không nên lãng phí tiền mua quá nhiều đồ chơi cho con trẻ. Ông Quách kể: “Công việc kinh doanh của chúng tôi rất thuận lợi. Khách hàng đều biết chúng tôi là các học viên Pháp Luân Công và họ rất tin tưởng chúng tôi. Trên thực tế thông qua chính những việc mà chúng tôi làm họ có thể hiểu được Pháp Luân Công là như thế nào.”

Có một số người mà ông bà Quách mới gặp lần đầu, do bị ảnh hưởng bởi chiến dịch tuyên truyền vu khống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nên họ có thái độ phản đối Pháp Luân Đại Pháp. Nhưng thay vì cảm thấy khó chịu hay bỏ cuộc, hai vợ chồng ông vẫn tiếp tục nói chuyện với họ bằng tâm thái từ bi. Bằng cách này, ông bà đã giúp một người phụ nữ thay đổi từ hiểu lầm sang ủng hộ Đại Pháp và một người đàn ông cao tuổi đã chuyển biến được nhận thức vô thần của mình. Còn những công nhân tạm trú người Trung Quốc thường hay ghé qua cửa hàng của ông cũng đã hiểu được chân tướng cuộc bức hại Đại Pháp và đa số họ đều đồng ý thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó.

Ông Quách cho biết: “Hiện vẫn còn rất nhiều người Trung Quốc bị lừa dối bởi tuyên truyền vu khống của ĐCSTQ. Chúng ta không có lý do gì để tự mãn mà vẫn cần liên tục nỗ lực để làm tốt hơn nữa.”

Các học viên mới

Khi ông Mạnh nhận được một tờ Thời báo Đại kỷ nguyên vào năm ngoái, ông không hề nghĩ rằng chính tờ báo đó lại có thể giúp thay đổi cuộc đời ông. Ông kể lại: “Trong một trang báo, có một bài viết thuật lại một sự kiện của Pháp Luân Đại Pháp. Do hiếu kỳ nên tôi đã tìm hiểu thêm trên Internet và sau đó tôi đã đọc cuốn Chuyển Pháp Luân trên mạng.”

Từ cuốn sách, ông đã lĩnh hội được những nhận thức mới về cuộc sống và nhận thấy rằng các bài tập thực sự đã cải biến sức khỏe của mình. Bệnh viêm khớp và viêm mũi dị ứng vốn làm ông khó chịu trong nhiều năm đã biến mất. Ông Mạnh cho biết: “Khi bạn bè chứng kiến những thay đổi tích cực ở bản thân tôi, tất cả họ đều thực sự rất kinh ngạc.”

Bản thân vợ ông Mạnh cũng nhận thấy rõ sự thay đổi ở chồng mình và sau đó cũng bước vào tu luyện. Hai vợ chồng ông đã cùng xem băng hình giảng Pháp của Sư phụ Lý Hồng Chí trong một khóa học 9 ngày và chăm chỉ luyện công mỗi ngày. Bà Mạnh chia sẻ: “Pháp Luân Đại Pháp chính là điều mà chúng tôi đang tìm kiếm. Chúng tôi rất hạnh phúc vì cuối cùng cũng tìm được điều mình cần.”

Bà Mạnh công tác trong một bệnh viện. Bà nói rằng bà thường xuyên phải làm việc trong một môi trường rất căng thẳng, không phải chịu áp lực từ phía lãnh đạo thì cũng là áp lực từ phía gia đình của bệnh nhân. Kết quả là, bà luôn cảm thấy lo lắng, chán nản và tức giận. Bà kể: “Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi dần minh bạch được rằng tất cả những việc xảy đến không phải là ngẫu nhiên và chúng là cơ hội để tôi có thể đề cao tâm tính và chuẩn mực đạo đức của mình. Bây giờ thì tôi có thể xử lý công việc của mình với một tâm thái rất hòa ái.”

Hóa giải mối quan hệ với mẹ chồng

Bà Tĩnh Loan năm nay 68 tuổi và bà đã sống cùng mẹ chồng trong suốt 35 năm qua. Ngay từ khi chân ướt chân ráo về làm dâu, mẹ chồng nàng dâu không ngừng mâu thuẫn với nhau và bà cảm thấy mọi việc mình làm đều không thuận mắt mẹ chồng, mọi việc đều bị bắt bẻ, chỉ trích. Bà chia sẻ: “Mẹ chồng thường xuyên bắt bẻ tôi: “Cô không thể giặt quần áo như thế được”, và nhiều thứ khác tương tự như thế. Điều đó khiến tôi thực sự rất buồn. Tôi từng nghĩ: “Tại sao mình lại còn phải chịu đựng những điều này sau khi đã phải vất vả làm việc, rồi lại chăm sóc con cái và làm việc nhà cơ chứ?”

Qua những bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp, bà dần hiểu ra rằng những va chạm này là cơ hội để đề cao tâm tính của mình. Bà Tĩnh Loan nói: “Nếu tôi không gặp những mâu thuẫn như thế thì làm sao có thể tiêu trừ nghiệp lực được, làm sao mà tôi có thể tu thành được đây?”

Nhưng thường nói thì dễ nhưng làm được hay không lại là vấn đề. Một hôm, mẹ chồng bà lấy một cái xô ra để đựng nước. Xô nước đã đầy nhưng bà vẫn không đóng vòi nước lại. Khi bà Tĩnh Loan nhìn thấy liền đóng vòi nước lại, mẹ chồng bà đã giận và đổ hết chỗ nước đó xuống cống. Sự việc này khiến bà Tĩnh Loan khó chịu, không nhẫn nhịn được và bà đã hét lên: “Mẹ, giá nước vừa mới tăng lên, mẹ có biết hay không?”

Ngay sau đó, khi bà Tĩnh Loan đi vào phòng tắm, không hiểu bà đi kiểu gì mà vô tình đụng trán vào tường. Bà kể lại: “Tôi thấy sưng một cục to trên đầu. Điều đó đã khiến tôi tỉnh ngộ rằng tôi đã hành xử không đúng. Tôi coi đó như một sự điểm hóa từ Sư phụ và không còn cảm thấy tồi tệ về xung đột này nữa và vô luận mẹ chồng có trách cứ tôi nhiều đến đâu, tôi cũng không bao giờ cãi lại nữa.”

Thực tế, bà Tĩnh Loan đã làm rất nhiều việc để giúp đỡ người mẹ chồng già cả. Bà nói: “Tuy nhiên, tôi không nên ôm giữ tâm oán giận. Nếu không thì tôi không thể tu luyện tốt được.”

Một chuyên gia tài chính: Tìm về trạng thái tu luyện như thuở ban đầu

Sau khi nhận bằng Tiến sỹ kinh tế, bà Lý đã giảng dạy tại một số trường đại học và sau đó tiến hành công việc nghiên cứu thị trường tại một công ty thương mại công.

Lần đầu tiên bà đọc các bài giảng Pháp Luân Đại Pháp là vào năm 1998. Tuy nhiên, bà đã không tu luyện cho đến tận năm 2005. Bà kể lại: “Một hôm, tôi đã đọc được một bài báo trên tờ Thời báo Đại kỷ nguyên viết về Pháp Luân Đại Pháp và tôi thấy có nhiều điều băn khoăn. Chúng dẫn tôi tới các trang web của Minh Huệ và Pháp Luân Đại Pháp.” Trong hai tháng sau đó, bà đã đọc tất cả các sách của Sư phụ Lý cũng như các bài chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của các học viên.

Chúng đã giúp bà hiểu được tu luyện là gì và tầm quan trọng của việc đề cao tâm tính. Mặc dù đã gặp phải không ít khó khăn trong những ngày đầu tu luyện nhưng bà vẫn có thể thời thời khắc khắc nghiêm khắc yêu cầu bản thân hành xử như một người tu luyện chân chính. Bà nói: “Tôi có thể nhận thấy tâm tính mình đề cao lên từng ngày. Bởi vậy tôi rất hạnh phúc. Và hoa Ưu Đàm Bà La (một loài hoa mà ba nghìn năm mới nở một lần) đã xuất hiện trên cửa sổ của nhà tôi.”

Sau đó bà đã chuyển sang một công việc mới yêu cầu cường độ làm việc cao hơn. Bà nói: “Công việc của tôi thường xuyên bận rộn, mỗi ngày đều nghỉ ngơi không đủ nên tinh thần mệt mỏi và có ít thời gian để luyện công và học Pháp.” Rồi chính vì học Pháp và luyện công ít nên khiến tôi càng mệt mỏi hơn và làm tôi không thể tập trung vào công việc chứ chưa nói đến việc luyện công hay học Pháp.

Bà nói rằng việc buông lơi trong tu luyện đã dẫn đến rất nhiều mâu thuẫn và làm dao động tín tâm tu luyện của bà. Bà đã chán nản và ủy khuất trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, bà đã quay trở lại học Pháp và phát hiện ra những chấp trước của bản thân. Bà nói: “Tôi cảm thấy bản thân mình có mối liên hệ nào đó với Pháp Luân Đại Pháp và có thể cảm nhận được sự từ bi vô lượng của Sư phụ Lý.”

Một nhân viên vệ sinh đáng tin cậy

Ông Hoàng làm công việc dọn dẹp vệ sinh trong nhiều năm. Khi ông gặp mâu thuẫn với người giám sát hoặc các nhân viên khác, ông có thể giải quyết tốt các mâu thuẫn này bằng cách giữ vững tâm tính của bản thân theo các tiêu chuẩn của một người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Khoảng ba năm trước đây, khu căn hộ đã thuê một người quản lý mới và công ty cung cấp dịch vụ vệ sinh cũng bị thay đổi chủ. Do hợp đồng cung cấp dịch vụ vệ sinh được thay đổi hàng năm nên người giám sát mới đã chấp nhận tất cả các yêu cầu từ người quản lý và tăng thêm nhiều việc cho nhân viên.

Một lần sau cơn bão, ông Hoàng phải làm việc rất cật lực để dọn sạch lá cây. Bởi vì lá rụng quá nhiều nên công việc của ông phải mất một thời gian dài mới có thể hoàn thành được. Sau khi nhận được khiếu nại của người dân, người quản lý đã gây áp lực lên ông Hoàng và liên lạc với người giám sát ông. Người này sau đó ngay lập tức đã đến và trách cứ, đổ lỗi cho ông.

Ông Hoàng nói: “Đối mặt với quá nhiều áp lực như vậy, suy nghĩ đầu tiên của tôi là bỏ việc ở đây và đi tìm việc ở một nơi khác.” Ông tiếp tục: “Sau đó, tôi đã hướng nội tìm thiếu sót ở bản thân mình và trở nên quan tâm hơn đến người khác. Nghĩ rằng người quản lý và người giám sát hẳn cũng có những áp lực và những nỗi khó xử riêng nên tôi đã không còn cảm thấy tồi tệ nữa mà thay vào đó tôi bắt đầu suy xét mọi thứ từ góc độ của họ.”

Kể từ đó, ông Hoàng làm việc chăm chỉ mà không hề phàn nàn. Người quản lý cũng đã thay đổi thái độ và thỉnh thoảng còn mời ông ăn sáng. Người giám sát cũng hài lòng với công việc của ông. Ông ta từng nói: “Tôi mong rằng tất cả các công nhân của tôi đều có thể giống như anh – các học viên Pháp Luân Đại Pháp.”

Đối với ông Hoàng, ông cũng rất vui bởi vì nhiều chấp trước của ông cũng đã được loại bỏ trong quá trình đó. “Những chấp trước đó bao gồm tâm tranh đấu, đổ lỗi cho người khác và không thể tiếp nhận những lời chỉ trích. Tôi cảm thấy như thể Sư phụ Lý đã loại bỏ cả một quả núi cho tôi.”

Giảng chân tướng cho du khách Trung Quốc

Ông Lam đã tới các điểm tham quan du lịch và kiên trì giảng chân tướng trực diện cho du khách Trung Quốc về Pháp Luân Công và cuộc bức hại tại đất nước của họ. Ông nói: “Ban đầu, một số người do bị ảnh hưởng bởi tuyên truyền vu khống của ĐCSTQ nên đã quay đi. Khi điều đó xảy ra, tôi sẽ hướng nội để tìm ra những vấn đề mà tôi có thể làm tốt hơn hoặc xét xem liệu tôi đã từ bi khi nói chuyện với mọi người hay chưa.” Bằng cách này, ông nhận ra bản thân đã có thể buông bỏ tâm vị kỷ nhiều hơn nữa.

Theo những trải nghiệm của bản thân, ông Lam cho biết khi các du khách không đọc hay không nhận tài liệu thì sẽ tốt hơn nếu chọn hình thức nói chuyện với từng người một. Những cuộc nói chuyện như vậy sẽ giúp đả khai những khúc mắc và hiểu lầm của họ. Ông nói: “Tôi cũng học được cách kiên nhẫn lắng nghe và cố gắng tìm hiểu xem họ đang suy nghĩ những gì. Ngay cả khi nếu họ không nhận tài liệu lần này thì việc đó cũng sẽ lưu lại cho họ một ấn tượng tốt đẹp và nhờ đó rất có thể họ sẽ lắng nghe và có thể minh bạch chân tướng trong lần tới.”

Phản hồi từ các học viên

Cô Hàn đã xúc động và rơi lệ khi đọc bài chia sẻ của mình. Cô giải thích: “Khi nghĩ đến việc Sư phụ đã phải hy sinh cho chúng ta nhiều như thế nào, tôi lại cảm thấy rằng vô luận tôi có làm nhiều đến đâu thì cũng không có cách nào có thể báo đáp được ân cứu độ này của Ngài.” Khi biết rằng thông qua tờ Thời báo Đại kỷ nguyên, mọi người có thể tìm hiểu được Pháp Luân Đại Pháp nên cô nói rằng cô cần phải làm tốt hơn trong việc phân phát báo.

Bà Vu là một học viên mới. Bà cho biết bà rất vui khi biết rằng một số học viên lớn lên ở Singapore không bị ảnh hưởng bởi văn hóa Đảng. Bà nói: “Họ rất có trách nhiệm và quan tâm đến cả những vấn đề tiểu tiết. So với họ, tôi cần phải làm tốt hơn nữa và cần tinh tấn hơn.”

Ông Dương từ đảo Bintan ở Indonesia đã đi phà tới Singapore. Ông nói: “Chia sẻ của mỗi học viên đều rất xúc động. Khi quay trở về tôi sẽ chia sẻ lại những gì bản thân mình đã thụ ích được cho các học viên khác ở Indonesia.”

Bà Bội Vân, một học viên khác đến từ Malaysia cho biết bà cảm nhận được các bài chia sẻ của các học viên đều rất chân thành. “Từ đôi vợ chồng trong cửa hàng tạp hóa đến người nhân viên vệ sinh, tất cả họ đều tu luyện một cách nghiêm túc và đề cao tâm tính của bản thân một cách thực chất qua các tình huống khác nhau. Thông qua họ, tôi đã biết mình phải làm gì và từ bây giờ tôi sẽ nỗ lực để tinh tấn hơn.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/12/14/357852.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/12/15/166756.html

Đăng ngày 23-12-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share