Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Thụy Điển

[MINH HUỆ 05-10-2017] Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Thụy Điển. Năm 1991 tôi chuyển từ Bắc Kinh tới Thụy Điển và năm 1994, tôi đã tham gia vào khóa học 10 ngày của Sư Phụ giảng Pháp tại thành phố Tế Nam và từ đó tôi bắt đầu bước đi trên hành trình nhân sinh chân chính. Tôi dần nhận ra ý nghĩa đích thực của việc mình tới Thụy Điển. Con người Thụy Điển có sự gắn kết rất mật thiết với Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp. Sư phụ đích thân đã tới Thụy Điển vào năm 1995 để truyền Pháp Luân Đại Pháp và tổ chức khóa giảng. Có lẽ vì tôi là người đắc Pháp sớm trước đó nên tôi trở thành người liên lạc cũng như điều phối viên của Thụy Điển. Điều này đem lại kinh nghiệm tu luyện vô cùng quý báu cho tôi.

Thiện đãi các đồng tu

Tôi rất hào hứng làm các việc Pháp Luân Đại Pháp. Tuy nhiên, khi các hạng mục dồn lên, tôi trở nên lo lắng và thái độ của tôi rất tệ; tôi khó khăn với mọi người. Trái lại, tôi vẫn nhớ rất rõ khi Sư phụ tới Thụy Điển truyền Pháp, Ngài rất kiên nhẫn khi giảng Pháp, dạy các bài công pháp và trả lời câu hỏi của các học viên Tây phương.

Một hôm, Sư phụ gọi tôi ra một chỗ và nghiêm túc nói: Tất cả mọi người đều là đồng tu với con, một số người còn tu luyện tốt hơn con, con nên đối xử tốt với họ, nếu không con sẽ hối hận hàng trăm năm sau. Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ sau khi nghe những lời dặn dò của Sư phụ. Tôi chỉ bận rộn làm các việc mà hoàn toàn bỏ qua thái độ của mình. Điều này đã tác động to lớn đến tôi. Tôi vô cùng cảm tạ sâu sắc lời nhắc nhở kịp thời của Sư phụ. Nhiều năm sau, bất kỳ khi nào tôi chuẩn bị mất kiên nhẫn với đồng tu, ngay lập tức tôi cảm thấy hối hận. Giọng nói của Sư phụ thường vang lên trong tâm tôi.

Sư phụ giảng:

Pháp Luân Đại Pháp là tu luyện, chứ không phải công tác, hết thảy nhân viên công tác của chúng ta trước hết phải là người thực tu tâm tính cao, mẫu mực trong tu luyện tâm tính, không cần lãnh đạo theo dạng thức người thường. (Không phải là công tác mà là tu luyện, Tinh tấn yếu chỉ)

Tôi thường xuyên lên một danh sách những việc Đại Pháp cần làm và mong có thể làm nhiều hơn và nhanh hơn. Tuy tất cả những việc này đều là việc Đại Pháp, nhưng tôi lại thường xử lý chúng với tâm thái người thường với các quan niệm người thường.

Nhớ lại thời đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khởi phát, tôi không biết phải phối hợp thế nào với các đồng tu phương Tây. Một hôm, một đồng tu Thụy Điển đã hỏi tôi: “Tại sao bạn không thể ngồi xuống và chia sẻ với chúng tôi khoảng 6 tiếng và sau đó chúng ta có thể cùng phối hợp với nhau? Như vậy chẳng phải chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt hơn sao?” Phản ứng đầu tiên của tôi là: “6 tiếng? Sao lâu thế!” Tuy nhiên sau khi nghĩ lại tôi thấy rằng đề xuất đó hợp lý và quyết định làm theo.

Dần dần tôi hiểu ra: Khi làm mọi việc, tôi chỉ chú trọng tới kết quả mà bỏ qua quá trình. Tuy nhiên chẳng phải quá trình thực hiện cũng chính là tu luyện sao? Trong suốt quá trình, tôi có thể nhìn ra sự đáng trân trọng của các đồng tu và có thể tìm ra thiếu sót của bản thân. Tôi phải mất khá nhiều thời gian để hình thành thói quen chia sẻ nhiều hơn với các học viên phương Tây cũng như cùng làm việc, tu luyện và đề cao. Thời khắc tôi luôn nhớ lời Sư phụ:

Học Pháp đắc Pháp,
Tỉ học tỉ tu,
Sự sự đối chiếu,
Tố đáo thị tu.” (Thực Tu, Hồng Ngâm)

Cứu người là trách nhiệm của đệ tử Đại Pháp

Từ ngày 30 tháng 7 năm 1999, tôi chịu trách nhiệm làm việc với Bộ Ngoại giao Thụy Điển. Trong 18 năm qua, chúng tôi vẫn thường liên lạc với họ, khoảng thời gian này cũng đã thay đổi Bộ trưởng vài lần. Môt câu hỏi thường gặp nhất của những người kế nhiệm mới là: Pháp Luân Công là gì? Tại sao ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công. Tôi nhớ những năm đầu, tôi thường liên hệ với một nữ nhân sỹ ngoại giao. Tôi nói với bà ấy về trải nghiệm của bản thân và những gì tôi được chứng kiến, nghe thấy. Bà ấy đã chăm chú lắng nghe tôi nói và xúc động tới khóc. Tuy nhiên, sau những năm giảng chân tướng đó, dường như những nỗ lực của chúng tôi không có kết quả rõ rệt nào.

Chính phủ Thụy Điển vẫn kiên quyết không đối thoại với ĐCSTQ khi đề cập tới vấn đề nhân quyền. Tôi bắt đầu phàn nàn với họ. Một hôm, nhà ngoại giao đó gọi cho tôi và nói: “Tôi sắp chuyển tới làm lãnh sự quán ở nước khác. Tôi không đủ thẩm quyền để xử lý vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc. Có thông tin gì về Giáo sư Vu Trường Tân (một đệ tử Đại Pháp ở Bắc Kinh) chưa?” Tôi hiểu rằng, bà ấy biết rất rõ chân tướng Pháp Luân Đại Pháp, nhưng bà không thể giúp được nhiều. Tôi biết bà ấy cảm thấy áy náy và nhận ra rằng tôi đã sai. Tôi là người tu luyện và tôi có sứ mệnh cứu người. Làm sao tôi có thể trách người mình cần phải cứu? Việc làm chưa tốt ấy là trách nhiệm của tôi, không phải của bà ấy.

Sư phụ giảng:

Làm đệ tử Đại Pháp mà giảng, chư vị không có bất kỳ lý do nào không đi hoàn thành sứ mệnh của mình.“ (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

và:

“Chư vị gánh vác trách nhiệm to lớn nhường nào! Chư vị từ đầu không hề chiểu theo xuất phát điểm chư vị cứu độ chúng sinh mà suy xét vấn đề, toàn dùng nhân tâm để suy nghĩ! Một khi đụng phải vấn đề cụ thể thì nhân tâm bèn nổi lên! Một khi gặp việc cụ thể thì nhân tâm bèn xuất ra!” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Cứu độ chúng sinh là trách nhiệm của các đệ tử Đại Pháp. Người thường chỉ có thể đặt định vị trí của họ. Chính niệm của chúng ta có thể giúp họ loại bỏ những nghi vấn cũng như truyền phát những suy nghi tích cực và công lý trong họ để họ có thể dũng cảm bước ra lên tiếng cho Pháp Luân Công.

Năm 2002, chúng tôi đã mời Phó thủ tướng Thụy Điển cùng tham gia diễu hành trước Tòa nhà Quốc hội. Ban đầu, bà chỉ đồng ý ký tên thỉnh nguyện. Sau khi tới buổi diễu hành hôm đó, bà đã nảy ra ý kiến cầm micro và phát biểu. Bà ấy đã ủng hộ chúng tôi rất tích cực.

Triển lãm sách thường niên tại Gothenburg là cơ hội tốt để chúng tôi giảng chân tướng tới các nhà chính trị. Hàng năm, Quốc hội Thụy Điển cũng sẽ có một gian triển lãm taị đây. Cứ khoảng hai hoặc ba tiếng, sẽ có một nhà chính trị thuộc các lĩnh vực khác nhau đến quầy sách để gặp gỡ và nói chuyện với người dân. Tôi là khách thường xuyên tới đây gặp gỡ các nhà chính trị suốt 10 năm qua. Tôi đã thiết lập rất nhiều mối liên hệ với các thành viên Quốc hội thông qua những cuộc gặp tại đây. Mỗi lần trước khi tới đó, tôi luôn kiểm tra lịch để biết trước ai sẽ có mặt nói chuyện tại gian triển lãm ngày hôm đó. Sau đó tôi đọc tiểu sử của họ và quyết định tôi nên nói chuyện với ai.

Một hôm khi tôi tới triển lãm sách, người đầu tiên tôi thấy là vị nghị sỹ mà tôi mong muốn nói chuyện nhất. Ông ấy đã biết chân tướng Pháp Luân Công và đã xem phim tài liệu về mổ cướp nội tạng. Ông ấy cũng đã tham gia vào những bước đầu để sửa đổi luật. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy ông ấy cần biết thêm về Pháp Luân Công. Hôm đó ông tới triển lãm sớm hơn một tiếng. Ông ấy rất vui khi gặp tôi và muốn tìm hiểu thêm về Pháp Luân Công. Ông đặt rất nhiều câu hỏi và chúng tôi nói chuyện với nhau suốt hơn một tiếng. Sau đó đài truyền hình Thụy Điển đã phỏng vấn ông về vấn đề mổ cướp tạng các học viên Pháp Luân Công, ông đã phát biểu rất hay. Tôi vui mừng cho ông ấy vì ông đã có lựa chọn đúng đắn cho mình.

Tu bỏ tâm sợ hãi

Trong các trường hợp bình thường, tôi không ngại khi giảng chân tướng cho các nghị sỹ Quốc hội. Nhưng có một vị nghị sỹ lớn tuổi quan trọng trông vẻ mặt rất nghiêm túc làm tôi có chút lo ngại trong tâm. Tôi đi lại loanh quanh đó hai lần mà không đủ dũng cảm tiến tới chỗ ông ấy. Tôi dường như sắp từ bỏ thì chính lúc ấy tôi gặp một nữ học viên và hỏi cô ấy có thể cùng tôi đi tới gặp vị nghị sỹ đó để giảng chân tướng không. Bình thường, tôi là người chủ động khích lệ cô ấy, hôm đó cô ấy không chút do dự đồng ý đi cùng tôi. Cuối cùng, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện rất tốt với vị nghị sỹ nọ. Khuôn mặt nghiêm túc của ông ấy trở nên vui vẻ và cuối buổi nói chuyện ông ấy rất cảm ơn chúng tôi.

Tôi thường thích tiếp cận những người tôi muốn giảng chân tướng và lựa chọn những người mình thấy dễ tiếp xúc. Tuy nhiên, suy nghĩ này sẽ ngăn cản những người lẽ ra tôi cần phải cứu và khiến nhiều người mất cơ hội được cứu.

Sư phụ giảng:

“Chư vị thích thì chư vị cứu, chư vị không thích thì chư vị không cứu, thế thì có thể cứu độ chúng sinh hay không?” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

và:

“Những nhân tâm và tâm lo sợ kia lẽ nào có thể điều động nổi công?” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Tôi vô cùng biết ơn Sư phụ đã đưa đồng tu tới giúp tôi khi tôi xuất hiện tâm lo sợ.

Đạt được Nhẫn qua tu luyện

Một số nghị sỹ sẽ nhanh chóng đứng ra ủng hộ chúng tôi sau khi họ được nghe chân tướng. Một số nghị sỹ hiểu rõ chân tướng sau khi các đồng tu và tôi giảng chân tướng cho họ, nhưng họ vẫn không đứng ra ủng hộ chúng tôi trong nhiều năm. Tôi nảy sinh tâm thái trách móc họ. Thông qua học Pháp, tôi ngộ ra tôi cần có tâm thanh tịnh và thuần khiết khi giảng chân tướng và cứu người. Chúng ta cần phải thực sự đối tốt với người khác và không nên chấp trước vào kết quả.

Hơn nữa, tư tưởng của người thường không ổn định và dễ bị các tín tức khác can nhiễu. Khi tâm chúng ta không bình ổn và chính niệm không mạnh, chúng ta có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới họ. Sau khi chia sẻ với các đồng tu, chúng tôi đã điều chỉnh tâm thái và hỗ trợ các vị nghị sỹ với chính niệm mạnh mẽ. Nhờ vậy, khi họ bước ra ủng hộ, họ rất chính niệm. Can nhiễu từ lãnh sự quán Trung Quốc khiến họ càng kiên định ủng hộ chúng tôi.

Dụng tâm lắng nghe

Những ngày đầu khi giảng chân tướng, tôi chỉ tập trung vào nói chứ không để ý việc lắng nghe người khác. Đôi khi tôi thậm chí còn ngắt lời người đối diện khi họ nói. Tôi không chú ý lắng nghe họ. Tôi cũng làm tương tự với các đồng tu. Tôi nói nhiều hơn lắng nghe và hầu như không dụng tâm lắng nghe.

Một hôm, con gái tôi nhắn hỏi tôi ý nghĩa của từ “nghe” trong tiếng Trung. Tôi thấy chữ “nghe(聴)” rất giống với chữ “đức( 德)”. Trong tiếng Trung Quốc cổ, từ “nghe” không chỉ gồm có chữ “tai” mà còn gồm cả chữ “tâm” ghép thành. Nó có liên hệ với đức. Trong tiếng Trung Quốc giản thể, chữ “nghe” không cần có tai hay tâm. Nó chỉ cần có miệng và không có đức (vì trong tiếng giản thể, nghe được ghép bởi chữ miệng “口”).

Tôi chợt ngộ ra để có thể lắng nghe cần phải tu và cần một người vứt bỏ tự ngã. Tôi đã lớn lên trong môi trường văn hóa đảng, nó khuyến khích con người luôn áp đặt ý kiến bản thân. Tôi đã không học cách lắng nghe người khác, chưa nói tới việc dụng tâm lắng nghe. Nếu tôi muốn cứu người, tôi cần phải tu luyện và vứt bỏ tất cả văn hóa đảng cùng tự ngã. Tôi dần để ý ra rằng nếu tôi dụng tâm lắng nghe tôi sẽ dễ dàng nhìn thấy điểm tốt của người khác. Và tôi sẽ tìm thấy điểm để bắt đầu giảng chân tướng dễ hơn. Chỉ bằng cách làm như vậy, tôi mới có thể giảng chân tướng đúng hướng và đề cập tới đúng điểm.

Tôi giảng chân tướng cho chính phủ đã hơn 10 năm. Tuy nhiên, tôi không đặt hết nỗ lực và có quá nhiều chấp trước sợ hãi. Vì vậy, tiến trình giảng chân tướng tiến triển rất chậm và còn cách xa so với yêu cầu của Sư phụ. Tôi cảm thấy chướng ngại lớn nhất trong tu luyện là quan niệm người thường. Việc giảng chân tướng cho chính phủ là một quá trình vứt bỏ hàng loạt tâm chấp trước, gồm tâm sợ hãi, chấp trước vào kết quả và không làm hết sức… Và nó cũng là một quá trình nỗ lực hơn nữa để đạt được tâm chân thành, thuần tịnh.

Sư phụ đã mở ra con đường, việc còn lại phụ thuộc vào tôi đề cao tâm tính. Chỉ có tu luyện bản thân tốt tôi mới có thể cứu thêm nhiều chúng sinh hơn nữa.

Con xin cảm ơn Sư phụ! Cảm ơn các đồng tu!

(Bài chia sẻ tại Pháp hội Châu Âu năm 2017)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/8/7/352148.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/10/9/165998.html

Đăng ngày 13-12-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share