Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-11-2017] Gia đình tôi thật quá may mắn và hạnh phúc khi tìm được Pháp Luân Đại Pháp, nhờ đó mà mọi bệnh tật của tôi đều không cánh mà bay, trong đó có các vấn đề về cổ, ho mãn tính và viêm xương khớp.

Tuy nhiên, mấy tháng sau, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cấm môn tu luyện này ở Trung Quốc và bắt đầu đàn áp trên quy mô lớn.

Tại Pháp hội Trung Quốc năm nay, tôi muốn chia sẻ quá trình bản thân mình đã phủ nhận cuộc bức hại này khi bị giam giữ trong trại tạm giam và trại lao động.

Hành xử chiểu theo Pháp thay vì nghe theo các đồng tu

Tháng 1 năm 2000, tôi cùng bốn học viên khác đã tới Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Đại Pháp. Cảnh sát đã chặn chúng tôi lại và một học viên đã khai với cảnh sát chỗ ở của chúng tôi. Ba hôm sau, cảnh sát địa phương đến và đưa chúng tôi vào trại tạm giam trong 38 ngày.

Có khá nhiều học viên bị giam giữ trong trại tạm giam này. Nhiều người có thể niệm đọc các bài thơ Hồng Ngâm của Sư phụ hay Tinh Tấn Yếu Chỉ. Nhưng tôi lại không thể làm được như vậy và không biết phải làm sao. Một số học viên đã chia sẻ thể ngộ với tôi về những gì chúng tôi nên làm và tôi đã làm theo lời khuyên của họ.

Đến đêm, tôi đã có một giấc mơ. Trong mơ, tôi đi một chặng đường dài và mệt mỏi theo một người để đến nhà cô ấy. Nhưng không một ai trong gia đình cô ấy cho phép tôi vào nhà. Tôi phải đứng đợi ngoài cổng tới ba ngày liền, trong khi đó, gia đình cô ấy ăn uống, trò chuyện và cười đùa thoải mái mà không một ai chú ý đến tôi. Thấy thế, tôi nghĩ đến việc quay trở về nhà. Sau đó, một chiếc xe hơi nhỏ như xe đồ chơi chở tôi đến trại tạm giam. Suy nghĩ về giấc mơ này, tôi đã ngộ được rằng tôi cần phải hành xử theo Pháp chứ không phải là nghe theo các học viên khác; nếu không thì tôi cũng sẽ có kết cục giống như số phận của họ.

Một hôm, một học viên đã mang đến cho tôi cuốn Chuyển Pháp Luân in từ máy tính. 9 người chúng tôi chia nhau 9 bài giảng Pháp, mỗi người đọc một bài. Vừa chuẩn bị học Pháp thì lính canh đến. Tám học viên khác đã giao nộp phần sách của mình, nhưng tôi đã quyết định không làm theo họ mà giấu phần sách của mình – Bài giảng thứ chín vào tay áo. Lính canh tìm kiếm khắp nơi rồi bắt tôi cởi quần áo. Phần sách của tôi rơi ra và các lính canh đã cố gắng chộp lấy nó. Tôi không chịu nhượng bộ và giữ sách thật chặt. Một lính canh đã cười và chế nhạo chiều cao của tôi rồi nói: “Bà lão nhỏ bé này thú vị đó. Những người khác đã giao nộp sách cho chúng tôi rồi. Tại sao bà lại cứng đầu vậy?!” Tuy nhiên, cô ấy đã cho tôi giữ lại phần sách của mình và tôi biết rằng mình đã hành xử đúng.

Một hôm khác, các lính canh lại thấy chúng tôi học Pháp. Họ ra lệnh cho tất cả chúng tôi ra ngoài và bắt đầu khám xét phòng giam. Hầu hết các học viên nộp lại phần sách Đại Pháp của mình, sau đó, lính canh bảo họ ra đồng nhổ cỏ. Hai lính canh, tên Thượng (lính canh nam) và Cốc hỏi tôi còn giữ cuốn sách nào không nhưng tôi không trả lời. Họ đã cưỡng chế lục soát người tôi và lấy đi những trang sách Đại Pháp mà tôi có.

Tôi chạy ra kêu khóc với các học viên. “Này! Họ [các lính canh] đã lấy hết sách Đại Pháp của chúng ta đi rồi! Sao các chị vẫn có thể ở đó mà nhổ cỏ như thể không có chuyện gì xảy ra được?“ Nghe vậy, các học viên đã ngừng làm việc. Khi một lính canh yêu cầu họ về phòng giam, tất cả họ đã quay trở lại phòng giam, trừ tôi.

Lính canh Cốc hỏi tôi: “Sao bà không vào đi?”

Tôi đáp lại: “Tôi không thể sống mà không có Pháp. Nếu tôi không thể bảo vệ Pháp Luân Đại Pháp thì tôi sống trên đời này có nghĩa gì. Để lấy lại sách Đại Pháp, tôi sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình.”

Cô Cốc cảm động và nói: “Thôi bà đừng khóc nữa, bà lão bé nhỏ. Tôi sẽ trả lại sách cho bà.”

Một học viên nghe thấy vậy thì nói với lính canh: “Cảm ơn chị đã trả lại sách Đại Pháp cho chúng tôi.”

Cô cốc đáp lại một cách mỉa mai: “Đừng có mơ. Chỉ có bà ấy mới xứng đáng được như vậy, chứ không phải các chị.”

Tôi vào phòng giam và cô Cốc đã trả lại sách Đại Pháp cho tôi. Điều này nhắc tôi cần phải hành xử theo thể ngộ của bản thân mình chứ không phải làm theo các đồng tu khác.

Bảo vệ Pháp là an toàn nhất

Gia đình tôi ký gửi một chút tiền để tôi chi tiêu trong trại tạm giam. Nhưng một số tù nhân đã dùng số tiền đó để mua đồ ăn và các vật dụng hàng ngày cho họ. Thấy các học viên chúng tôi, ai cũng ăn những thực phẩm chất lượng thấp, một cán bộ đã hỏi tại sao chúng tôi không ăn theo chế độ như những tù nhân khác. Sau khi chúng tôi giải thích với cô ấy điều đã xảy ra, cán bộ này đã tát trưởng phòng giam hai cái vào mặt và lấy lại tiền cho chúng tôi.

Một hôm, một học viên đến, cầm theo một cuốn Chuyển Pháp Luân cỡ nhỏ. Để tránh bị lính canh lấy đi, chúng tôi lại chia nhỏ cuốn sách ra và lần này tôi có được Bài giảng thứ sáu. Khi lính canh thấy và tra hỏi về cuốn sách, mọi người đều nộp phần sách của mình. Cô Cốc thì vỗ vỗ vào túi quần tôi và nói: “Bà lão nhỏ bé, được rồi”, ngụ ý rằng cô ấy không yêu cầu tôi giao nộp nội dung sách. Từ đó trở đi, cô ấy đối xử tử tế với tôi và không bao giờ yêu cầu tôi giao nộp phần sách tôi có. Tôi đã dần minh bạch được rằng bảo vệ Pháp là an toàn nhất. Đó là khi chúng ta thực sự hành xử theo Pháp thì không một thế lực xấu nào có thể làm hại chúng ta bởi vì chúng ta được Sư phụ bảo hộ.

Một năm sau khi được thả, tôi viết thư cho Cốc mà không ký tên và gửi đi từ một thành phố lân cận. Sau một thời gian, tôi gọi điện cho cô ấy và hỏi xem cô ấy có nhận được bức thư nào không. Cô ấy nói có và tỏ ra rất vui mừng. Sau đó, tôi đã gặp cô ấy và mang theo một ít hoa quả. Cốc vui vẻ mời tôi ăn trưa với các lính canh khác và tất cả họ đều nói những điều tốt đẹp về Pháp Luân Đại Pháp. Họ còn mua vé xe buýt hai chiều cho tôi.

Gia đình đoàn tụ trong tình trạng bị cùm tay: giảng chân tướng trên chuyến tàu áp giải về nhà

Năm 2001, tôi lên kế hoạch đến Bắc Kinh một lần nữa để nói với chính phủ chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp. Cán bộ thôn bảo tôi: “Bà cứ tu luyện ở nhà là được rồi. Sao phải đến Bắc Kinh làm gì?” Tôi bàn với chồng và cả hai chúng tôi đều thống nhất rằng chúng tôi không thể ngồi im đó không làm gì cả trong khi Sư phụ Lý và Pháp Luân Đại Pháp đang bị vu khống. Một số người thân của chúng tôi, cũng là các học viên, đã tham gia, và 10 người chúng tôi đã đặt vé tàu lên Bắc Kinh.

Vừa đến Bắc Kinh, không hiểu sao chúng tôi bị lạc nhau và tôi đã ở cùng hai cô em chồng. Các nhân viên an ninh của ga tàu đã bảo chúng tôi nói xấu Pháp Luân Đại Pháp nhưng vì chúng tôi không làm theo yêu cầu của họ nên họ biết chúng tôi là học viên Pháp Luân Đại Pháp và đã đưa chúng tôi đến một nơi tạm giam. Tại đó, tôi tìm thấy chồng và hai người thân nữa.

Sau đó, cảnh sát đưa sáu người chúng tôi về nhà trên một chuyến tàu. Khi các hành khách khác thấy gia đình chúng tôi đều bị còng tay, họ hết sức ngạc nhiên và ra hỏi chuyện. Tôi dõng dạc nói: “Chúng tôi là học viên Pháp Luân Đại Pháp vô tội và chúng tôi đều là người tốt.” Sau đó, tôi nói với họ về việc Pháp Luân Đại Pháp đã chữa khỏi bệnh tật và giúp đề cao tâm tính, chuẩn mực đạo đức của tôi như thế nào. Cả cảnh sát và các cán bộ quê tôi đều cố ngăn tôi nói nhưng tôi không chịu. Khi họ tìm cách tách các hành khách khác khỏi chỗ chúng tôi, hành khách cũng lờ họ đi. Do vậy, nhiều người trên chuyến tàu đó đã biết được chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp.

“Bà đã làm được điều mình muốn, còn chúng tôi thì không”

Sau khi trở về quê nhà, các cán bộ thôn đã giữ tôi ở một trại tạm giam, sau đó lại tống tôi vào một trại lao động trong thời hạn 2 năm. Tại trại tạm giam, tôi nhớ tới một bài thơ của Sư phụ trong Hồng Ngâm:

Thuỳ Cảm Xả Khứ Thường Nhân Tâm

Thường nhân chỉ tưởng tố thần tiên,
Huyền diệu hậu diện hữu tâm toan;
Tu tâm đoạn dục khứ chấp trước,
Mê tại nạn trung hận thanh thiên.

Diễn nghĩa:

Ai can đảm xả bỏ tâm của người thường

Người thường chỉ mong muốn làm thần tiên,
[Nhưng đâu biết] đằng sau bề mặt huyền điệu là những tâm khó khăn;
[Người ta phải] tu tâm dứt ham muốn bỏ tâm chấp trước,
[Còn nếu không thì] mê muội trong khổ nạn mà hận trời xanh.

(Hồng Ngâm 1)

Trong thâm tâm, tôi nghĩ: Tôi dám buông bỏ các chấp trước của con người mà.

Một hôm, trong trại tạm giam, nguyên thần của tôi đã ly thể. Tôi cảm thấy mình lơ lửng trên trời và trở về nhà. Vừa vào cổng, tôi đã nghe thấy tiếng chim hót và nhìn thấy một đàn chim phượng hoàng và một con rồng. Tôi gọi các học viên khác tới xem nhưng không ai đáp lại. Sau đó, từ trên trời, một vị Phật hạ xuống trong tư thế tọa thiền và triển hiện cho tôi từng dòng, từng dòng chữ nhưng tôi không nhận ra chữ nào trong đó. Tôi tiếp tục gọi các học viên khác nhưng không ai trả lời. Nghĩ rằng có điều gì đó không đúng nên tôi muốn quay trở lại.

Với suy nghĩ đó, nguyên thần đã quay trở lại thân thể. Tôi mở mắt ra thì thấy một học viên đang vẫy vẫy tay trên đầu tôi. Cô ấy hỏi: “Bác ổn chứ? Bác vừa bị ngất đấy!” Sau đêm hôm đó, tôi đã mơ thấy Sư phụ Lý đã đến với một con tàu. Sư phụ đứng trước con tàu, thân Ngài tỏa ra ánh hào quang. Cảnh tượng vô cùng thần thánh.

Sáng hôm sau, lính canh gọi tên tôi và chồng tôi. Tù nhân Trương bảo tôi: “Tôi nghe nói các cán bộ kia đã lập hai cái bảng, một cái có tên bà và một cái có tên chồng bà.“ Cô ấy bảo các cán bộ sẽ trói buộc tay chúng tôi ra sau lưng và treo tấm bảng đó vào cổ chúng tôi và thóa mạ chúng tôi ở nơi công cộng cùng với tội phạm giết người trên các xe du lịch. Thấy đó là cơ hội tốt để giảng chân tướng với mọi người về Pháp Luân Đại Pháp nên tôi chẳng thấy buồn. Tôi nghĩ: “Không có điều gì trong tu luyện của mình là ngẫu nhiên cả.”

Sau khi ăn sáng, lính canh Trương mở cửa phòng giam, và tôi vui vẻ bước ra. Anh ta đã trói tôi và chồng tôi quanh người bằng dây thừng. Họ cho chúng tôi lên một chiếc xe du lịch lớn có nhiều cảnh sát mặc đồng phục đứng sẵn trên xe. Giữa chiếc xe có hai tội phạm giết người đang run cầm cập vì sợ.

“Anh cứ ngồi chỗ của tôi đi.” Tôi nói vậy với một trong hai tội phạm khi thấy anh ta không có chỗ ngồi.

Một cảnh sát quát lên: “Câm mồm!” “Nếu bà không muốn ngồi thì cứ đứng vậy đi!” Nhưng tôi lờ anh ta rồi ngồi xuống và quay sang chồng tôi, nói: “Hôm nay, chúng ta cần phải hoàn thành những gì mà Sư phụ bảo các đệ tử làm.”

Lính canh lại nhắc nhở: “Im đi!” Tôi đã đáp lại một cách trầm tĩnh: “Chúng tôi có làm gì vi phạm pháp luật đâu.”

Khi đến trung tâm thị trấn, một lính canh bảo tôi: “Bà ở đây là được rồi, nếu không, bà lại gây rắc rối cho chúng tôi.”

Tôi hỏi: “Đây là nơi các anh định đưa chúng tôi đến sao?”

Anh ta đáp: “Đúng, thế bà có muốn ra ngoài kia không?” Tôi trả lời: “Đương nhiên là có rồi.”

Vừa ra khỏi xe, tôi đã thấy một đám đông tới hàng trăm, có khi đến hàng nghìn người đứng, ngồi hoặc đi bộ quanh đó. Tôi hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Chân – Thiện – Nhẫn hảo!” “Sư phụ Lý vô tội. Pháp Luân Đại Pháp vô tội. Hãy chấm dứt vi phạm nhân quyền!” Khi tôi lặp lại những câu này ba lần, các lính canh lao tới chỗ tôi, dùng tay bịt miệng tôi và đưa tôi trở lại xe buýt.

Tôi không dừng lại mà vẫn tiếp tục hô lớn trên xe buýt. Ban đầu, cảnh sát còn quay video. Nhưng sau một hồi, họ dừng lại và đưa chúng tôi trở lại trại tạm giam.

Một cảnh sát trẻ hỏi tôi: “Tại sao bà lại làm thế?”

Một cảnh sát đứng tuổi hơn nói: “Đừng có nói chuyện với bà ta. Nếu anh nói chuyện với bà ta, bà ấy sẽ lại nói với anh về Pháp Luân Đại Pháp đấy.”

Một lúc sau, chúng tôi đã trở lại trại tạm giam. Một cảnh sát bảo tôi: “Chúng mừng bà! Bà đã làm được những gì bà muốn, còn chúng tôi thì không.”

Một cảnh sát khác hỏi tôi: “Sao bà không hô lên nữa đi?” Tôi thầm nghĩ: Đúng đó, anh nói đúng. Vậy là tôi bắt đầu liên tục hô to những câu mà tôi đã nói trước đó.

Nghe thấy giọng tôi, một nhóm lính canh lao tới. Một trong số họ hỏi người lính canh đứng sau tôi: “Chuyện gì thế? Tôi tưởng các anh đưa bà ấy ra tuyến phố du lịch này là để nhục mạ bà ấy chứ?” Các lính canh cười, đáp: “Không đâu!” “Bà ấy cứ liên tục hô ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo’ trước đám đông. Làm sao chúng tôi cứ để thế được!”

Khi tôi đi trở lại phòng giam của mình, các học viên trong các phòng giam ở hai bên hành lang nhìn chúng tôi thăm dò. Tôi nói với họ “Tôi không để họ bôi nhọ Sư phụ” và kể cho họ về chuyến đi. Các lính canh cũng vậy, họ cũng tò mò và bàn tán với nhau về chuyện đó.

Một lính canh bảo một lính canh khác: “Tôi cứ tưởng bà ấy không chịu đi ‘dạo phố’. Tôi nghĩ các học viên có thể tuyệt thực thì chúng ta sẽ gặp nhiều rắc rối. Không ngờ bà ấy lại vui vẻ khi đi rồi cười lớn khi về.“

Trại lao động

Một buổi sáng, một lính canh gọi tên mấy người, bảo sẽ đưa năm người này tới một trại lao động. Trong đó có chồng tôi và tôi. Tôi nghĩ hầu hết các tù nhân và lính canh trong trại tạm giam này đều đã biết chân tướng Pháp Luân Đại Pháp nên tôi cho rằng đây là cơ hội tốt để tôi giảng chân tướng tại trại lao động.

Sau đó, giám đốc trại tạm giam tên Lâm đã yêu cầu tôi ký thủ tục vào trại. Anh ta nói: “Bốn người kia ký hết rồi. Giờ đến lượt bà đấy.”

Tôi suy nghĩ trong giây lát rồi nói không: “Các anh tự đưa tôi đến trại lao động chứ. Tôi không chấp nhận việc này.”

Anh ta trả lời. “Cũng vậy thôi. Có đồng ý hay không thì bà vẫn phải đến đó thôi.”

Trên đường đi, tôi nói chuyện với người lái xe, lật tẩy chiến dịch tuyên truyền thù hận của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Đại Pháp. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã đến nơi, một học viên đã mang đến cho chúng tôi bài kinh văn mới của Sư phụ: “Chính niệm của đệ tử Đại Pháp có uy lực” và tất cả chúng tôi đều cố gắng học thuộc bài kinh văn này. Tôi đặc biệt nhớ câu: “Vô luận trong hoàn cảnh nào cũng không hề theo yêu cầu, mệnh lệnh hay chỉ thị của tà ác.”

Sáng hôm sau, một cảnh sát bảo tất cả chúng tôi ra ngoài tập thể dục. Nghĩ đến bài kinh văn của Sư phụ mà chúng tôi vừa mới đọc, tôi đã từ chối ra ngoài. Khi thấy tôi làm vậy, sáu học viên khác cũng ở lại phòng giam. Biết được điều này, viên cảnh sát đó đã quay trở lại cùng mấy lính canh khác nữa.

Lính canh trưởng tên Vũ quát lên: “Để cái bà nhỏ người ấy lại. Còn thì đưa hết mấy người còn lại ra ngoài.” Các lính canh dùng vũ lực kéo những học viên đó ra ngoài, một số người bị ép tập thể dục, một số còn bị đánh đập thậm tệ.

Tôi thắc mắc: Chúng tôi đều làm giống nhau, vậy tại sao viên cảnh sát kia lại đối xử khác với tôi? Sau đó, tôi đã nhận ra rằng đó là vì tôi suy nghĩ dựa trên Pháp, còn các học viên khác chỉ là làm theo tôi mà thôi. Đó chính là sự khác biệt.

Mấy hôm sau, một học viên nói với tôi khẩu quyết phát chính niệm và tôi lập tức ghi nhớ khẩu quyết.

Sáng hôm sau, khi lính canh trưởng tên Vũ yêu cầu tôi ra ngoài tập thể dục, tôi đã ra ngoài và bắt đầu luyện các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp. Thấy tôi làm vậy, Vũ túm cổ áo tôi, kéo tôi vào văn phòng cô ta và bắt tôi đứng úp mặt vào tường.

Tôi mỉm cười với cô ấy, nói: “Hãy bình tĩnh nghe tôi nói. Nếu tôi làm gì sai và phải vào trại lao động thì tôi sẽ chấp nhận tập thể dục. Nhưng tôi bị đưa tới đây chỉ vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp – thế nghĩa là tôi cần luyện công ở đây.”

Cô ấy không đồng ý: “Bà phải xin lỗi tôi.” Tôi hỏi: “Tại sao? Tôi đâu có làm gì sai.”

Lính canh Vũ tát vào mặt tôi nhưng tôi không thấy đau. Sau đó, cô ấy đá tôi rất mạnh nhưng tôi cũng không thấy gì hết. Cô ấy vừa nói vừa lấy dùi cui điện ra, nói: “Vậy được rồi. Giờ thì bắt đầu thôi.” Tôi nhìn chiếc dùi cui và liên tục niệm khẩu quyết phát chính niệm. Chiếc dùi cui điện không phóng được điện cho dù cô ấy cố bật bao nhiêu lần. Cô ta bực tức ném chiếc dùi cui điện đi rồi quay lại bàn làm việc.

Cô ấy bảo tôi: “Lên đây”. Tôi mỉm cười, đi lên. Cô ấy giận giữ nói: “Bà thấy đấy, tôi là quản lý ở đây và phụ trách bộ phận này. Làm sao bà có thể để tôi mất mặt trước nhiều người như vậy được?!”

Sau đó, tôi nhớ lại một đoạn Pháp trong Bài giảng thứ sáu trong Chuyển Pháp Luân, trong đó những tiên nữ xuất hiện khi chàng trai đang ngồi thiền. Khi các tiên nữ bắt đầu có những động tác quấy rầy anh ta, chàng trai nói anh là một học viên Pháp Luân Đại Pháp nên họ không nên đối xử với anh như vậy và những tiên nữ ấy lập tức biến mất. Tôi ngộ ra rằng bất kể là Vũ có tức giận thế nào thì đó cũng là giả tướng để khảo nghiệm tôi.

Vì vậy, tôi chân thành nói với cô ấy: “Cán bộ Vũ à, tôi không nghĩ làm cô mất mặt hay không. Tôi chỉ biết tôi là người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, và tôi phải làm những gì cần làm thôi.”

Cô ấy nói: “Thôi được rồi. Bà đã vượt qua lần kiểm tra này. Bà có thể về được rồi.” Tôi cảm ơn cô ấy và quay trở lại.

Sau khi quay về, tôi nhận ra rằng những lời đó không thể chỉ là do cô ấy nói. Mà chính là Sư phụ đã khích lệ tôi. Lúc đó, tôi cũng thể ngộ được rõ ràng hơn về những gì Sư phụ đã giảng trong “Bài trừ can nhiễu”:

“Pháp có thể phá hết thảy chấp trước, Pháp có thể phá hết thảy tà ác, Pháp có thể phá trừ hết thảy lời dối trá, Pháp có thể kiên định chính niệm.”

Tôi cảm ngộ được Sư phụ thời thời khắc khắc đều đang trợ giúp chúng ta.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/11/20/356207.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/11/21/166478.html

Đăng ngày 3-12-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share