Bài viết của Thanh Ngọc, một học viên ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 7-10-2017] Tôi là một nữ học viên Pháp Luân Công năm nay 54 tuổi. Trước đây tôi đã từng là một giáo viên tiểu học. Trong suốt 18 năm của cuộc bức hại, tôi đã bị giam giữ ở các trung tâm tẩy não, các trại lao động cưỡng bức và nhà tù. Thậm chí cho tới bây giờ, tôi vẫn phải trôi dạt khắp nơi để tránh bị bắt giữ.

Ở trong các hoàn cảnh tiếp xúc, tôi thấy rất nhiều người đã minh bạch chân tướng Đại Pháp. Họ là những người dân tộc Hán, người dân tộc Di, những công nhân bình thường, những cán bộ quản lý trong các công ty, cùng với người dân thường. Trong một môi trường đầy dẫy những lời tuyên truyền dối trá và đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công, họ vẫn giữ được sự chính trực cùng với bản tính thiện lương của mình. Đối với các học viên Đại Pháp, họ không những không có sự kỳ thị mà còn giúp đỡ và bảo vệ các học viên. Sau đây là vài câu chuyện như vậy.

Được học sinh bảo vệ

Năm 2004 khi tôi còn là một giáo viên tiểu học. Một hôm vài nhân viên cảnh sát đã tới lớp tôi đang dạy và nói họ muốn mời tôi lên phòng hiệu trưởng để “xác minh” với tôi vài chuyện. Tôi không nói chuyện với họ và vẫn tiếp tục dạy học. Họ đã cử một giáo viên khác tới và ép tôi phải rời khỏi lớp học. Tôi nói tôi không làm gì sai, và không có gì phải “xác minh” với họ cả. Người giáo viên thì thầm vào tai tôi nói, họ đang bàn bạc để ngày hôm nay đưa tôi đi.

Tất cả những chuyện này đã diễn ra trước mặt các em học sinh, khiến các em xì xào bàn tán. Tôi thấy tình thế không thể tiếp tục giảng bài được nữa, nên đã nhân cơ hội này nói cho các em biết về cuộc bức hại Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các em nghe xong đều giận dữ bất bình và tất cả đều thoái xuất khỏi Đội Thiếu niên Tiền phong (một tổ chức của ĐCSTQ) và nói: “ Cô giáo, cô không thể bị cảnh sát bắt đi, chúng em sẽ bảo vệ cô.”. Trước sự vô tư hồn nhiên của các em học sinh, tôi đã xúc động bật khóc.

Vì để tránh bị bức hại, tôi đã quyết định ra về sớm hơn thường lệ.

Khi chuông báo hết giờ vang lên, không hẹn mà gặp hơn một chục em học sinh đã vây tôi vào giữa, ôm lấy tôi và rời khỏi lớp học. Các em còn hộ tống tôi ra tới tận ngoài cổng trường, và khi thấy không còn nguy hiểm nữa chúng mới chịu chạy trở về lớp học.

Tôi được nghe kể lại, hôm đó sau khi tan học, lãnh đạo nhà trường và cảnh sát đã giữ các em lại và hỏi tôi đang ở đâu. Các em nhỏ không hề sợ hãi và đều ngây thơ trả lời: “Chúng em không biết.”

Hai tháng sau tôi quay trở lại trường học, các em học sinh đã chạy vội lại vây lấy tôi như thể gặp lại người thân sau thời gian dài xa cách. Chúng hò hét, cười nói và khóc. Các em học sinh nữ thì cứ nắm chặt lấy tay tôi không muốn rời. Những tình cảm chân thành đó của các em sẽ còn đi theo tôi mãi.

Bạn tù cầu chúc cho Pháp Luân Công

Năm 2006 tôi bị giam giữ tại một trại tạm giam vì nói chuyện với học sinh về Pháp Luân Công. Mế Trân (hóa danh), một người bạn tù đã từng là một quản lý công ty cấp cao. Cô là người có học thức cao, tốt bụng và hòa đồng với mọi người. Khi tôi tới, cô nói: “Tôi có kinh văn của Sư phụ Lý, một cái đồng hồ và một cái chăn của một học viên Pháp Luân Công khác trước lúc rời đi đã nhờ tôi giữ hộ và nhờ chuyển lại cho học viên nào phải vào đây.” Tôi rất vui mừng vì ở trong hoàn cảnh này, tôi vẫn có thể học Pháp và phát chính niệm đúng giờ.

Hàng ngày chúng tôi đều phải lao động nặng nhọc và phải lắp ráp nhiều bật lửa. Mễ Trân chân tay nhanh nhẹn nên đều vượt mức hoàn thành công việc và thường được thưởng đồ ăn và nước uống. Cô ấy thường chia sẻ với mọi người, bao gồm cả các học viên. Chúng tôi thường nói chuyện với cô ấy về Pháp Luân Công bất cứ khi nào có cơ hội.

Một ngày nọ, chúng tôi đã làm được nhiều bật lửa hơn định mức. Cảnh sát đã gọi nhà bếp làm vài món ăn ngon và một ít bia đưa vào cho chúng tôi. Đến lúc mọi người ngồi quây quần lại để ăn cơm, tôi nâng cốc nước lên và nói: “Chúc mọi người mạnh khỏe và sớm ngày được về đoàn tụ cùng gia đình! Hãy nhớ mang vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp để nói cho người thân và bạn bè biết nhé.” Mễ Trân cũng nâng ly bia lên và nói: “Tôi cũng chân thành chúc cho Pháp Luân Công sớm đến ngày Pháp Chính Càn Khôn và tà ác bị toàn diệt nhé!” mọi người nghe xong đều nhiệt liệt vỗ tay hưởng ứng và cười nói vui vẻ.

Trước khi tôi rời khỏi trại giam, một cô gái trẻ đã ghi một dòng chữ vào sổ tay của tôi: “Chúc chị tu luyện thành công.”

Bạn tù ra dấu ủng hộ

Năm 2007, tôi bị giam trong một nhà tù nhữ. Hầu hết các tù nhân ở đây đều là người dân tộc thiểu số đơn giản và tốt bụng. Họ thường phải làm các công việc lao động nặng nhọc bên ngoài phòng giam và phải làm các công việc dọn dẹp khác khi trở về phòng. Những công việc lao động nặng nhọc này đã khiến họ hầu như bị kiệt sức.

Tôi không được phép rời khỏi phòng giam bởi không chịu từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Vì vậy tôi đã quyết định giúp đỡ họ dọn dẹp phòng giam để họ có thêm chút thời gian nghỉ ngơi khi trở về. Tôi lau chùi phòng giam, chia cơm, và sau khi mọi người ăn xong, tôi lại nhận phần rửa bát quét dọn. Mỗi chủ nhật, tôi lại giúp họ viết thư về cho gia đình và sử dụng nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn để khuyên họ không được vi phạm nguyên lý này trong tương lai khi được ra khỏi đây. Họ thích nghe tôi nói và đã biết rằng cuộc bức hại này của ĐCSTQ là phi pháp. Một hôm, khi một bạn tù biết rằng tôi là một học viên Pháp Luân Công, cô ấy đã giơ một ngón tay lên và nói: “Pháp Luân Công là tốt nhất!”

Hai phạm nhân được lính gác chỉ định ra để giám sát tôi cũng đối xử rất tốt với tôi. Họ không bao giờ báo cáo tôi và thường giúp đỡ các học viên khác khi cần.

Gác ngục bảo vệ quyền lợi cho tôi

Một ngày năm 2008, tôi yêu cầu được gặp gác ngục B để trình bày một số việc. Cô ấy đang ở một mình trong phòng và thông qua cuộc nói chuyện, tôi nhận thấy cô ấy là một người hiền lành, có giáo dục không giống như các giám ngục khác thường đối xử thô bạo với các học viên. Tôi bắt đầu câu chuyện bằng việc nói với cô là tôi tu luyện như thế nào và cuộc bức hại này phi pháp ra sao. Cô ấy không ngăn tôi lại cứ để tôi tiếp tục nói trong nửa giờ đồng hồ cho tới khi một nhân viên giám ngục khác đi ăn trở về. Tôi biết rằng cô ấy đã bảo vệ tôi. Sau này tôi biết, cô ấy đã tiếp xúc với nhiều học viên và biết về cuộc bức hại. Cô ấy không tham gia vào bức hại hay đối xử tệ với các học viên.

Nguyên tắc của nhà tù là không cho phép các học viên mua đồ ăn hay được gọi điện thoại nếu họ vẫn từ chối từ bỏ đức tin của mình. Trong dịp Tết Nguyên Đán, khi các tù nhân được đi siêu thị để mua thực phẩm về ăn tết, thì các học viên không có được chút thực phẩm nào, và nếu họ có thì cũng bị các giám ngục tịch thu mất.

Một hôm, một phạm nhân nói với tôi: “Giám ngục B nhờ tôi hỏi chị có muốn gọi điện thoại không.” Tất nhiên là tôi muốn. Tôi đã không được nói chuyện với người nhà hơn bốn năm rồi.

Vài ngày sau, giám ngục B phàn nàn với tôi rằng các giám ngục khác đã quá khắc nghiệt khi không cho các học viên đi mua thực phẩm trong các ngày nghỉ lễ, cô nói: “Tôi sẽ bảo vệ chị.” Ngày hôm sau, cô ấy đã nhờ người đưa cho tôi một ít đồ ăn.

Nhiều học viên Pháp Luân Công, sau khi đã hết án tù thường bị chuyển thẳng đến các trung tâm tẩy não, nơi họ tiếp tục bị tra tấn nếu không từ bỏ tu luyện. Ngay khi tôi hết hạn tù, gác ngục B đã chân thành nói với tôi: “ Chị sau khi ra khỏi đây thì đừng quay trở lại nữa nhé, nó tàn ác lắm.” Tôi cảm ơn cô và hứa sẽ không quay trở lại nữa.

Ngày tôi được tự do, dù không phải phiên trực nhưng cô ấy vẫn đến. Cô ấy đã mang hộ tôi va li ra đến cổng trại và nói với người tới đón tôi: “Anh định đưa cô ấy đi đâu?” Người đó nói sẽ đưa tôi thẳng về nhà. Sau đó cô ấy nói tôi là một tù nhân tốt nhất mà cô ấy từng gặp.


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2017/10/7/355187.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2017/10/8/165987p.html

Đăng ngày 26-11-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share